Đổi mới và đột phá phát triển: Kinh nghiệm và thách thức từ Quảng Ninh

TS. Nhị Lê - Nguyên Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản . So với trước đổi mới, 40 năm đổi mới chỉ như một khoảnh khắc của thời gian nhưng lại ghi dấu một bước tiến dài quan trọng, có ý nghĩa lịch sử trọng đại, gấp tới cả nhiều chục lần về quy mô, tầm vóc và 104 lần về chất lượng phát triển trên con đường Quảng Ninh cùng đất nước đổi mới.

Chỉ nhìn hẹp 10 năm (2013-2022), Quảng Ninh liên tục đứng trong top các tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành kinh tế xuất sắc nhất cả nước; trong đó, 6 năm liên tiếp (2017-2022) giữ vị trí quán quân chỉ số PCI, đứng trong top các địa phương duy trì tốc độ tăng trưởng cao và dự báo là tỉnh liên tục trong 8 năm liền có tốc độ tăng trưởng 2 con số.

Quảng Ninh liên tục đứng trong top các tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành kinh tế xuất sắc nhất cả nước. Nguồn: ITN

Quảng Ninh liên tục đứng trong top các tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành kinh tế xuất sắc nhất cả nước. Nguồn: ITN

Gần đây, năm 2021, dù đối mặt với đại dịch Covid-19, GRDP của Quảng Ninh ước đạt 10,28%, đứng thứ 2 trong các tỉnh, thành phố trên cả nước, sau TP. Hải Phòng là 12,38%. Khép lại năm 2022, dù hậu quả đại dịch Covid-19 nặng nề, tốc độ tăng trưởng kinh tế GRDP vẫn đứng 13/63 tỉnh, thành phố. Quảng Ninh là tỉnh duy nhất trong toàn quốc lần thứ 2 giữ vị trị đứng đầu đồng thời cả 4 chỉ số quan trọng (PCI, PAX Index, SIPAC, PAPI). Và, cùng với đó, Chỉ số sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin (ICT Index) nhiều năm liên tiếp giữ vững vị trí thứ 3.

Dự báo năm 2023, Quảng Ninh đặt mục tiêu cán đích tăng trưởng trên hai con số: hơn 11%, thu ngân sách nhà nước đạt 54 nghìn tỷ đồng, thu hút vốn FDI đạt trên 1,2 tỷ USD và thu nhập bình quân đầu người đạt 9.400 USD, gấp 94 lần so với năm 1985.

Đó là những chỉ báo cơ bản, những con số khẳng định bước tiến ngoạn mục toàn diện 10 năm đổi mới, sáng tạo và dũng cảm đột phá - đỉnh cao của 40 năm đổi mới của Quảng Ninh.

Nhìn lại thực tiễn đổi mới, cần thiết hỏi: Quảng Ninh là ai, trước đây và hiện nay đứng ở đâu, đã và đang làm gì và làm như thế nào, có đóng góp gì cho cả nước về lý luận và thực tiễn đổi mới, trên lộ trình trước mắt chuẩn bị cho Đại hội XVI của Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh (năm 2025) và Đại hội thứ XIV của Đảng (năm 2026)?

Bản chất và động lực của sự khám phá, đột phá và phát triển là năng lực khám phá, phát hiện các mâu thuẫn, các mối quan hệ và trình độ giải quyết chúng mang tầm chính thể và thống nhất, với hệ thể chế tương dung và hiệu quả. Nhìn lại thực tiễn, nổi bật 24 mối quan hệ, cần xem xét, đã, đang sẽ giải quyết:

Từ thực tiễn đổi mới 38 năm, sơ lược hình dung 3 loại vấn đề chủ yếu:

Thứ nhất:Đổi mới tư duy tổng thể, đột phá kiến tạo chiến lược phát triển, tổ chức hành động chiến lược và đồng bộ, gồm 10 mối quan hệ cơ bản và chủ yếu:

Một là trung thành và sáng tạo: Xuất phát từ đường lối chung, từ địa - chính trị, địa - kinh tế, địa - văn hóa, địa - tự nhiên, sinh thái, địa - xã hội..., để dũng cảm đột phá và lựa chọn phương thức phát triển riêng cho mình, thống nhất mà đa dạng, phù hợp với thế và lực. Đó con đường Quảng Ninh đứng vững trên thiên - địa - nhân để trước hết vượt qua chính mình và tự lực vươn lên.

