Đồng Văn phòng ngừa thông tin xấu trên mạng xã hội cho học sinh

BHG - Huyện Đồng Văn là một trong những địa phương có nền kinh tế năng động, tốc độ phát triển nhanh nhất trên địa bàn tỉnh Hà Giang, đặc biệt là phát triển về ngành Du lịch. Những năm gần đây, huyện Đồng Văn đã chú trọng đầu tư, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và phát triển theo hướng thân thiện, bền vững, trở thành điểm đến của nhiều du khách trong và ngoài nước. Với nhiều lợi ích thiết thực, mạng xã hội đã khẳng định được vai trò thiết yếu trong đời sống hàng ngày của các em học sinh trên địa bàn huyện. Các em ngoài việc sử dụng mạng xã hội để giải trí, giao lưu kết bạn thì còn để cập nhật các tin tức, theo dõi tình hình thời sự thay cho các phương tiện thông tin đại chúng truyền thống khác. Nhưng, bên cạnh những mặt tích cực, mạng xã hội cũng mang đến nhiều mặt trái, tiêu cực cho học sinh nói riêng và toàn xã hội nói chung...

Công an huyện Đồng Văn tuyên truyền pháp luật tại các trường học.

Công an huyện Đồng Văn tuyên truyền pháp luật tại các trường học.

Hiện nay, các thế lực thù địch, phản động, các đối tượng cơ hội chính trị, bất mãn ráo riết thực hiện các âm mưu diễn biến hòa bình nhằm xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng, xóa bỏ con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Mạng xã hội là một trong những công cụ mà chúng sử dụng để tấn công vào nền tảng tư tưởng của Đảng, bôi nhọ, nói xấu, hạ uy tín các đồng chí lãnh đạo, xuyên tạc, chống phá chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước… Lực lượng thanh niên, trong đó có học sinh là lực lượng hùng hậu, một bộ phận quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ở mỗi giai đoạn lịch sử. Cùng với đó, đây cũng là đối tượng mà các thế lực thù địch và bọn phản động lợi dụng trong “Chiến lược diễn biến hòa bình” chống phá Đảng và Nhà nước ta. Chúng tìm cách gây dựng nhóm cộng tác viên mới, trẻ tuổi, có khi còn là học sinh để tham gia vào các hoạt động tuyên truyền chống phá, phá hoại. Không chỉ có xu hướng cập nhật những kiến thức hiện đại, khả năng ứng dụng khoa học, kỹ thuật, công nghệ thông tin cao, lực lượng học sinh còn mang trong mình sự năng động, nhiệt huyết của tuổi trẻ. Tuy nhiên, nhận thức, bản lĩnh về tư tưởng, chính trị của học sinh chưa đủ vững vàng, dễ hoang mang, dao động, dễ bị tác động trước các luận điệu xuyên tạc mà các thế lực thù địch và các đối tượng xấu đưa ra.

Lợi dụng mạng xã hội kêu gọi tụ tập đông người nhằm gây phức tạp về an ninh trật tự, kích động tư tưởng bất mãn, gây xói mòn lòng tin của học sinh, sinh viên đối với nền tảng tư tưởng của Đảng. Bằng việc tạo ra các sự kiện giả mạo, các đối tượng xấu có thể lôi kéo, kích động nhiều người tham dự các cuộc biểu tình, hội thảo hoặc cuộc gặp gỡ, nhằm tạo ra sự kích động, tập trung sự chú ý của học sinh vào những vấn đề phản đối hoặc phá hoại tư tưởng của Đảng. Các hình thức tương tác trực tuyến như livestreams, video trực tiếp, hoặc chia sẻ nội dung đa phương tiện cũng có thể được lợi dụng để lan truyền thông điệp phản động, phá hoại. Thời gian qua, tổ chức khủng bố Việt Tân đã và đang tập trung hiện thực hóa các nội dung, tiêu chí trong “Hệ Chiến lược 3.0” với trọng tâm là trực tiếp tổ chức hoặc đứng sau kích động người dân tụ tập biểu tình phản đối chính quyền để gây xói mòn lòng tin của người dân vào Đảng Cộng sản Việt Nam. Cùng với sự phát triển của công nghệ thông tin và mạng xã hội trong giới trẻ, không khó để nhận định số đối tượng trọng tâm, trọng điểm mà tổ chức Việt Tân nhắm tới chính là đội ngũ học sinh, sinh viên.

