Dự đoán hiệu quả của vắc-xin sốt xuất huyết tại Việt Nam

Tại Việt Nam, tuýp virus sốt xuất huyết lưu hành năm 2023 chủ yếu là tuýp 1 và 2 (DENV-1 và DENV-2).

Điều đó có thể mang đến lợi thế trong việc sử dụng vắc-xin phòng bệnh. Bởi, vắc-xin tetravalent (TAK-003) có hiệu quả trên tuýp 1 và 2 trong thử nghiệm tương đối cao.

Dịch bệnh “hạ nhiệt”

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, trong tuần đầu tiên của năm 2024 (từ ngày 29/12/2023 đến 5/1/2024), trên địa bàn thành phố ghi nhận 177 trường hợp sốt xuất huyết tại 24 quận, huyện.

Số liệu cho thấy, mức giảm gần 400 trường hợp so với tuần trước đó và giảm hơn 2.500 trường hợp so với cuối tháng 10 và đầu tháng 11/2023. Cụ thể, tại các quận, huyện ghi nhận nhiều bệnh nhân trong tuần qua, dẫn đầu là Đống Đa với 44 ca, tiếp đến là Hà Đông (19 ca); Thanh Oai (19 ca); Ba Vì (14 ca); Hai Bà Trưng (12 ca); Hoàng Mai (10 ca).

Như vậy, cộng dồn từ đầu năm 2023 đến nay, Hà Nội đã ghi nhận 40.656 trường hợp mắc sốt xuất huyết (tăng hơn 2 lần so với cùng kỳ năm 2022). Trong đó, có 4 ca tử vong.

Bệnh nhân phân bố tại 30/30 quận, huyện, thị xã; 575/579 xã, phường, thị trấn. Tổng số ổ dịch năm 2023 là 1.977. Hiện, còn 3 ổ dịch hoạt động tại quận Đống Đa.

Theo đánh giá của CDC thành phố, hiện tình hình dịch sốt xuất huyết đã cơ bản được kiểm soát. Số mắc sốt xuất huyết hằng tuần đang có xu hướng giảm liên tiếp, rõ rệt, nhanh chóng.

Dự báo, trong 3 tháng đầu năm 2024, xu hướng dịch bệnh sốt xuất huyết tiếp tục giảm trên địa bàn thành phố do thời tiết chuyển lạnh theo chu kỳ hằng năm. Đây là điều kiện không thuận lợi cho sự phát triển của muỗi truyền bệnh.

Mặc dù vậy, ngành y tế khuyến cáo, người dân không nên chủ quan, nghĩ rằng đã qua đỉnh dịch mà lơ là các biện pháp phòng bệnh, có thể khiến tình hình dịch phức tạp hơn.

Người dân cần tiếp tục duy trì và thực hiện thường xuyên, liên tục các biện pháp phòng bệnh như: Diệt muỗi, diệt bọ gậy, loại bỏ các dụng cụ chứa nước đọng không cho muỗi truyền bệnh có môi trường sinh sôi, phát triển.

Phương pháp phòng bệnh hiệu quả

Tiêm phòng vắc-xin được coi là biện pháp phòng chống hiệu quả nhất đối với các bệnh truyền nhiễm, trong đó có cả sốt xuất huyết. Trước đó, GS.TS Nguyễn Văn Kính, Phó Chủ tịch Tổng hội Y học Việt Nam, nguyên Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cho biết, Việt Nam là một trong những quốc gia sẽ tham gia tiêm thử nghiệm vắc-xin sốt xuất huyết của Nhật Bản.

Chia sẻ về vắc-xin sốt xuất huyết, bác sĩ Lê Minh Khánh, Viện Y học ứng dụng Việt Nam cho biết: “Vắc-xin tetravalent (TAK-003) được nghiên cứu và phát triển bởi Takeda Vaccines. Tại báo cáo các kết quả chính trong một thử nghiệm ngẫu nhiên giai đoạn 3 và đăng tải trên tạp chí New England Journal Medicine, các kết quả quan trọng đã được chỉ ra”.

