Đổi thay ở 'rốn nghèo' Sơn Động

Nhằm hướng tới thoát khỏi tình trạng nghèo, đặc biệt khó khăn theo quy định tại Quyết định số 36/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, huyện Sơn Động (Bắc Giang) đang tích cực đầu tư vào các mô hình, dự án kinh tế hàng hóa nhằm hoàn thành mục tiêu mỗi năm giảm ít nhất từ 6-7% tỷ lệ hộ nghèo.

Từ năm 2021 và mục tiêu đến 2025, huyện Sơn Động vẫn đẩy mạnh triển khai các mô hình, dự án giảm nghèo hỗ trợ phát triển sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, du lịch, khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh nhằm tạo việc làm, sinh kế bền vững, thu nhập tốt, nâng cao chất lượng cuộc sống và thích ứng với biến đổi khí hậu, dịch bệnh cho người nghèo.

Bám vào lợi thế địa phương

Ông Dương Thanh Tùng, Giám đốc Sở NN&PTNT Bắc Giang, cho biết với lợi thế về đất rừng, việc Sơn Động phát triển kinh tế gắn với rừng để hỗ trợ sinh kế cho người nghèo, cận nghèo là điều cần thiết.

Trước thực tế này, không ít hộ dân ở thôn Phú Linh, xã Tuấn Đạo với sự hỗ trợ từ Chương trình giảm nghèo đã liên kết thành lập HTX Ong mật hữu cơ Sơn Động để tận dụng lợi thế rừng phát triển nuôi ong lấy mật. Hiện, HTX đã thu hút được 43 thành viên và phát triển 4.500 đàn ong. Bình quân mỗi năm, HTX cung ứng ra thị trường 63 tấn mật. Năm 2021, sản phẩm mật ong của HTX đã được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao

Anh Trần Văn Tế, hộ liên kết với HTX cho biết, từ 100 thùng ong được nuôi và đóng gói theo quy trình, trung bình mỗi năm, gia đình năm có thể thu 1.000 lít mật. Với giá bán khoảng 150.000 đồng/lít, gia đình có gần 200 triệu đồng từ mật ong.

Không dừng lại ở nuôi ong lấy mật, hiện HTX Sơn Động còn đầu tư dây chuyền để sản xuất hương tự động. Để tạo ra sản phẩm hương đặc trưng, HTX chỉ sử dụng nhựa trám và rễ cây hương bài làm nguyên liệu, đồng thời liên kết tiêu thụ với một số HTX, doanh nghiệp chuyên sản xuất hương tại huyện Ứng Hòa (TP Hà Nội). Hiện nay, mỗi ngày, HTX sản xuất hơn 10 vạn thẻ hương, sản phẩm làm ra đến đâu tiêu thụ hết đến đó.

Trước đây, cuộc sống của không ít hộ dân thôn Phú Linh còn nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo luôn chiếm hơn 50% nhưng nhờ phát triển nuôi ong và làm hương theo hướng hàng hóa, số hộ nghèo của thôn đã giảm xuống còn khoảng 8%. Nhiều hộ vươn lên khá giả, có thu nhập ổn định.

Cũng đẩy mạnh phát triển kinh tế hàng hóa dựa vào lợi thế địa hình nhiều đồi, hàng chục hộ dân thôn Nà Vàng, xã Vân Sơn đã phát triển nuôi gà 6 ngón. Đặc biệt, HTX Phú Cường đang đóng vai trò hỗ trợ người dân áp dụng kỹ thuật vào chăn nuôi, trong đó có hướng đến tham gia, phân hạng OCOP với sản phẩm trứng gà 6 ngón, lượng cung cấp ra thị trường khoảng 7.000 quả/tháng.

Ngoài ra, HTX đã phát triển lên khoảng 3.000 con gà thương phẩm. Định hướng đến năm 2024, HTX sẽ đầu tư thêm máy móc để chế biến gà nhằm nâng cao giá trị kinh tế.

Gà 6 ngón có cân nặng gấp 2-3 lần gà bình thường nên với mỗi con gà thương phẩm, thành viên có thể thu được từ 320-700 nghìn đồng/con. Bên cạnh đó, nguồn khách du lịch đến Bắc Giang khá đông nên tạo thuận lợi về đầu ra cũng như quảng bá thương hiệu. Nuôi gà 6 ngón đang là mô hình giảm nghèo hiệu quả nên được huyện quan tâm hỗ trợ HTX và người dân trong việc mua máy ép cám, máy ấp trứng, kết nối tiêu thụ…

Tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 20,8%

Ngoài nuôi ong, chăn gà, người dân huyện Sơn Động còn phát triển nhiều mô hình kinh tế mang lại thu nhập khá như trồng nấm lim xanh Tây Yên Tử, sản xuất rượu men lá Tây Yên Tử, trồng nho đen không hạt, dược liệu…

