Đón 'sóng vàng' ngành bán dẫn

Mục tiêu đào tạo 50.000-100.000 kỹ sư ngành công nghiệp chip bán dẫn không chỉ là kế hoạch mà còn là mệnh lệnh cần phải thực hiện để Việt Nam đón làn sóng đầu tư ngành bán dẫn.

TS. Cù Văn Trung, Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Công ty Cổ phần Tư vấn và đào tạo giáo dục khẳng định như vậy về vấn đề đào tạo nguồn lao động chất lượng cao tại Việt Nam.

TS. Cù Văn Trung. (Ảnh: NVCC)

Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu khó khăn, Việt Nam được đánh giá là điểm đến hứa hẹn của dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Chỉ trong quý I/2024, Việt Nam thu hút được 6,17 tỷ USD vốn FDI, tăng 13,4% so với cùng kỳ năm 2023. Theo ông, sức hút của Việt Nam đến từ đâu?

Những chỉ số trên rất đáng mừng, rất đáng khích lệ. Đây là thành quả của sự cố gắng, nỗ lực và quyết tâm của Đảng, Nhà nước trong việc lãnh đạo, chỉ đạo nền kinh tế.

Trên phương diện đối ngoại, những năm qua, đặc biệt là năm 2023, chúng ta có rất nhiều hoạt động ngoại giao đa phương và song phương. Việt Nam có mối quan hệ thân thiết, tin tưởng và chân thành với các nước, đặc biệt là các nước lớn.

Không chỉ thế, Việt Nam còn rất khéo léo mời gọi đầu tư, tổ chức các diễn đàn để quan chức chính phủ và các doanh nghiệp, các tập đoàn kinh tế lớn trên thế giới có dịp tìm hiểu, trao đổi các cơ hội để hợp tác. Việt Nam đã tranh thủ kêu gọi mọi nguồn lực như kiều bào, các nhà khoa học trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt lĩnh vực công nghệ cao để đầu tư, giúp đỡ quê hương phát triển.

Trên phương diện đối nội, Việt Nam duy trì ổn định nền kinh tế, kiềm chế lạm phát, cải cách thủ tục hành chính. Công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực đạt nhiều kết quả khả quan, tích cực, làm tăng thêm niềm tin cho người dân và các nhà đầu tư quốc tế.

Nhiều học giả nước ngoài, quan chức các nước trên thế giới khi đến thăm Việt Nam đều chung nhận định, đất nước có đủ “công thức” để phát triển. Việt Nam đã và đang cải cách, đổi mới đồng bộ thể chế phát triển bền vững từ đổi mới chính trị - kinh tế - văn hóa - giáo dục... Ngoài ra, Việt Nam có nguồn nhân lực dồi dào, chính sách thu hút đầu tư nhiều ưu đãi, hấp dẫn.

Có thể khẳng định chắc chắn, vị trí địa lý thuận lợi thuộc khu vực Đông Nam Á, chính sách đối ngoại khéo léo, hệ thống chính trị ổn định, nguồn nhân lực phong phú và chính sách thu hút đầu tư hợp lý là các nhân tố giúp Việt Nam trở thành điểm đến cho các nhà đầu tư ngoại.

Được đánh giá là đang đứng trước cơ hội vàng để đón dòng vốn FDI chất lượng cao, đặc biệt là trong ngành bán dẫn, Việt Nam cần làm gì để không bỏ lỡ, thưa ông?

Đúng vậy, Việt Nam đang đứng trước cơ hội vàng của dòng vốn FDI chất lượng cao. Tuy nhiên, cơ hội này khó dành cho những “tay ngang, chưa chuyên”.

Nhìn ra thế giới, các quốc gia tham gia vào chuỗi sản xuất và cung ứng về lĩnh vực bán dẫn thường là các cường quốc giàu có, rất mạnh về mọi mặt. Các quốc gia này có nền tảng rất vững về công nghiệp truyền thống, công nghiệp điện tử và đang dẫn đầu về công nghiệp công nghệ.

Thời gian gần đây, ngành công nghệ bán dẫn được nhắc nhiều hơn tại Việt Nam. Điều đáng mừng là chúng ta đang xây dựng hai nhà máy về thiết bị về công nghệ bán dẫn ở Bắc Ninh và Bắc Giang.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư nỗ lực mời gọi, trải thảm, tạo không gian, sân chơi ở Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia để các nhà khoa học, doanh nghiệp và các tập đoàn quốc tế về lĩnh vực này tìm kiếm cơ hội đầu tư tại Việt Nam. Tuy nhiên, những nỗ lực này đang ở mức nghiên cứu, thăm dò và tìm hiểu.

Trên thực tế, bán dẫn là ngành công nghiệp đòi hỏi nguồn lực đầu tư rất lớn, máy móc hiện đại, quy trình chuẩn mực, công suất đủ lớn và chi phí rất cao, đội ngũ nhân lực cùng chuyên gia trình độ cao.

Hiện tại, Việt Nam còn thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao, đầu tư cho nghiên cứu khoa học, cơ sở thực hành, liên kết quốc tế, thiếu đội ngũ thầy giỏi. Do vậy, có cơ hội vàng, điều Việt Nam cần làm là hành động thế nào để không vụt mất cơ hội đó.

Ông nhìn nhận thế nào về sự sẵn sàng của Việt Nam trong vấn đề đón “sóng” FDI ngành bán dẫn?

