Đổi thay từ nông thôn mới

Phong trào xây dựng nông thôn mới (XDNTM) được triển khai rộng khắp trên địa bàn tỉnh Long An. Tùy điều kiện thực tế, các địa phương hoàn thành mục tiêu ở những mức khác nhau và đều mang đến sự đổi thay tích cực.

Từ xã vùng sâu đến xã nông thôn mới kiểu mẫu

Thuận Mỹ trước đây là xã vùng sâu, khó khăn của huyện Châu Thành, đời sống người dân ở mức thấp. Sau quá trình đoàn kết một lòng phấn đấu, xã đã đạt chuẩn NTM, rồi NTM nâng cao. Hiện tại, xã Thuận Mỹ là một trong những địa phương tốp đầu trong lộ trình XDNTM kiểu mẫu.

Trên 71% hộ dân xã Thuận Mỹ, huyện Châu Thành có nước sạch đạt chuẩn 01 của Bộ Y tế

Trò chuyện cùng chúng tôi, chị Lê Thị Truyền (ấp Bình An, xã Thuận Mỹ, huyện Châu Thành) vui vẻ nói: “Ngày trước ở đây, người dân chủ yếu dùng nước giếng khoan, về sau, nước dần dần có nhiều phèn, qua hệ thống lọc cũng không đỡ được bao nhiêu. Vài năm trở lại đây, có nhà máy nước do doanh nghiệp đầu tư, người dân được xài nước sạch, trong veo mà mạnh nữa.

Để hỗ trợ người dân có nước sạch sử dụng, các đoàn thể tạo điều kiện cho hội viên vay vốn ưu đãi để lắp đặt đường ống nước, nhà tôi cũng có vay. Sau đó, tôi vay thêm để xây nhà vệ sinh. Nhờ vậy, sinh hoạt trong nhà thuận tiện, thoải mái hơn rất nhiều”.

Tính đến nay, toàn xã Thuận Mỹ có 100% hộ dân sử dụng nước hợp vệ sinh, số hộ sử dụng nước sạch đạt chuẩn 01 của Bộ Y tế là trên 71%; 98% hộ có nhà tắm, nhà vệ sinh hợp vệ sinh; ý thức của người dân về phân loại rác tại nguồn ngày một nâng lên. Người dân được chăm lo về cả vật chất lẫn tinh thần. Các công trình phục vụ dân sinh được chú trọng, giao thông nông thôn kết nối, mở rộng, cơ sở vật chất giáo dục, y tế được đầu tư đồng bộ và đạt chuẩn theo quy định.

Để giúp người dân trong xã phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống, địa phương chú trọng việc vận động người dân thay đổi tập quán sản xuất, chuyển giao khoa học - kỹ thuật, từng bước hướng đến nền nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và bền vững.

Do sản phẩm chủ lực của địa phương là trái thanh long và con tôm, UBND xã Thuận Mỹ thường xuyên phối hợp Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện mở lớp dạy nghề trồng, chăm sóc thanh long, lớp kỹ thuật nuôi tôm cho người dân trên địa bàn xã.

Chủ tịch UBND xã Thuận Mỹ - Nguyễn Thanh Tùng cho biết: “Phương châm của xã là lãnh đạo, điều hành theo chương trình tái cơ cấu nền nông nghiệp, từng bước khuyến khích người dân tham gia vào tổ hợp tác, hợp tác xã, áp dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật, sản xuất thanh long theo hướng VietGAP, hữu cơ,…”.

Bằng cách trao cho người dân “chiếc cần câu”, xã Thuận Mỹ từng bước nâng cao đời sống kinh tế, thu nhập của người dân, giảm nghèo hiệu quả. Đến cuối năm 2023, thu nhập bình quân đầu người tại xã đạt 68,63 triệu đồng/năm. Toàn xã chỉ còn 25 hộ nghèo và 104 hộ cận nghèo. Thuận Mỹ không còn là xã vùng sâu khó khăn như trước nữa mà đang từng bước vươn mình trên hành trình tiến tới NTM kiểu mẫu.

Khởi sắc chốn biên cương

100% đường trục xã Mỹ Thạnh Tây, huyện Đức Huệ được nhựa hóa, bêtông hóa, diện mạo xã biên giới ngày càng khởi sắc

Cũng là xã vùng sâu nhưng Mỹ Thạnh Tây (huyện Đức Huệ) còn là xã biên giới nên những khó khăn trong hành trình XDNTM, NTM nâng cao lại càng nhiều hơn. Tuy nhiên, từ khi được công nhận đạt chuẩn NTM đến nay, diện mạo xã vùng biên từng ngày khởi sắc.

Sinh ra và lớn lên tại xã Mỹ Thạnh Tây, ông Nguyễn Văn Liếu (ấp Vinh) thấy rõ những đổi thay tích cực của quê nhà. Ông Liếu kể: “Từ khi XDNTM thì đường sá, trường học, trạm y tế được đầu tư. Đời sống người dân cũng khấm khá hơn nhiều. Cuộc sống ổn định, người dân lại càng yêu thương, suy nghĩ cho nhau nhiều hơn, tình làng, nghĩa xóm càng thêm khắng khít”.

Theo Phó Chủ tịch UBND xã Mỹ Thạnh Tây - Hà Thị Huyện, tăng thu nhập, nâng cao đời sống của người dân là một trong những tiêu chí trọng tâm khi XDNTM. Thời gian qua, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng kết hợp ứng dụng khoa học - kỹ thuật tại xã Mỹ Thạnh Tây giúp nhiều hộ gia đình thoát nghèo, vươn lên khá giả.

“Địa phương luôn tập trung các nguồn lực đầu tư vào những chương trình, dự án phát triển sản xuất, tạo điều kiện để người dân tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất nhằm nâng cao năng suất, chất lượng nông sản. Nhờ đó, đời sống, thu nhập của người dân dần được nâng lên. Hiện thu nhập bình quân đầu người tại xã đạt 50,08 triệu đồng/năm” - bà Hà Thị Huyện cho biết.

Bên cạnh những hỗ trợ trực tiếp giúp người dân phát triển kinh tế, xã Mỹ Thạnh Tây còn chú trọng nâng cấp hệ thống giao thông nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại cũng như phục vụ sản xuất. 100% đường trục xã, trục ấp được nhựa hóa, bêtông hóa; 100% đường ngõ xóm được cứng hóa, đi lại thuận tiện quanh năm. Các tuyến đường còn được trồng hoa, lắp hệ thống chiếu sáng. Xã vùng biên ngày càng khởi sắc khi các công trình mới lần lượt “mọc lên”, cho thấy sự ấm no, hạnh phúc của quê nhà.

NTM là một hành trình đồng lòng, chung sức ở tất cả các địa phương. Dù xuất phát điểm hay nội lực mỗi nơi mỗi khác nhưng khi đã bắt tay vào XDNTM, tất cả đều cảm nhận rõ nét sự đổi thay!./.

Mộc Châu

Nguồn Long An: https://baolongan.vn/doi-thay-tu-nong-thon-moi-a171328.html