Hai là tầm viễn kiến và định vị chiến lược: Trông thế giới, xem lân bang, nhìn khu vực, xét vùng và soát chính mình, qua 38 năm, đặc biệt 10 năm qua, xác định mục tiêu chiến lược trở thành tỉnh phát triển toàn diện, mạnh mẽ và trở thành cực tăng trưởng nhanh, mạnh, toàn diện và bền vững phía Bắc Tổ quốc.

Ba là tổng thể và đột phá: Đây là trọng sự chiến lược. Trên nền quy hoạch tổng thể mang tầm dài hạn, đột phá cơ cấu lại nền kinh tế, với phương thức phát triển chuyển mạnh từ “nâu” sang “xanh”, với trung tâm vùng động lực: một tâm, hai tuyến, đa chiều; bằng hệ động lực hợp tác công tư, lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư, bắt đầu từ đột phá kết cấu hạ tằng; nhất thể hóa một số chức danh chủ chốt của hệ thống chính trị, bắt đầu từ cơ sở, nhằm xây dựng bộ máy gọn nhẹ, tinh thông; đột phá cải cách hành chính, đi tiên phong chuyển đổi số...

Bốn là, phát triển nhanh, mạnh và bền vững: Nhanh, mạnh có mâu thuẫn với bền vững không? Các mâu thuẫn: phát triển du lịch với bảo vệ môi trường; khai thác than với hoàn nguyên tái tạo sinh thái, phát triển kinh tế với bảo vệ an ninh, đồng bộ kinh tế với xã hội, bảo đảm ổn định với phát triển… được xử lý đồng bộ, thống nhất nhằm vừa phát triển nhanh, mạnh vừa lường trước tránh các cuộc khủng hoảng cục bộ hay khủng hoảng toàn cục, không bị động, bất ngờ, hướng tới phát triển bền vững. An dân là gốc của mọi sự phát triển. Lấy phát triển là thước đo khẳng định đẳng cấp mới của ổn định và ổn định cao hơn để phát triển với quy mô và tốc độ mới.

Năm là, phát triển hệ môi trường và đột phá kiến tạo hệ thể chế: Đây là sự đột phá kiến tạo song trùng động lực xử lý mối quan hệ giữa môi trường (sản xuất, xã hội, sinh thái)và con người bằng hệ thể chế tương dung toàn diện và thống nhất gần 1.000 công cụ nhằm kiến tạo các không gian phát triển mới, kiến tạo phát triển bao trùm: lấy không gian kinh tế - xã hội làm trung tâm, vượt qua không gian hành chính, địa lý… Kinh nghiệm xác tín, sau khi có quyết sách chính trị đúng, hệ thể chế quyết định thành công.

Sáu là, văn hóa và phát triển: Văn hóa xuyên suốt và bao trùm quá trình phát triển kinh tế, chính trị, đối ngoại… Hệ giá trị văn hóa của của sự phát triển hay phát triển một cách văn hóa là sự phát triển nhanh, mạnh và bền vững được chuẩn bị một cách căn cơ và khả thi trước mắt và hướng tới lâu dài. Không có văn hóa không có bất cứ sự phát triển mạnh mẽ hay từng bước bền vững đã qua, càng không có Quảng Ninh hôm nay.

Bảy là, tăng trưởng và hạnh phúc: Hạnh phúc của Nhân dân phải là mục tiêu tối thượng của tăng trưởng, rộng hơn là của bất cứ sự phát triển nào. Không vì tăng trưởng nhanh nhất thời mà xâm phạm hay cắt xén mục tiêu chiến lược. Trái thế, không có bất cứ sự tăng trưởng mong muốn, càng không thể phát triển bền vững.

