Du lịch Châu Á - Thái Bình Dương tấp nập trở lại với Top điểm đến thịnh hành nhất thế giới

Chiếm 1/2 trong 'Top 10 điểm đến du lịch thịnh hành nhất thế giới', khu vực châu Á - Thái Bình Dương được Viện Kinh tế Mastercard của Mỹ nhận định đang đón dòng chảy du lịch tấp nập trở lại năm 2024. Đặc biệt du khách Ấn Độ đi du lịch nhiều hơn bao giờ hết, với số khách đến Việt Nam tăng tới 248%.

APAC ghi dấu ấn trong "Top 10 điểm đến du lịch thịnh hành nhất thế giới" với Nhật Bản dẫn đầu ở vị trí số 1. Ảnh: mastercard.com

APAC ghi dấu ấn trong "Top 10 điểm đến du lịch thịnh hành nhất thế giới" với Nhật Bản dẫn đầu ở vị trí số 1. Ảnh: mastercard.com

Xu hướng du lịch "phá vỡ các ranh giới" năm 2024

Báo cáo thường niên mới nhất có tiêu đề "Xu hướng du lịch năm 2024: Phá vỡ các ranh giới" (Travel Trends 2024: Breaking Boundaries) vừa được Viện Kinh tế Mastercard (MEI) của Mỹ phát hành ngày 15/5. Báo cáo cung cấp cái nhìn toàn diện về bối cảnh phát triển du lịch tại 74 thị trường, trong đó có 13 thị trường ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương (APAC).

APAC bao gồm: Việt Nam, Australia, Brunei, Canada, Chile, Trung Quốc đại lục cùng vùng lãnh thổ Đài Loan và đặc khu hành chính Hồng Kông; Indonesia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia, Mexico, New Zealand, Papua New Guinea, Philippines, Singapore, Thái Lan, Mỹ, Nga, Peru.

Bất chấp sự biến động của tỷ giá hối đoái và mức độ chi phí khác nhau, lĩnh vực du lịch trên thế giới vẫn liên tiếp tạo dấu ấn bùng nổ kể từ đầu năm 2024 đến nay. Hướng về tương lai, Viện Kinh tế Mastercard dự đoán động lực này sẽ tiếp tục khi du khách thế giới đang theo xu hướng ưu tiên các trải nghiệm ý nghĩa và chi nhiều tiền hơn cho du lịch.

Sân bay Haneda ở Tokyo ngày 27/4 rất đông du khách đi nghỉ dịp Tuần lễ vàng (từ 29/4-5/5) của Nhật Bản. Ảnh: Kyodo

Sân bay Haneda ở Tokyo ngày 27/4 rất đông du khách đi nghỉ dịp Tuần lễ vàng (từ 29/4-5/5) của Nhật Bản. Ảnh: Kyodo

Giao lộ Shibuya nổi tiếng ở Tokyo đông nghịt người dân và du khách ngày 5/5, dịp kỳ nghỉ Tuần lễ vàng tháng 5/2024 của Nhật Bản. Ảnh: Kyodo

Giao lộ Shibuya nổi tiếng ở Tokyo đông nghịt người dân và du khách ngày 5/5, dịp kỳ nghỉ Tuần lễ vàng tháng 5/2024 của Nhật Bản. Ảnh: Kyodo

Trên cơ sở đó, báo cáo xu hướng du lịch năm 2024 của Viện Kinh tế Mastercard của Mỹ (Mastercard Economics Institute - MEI) đi sâu vào các xu hướng du lịch chính trong năm 2024 và các năm tiếp theo. Trong đó châu Á - Thái Bình Dương (APAC) được Viện Kinh tế Mastercard nhấn mạnh rằng:

Các điểm đến của APAC có xu hướng tiếp tục phát triển mạnh mẽ. Với việc chiếm 1/2 trong "Top 10 điểm đến du lịch thịnh hành nhất thế giới", APAC đã chứng tỏ được sức hút lớn nhất với du khách. Điều này được thể hiện rõ qua tỷ trọng giao dịch du lịch trong 12 tháng qua (tính đến tháng 3/2024).

Theo đó, APAC ghi dấu ấn trong "Top 10 điểm đến du lịch thịnh hành nhất thế giới" với Nhật Bản dẫn đầu ở vị trí số 1. Tiếp theo là Malaysia xếp thứ 6, Australia (thứ 7), Hàn Quốc (thứ 8) và Indonesia (thứ 10).

Được thúc đẩy bởi đồng tiền Yên "yếu" (tỷ giá thấp nhất kể từ năm 1990), Nhật Bản được dự báo vẫn sẽ là quốc gia dẫn đầu các điểm đến du lịch thịnh hành nhất thế giới trong cả năm 2024, với số du khách quốc tế ghé thăm có thể vượt qua mức kỷ lục 31,88 triệu lượt người của năm 2019.

Du lịch Thái Lan cũng được dự báo sẽ phục hồi hoàn toàn trong năm 2024. Ảnh: Nation

Du lịch Thái Lan cũng được dự báo sẽ phục hồi hoàn toàn trong năm 2024. Ảnh: Nation

Nhật Bản vừa ghi nhận số du khách quốc tế đến vượt mức 3 triệu lượt người trong 2 tháng liên tiếp (3,09 triệu lượt khách đến trong tháng 3/2024 và 3,04 triệu lượt khách đến trong tháng 4/2024). Tổng cộng số du khách quốc tế đến Nhật Bản trong 4 tháng đầu năm 2024 đạt khoảng 11,6 triệu lượt người.