Lợi dụng Internet, mạng xã hội truyền bá những tư tưởng lệch lạc, sai trái về chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, gây hoài nghi về con đường đi lên Chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Trong thời đại công nghệ thông tin, học sinh thường có xu hướng tìm kiếm thông tin nhanh chóng trên Internet. Lợi dụng các nền tảng tìm kiếm, truyền thông trực tuyến, mạng xã hội, các thế lực thù địch, đối tượng chống đối sẽ tìm mọi cách để lan truyền thông tin xuyên tạc về chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước, chế độ, chính sách trong điều hành, phát triển của huyện; thu thập các thông tin về đời tư, thân nhân của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước để xuyên tạc, nói xấu, bôi nhọ, hạ uy tín…; đăng tải nhiều thông tin, tài liệu có nội dung phản động, thông tin lập lờ, suy diễn không đúng bản chất. Thông qua việc tạo các bài viết, hình ảnh cắt ghép, video với nội dung xúc phạm, bôi nhọ hoặc châm biếm, chúng nhắm vào tâm lý hiếu kỳ, “bắt trend” của giới trẻ để thu hút, kích động, hướng lái dư luận, tạo ra những hiệu ứng tiêu cực, làm suy giảm lòng tin của bộ phận học sinh về công cuộc xây dựng, hoàn thiện, đổi mới của đất nước.

Bên cạnh việc tuyên truyền chủ đích, đưa các thông tin sai lệch nhằm phá hoại nền tảng tư tưởng của Đảng trong học sinh, thời gian gần đây, các thế lực thù địch, chống đối sử dụng các chiến thuật gây chia rẽ tạo nên những hiệu ứng tiêu cực trên Internet. Bằng việc nêu ra những quan điểm trái chiều, tạo ra các chủ đề để tranh cãi; học sinh sẽ dễ dàng bị cuốn vào các cuộc tranh luận không có điểm dừng trên các diễn đàn, mạng xã hội. Đây là điều kiện thuận lợi để các thế lực thù địch lồng ghép các nội dung xuyên tạc thông tin, kích động mâu thuẫn giữa các nhóm học sinh; tạo ra một môi trường căng thẳng, gây rối, phá vỡ sự đoàn kết và niềm tin vào Đảng Cộng sản Việt Nam.

Trên thực tế, bên cạnh những hoạt động tại nhà trường và các cơ sở giáo dục, học sinh đang tìm kiếm một “không gian khác”, nơi mà các em được thể hiện bản thân, tự do nêu và bảo vệ quan điểm cá nhân với những người không quen biết như các diễn đàn ẩn danh, các trang mạng xã hội, với những chủ đề, nội dung trái chiều kéo theo những cuộc tranh luận gay gắt. Tình trạng này kéo dài sẽ gây mất thời gian, căng thẳng, tạo nên tâm lý gây rối, chống đối, tiêu cực, tiềm ẩn nhiều nguy cơ tiếp cận các luận điệu xuyên tạc, làm xói mòn lòng tin vào nền tảng tư tưởng của Đảng của đội ngũ học sinh trên địa bàn huyện.

Để phòng, chống tiêu cực từ mạng xã hội đối với học sinh, lãnh đạo UBND huyện, Phòng Giáo dục và Đào tạo, Huyện đoàn Đồng Văn đã có những chỉ đạo, hướng dẫn các cơ sở giáo dục, các nhà trường, Đoàn thanh niên ban hành nhiều nội quy, quy tắc sử dụng mạng xã hội. Cụ thể, học sinh khi hoạt động trên các trang mạng xã hội phải thể hiện được nếp sống văn minh, lịch sự của cá nhân, truyền thống nhân văn của nhà trường, quê hương, đất nước và con người Việt Nam. Các em không được đưa hình ảnh, viết bài, bình luận có nội dung ảnh hưởng uy tín, danh dự của tổ chức, cá nhân; không “lướt mạng” trong thời gian học tập trên lớp, thời gian nghiên cứu tự học… Quản lý, hướng dẫn các hoạt động học tập, tìm hiểu, khai thác thông tin, tài liệu trên các mạng xã hội, khuyến khích sử dụng mạng xã hội như một công cụ học tập hữu ích.