Tám là dân chủ và pháp quyền: Đây là mục tiêu và đồng thời là động lực kép của mọi sự phát triển. Kỷ luật và đồng tâm chính là rường cột làm nên sự đoàn kết trong hệ thống chính trị thống nhất và là riềng mối của sự đồng thuận toàn dân một cách có nguyên tắc bằng kỷ luật của Đảng và pháp luật của Nhà nước trên nền tảng đạo lý, với mục tiêu bảo vệ lợi ích cá nhân thống nhất với lợi ích doanh nghiệp, lợi ích cộng đồng và lợi ích tối thượng của quốc gia.

Chín là, nhân tài và phát triển: Đây là mối quan hệ giữa sách lược và chiến lược. Muốn đi xa hãy lo gần vững chắc từng bước một và căn bản chăm lo con người, trước đào tạo, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, rường cột là nhân tài trên nền móng giáo dục - đào tạo hiện đại. Càng chăm lo giáo dục-đào tạo làm căn bản và ngang tầm càng bước tự tin và vững chắc về khoa học công nghệ, tạo động lực mạnh hơn đối với phát triển rọng và sâu về kinh tế và ổn định nhưng năng động về xã hội, trước mắt là thực thi đồng bộ theo chiều sâu của cuộc chuyển đổi số.

Mười là, bản sắc và hội nhập: Không có bản sắc sẽ bị hòa tan trong hội nhập, không có bất cứ sự phát triển thống nhất nào trong sự đa dạng tự nhiên và tất yếu. Trên nền móng về thế và lực, về thiên - địa - nhân, Quảng Ninh là danh từ chung về mục tiêu phát triển nhưng từng bước là danh từ riêng, khẳng định chỗ đứng và thương hiệu về con đường phát triển sáng tạo phong phú và đa dạng: tốc độ Quảng Ninh, cải cách hành chính Quảng Ninh, hào sảng Quảng Ninh…

Vấn đề đặt ra ở đây là, lựa chọn đúng khâu đột phá, với tốc độ phát triển đúng độ và bảo đảm hài hòa giữa các phương diện phát triển. Thực tiễn cho thấy, thái quá tất bất cập. Quá nhanh hay quá chậm đều vô hình chung thiếu đồng bộ và mạnh mẽ, thậm chí nguy cơ rơi vào phản phát triển. Đột phá tầm nhìn đồng thời phải song hành đột phá thể chế, chủ động lường trước và giải quyết các hệ lụy! Thể thế, thể chế và con người! Quảng Ninh tỏ rõ bản lĩnh này, xin nhắc lại, với bộ thể chế gần 1.000 văn bản công cụ các cấp bảo đảm phát triển trong 10 năm qua.

Thứ hai: Định vị và hành động cá nhân, gồm10 mối quan hệ cơ bản và chủ yếu:

Vị thế và trách nhiệm: Định vị để trao hay ủy thác trách nhiệm và trách nhiệm cụ thể theo định vị là con đường kiểm soát quyền lực ngắn nhất, không trừ một ai, một chức vụ nào trong hệ thống chính trị các cấp. Đây là khâu đột phá trước hết trên phương diện tổ chức và cán bộ.

Công vụ và danh dự: Không vì danh dự không có bất cứ công vụ nào thành công. Lập ngôn, lập công, lập đức là danh dự cán bộ, đảng viên, trong thực thi công vụ theo trách nhiệm.

Cá nhân và bộ máy, tổ chức, cộng đồng: Không ai được phép đặt mình bên cạnh bộ máy, ra ngoài cộng đồng hay cao hơn tổ chức. Đến lượt chúng, tổ chức, cộng đồng vừa là môi trường vừa là một trong những công cụ quan trọng kiểm soát quyền lực và lối sống cá nhân.

Trung thực và trong sạch: Đây là phẩm chất căn bản và tiêu chí đánh giá về hành động và lối sống của cán bộ, đảng viên bằng quy định cụ thể.

Cái uy và cái ân: Uy của người lãnh đạo, người quản trị nhưng ân của người công bộc, của đứa con nòi phục vụ Nhân dân. Định lượng yêu cầu này bằng quy định về tiêu chí đo lường sự hài lòng của người dân, cộng đồng doanh nghiệp, cộng đồng nơi cư trú.

Cái danh và cái lợi: Danh dự thì của người công bộc, lợi ích thì dành cho trước hết Nhân dân, không lo không đắc lợi. Không biến địa vị thành danh hão để mưu lợi vị kỷ, thủ lợi cho phe nhóm, phường hội.

