Động tác cơ bản khiến hàng nghìn trẻ em bị liệt

Động tác uốn lưng ra sau đang được cho là có liên quan đến sự gia tăng đột biến các trường hợp chấn thương cột sống nghiêm trọng ở các bé gái trên khắp Trung Quốc.

Suốt 6 năm qua, chị Li Huan đã làm việc tại canteen trường học để con gái 12 tuổi, bé Qingqing, được tiếp tục đến lớp. Nợ nần chồng chất nhưng điều khiến chị Li lo ngại hơn cả tiền bạc chính là sức khỏe của con. Sau tai nạn ở lớp học múa, Qingqing bị liệt và phải ngồi xe lăn, hoàn toàn phụ thuộc vào mẹ trong mọi sinh hoạt.

"Công việc này chỉ trả 1.000 nhân dân tệ, thấp hơn nhiều so với chi phí điều trị của con, nhưng tôi vui mừng vì nhà trường nhận tôi vào làm", chị Li, 37 tuổi, đến từ Vũ Hán (Trung Quốc) nói với Sixth Tone.

Rời khỏi canteen, chị Li đẩy xe lăn chở Qingqing di chuyển qua những hành lang hẹp, lên xuống cầu thang dốc và vượt qua đám đông học sinh từ lớp này sang lớp khác. Về đến nhà, nữ phụ huynh lại tiếp tục xoay xở chi phí điều trị, đồng thời tham gia "cuộc chiến" pháp lý, yêu cầu trung tâm dạy nhảy bồi thường.

Hơn 1.000 trẻ em bị liệt do động tác đơn giản

Chuỗi ngày bất tận này bắt đầu vào năm 2017, khi Qingqing mới 5 tuổi. Lúc bấy giờ, tương tự hàng triệu bé gái khác cùng lứa tuổi, Qingqing được tham gia các lớp học múa dân gian để cải thiện thể lực và sự dẻo dai.

Tuy nhiên, động tác uốn cong lưng ra phía sau, hai tay chạm sàn - vốn được coi là động tác múa cơ bản, an toàn lại bất ngờ diễn biến theo chiều hướng tồi tệ.

Qingqing bị ngã trong khi thực hiện động tác, chấn thương cột sống nghiêm trọng và bị liệt từ ngực trở xuống. Các bác sĩ cho biết có thể em sẽ không bao giờ đi lại được.

"Lúc đó, tôi không bao giờ nghĩ rằng một động tác múa đơn giản lại có kết thúc như thế này. Mọi chuyện diễn ra quá đột ngột", chị Li chia sẻ.

Qingqing bị ngã trong khi thực hiện động tác, chấn thương cột sống nghiêm trọng và bị liệt từ ngực trở xuống. Ảnh minh họa: Sixth Tone.

Trung Quốc, các nghiên cứu trong những năm gần đây từ nhiều bệnh viện cho thấy sự gia tăng đáng lo ngại các trường hợp tương tự, nơi các bé gái bị chấn thương cột sống nghiêm trọng do các động tác múa thông thường, đặc biệt là động tác uốn cong người ra sau.

Dữ liệu được phân tích bởi Hiệp hội Chỉnh hình Trung Quốc cùng nhiều bệnh viện khác trong giai đoạn 2015-2019 cho thấy các trường hợp chấn thương tủy sống do động tác ngả người ra sau chiếm 33,9% tổng số chấn thương cột sống ở trẻ em - tăng mạnh so với mức chỉ 4% trong giai đoạn 1992-2002.

Tương tự, sau khi phân tích các trường hợp trẻ em dưới 14 tuổi được điều trị chấn thương tủy sống, khoa Phục hồi chức năng chấn thương cột sống tại Bệnh viện Boai Bắc Kinh cũng ghi nhận sự gia tăng đáng kể các ca chấn thương liên quan đến động tác uốn cong người ra sau trong khi múa. Các phương tiện truyền thông Trung Quốc đưa tin rằng kể từ năm 2005, đã có hơn 1.000 trẻ em bị liệt.

Sự gia tăng này trùng hợp với sự mở rộng nhanh chóng của ngành đào tạo nhảy múa trước đại dịch, trong bối cảnh các lớp dạy nhảy múa không được kiểm soát, giáo viên không đủ điều kiện và thiếu các hướng dẫn thống nhất.

Các nghiên cứu cũng thu hút sự chú ý của người dân, khiến một số đơn vị dạy nhảy phải ngừng dạy động tác này sau yêu cầu của phụ huynh.

Tháng 11/2023, Bộ Giáo dục Trung Quốc thậm chí còn đưa ra lời nhắc nhở, khuyến cáo trẻ em không nên tham gia các bài tập tăng độ dẻo dai quá mức trước tuổi. Bộ đặc biệt cảnh báo trẻ em dưới 10 tuổi cần thận trọng khi thực hành các động tác như ngả người ra sau.