Các nhà trường và các tổ chức giáo dục trên địa bàn huyện cần tạo sân chơi, điều kiện để học sinh tham gia như cuộc thi tìm hiểu về tư tưởng Hồ Chí Minh, các chương trình thông tin, thời sự, câu lạc bộ lý luận trẻ, tri thức trẻ. Lôi cuốn học sinh vào các phong trào, hoạt động của Đoàn thanh niên, đặc biệt là các hoạt động giao lưu truyền thống, hành trình đến địa chỉ đỏ, hoạt động tri ân các anh hùng liệt sỹ; tích cực phát hiện và nhân rộng điển hình tiên tiến trong thanh niên, lan tỏa các thông tin tích cực; giáo dục, nâng cao năng lực phản biện và đánh giá thông tin. Xây dựng môi trường học tập tích cực trong trường học và trên mạng xã hội, nơi mà học sinh được khuyến khích thảo luận, chia sẻ ý kiến và học hỏi từ nhau. Tạo ra không gian an toàn và tôn trọng để các em cảm thấy tự do thể hiện quan điểm và trao đổi ý kiến mà không bị đe dọa hoặc cấm cản. Đồng thời, nhà trường và các cơ quan chức năng cũng cần cung cấp cho học sinh các khóa đào tạo, hội thảo hoặc các hoạt động thực hành về kỹ năng phản biện, đánh giá thông tin và phân tích nguồn tin trên mạng xã hội; giúp các em nhận ra và đối phó với thông tin sai lệch, tin tức giả mạo và các chiến lược lừa đảo trực tuyến.

Hợp tác chặt chẽ giữa gia đình, nhà trường và xã hội trong công tác tuyên truyền, giáo dục định hướng tư tưởng cho thế hệ trẻ trong quá trình truy cập tìm hiểu thông tin trên môi trường mạng. Tạo môi trường giao tiếp liên tục, chặt chẽ giữa gia đình, nhà trường và cộng đồng trong việc giáo dục và tuyên truyền về công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trên không gian mạng. Gia đình và cộng đồng có thể đóng vai trò quan trọng trong việc giám sát, hỗ trợ và kịp thời can thiệp đối với các em học sinh trong quá trình tiếp nhận thông tin từ nhiều nguồn trên Internet.

Mỗi học sinh cần phải không ngừng học tập, rèn luyện, nâng cao trình độ kiến thức, năng lực, phẩm chất chính trị, đạo đức, có lối sống lành mạnh, nâng cao sức đề kháng trước âm mưu, thủ đoạn, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch và các đối tượng phản động. Trên “mặt trận” không gian mạng, đặc biệt là môi trường mạng xã hội, mỗi tài khoản của học sinh cần phải trở thành nguồn thông tin đáng tin cậy, lành mạnh, kịp thời phát hiện, cảnh báo cho cộng đồng, cơ quan chức năng về các trang, các hội, nhóm đưa thông tin xấu, độc, giả mạo, các hành vi xâm hại hoặc có nguy cơ xâm hại đến nền tảng tư tưởng của Đảng. Phát huy trí tuệ của tuổi trẻ, khả năng sáng tạo để tạo ra các sản phẩm thông tin bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, định hướng dư luận, kịp thời phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn, làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch, cực đoan, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, tạo nguồn năng lượng tích cực trên mạng xã hội.

Bài, ảnh: Nguyễn Anh Tuấn (Công an huyện Đồng Văn)

Nguồn Hà Giang: http://baohagiang.vn/phap-luat/202309/dong-van-phong-ngua-thong-tin-xau-tren-mang-xa-hoi-cho-hoc-sinh-1cc4517/