Nhờ đó, dù là một trong 74 huyện nghèo của cả nước, có gần 60% dân số là người dân tộc thiểu số và được mệnh danh là “rốn nghèo” của tỉnh vì đến năm 2016, tỷ lệ hộ nghèo vẫn là 51%, nhưng đến năm 2022, kinh tế và đời sống người dân tại Sơn Động đã được cải thiện. Theo thống kê, giá trị sản xuất của huyện tăng 14,2%, cao nhất từ trước đến nay. Giá trị sản xuất công nghiệp, xây dựng chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu nền kinh tế, đạt 6.232,4 tỷ đồng, tăng 22,3%; giá trị sản xuất trong chăn nuôi đạt trên 600 tỷ đồng, tăng 0,4% so với cùng kỳ năm 2021.

Nuôi ong lấy mật đang giúp không ít hộ gia đình ở Sơn Động giảm nghèo, có cuộc sống khá giả.

Nuôi ong lấy mật đang giúp không ít hộ gia đình ở Sơn Động giảm nghèo, có cuộc sống khá giả.

Doanh thu từ phát triển kinh tế rừng đạt 819 tỷ đồng, tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo giảm sâu (giảm gần 13%), đưa tỷ lệ hộ nghèo của huyện giảm xuống còn 20,8%.

Để có được kết quả kinh tế như trên, Sơn Động đã tận dụng tối đa nguồn vốn hỗ trợ từ chương trình giảm nghèo bền vững, chương trình 30a, 135 để hỗ trợ các xã hoàn thiện cơ sở hạ tầng, phát triển kinh tế. Hệ thống giao thông, hạ tầng được đầu tư giúp nhiều xã có cơ hội phát triển kinh tế, phá vỡ thế "cô độc" như xã An Lạc, Tuấn Đạo, An Bá…

Ông Nguyễn Đức Minh, Giám đốc HTX Ong mật hữu cơ Sơn Động, cho biết nhờ có một phần nguồn vốn và chính sách giảm nghèo mà đến nay, 100% đường trục xã Tuấn Đạo, 94% đường trục thôn, liên thôn được bê tông hóa, tạo điều kiện thuận lợi cho thành viên, người dân phát triển sản xuất kinh tế, nâng cao thu nhập, liên kết với doanh nghiệp. Thu nhập bình quân đầu người trong xã Tuấn Đạo đạt 41,4 triệu đồng/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 9,1%, cận nghèo là 2,7%, xã không còn nhà tạm, nhà dột nát. Đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng lên, an ninh trật tự được đảm bảo.

Ưu tiên phát triển HTX

Để hướng đến mục tiêu thoát khỏi danh sách huyện nghèo vào năm 2025, Sơn Động đang đẩy mạnh hơn nữa trong việc đầu tư cơ sở hạ tầng, hỗ trợ người dân phát triển sản xuất. Bởi đến cuối năm 2022, tỷ lệ hộ nghèo của huyện vẫn còn 20,8%, nếu đạt được mục tiêu mỗi năm giảm ít nhất 6-7% thì tỷ lệ hộ nghèo của huyện đến cuối năm 2023 sẽ còn khoảng 13% và huyện phải không để tình trạng tái nghèo xảy ra.

Ông Lê Đức Thắng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện cho biết, để hoàn thành mục tiêu giảm nghèo và thoát nghèo, Sơn Động đang ưu tiên hỗ trợ các HTX, trang trại, hộ gia đình phát triển sản xuất, đưa sản phẩm vào chuỗi liên kết, nhất là những sản phẩm đặc trưng của địa phương. Trong đó, huyện tập trung vào 3 cây, 1 con (cây lâm nghiệp, cây ăn quả, cây dược liệu và gà) để xây dựng thành sản phẩm hàng hóa đặc trưng của huyện, bảo đảm số lượng, chất lượng theo yêu cầu thị trường, từ đó nâng cao thu nhập, đẩy nhanh giảm nghèo cho người dân.

Một trong những khó khăn hiện nay của huyện đó là chưa thu hút được doanh nghiệp đầu tư liên doanh, liên kết sản xuất với các HTX, hộ kinh doanh nên nhiều sản phẩm đặc trưng của huyện chưa phát triển xứng tầm. Trong khi một số HTX, nông dân có quy mô sản xuất nhỏ nên sự gia tăng về sản lượng, giá trị so với các sản phẩm tại nhiều địa phương khác còn thấp, chưa tương xứng với tiềm năng.

Chính vì vậy, huyện đang đẩy mạnh hoàn thiện về chính sách khuyến khích nông nghiệp, đất đai nhằm thu hút doanh nghiệp vào liên kết với HTX, người dân. Khi đó, sẽ tạo động lực để địa phương thoát khỏi danh sách huyện nghèo.

Tùng Lâm

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//kinh-doanh-xanh/doi-thay-o-apos-ron-ngheo-apos-son-dong-1095805.html