Theo chuyên gia này, về bản chất, vắc-xin TAK-003 được nghiên cứu và chế tạo nhằm phòng ngừa cả 4 chủng virus Dengue (DENV-1 đến DENV-4). TAK-003 là một loại vắc-xin dựa trên virus DENV-2 sống giảm độc lực, cung cấp phần “xương sống” là cấu trúc di truyền của cả 4 chủng virus.

Ban đầu, vắc-xin này được nghiên cứu và phát triển bởi các nhà khoa học tại CDC Mỹ. Nghiên cứu đã tiến hành trên 20.071 trẻ em có độ tuổi từ 4 - 16 tuổi tại 8 quốc gia khu vực châu Á và Mỹ Latinh, với nhóm trẻ nhỏ được lựa chọn ngẫu nhiên theo tỉ lệ 2:1 có phân tầng theo tuổi và khu vực.

Nghiên cứu đã chỉ ra tiềm năng của vắc-xin là tốt, với khả năng hiệu quả tổng thể khoảng 80% chống lại nhiễm trùng ở nhóm từ 4 - 16 tuổi. Đối với việc chống lại tình trạng bệnh nặng phải nhập viện, hiệu quả của vắc-xin đạt 95,4%. Tỷ lệ gặp phải tác dụng phụ là khoảng trên 3% ở các nhóm tiêm phòng. Vắc-xin cũng hiệu quả trên các tuýp virus khác nhau, với hiệu lực từ 73% trở lên.

“Tại Việt Nam, tuýp virus lưu hành năm 2023 chủ yếu là tuýp 1 và 2 (DENV-1 và DENV-2). Không có sự khác biệt về các tuýp virus lưu hành những năm gần đây. Điều đó có thể mang đến lợi thế trong việc sử dụng vắc-xin, khi vắc-xin có hiệu quả trên tuýp 1 và 2 trong thử nghiệm tương đối cao”, bác sĩ Lê Minh Khánh nhận định.

Tính đến đầu tháng 10/2023, Việt Nam ghi nhận 93.800 trường hợp mắc sốt xuất huyết trên cả nước, trong đó có 26 trường hợp tử vong. So với cùng kỳ năm 2022, số ca mắc giảm 58,9% và tử vong giảm 91 trường hợp.

Theo nhận định của các chuyên gia, tình hình dịch sốt xuất huyết vẫn còn nhiều diễn biến phức tạp, đặc biệt khi biến đổi khí hậu với hiện tượng El Nino kéo dài trong năm 2023 - 2024.

Đó là điều kiện thuận lợi để muỗi sinh sản, dẫn đến bệnh sốt xuất huyết lây lan. Việc triển khai đánh giá và áp dụng vắc-xin trong cộng đồng có thể là một phương pháp hiệu quả, bên cạnh những phương pháp dự phòng thiết yếu ban đầu.

Loại vắc-xin sốt xuất huyết đầu tiên ra đời trên thế giới là Dengvaxia (CYD-TDV). Đây là một sản phẩm của hãng dược Pháp Sanofi Pasteur. Dengvaxia được phê duyệt đầu tiên ở Mexico vào cuối năm 2015 cho người từ 9 - 45 tuổi sống ở các vùng lưu hành bệnh.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Dengvaxia hiện đã được cấp phép ở 20 quốc gia. Đây là một vắc-xin có khả năng ngừa cả 4 chủng virus Dengue gây bệnh sốt xuất huyết.

Kết quả thử nghiệm giai đoạn cuối của Dengvaxia cho thấy, trong năm sau đợt thử nghiệm đầu tiên, hiệu quả chống lại bệnh sốt xuất huyết trung bình là 59,2% và khả năng chống lại sốt xuất huyết nặng là 79%.

WHO khuyến nghị các quốc gia đưa vắc-xin Dengvaxia vào chương trình tiêm chủng cần kết hợp chiến lược sàng lọc trước khi tiêm. Trong đó, chỉ những người có huyết thanh dương tính với sốt xuất huyết mới được tiêm chủng, tức người từng bị nhiễm bệnh trước đó.

Lời khuyên này là do có dữ liệu cho thấy, vắc-xin có thể làm tăng độ nặng của bệnh khi sử dụng ở người chưa từng phơi nhiễm sốt xuất huyết.

Vân Huyền

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/du-doan-hieu-qua-cua-vac-xin-sot-xuat-huyet-tai-viet-nam-post668157.html