Đừng để đuối nước mãi là nỗi ám ảnh!

Mùa hè 2024 chỉ mới bắt đầu, nhưng từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh, nhiều vụ đuối nước thương tâm đã xảy ra cướp đi sinh mạng của không ít trẻ em (TE). Những hồi chuông cảnh báo đã được gióng lên nhưng vấn nạn đuối nước vẫn xảy ra hàng năm để lại niềm đau dai dẳng cho các bậc phụ huynh và nỗi lo, sự ám ảnh cho gia đình, cộng đồng, xã hội, nhất là mỗi dịp hè đến.Theo số liệu thống kê từ Sở LĐ-TB-XH, từ đầu năm 2024 đến nay, toàn tỉnh xảy ra 13 vụ đuối nước, lấy đi sinh mạng của 17 TE, trong đó, huyện Minh Hóa 4 vụ (5 TE tử vong), Bố Trạch 3 vụ (5 TE tử vong), Tuyên Hóa 3 vụ (4 TE tử vong), các huyện Quảng Trạch, Lệ Thủy và TX. Ba Đồn mỗi địa phương xảy ra 1 vụ với 1 TE tử vong.

Nỗi ám ảnh

Ngày 1/5/2024, khi mọi người, mọi nhà đang trong kỳ nghỉ lễ thì gia đình ông Cao Tiến D. và bà Cao Thị L. ở thôn Tiền Phong, xã Trung Hóa (Minh Hóa) lại nhuốm màu tang tóc khi hai đứa con của ông bà bị chết đuối cùng lúc. Gia cảnh khó khăn, người con trai đầu bị tàn tật nên bà L. phải bươn chải vào Nam kiếm sống. Nhận được hung tin hai đứa con bị đuối nước, nơi đất khách, bà L. thầm cầu nguyện để hai con được bình an, nhưng phép màu đã không xảy ra. Ngày về đưa tang hai con, bà L. khóc ngất, tự trách bản thân: “Các con ra đi mà tôi chưa kịp nhìn mặt lần cuối. Cố gắng làm lụng vất vả để mong bù đắp những thiếu thốn, thiệt thòi cho các con. Vậy mà…”.

Với xóm nhỏ thôn Tiền Phong, xã Trung Hóa, ngày 1/5/2024 trở thành ngày ám ảnh, bởi trong vụ đuối nước hôm đó, không chỉ có hai đứa con của ông D., bà L. mà còn có một học sinh (HS) khác cũng không thoát khỏi vòng xoáy của tử thần. Theo đó, vào khoảng 11 giờ 30 phút cùng ngày, nhóm 5 HS người địa phương đi tắm suối tại khu vực đập nước Mo Ro, thôn Tiền Phong. Đến khoảng hơn 12 giờ trưa thì xảy ra đuối nước khiến 3 HS tử vong. Nạn nhân là em C.T.M.Q. (SN 2008, HS lớp 10), C.T.T. (SN 2010, HS lớp 8) và C.H.T. (SN 2012, HS lớp 6) đều trú tại thôn Tiền Phong. Trong đó, em C.T.M.Q. và C.T.T. là hai chị em ruột (con ông D., bà L.). Đau thương, tang tóc phủ trùm lên xóm nhỏ vốn yên bình. Nhìn di ảnh những đứa trẻ ngây thơ, vô tội, ai cũng bàng hoàng, xót xa.

Trước đó, ngày 10/4, một vụ đuối nước thương tâm khác đã xảy ra tại thôn Đại Sơn, xã Đồng Hóa (Tuyên Hóa) cướp đi sinh mạng của hai nữ sinh (đều SN 2011) là T.T.T.M. (thôn Đại Sơn) và L.B.T. (thôn Đồng Phú). Và ngày 17/2, tại hồ Bàu Bàng, xã Trung Trạch (Bố Trạch) cũng xảy ra vụ đuối nước khiến hai em L.N.P.C. (SN 2020) và L.Q.A. (SN 2021), cùng ở xã Đức Trạch ra đi khi tuổi đời còn rất nhỏ…

Tuyên truyền về phòng, chống đuối nước cho học sinh là việc làm hết sức cần thiết nhằm góp phần hạn chế tai nạn đuối nước.

Tuyên truyền về phòng, chống đuối nước cho học sinh là việc làm hết sức cần thiết nhằm góp phần hạn chế tai nạn đuối nước.

Liên tiếp những vụ tai nạn đuối nước (TNĐN) mà đa số nạn nhân là TE xảy ra đã thực sự ám ảnh bao người. Dù thường xuyên được cảnh báo trên các phương tiện truyền thông nhưng năm nào, tình trạng đuối nước cũng xảy ra, để lại nỗi đau khôn cùng cho nhiều gia đình. Chia sẻ về nguyên nhân của thực trạng này, Phó Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) Hồ Tân Cảnh cho biết: Trong nhiều nguyên nhân dẫn đến TNĐN ở TE, nguyên nhân phổ biến nhất là do nhiều em không biết bơi hoặc đã biết bơi nhưng thiếu kiến thức, kỹ năng phòng, chống đuối nước (PCĐN) và thiếu sự giám sát của người lớn. Nhiều bậc phụ huynh bất cẩn, thiếu quan tâm, giám sát, chủ quan đối với TE khi sống trong môi trường tiềm ẩn TNĐN, bởi Quảng Bình có hệ thống sông ngòi, ao hồ khá dày. Tình trạng TE bị đuối nước còn phản ánh một thực trạng khác đó là thiếu sân chơi cho TE, nhất là ở khu vực nông thôn; công tác dạy bơi và kỹ năng cho TE mới chỉ tổ chức theo đợt, tự phát, phạm vi nhỏ lẻ, chưa liên tục...