Du lịch Thái Lan cũng được dự báo sẽ phục hồi hoàn toàn trong năm 2024, với số du khách quốc tế đến từ đầu năm đến nay chỉ thấp hơn 7% so với mức của năm 2019. Đặc biệt lưu lượng chuyến bay đến Thái Lan từ khu vực Nam Á và các nước ASEAN khác cao hơn gần 20% so với năm 2019.

Dấu ấn APAC trong Top 10 điểm đến thịnh hành mùa hè 2024

Trong 12 tháng tiếp theo (kể từ tháng 4/2024) Munich - Thủ phủ bang Bayern của nước Đức được xếp ở vị trí số 1, dẫn đầu "Top 10 điểm đến thịnh hành mùa hè 2024" (Top 10 trending summer destinations) từ tháng 6 đến tháng 8. Thứ hạng này được tính theo tỷ lệ tăng thị phần đặt vé máy bay, do Munich là nơi đăng cai tổ chức giải vô địch bóng đá UEFA EURO 2024 vào tháng 6 tới.

Thành phố Munich là một trong những điểm đến phổ biến nhất của nước Đức, với sức cuốn hút của câu lạc bộ bóng đá Bayern Munich, bia và nhiều điều thú vị khác. Ảnh: misstourist

Thành phố Munich là một trong những điểm đến phổ biến nhất của nước Đức, với sức cuốn hút của câu lạc bộ bóng đá Bayern Munich, bia và nhiều điều thú vị khác. Ảnh: misstourist

APAC cũng ghi dấu ấn trong "Top 10 điểm đến thịnh hành mùa hè 2024". Ảnh: mastercard.com

APAC cũng ghi dấu ấn trong "Top 10 điểm đến thịnh hành mùa hè 2024". Ảnh: mastercard.com

Đồng thời APAC cũng tiếp tục ghi dấu ấn trong Top 10 này, với 3 thành phố thu hút số lượt tìm kiếm gia tăng mạnh trong 3 tháng tới (từ tháng 6 - 8) là: Tokyo, Nhật Bản (xếp thứ 2); Bali, Indonesia (thứ 6) và Bangkok, Thái Lan (thứ 7).

Một điểm nhấn nữa của APAC là Trung Quốc đại lục với động lực du lịch của du khách đã thay đổi, khi ngày càng có nhiều người ưu tiên cho những chuyến đi nội địa hơn các tour quốc tế.

Đại sứ quán Ấn Độ khai trương gian hàng tại Hội chợ du lịch quốc tế Việt Nam (VITM Hà Nội 2024) ngày 11/4 để giới thiệu về du lịch Ấn Độ. Ảnh: VOV

Đại sứ quán Ấn Độ khai trương gian hàng tại Hội chợ du lịch quốc tế Việt Nam (VITM Hà Nội 2024) ngày 11/4 để giới thiệu về du lịch Ấn Độ. Ảnh: VOV

Du khách Ấn Độ hào hứng với tour khám phá điểm đến nổi tiếng vịnh Hạ Long của Việt Nam. Ảnh: paradisevietnam

Du khách Ấn Độ hào hứng với tour khám phá điểm đến nổi tiếng vịnh Hạ Long của Việt Nam. Ảnh: paradisevietnam

Dẫu vậy lưu lượng du lịch quốc tế (outbound) của Trung Quốc đại lục hiện đã đạt khoảng 80,3% so với mức của năm 2019. Dự kiến tốc độ tăng trưởng du lịch quốc tế (outbound) của Trung Quốc sẽ nhanh và mạnh hơn trong năm 2024, do được thúc đẩy bởi chính sách miễn thị thực ở APAC và các nơi khác, cùng đà gia tăng năng lực bay quốc tế.

Năm 2024 cũng ghi dấu ấn du khách Ấn Độ đi du lịch quốc tế (outbound) nhiều hơn bao giờ hết. Trong 3 tháng đầu năm 2024 đã có 97 triệu lượt hành khách đi qua các sân bay của Ấn Độ (bằng mức của cả năm thời thập niên trước). Trong đó lưu lượng hành khách bay nội địa tăng 21% và lưu lượng hành khách bay quốc tế tăng 4% so với năm 2019.

Du khách thế giới đang nghiêng theo xu hướng ưu tiên các trải nghiệm ý nghĩa, như vẻ đẹp yên bình của đảo Nusa Penida - nơi được mệnh danh là "Bali hoang sơ" của Indonesia. Ảnh: affordableluxurytravel

Du khách thế giới đang nghiêng theo xu hướng ưu tiên các trải nghiệm ý nghĩa, như vẻ đẹp yên bình của đảo Nusa Penida - nơi được mệnh danh là "Bali hoang sơ" của Indonesia. Ảnh: affordableluxurytravel

Số du khách Ấn Độ đến các thị trường trọng điểm tăng đáng kể so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó du khách Ấn Độ đến Việt Nam tăng tới 248%; đến Mỹ tăng 59%; đến Nhật Bản tăng 53%.

Xu hướng du khách ưu tiên cho trải nghiệm nhiều hơn mua sắm cũng được thể hiện qua thực tế - các du khách ưa thích cảm giác mạnh gia tăng trải nghiệm cuộc sống về đêm tại các điểm đến. Mức chi tiêu cho trải nghiệm cuộc sống về đêm chiếm tổng cộng 12% doanh thu du lịch - cao nhất trong khoảng 5 năm qua. Tốc độ mua sắm cũng đang phục hồi nhưng chậm hơn.

Nguồn: Mastercard, Kyodo

Thanh Nguyễn

Nguồn Công dân & Khuyến học: https://congdankhuyenhoc.vn/du-lich-chau-a-thai-binh-duong-tap-nap-tro-lai-voi-top-diem-den-thinh-hanh-nhat-the-gioi-179240519225559092.htm