Dự án Dung Quất 2 của Tập đoàn Hòa Phát (HPG) có thể hoạt động từ cuối năm nay

Giai đoạn 1 - Dự án Dung Quất 2 của Tập đoàn Hòa Phát (mã cổ phiếu HPG) dự kiến có thể hoạt động ngay từ cuối quý 4/2024. Sau khi đi vào hoạt động toàn bộ từ cuối năm 2025, dự án này có thể đóng góp thêm 4 tỷ USD doanh thu cho Tập đoàn Hòa Phát.

Giai đoạn 1 của Dự án Dung Quất 2 có thể hoạt động từ cuối năm nay

Tập đoàn Hòa Phát hiện đang triển khai Giai đoạn 2 của Khu liên hợp Dung Quất với tổng mức đầu tư lên đến 85.000 tỷ đồng.

Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý 1/2024, bảng cân đối kế toán của của Công ty Cổ phần Tập đoàn Hòa Phát (mã cổ phiếu HPG - sàn HoSE) đã có sự thay đổi mạnh về nợ phải trả.

Theo đó, tính đến cuối quý 1/2024, dư nợ vay cả ngắn hạn và dài hạn của tập đoàn này đã tăng vọt hơn 18% tương đương tăng thêm hơn 12.000 tỷ đồng so với đầu năm, lên hơn 77.000 tỷ đồng. Đây là mức dư nợ vay cao nhất lịch sử của Tập đoàn Hòa Phát.

Ban lãnh đạo Tập đoàn Hòa Phát cho biết, dư nợ vay tăng mạnh do hoạt động mua sắm vật tư và giải ngân cho dự án Khu liên hợp Gang thép Dung Quất 2. Trong quý đầu năm 2024, tập đoàn đã giải ngân thêm gần 4.250 tỷ đồng vào dự án này, nâng tổng vốn đầu tư lũy kế đã giải ngân đến cuối quý 1/2024 lên 26.800 tỷ đồng (hơn 1 tỷ USD).

Dự án Dung Quất 2 từng được ông Trần Đình Long - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hòa Phát ví von là “quả đấm thép” với tổng mức đầu tư lên tới 85.000 tỷ đồng (hơn 3,1 tỷ USD).

Tính đến cuối tháng 3/2024, tiến độ dự án đã đạt khoảng 50,7% toàn bộ các hạng mục chính, bám sát kế hoạch của Tập đoàn Hòa Phát. Theo đó, hãng chứng khoán Bảo Việt Securities (BVSC) đánh giá Lò cao 1 (giai đoạn 1) của Dự án Dung Quất 2 dự kiến sẽ hoạt động vào cuối quý 4/2024, chậm nhất là quý 1/2025; lò cao 2 (giai đoạn 2) sẽ đi vào hoạt động từ cuối năm 2025.

Đáng chú ý, thể tích lò tại Dự án Dung Quất 2 lên tới 2.500 m3, gấp đôi thể tích lò của Dự án Dung Quất 1 (1.080 m3), giúp tiêu hao năng lượng ở mức thấp hơn.

Dự án Dung Quất 2 có tổng công suất thiết kế đạt 5,6 triệu tấn thép/năm, bao gồm 4,6 triệu tấn thép cuộn cán nóng (HRC) và 1 triệu tấn thép đặc biệt. Qua đó, tổng năng lực sản xuất HRC của Tập đoàn Hòa Phát sẽ đạt 8,6 triệu tấn, giúp ngành công nghiệp cơ khí chế tạo của Việt Nam tự chủ được nguồn nguyên liệu ngay tại thị trường trong nước.

Doanh thu có thể tăng thêm 4 tỷ USD, sẽ khai thác thị trường Trung Đông

Đối với sản phẩm thép đặc biệt từ Dự án Dung Quất 2, ban lãnh đạo Tập đoàn Hòa Phát cho biết sẽ được ứng dụng trong sản xuất công nghiệp nặng như sản xuất ô tô/đóng tàu, thép chất lượng cao có hàm lượng carbon thấp cũng đạt chuẩn để sản xuất các sản phẩm như vỏ đồ hộp, đồ gia dụng,… Qua đó, kết quả kinh doanh của tập đoàn sẽ ít phụ thuộc hơn vào tính chu kỳ của thị trường bất động sản cũng như mở ra triển vọng xuất khẩu trong dài hạn.

Đáng chú ý, giá thép đặc biệt thường cao hơn 50-60 USD so với giá thép HRC thông thường và biên lợi nhuận cũng lớn hơn.

Theo ước tính của nhiều tổ chức tài chính, khi chạy tối đa công suất, Dự án Dung Quất 2 sẽ đóng góp vào khoảng 80 - 100.000 tỷ đồng doanh thu (khoảng 3 - 4 tỷ USD) cho Tập đoàn Hòa Phát (với giả định giá HRC khoảng 600 USD/tấn) và đóng góp 50 - 60% biên lợi nhuận gộp của tập đoàn.

Khối lượng giao dịch và xu hướng giá cổ phiếu HPG của Tập đoàn Hòa Phát trong năm 2023 đến nay. (Nguồn: TradingView)

Với Dự án Dung Quất 2, sản lượng tăng thêm ở giai đoạn 1 khoảng hơn 2 triệu tấn HRC, Tập đoàn Hòa Phát cho biết sẽ không tập trung xuất khẩu sang các thị trường chủ chốt hiện nay như EU, Đông Nam Á hay Mexico mà tìm kiếm thị trường mới ở Trung Đông.

Bên cạnh đó, Tập đoàn Hòa Phát sẽ đẩy mạnh việc nghiên cứu sản phẩm mới nhằm khai thác tối đa tiềm năng của Dự án Dung Quất 2. Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2024 vừa qua, ông Trần Đình Long cho biết, tập đoàn đang nghiên cứu tôn silic/thép điện - nguyên liệu chính để sản xuất mô tơ điện (dùng trong ngành xe điện) và máy biến áp.

Tại Việt Nam, chỉ có một công ty sản xuất được tôn silic nhưng chỉ nhập về và gia công khâu cuối cùng, còn Tập đoàn Hòa Phát mong muốn sản xuất sản phẩm từ đầu đến cuối quy trình.

Nếu sản xuất thành công sản phẩm này, Tập đoàn Hòa Phát sẽ trở thành công ty trong nước đầu tiên sở hữu chuỗi giá trị sản xuất thép hoàn chỉnh từ thượng nguồn tới hạ nguồn. Tập đoàn sẽ sớm tiến hành nghiên cứu khả thi cho dự án này và việc thử nghiệm sẽ bắt đầu tại Dự án Dung Quất sau khi giai đoạn 2 hoàn thành.

Duy Quang

Nguồn Tạp chí Công thương: https://tapchicongthuong.vn/du-an-dung-quat-2-cua-tap-doan-hoa-phat--hpg--co-the-hoat-dong-tu-cuoi-nam-nay-121027.htm