Đạo đức và tự do: Không có đạo đức không có bất cứ vị thế nào, sự dân chủ và tự do chân chính nào. Giáo dục và quy định đối với mọi cán bộ, đảng viên về đạo đức cá nhân, đạo đức công sở, đạo đức cộng đồng, đạo đức xã hội, với phương châm: ai buông lơi rèn luyện đạo đức, người đó nhãn tiền tất hủy hoại thanh danh và tự thải loại mình theo kỷ luật và pháp luật.

Chức vụ và uy tín: Giữ uy tín thì chức vụ không cầu cũng tự đến; uy tín làm nên sức mạnh mọi quyền lực, cao hơn mọi chức vụ.

Việc nhà và việc nước: Đây là một lĩnh vực trong đạo đức hành động và hành động đạo đức của cán bộ, đảng viên. Quy định rõ và cụ thể về vấn đề này, chủ động ngăn chặn các thói tệ: buông thả, vô nguyên tắc, nạn “con cha cháu ông”, kéo bè kéo cánh”, “chủ nghĩa phường hội”… Giáo dục về ngay ngắn tề gia nhất định việc công sẽ tự thành.

Liêm sỉ và nêu gương:Phát triển các quy định về giữ gìn danh dự, về nêu gương, về tự từ nhiệm… với phương châm thành tâm cầu thị, biết tự xấu hổ không gì không đạt.

Đó không chỉ là sự định hướng, định tính mà mục tiêu quyết định của bộ thể chế phương diện này là sự định lượng, tức là là có thể đo lường mỗi cán bộ, đảng viên theo vị trí, chức năng, nhiệm vụ bằng bộ tiêu chí cụ thể. Đây chính là một trong những phương thức kiểm soát và tự kiểm soát quyền lực một cách tự giác, kỷ cương và dân chủ.

Thứ ba: Tầm nhìn toàn cục - hội nhập chiến lược, gồm 4 mối quan hệ cơ bản và chủ yếu:

Tuân thủ và sáng tạo: Đó là mâu thuẫn nhưng là nguyên tắc. Cốt lõi là thể chế. Xuất phát từ mình để định chế, tránh không rập khuôn, chuyển dịch càng không chồng chéo, rối loạn và vô hình rơi vào tụt hậu và lẽo đẽo đi theo người khác.

Hội tụ và lan tỏa: Địa-chính trị và địa-xã hội làm nên tư chất này. Đó là mâu thuẫn và là phương châm hành động tích lượng để chuyển chất, để tập trung lãnh đạo và phân quyền tổ chức hành động. Đó cũng chính là tinh thần thâu thái và tiếp biến trên con đường phát triển.

Cầu thị và tín nghĩa: Không cầu thị, không tín nghĩa, không hào sảng, không nhân văn nhất định không có Quảng Ninh đổi mới.

Bình đẳng và cùng hưởng lợi: Đây là cội rễ hành động. Không bình đẳng trong phân chia lợi ích mọi quyết sách dù đúng đắn sẽ đi vào ngõ cụt, biến thành phản văn hóa, rốt cuộc phản phát triển.

Từ đây cho thấy, tầm nhìn quảng khoát để đột phá sáng tạo là sự gặp gỡ giữa chủ quan với khách quan, từ nhu cầu bên trong tương thích với sức mạnh từ bên ngoài, thậm chí chưa có tiền lệ. Nói một cách hình ảnh, nhìn tận chân trời để hành động dưới chân mình, để nhịp bước đổi mới, sáng tạo cùng đất nước, theo phương thức Quảng Ninh.