Tôi cho rằng, sự sẵn sàng lớn nhất của Việt Nam được thể hiện trong quyết tâm ở các nhà lãnh đạo, các quan chức chính phủ và một số tập đoàn, tổng công ty lớn.

Cụ thể, Việt Nam đã xây dựng Chiến lược quốc gia về công nghiệp bán dẫn; đề án phát triển nguồn nhân lực cho ngành bán dẫn, với mục tiêu đào tạo, phát triển 50.000 nhân lực cho ngành đến năm 2030.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã ký hợp tác với hai tập đoàn lớn nhất của Mỹ về thiết kế chip là Sypnosyps và Cadence, phối hợp với hơn 30 trường đại học, viện nghiên cứu lớn trong nước và quốc tế để triển khai các chương trình đào tạo nguồn nhân lực.

Vừa qua, Quốc hội đã ra nghị quyết, giao Chính phủ xây dựng nghị định thành lập quỹ hỗ trợ đầu tư cho ngành công nghệ cao, trong đó, công nghiệp bán dẫn, dự kiến ban hành vào giữa năm 2024.

Ngành công nghiệp bán dẫn thu hút nhiều nhà đầu tư và đang cần nhiều nhân lực. (Ảnh: Ngọc Thảo)

Về nguồn nhân lực phục vụ ngành bán dẫn, theo ông, Việt Nam đã sẵn sàng chưa?

Thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo cho thấy, hiện nay, có 35 cơ sở giáo dục đào tạo bậc đại học của Việt Nam đang trực tiếp đào tạo lĩnh vực bán dẫn hoặc gần với ngành này.

Còn theo số liệu từ Cổng thông tin Khoa học và Công nghệ quốc gia, Việt Nam hiện có hơn 5.570 kỹ sư thiết kế vi mạch bán dẫn. Nhân lực ngành vi mạch tập trung chủ yếu ở TP. Hồ Chí Minh với trên 85%, tại Hà Nội khoảng 8% và Đà Nẵng khoảng 7%. Mỗi năm, chỉ có khoảng 500-600 sinh viên tốt nghiệp ngành bán dẫn từ các trường đại học của Việt Nam.

Để gia tăng nhanh số kỹ sư tốt nghiệp ngành bán dẫn, các trường đại học ở Việt Nam đã tổ chức mạng lưới để cùng chia sẻ kinh nghiệm thiết kế chương trình, tăng cường điều kiện, đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất để đáp ứng yêu cầu đào tạo.

Nhìn nhận một cách thẳng thắn, thực lực của Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế. Năng lực vốn đầu tư của các doanh nghiệp yếu khi đa phần chỉ có quy mô vừa và nhỏ. Đặc biệt, nguồn nhân lực chất lượng cao còn thiếu, chưa đủ đáp ứng cho “làn sóng” FDI ngành bán dẫn.

Để nắm bắt cơ hội vàng, đón “sóng” FDI bán dẫn thì hạ tầng cơ sở của Việt Nam cũng cần hòa vào nhịp chung của “bản giao hưởng” của nền kinh tế công nghiệp mới. Chuẩn bị nguồn nhân lực là vấn đề phải làm ngay để đón dòng vốn đầu tư này.

Theo ông, thời gian tới, Việt Nam cần làm gì đón “sóng” FDI ngành bán dẫn và đào tạo nguồn lao động chất lượng cao?

Để nắm bắt cơ hội vàng, đón “sóng” FDI bán dẫn thì hạ tầng cơ sở của Việt Nam cũng cần hòa vào nhịp chung của “bản giao hưởng” trong nền kinh tế công nghiệp mới. Và theo tôi, chuẩn bị nguồn nhân lực là vấn đề phải làm ngay để đón dòng vốn đầu tư này.

Việt Nam có thể huy động được sức mạnh tự thân của nhân dân. Muốn huy động được động lực, nguồn lực này, chúng ta cần định hướng và tuyên truyền giúp người dân hiểu hơn về ngành bán dẫn, từ đó, họ sẽ ủng hộ con em mình chủ động tham gia vào tiến trình này.

Năm nay, Quốc hội đặt mục tiêu tỷ trọng lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt 26-28,5% lực lượng lao động. Nhưng thực tế, số lượng người lao động đã qua đào tạo có thể đáp ứng cho ngành công nghệ cao rất ít, đặc biệt ít trong ngành sản xuất chip bán dẫn. Hiện có 5.000-6.000 kỹ sư có thể làm việc trong ngành sản xuất chip bán dẫn. Con số này vô cùng nhỏ so với nhu cầu 50.000-100.000 kỹ sư của doanh nghiệp FDI đầu tư vào ngành.

Ngành công nghệ cao đòi hỏi vốn lớn và nhân lực phải đạt chất lượng cao. Việt Nam có lợi thế hơn nhiều nước trong thu hút FDI vào lĩnh vực này, nhưng cơ hội sẽ nhanh chóng trôi qua nếu chúng ta không tập trung đẩy mạnh đào tạo nhân lực chất lượng cao.

Vì vậy, theo quan điểm của tôi, vấn đề đào tạo 50.000-100.000 kỹ sư ngành công nghiệp chip bán dẫn không còn là kế hoạch mà là mệnh lệnh Việt Nam cần phải thực hiện đến năm 2030.

Linh Chi (thực hiện)

Linh Chi

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/don-song-vang-nganh-ban-dan-269229.html