Đổi mới ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Ninh Thuận

Những thành tựu đạt được trong thực hiện chính sách dân tộc nói chung và Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi là cơ sở vững chắc để đồng bào vùng DTTS và miền núi tỉnh Ninh Thuận luôn phấn khởi, yên tâm lao động sản xuất, không ngừng phấn đấu vươn lên, luôn tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước và công cuộc đổi mới của đất nước.

Cán bộ Đồn Biên phòng Vĩnh Hải, BĐBP Ninh Thuận thăm, nắm tình hình địa bàn qua ông Mang Hàng (ngoài cùng bên trái) - người có uy tín trong đồng bào Raglai thôn Đá Hang, xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải. Ảnh: Trần Trí

Ninh Thuận là tỉnh có đông DTTS, với 32 thành phần dân tộc, chiếm 23% dân số toàn tỉnh; trong đó dân tộc Raglai chiếm 10,6% và dân tộc Chăm chiếm 11% dân số toàn tỉnh. Hộ nghèo DTTS chiếm 22,46% so với hộ DTTS; hộ cận nghèo DTTS chiếm 12,19% so với hộ DTTS.

Xã ven biển Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải có 2 thôn đồng bào DTTS Raglay là thôn Cầu Gãy và thôn Đá Hang. Hai thôn này có 90 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 71,4% hộ nghèo toàn xã. Đây là hai thôn nằm trọn trong vùng lõi của Vườn Quốc gia Núi Chúa quản lý. Ở hai thôn đồng bào Raglai sinh sống, diện tích đất canh tác không nhiều, chủ yếu là đồi núi, thường khô hạn, thiếu nước vào mùa khô.

Trưởng thôn thôn Đá Hang Cao Văn Giác cho biết, người Raglai nay không tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống nữa. Đám thanh niên đã hạn chế tụ tập rượu chè, quậy phá mà lo làm ruộng, chăn nuôi, chờ đến mùa thu hoạch cà phê thì sang các tỉnh Tây Nguyên làm thuê kiếm thêm thu nhập cho gia đình. Hơn một nửa số hộ trong thôn cũng đã có nhà xây, trong đó có 35 hộ tự xây được nhà kiên cố.

"Nguyện vọng của đồng bào Raglai là mong muốn được Nhà nước tiếp tục đầu tư, hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội, làm đường giao thông và các công trình dân sinh như cấp nước sinh hoạt, xây nhà vệ sinh, nhà tắm; làm công trình đập ngăn nước để tưới tiêu cho những diện tích ruộng bỏ hoang" - Trưởng thôn Đá Hang Cao Văn Giác thay mặt bà con kiến nghị.

"Năm 2003, xã Vĩnh Hải đã xây dựng kế hoạch nguồn vốn sự nghiệp thực hiện các chính sách dân tộc là 8,5 tỷ đồng; vốn đầu tư 1 tỷ đồng từ nguồn vốn của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS. Nguồn lực này đã tạo điều kiện thuận lợi góp phần phát triển kinh tế - xã hội cho địa phương; là nguồn lực quan trọng để Đảng bộ xã thực hiện mục tiêu đã đặt ra trong nhiệm kỳ 2020-2025 là tập trung thực hiện tốt chính sách dân tộc, xóa đói giảm nghèo, đồng thời hướng dẫn cho bà con phát triển các mô hình kinh tế để tạo việc làm, nâng cao thu nhập". Đồng chí Nguyễn Thành Mỹ, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Hải khẳng định.

Những chuyển biến ở vùng đồng bào Raglai xã Vĩnh Hải là ví dụ cho sự vươn lên ở vùng DTTS tỉnh Ninh Thuận. Theo báo cáo của Ban Dân tộc tỉnh, tình hình kinh tế -xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi phát triển ổn định, các chính sách an sinh xã hội được triển khai đồng bộ kịp thời, giúp đồng bào ổn định cuộc sống. Cơ sở hạ tầng phục vụ nhu cầu thiết yếu của người dân trong vùng ngày càng tốt hơn, hệ thống tưới tiêu phục vụ cho sản xuất chăn nuôi ngày càng hoàn chỉnh; bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của đồng bào các dân tộc được giữ gìn, bảo tồn và phát huy.

Trong những năm qua, việc triển khai các Chương trình mục tiêu quốc gia trong đó có Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025 và các dự án khác trên địa bàn đã hạn chế mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra; lĩnh vực trồng trọt được cơ cấu lại, chuyển đổi bền vững đất lúa kém hiệu quả sang cây ăn quả, cây trồng cạn có hiệu quả kinh tế.

Ở thôn Cầu Gãy, hầu hết đồng bào Raglai đều có nhà ở kiên cố từ các chính sách hỗ trợ nhà ở dành cho đồng bào dân tộc thiểu số của Nhà nước. Ảnh: Trần Trí

Về chính sách bảo vệ môi trường sinh thái, UBND tỉnh chỉ đạo các địa phương triển khai xây dựng các điểm tập kết, xử lý rác thải sinh hoạt; lồng ghép công tác vệ sinh môi trường vào hương ước, quy ước của thôn, khu phố; đồng thời, hướng dẫn người dân thực hiện việc ăn, ở hợp vệ sinh, di chuyển, sắp xếp chuồng trại hợp lý, cấm nuôi heo thả rông; xây dựng nhà tắm, nhà tiêu hợp vệ sinh tại vùng DTTS và miền núi. Đến nay, tỷ lệ số xã có tổ chức thu gom và xử lý rác thải đạt 83,6% (trong đó có xã vùng DTTS và miền núi), tỷ lệ khu vực công cộng, các trục đường liên xã, liên thôn và các trục đường chính nội đồng được trồng cây xanh đạt 80%; các nghĩa trang được quy hoạch, cải tạo và việc mai táng được thực hiện phù hợp với tín ngưỡng, phong tục, tập quán, truyền thống văn hóa.

Về văn hóa, tỉnh đã tổ chức Lễ trao bằng Di sản văn hóa phi vật thể Cụm nghi lễ đầu năm của người Chăm làng Bỉnh Nghĩa, xã Bắc Sơn, huyện Thuận Bắc; phối hợp UBND huyện Ninh Phước tổ chức mở lớp truyền dạy nhạc cụ truyền thống của đồng bào Chăm gắn với du lịch phát triển làng nghề truyền thống tại làng Bàu Trúc, thị trấn Phước Dân. Ngày 29/11/2022, di sản nghệ thuật làm gốm của người Chăm được UNESCO ghi danh di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp đối với Việt Nam và của cộng đồng người Chăm.

Trên địa bàn tỉnh đã có 93,64% dân số nông thôn được cấp nước sinh hoạt hợp quy chuẩn, trong đó có gần 71% là nước sinh hoạt đạt tiêu chuẩn 2 của Bộ Y tế; tỷ lệ hộ có nhà tiêu hợp vệ sinh đạt 77,84%.

Ông Bá Bình Yên, Phó Trưởng ban Dân tộc tỉnh Ninh Thuận cho biết, những thành tựu đạt được là cơ sở vững chắc để đồng bào vùng DTTS và miền núi luôn phấn khởi, yên tâm lao động sản xuất, không ngừng phấn đấu vươn lên, luôn tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước và công cuộc đổi mới của đất nước.

Trần Trí

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/doi-moi-o-vung-dan-toc-thieu-so-va-mien-nui-tinh-ninh-thuan-post469253.html