'Dũng sĩ đâm lê' trong chiến thắng Điện Biên Phủ

Tay vẫn nắm chặt súng, mặt bừng bừng căm giận, Hoàng Văn Nô từ từ ngã xuống, hy sinh anh dũng trong tư thế hiên ngang.

Hoàng Văn Nô người dân tộc Tày, quê ở Cao Bằng, là chiến sĩ thuộc Đại đoàn 316 có nhiệm vụ bao vây quân địch ở phía đông Điện Biên Phủ. 13 giờ ngày 31/01/1954, trong khi ta đang cố gắng hoàn thành việc chuyển pháo ra thì ở phía đông, 2 đại đội địch tiến ra lùng sục để thăm dò lực lượng của ta.

Bọn này được sự yểm trợ của không quân và pháo binh nên rất hùng hổ. Khi chúng kéo đến Tà Lèng thì gặp trận địa phòng ngự của Đại đội 925 (Tiểu đoàn 255, Trung đoàn 174) của Đại đoàn 316. Địch bị chặn đánh và bị diệt tại chỗ một trung đội. Địch hoảng sợ, buộc phải lui quân nhưng khi được pháo yểm trợ, chúng lại tiến lên đỉnh đồi. Tiểu đội do Tiểu đội trưởng Đinh Văn Niết chỉ huy chốt giữ ở đây đã chiến đấu dũng mãnh nhưng địch cậy đông vẫn tiếp tục tràn lên.

Các chiến sĩ khiêng gỗ làm hầm pháo. Ảnh tư liệu in sách.

Tiểu đội trưởng Niết lia một băng tiểu liên diệt gọn 2 tên nhưng không may anh bị trúng đạn. Thấy vậy Hoàng Văn Nô tuốt lưỡi lê cắm vào đầu súng, dẫn đầu cả tổ xông lên đuổi địch. Một tên lính lê dương quay lại giơ tiểu liên định bắn, Hoàng Văn Nô xông tới thét lên một tiếng và cắm phập lưỡi lê vào ngực kẻ thù. Tên lê dương to lớn ngã xuống chết tươi, bọn còn lại hoảng sợ xô nhau tháo chạy.

Nô chạy hết tốc độ đuổi theo, đâm tiếp 2 tên nữa, máu chảy ròng ròng trên đầu súng. Đến tên địch thứ tư, Nô đâm mạnh đến nỗi cả đầu súng ngập vào người nó, phải giơ chân đạp mạnh mới rút được súng ra. Quyết không tha lũ giặc, Nô lại phóng lên đuổi sát tên giặc thứ 5 và giương lê lên đâm thì bị một băng đạn địch bắn vào người.

Tay vẫn nắm chặt súng, mặt vẫn bừng bừng căm giận, lưỡi lê vẫn ròng ròng máu giặc, Hoàng Văn Nô từ từ ngã xuống, hy sinh anh dũng trong tư thế hiên ngang.

Toàn tiểu đội đồng chí Niết được Bộ Tổng tư lệnh tặng thưởng Huân chương chiến sĩ (nay gọi là Huân chương chiến công) hạng nhất. Riêng liệt sĩ Hoàng Văn Nô được truy tặng Huân chương và danh hiệu “dũng sĩ đâm lê”.

Công sự và trận địa của pháo binh được xây dựng cùng thời gian với các tuyến đường kéo pháo, ở các vị trí sau đây:

- Bắc đồi Độc Lập: 1 trận địa
- Đông bắc Mường Thanh: 2 trận địa
- Đông nam Mường Thanh: 2 trận địa. Trận địa lựu pháo được bố trí ở thế cao trên sườn núi đối diện với Mường Thanh, theo nguyên tắc “hỏa khí phân tán, hỏa lực tập trung” để vừa bảo đảm an toàn, vừa phát huy được sức mạnh của hỏa lực, cùng một lúc bắn phá dồn dập vào mục tiêu đã định. Các trận địa này cách trung tâm Mường Thanh từ 6 đến 7km, cách các vị trí ngoại vi tập đoàn cứ điểm từ 3 đến 4 km, trong tầm bắn rất có hiệu lực.