Qua thực tiễn xử lý tối thiểu 24 mối quan hệ cơ bản và chủ yếu trên, phải chăng có thể khẳng định từ thực tiễn, rằng: Kinh tế phát triển nhanh, mạnh, bền vững song hành với phát triển văn hóa toàn diện (văn hóa kinh tế, văn hóa chính trị, văn hóa xã hội, văn hóa môi trường, văn hóa sinh thái, văn hóa ngoại giao, văn hóa an ninh, văn hóa quốc phòng và văn hóa trong chính bản thân văn hóa) là nền tảng gắn với xây dựng Đảng, hệ thống chính trị về văn hóa là then chốt; mặt khác, với chủ động liên kết trong nước, hội nhập toàn diện khu vực và quốc tế là động lực tiên phong; đồng thời, phát huy đại đoàn kết toàn dân là động lực chủ yếu, nắm chắc và sử dụng khoa học công nghệ, trước mắt chuyển đổi số là động lực trực tiếp và đột phá… Tất cả hợp thành sức mạnh tổng thể và toàn diện của mọi sự phát triển mang tầm chiến lược và thống nhất ngang tầm vị thế và tiềm năng Quảng Ninh, nhất là 10 năm nay bứt phá và tạo gia tốc phát triển mới trong những năm tiếp theo?

Từ tư tưởng phát triển chuyển đổi, đột phá, mạnh mẽ của các Đại hội XIII, XIV tới tư tưởng trở thành cực tăng trưởng toàn diện, bền vững phía Bắc của Đại hội XV của Đảng bộ tỉnh, kỳ vọng vươn tới trở thành tỉnh kiểu mẫu khibước vào Đại hội của Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI (năm 2025-2030), vươn tới thành phố trực thuộc Trung ương tối đa trong 10 năm tới.

Qua thực tiễn Quảng Ninh giải quyết tối thiểu 24 mối quan hệ, từ nhiều góc nhìn, có thể thấy 5 kinh nghiệm lớn:

Một là, không đổi mới tầm viễn kiến về quốc gia và thế giới, đồng thời không xuất phát từ chính mình, nhất định sẽ không có bất cứ một quyết sách chính trị nào phù hợp trong định vị chiến lược, lựa chọn đột phá chiến lược, xây dựng hệ động lực đủ mạnh và hành động kiên quyết, đồng bộ, thống nhất và hiệu quả.

Hai là, mọi sự đổi mới, sáng tạo, phát triển nhanh, mạnh, bền vững phải quay chung quanh trung tâm là Nhân dân, chứ không phải Nhân dân quay chung quanh bất cứ sự đổi mới, đột phá, sáng tạo, phát triển nào, dù ở bất cứ phương diện gì, trình độ nào và mức độ tới đâu. Có thể gọi đây là phát triển nhân văn Quảng Ninh đang hướng tới.

Ba là, mọi quyết sách chính trị, dù về kinh tế, chính trị, xã hội, văn hóa, an ninh, quốc phòng hay đối ngoại, phải trước hết và đồng thời là một quyết sách nhân văn và ngang tầm văn hóa: hợp quy luật, hợp lòng Dân và hợp xu thế phát triển của thế giới.

Bốn là, không có Nhân dân đồng thuận và đại đoàn kết toàn dân không có bất cứ sự thành công của đổi mới, dột phá sáng tạo, phát triển nào như mong muốn, nếu không nói là nhất định gặp khó khăn và nguy cơ rơi vào thất bại.

Năm là, đồng thời với xây dựng, chỉnh đốn Đảng, hệ thống chính trị trên 5 phương diện về: chính trị, tư tưởng, tổ chức, đạo đức, và về cán bộ như hiện nay, sắp tới, phải chăng tất yếu và cần thiết bổ sung và phát triển phương diện thứ 6 về văn hóa? Đây là đột phá mới mẻ và được kiểm nghiệm của Quảng Ninh trên phương diện xây dựng, chỉnh đốn Đảng về văn hóa.

Phải chăng đó là triết lý đổi mới, đột phá phát triển Quảng Ninh?

Trong tầm nhìn trước mắt tới năm 2025, kỳ vọng Quảng Ninh tiếp tục đổi mới tư duy chiến lược, đổi mới tầm nhìn và định vị chiến lược, dũng cảm đột phá tổ chức sáng tạo thực tiễn, tiếp tục phát triển nhanh, mạnh và bền vững trong tầm nhìn 2 nhiệm kỳ thứ XVI (2030) và thứ XVII (năm 2035) cùng cả nước đổi mới toàn diện, đồng bộ.

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/tren-duong-phat-trien-1/doi-moi-va-dot-pha-phat-trien-kinh-nghiem-va-thach-thuc-tu-quang-ninh--i351090/