Trách nhiệm không của riêng ai

Phó Giám đốc Sở LĐ-TB-XH Hồ Tân Cảnh khẳng định, công tác PCĐN cho TE không phải trách nhiệm của riêng ai mà là trách nhiệm chung của các cấp, ngành, gia đình, nhà trường và toàn xã hội. Trong đó, mỗi cấp, ngành, đoàn thể, nhà trường và gia đình cần có sự quan tâm, đầu tư, triển khai các giải pháp phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, điều kiện thực tiễn để cùng góp sức trong công tác PCĐN.

Đối với Sở LĐ-TB-XH, thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, đơn vị đã tích cực phối hợp với các sở, ban, ngành, đoàn thể liên quan và UBND các huyện, thị xã, thành phố đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền để phát huy vai trò của xã hội và cộng đồng dân cư trong việc bảo vệ, chăm sóc TE nhằm phòng, chống tai nạn thương tích, TNĐN cho TE. Sở cũng tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ làm công tác bảo vệ, chăm sóc TE các cấp; đồng thời, tăng cường thanh tra, kiểm tra về trách nhiệm thực hiện quyền TE và công tác PCĐN ở các địa phương, nhất là các địa phương thường xuyên xảy ra đuối nước ở TE.

Nhiều lớp dạy bơi miễn phí cho học sinh địa bàn khó khăn đã được tổ chức.

Nhiều lớp dạy bơi miễn phí cho học sinh địa bàn khó khăn đã được tổ chức.

Thực tế cho thấy, công tác PCĐN cho TE trên địa bàn tỉnh thời gian qua đã nhận được sự quan tâm, chung tay của nhiều tổ chức, đơn vị với những chuỗi hoạt động thiết thực, ý nghĩa. Hơn 10 năm đồng hành với Quảng Bình trong công tác PCĐN, dự án bơi an toàn (Swim for life) thuộc tổ chức nhân đạo Golden West đã đầu tư gần 22,8 tỷ đồng triển khai nhiều hoạt động, như: Hỗ trợ xây dựng 34 hồ bơi, tặng 1.000 áo phao, 170 cặp phao cho các trường học trên địa bàn tỉnh; hỗ trợ hoạt động dạy bơi an toàn cho 15.279 HS và tổ chức nhiều đợt tập huấn trang bị kiến thức dạy bơi, kỹ năng PCĐN cho đội ngũ giáo viên dạy môn Giáo dục thể chất và tổng phụ trách Đội ở các trường học.

Chị Đặng Thị Hải Yến, Giám đốc dự án Swim for life cho biết: Ngoài việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, dự án còn phối hợp với Tỉnh đoàn, Sở Văn hóa-Thể thao triển khai các hoạt động nhằm nâng cao nhận thức cho cộng đồng về PCĐN; phối hợp với Hội Chữ thập đỏ (CTĐ) tỉnh khảo sát, lắp đặt biển cảnh báo nguy hiểm về TNĐN và bảng truyền thông PCĐN tại các điểm nóng; lắp 175 pano, áp phích truyền thông về đuối nước và cách phòng tránh trước cổng các trường học. Dự án cũng hỗ trợ học phí học bơi (200.000 đồng/HS), trang thiết bị phục vụ cho hoạt động dạy và học bơi, hướng dẫn cho các trường cách xử lý bể bơi đúng kỹ thuật…

Cũng có chung mục đích nâng cao hiệu quả công tác PCĐN cho TE, Hội CTĐ tỉnh đã phối hợp với Hội Từ thiện Vinaconex và những người bạn hỗ trợ bể bơi di động để phối hợp tổ chức, quản lý và hướng dẫn kỹ năng bơi lội cho TE tại các trường học. Sau 6 năm thực hiện (2019-2024), Hội Từ thiện Vinaconex và những người bạn đã hỗ trợ lắp đặt 14 bể bơi cho 14 trường học trên địa bàn tỉnh. Sau khi hoàn thiện các hạng mục của bể bơi, đủ điều kiện bảo đảm cho công tác dạy bơi và huấn luyện, các trường học đã chủ động tổ chức các lớp dạy bơi cho HS…

Những động thái tích cực để hạn chế TNĐN cho TE đã được triển khai. Những lớp dạy bơi miễn phí cho HS vùng khó khăn đã được tổ chức. Và những hồi chuông cảnh báo đã gióng lên từ lâu nhưng dường như TNĐN vẫn luôn chực chờ.

PCĐN đã không còn là vấn đề của riêng ai và bảo vệ sinh mạng cho TE cũng không thể nói nhiều, làm ít mà cần hành động quyết liệt. Vì vậy, bên cạnh sự vào cuộc của các cấp, ngành, cơ quan chức năng, thì mỗi bậc phụ huynh cần quan tâm, theo dõi chặt chẽ và nhắc nhở con em cẩn trọng khi vui chơi, tắm sông, ao, hồ, tạo điều kiện cho con em được tham gia các lớp học bơi, trang bị khả năng PCĐN... Đã đến lúc cần hành động mạnh mẽ, quyết liệt và kịp thời, để hai chữ “đuối nước” không còn là nỗi ám ảnh, là niềm đau của những gia đình.

Nguồn Quảng Bình: https://www.baoquangbinh.vn/xa-hoi/202405/dung-de-duoi-nuoc-mai-la-noi-am-anh-2218151/