Đây là một bất ngờ lớn đối với địch. Trước khi bước vào trận đánh, chúng biết ta có pháo binh, nhưng cho rằng pháo ta chỉ có thể bố trí ở sườn núi che khuất phía bên kia, ngoài tầm bắn có hiệu lực, không nghĩ rằng ta lại có khả năng và dám mạo hiểm đưa pháo vào gần như thế. Chúng càng không tin vào khả năng bắn chính xác của pháo thủ ta mà chúng cho đa số là nông dân chưa quen tính toán phương vị, cự ly và góc độ bắn. Chính Piroth, Tư lệnh pháo binh Pháp ở Điện Biên Phủ đã gọi miệt thị pháo của ta là “Pháo dân sự!”.

Quán triệt chỉ thị của Đại tướng Tổng tư lệnh: “Pháo này là vốn quý của quốc gia, phải làm hầm kiên cố, đủ sức chống bom, chống đạn nổ và cả đạn xuyên của địch”, công binh ta đã xây dựng các trận địa pháo có công sự bắn, công sự ẩn nấp riêng. Hầm pháo được khoét sâu vào lòng núi, trên có cây che phủ, trước mặt có quả đồi thấp hơn để che ánh lửa mỗi khi bắn cho khỏi lộ.

Mỗi hầm pháo cao 5-6 m, sâu 4 m, đủ chỗ cho một khẩu pháo xếp càng nằm gọn. Phía trước là hầm để pháo triển khai bắn. Mỗi hầm đều có các cột gỗ đường kính 25-35cm chống đỡ. Nắp hầm dày trên 3 mét, dưới lát gỗ cây có đường kính từ 30cm trở lên, tiếp đến là các lớp đất xen kẽ với những bó nứa hoặc trúc tre, dày từ 20 đến 30cm, dài 4-5m. Miệng hầm được xếp các sọt đất, chỉ chừa một chỗ đủ cho nòng pháo nhô ra khoảng nửa mét.

Hầm này rộng đủ cho pháo giang càng ra bắn mà không ảnh hưởng đến thao tác của pháo thủ. Hai bên hầm có hai ngách thông sang hầm chỉ huy và hầm chứa đạn. Mỗi đại đội pháo gồm 4 khẩu đội có chung một hầm rộng làm nơi hội họp và vui chơi giải trí, biểu diễn văn nghệ v.v..

Từ khẩu nọ đến khẩu kia có hào giao thông nối liền, cứ cách một quãng lại có hố tránh bom đạn. Từ trận địa Đại đội lại có hào giao thông nối với khu vực Cung cấp ở phía sau. Ở đây có đầy đủ hầm nấu bếp, hầm ăn, hầm ngủ, hầm quân y, hầm để xe kéo pháo... Cách trận địa thật ngoài 100 mét lại có một số trận địa giả để thu hút bom và pháo địch.

Để có gỗ và nứa, tre làm hầm pháo mà không làm biến dạng cảnh vật xung quanh, anh em phải đi xa trên 6, 7 kilômét để chặt và khiêng về. Có những cây gỗ dài và nặng phải hàng chục người khiêng, gặp đạn pháo hay máy bay trinh sát là phải đứng im, chịu sức nặng của cây gỗ đè xuống đôi vai để cành lá ngụy trang không nhúc nhích, có người sau đó đã phải lịm đi vì kiệt sức.

Chính vì xây dựng được trận địa pháo vững chắc như vậy mà trong suốt quá trình chiến dịch, mặc dù không quân và pháo binh địch bắn phá vô cùng ác liệt, có đêm chúng bắn đến 6.000 viên, nhưng 24 khẩu lựu pháo 105 của ta hầu như tuyệt đối an toàn, chỉ có 1 khẩu coi như “bị thương nhẹ” vì 1 “càng” bị gãy.

Hoàng Minh Phương/NXB Trẻ

Nguồn Znews: https://znews.vn/dung-si-dam-le-trong-chien-thang-dien-bien-phu-post1472303.html