Tuy nhiên, với việc các bệnh viện tiếp tục báo cáo các trường hợp trẻ em bị liệt liên quan đến các hoạt động nhảy múa, các bác sĩ và giáo viên dạy múa chuyên nghiệp kêu gọi cần có thêm các đánh giá chuyên môn và giáo dục về rủi ro trước khi cho phép trẻ em thực hành bài tập ngả người ra sau.

Phụ huynh bất chấp rủi ro

Trao đổi với Sixth Tone, TS Guo Xiaodong, Trưởng khoa Chỉnh hình tại Bệnh viện Liên hợp Vũ Hán, nhận định trong khi các bệnh viện điều trị và phòng ngừa những chấn thương này, việc nâng cao nhận thức và siết chặt quy định về đào tạo nhảy, múa là điều quan trọng.

Tình trạng của Qingqing được xếp loại là chấn thương tủy sống do quá trình gấp duỗi quá mức ở trẻ em (PAHSCI). Theo TS Guo, đây là loại chấn thương tủy sống cấp tính không do gãy xương, thường xảy ra do vùng ngực và lưng dưới bị gấp duỗi quá mức trong nhiều lần hoặc trong thời gian dài.

Ước tính 70% bệnh nhân mắc PAHSCI bị tổn thương hoàn toàn, hiện tại chưa có phương pháp điều trị hiệu quả. Do thường liên quan đến động tác ngả người ra sau trong múa, PAHSCI còn được gọi phổ biến ở Trung Quốc là "liệt do ngả người ra sau".

Trẻ em bị chấn thương như vậy thường chỉ có thời gian vàng là 4 giờ để điều trị hiệu quả. Các triệu chứng ban đầu có thể bao gồm đau nhẹ ở lưng và chân hoặc cảm giác bất thường, kèm theo tình trạng tê liệt (xuất hiện sau 4 giờ bị chấn thương).

"Tuy nhiên, trong khoảng thời gian vàng, 90,9% bệnh nhân vẫn tham gia các hoạt động thể chất do chủ quan, làm tăng nguy cơ chấn thương thứ phát và bỏ lỡ thời điểm điều trị tối ưu", TS Guo nói.

Tủy sống, bó dây thần kinh nối liền não với cơ thể, được bảo vệ và hỗ trợ bởi các đốt sống. Mặc dù bản thân cột sống có thể chịu được sự kéo dãn đáng kể, nhưng tủy sống lại kém linh hoạt hơn nhiều và dễ bị tổn thương hơn. Theo TS Guo, nguy cơ chấn thương tủy sống ở trẻ em cao hơn đáng kể.

"Ví dụ, cột sống của trẻ sơ sinh có thể được kéo dài tới 5 cm mà không bị gãy. Tuy nhiên, tủy sống chỉ có thể chịu được khoảng 0,6 cm. Các động tác gập liên tục hoặc lặp đi lặp lại, cũng như các động tác kéo dài quá mức cột sống, đặc biệt nguy hiểm và dễ dẫn đến chấn thương tủy sống", ông giải thích.

Chính sách cộng điểm đã thúc đẩy phụ huynh cho con tham gia các lớp năng khiếu bất chấp những rủi ro tiềm ẩn. Ảnh: Sixth Tone.

Những trường hợp tương tự Qingqing vẫn thường diễn ra ở khắp Trung Quốc. Tháng 8 năm ngoái, truyền thông nước này đưa tin chỉ trong 3 tuần, Bệnh viện Tháp Trống Nam Kinh đã chẩn đoán 5 trẻ em bị liệt do ngả người ra sau, dẫn đến các biến dạng cột sống.

Sự gia tăng liên tục các trường hợp chấn thương tủy sống ở trẻ em bắt nguồn từ việc phụ huynh ưa chuộng bộ môn múa để cải thiện thể chất. Ngoài ra, chính sách cho phép trẻ em kiếm thêm điểm trong các kỳ thi tuyển sinh bằng cách thể hiện các tài năng, đặc biệt là múa hoặc âm nhạc đã thúc đẩy phụ huynh cho con tham gia bất chấp những rủi ro tiềm ẩn.

Tuy nhiên, đến năm 2020, Bộ Giáo dục Trung Quốc đã loại bỏ chính sách này, thay vào đó là thúc đẩy việc đánh giá toàn diện hơn về năng lực tổng thể của học sinh. Nhưng đến lúc này, hàng nghìn cơ sở dạy múa đã được thành lập vững chắc trên khắp Trung Quốc.

Ngọc Bích

Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/dong-tac-co-ban-khien-hang-nghin-tre-em-bi-liet-post1472741.html