Đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của hội nông dân

Thực hiện Nghị quyết số 46-NQ/TW ngày 20/12/2023 của Bộ Chính trị về đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của Hội Nông dân Việt Nam đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ cách mạng trong giai đoạn mới, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Kế hoạch số 263-KH/TU ngày 13/3/2024 về thực hiện Nghị quyết 46, để cụ thể hóa, chỉ đạo triển khai thực hiện đến các cấp ủy, đơn vị, địa phương trong tỉnh.

Nông dân Quảng Ngãi chưa đẩy mạnh quảng bá hàng hóa trên các nền tảng mạng xã hội và bán hàng trực tuyến. Ảnh: Ý THU

Nông dân Quảng Ngãi chưa đẩy mạnh quảng bá hàng hóa trên các nền tảng mạng xã hội và bán hàng trực tuyến. Ảnh: Ý THU

Phát huy vai trò của tổ chức hội

Mục tiêu tổng quát kế hoạch đề ra là đổi mới và nâng cao chất lượng phong trào nông dân; xây dựng Hội Nông dân tỉnh vững mạnh; làm tốt vai trò đại diện; động viên, cổ vũ nông dân nâng cao nhận thức, trách nhiệm, trình độ, tích cực tham gia phát triển nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh. Nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nông dân, góp phần thực hiện thành công mục tiêu đến năm 2030, Quảng Ngãi phấn đấu là tỉnh phát triển khá của cả nước, có thu nhập bình quân đầu người ít nhất bằng mức bình quân của cả nước.

Kế hoạch 263 cũng đề ra các chỉ tiêu cụ thể hằng năm, như: Kết nạp mới từ 7.000 hội viên nông dân trở lên; 100% cán bộ hội chuyên trách ở các cấp, chi hội trưởng chi hội nông dân được bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ. Thành lập mới ít nhất 20 tổ hội nông dân nghề nghiệp, 8 chi hội nông dân nghề nghiệp. Vận động từ 4.460 hội viên nông dân trở lên tham gia tổ hợp tác, hợp tác xã; thành lập mới ít nhất 7 tổ hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp và 1 hợp tác xã nông nghiệp... Kế hoạch cũng đề ra 7 nhóm nhiệm vụ, giải pháp để các cấp ủy, đơn vị, địa phương triển khai thực hiện. Trong đó, củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy, xây dựng đội ngũ cán bộ hội đủ phẩm chất, năng lực đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng nghề cho nông dân, lao động nông thôn...

Đổi mới trong hoạt động

Cụ thể hóa Nghị quyết 46 của Bộ Chính trị và Kế hoạch 263 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, nhiều cấp ủy đảng đã xây dựng kế hoạch triển khai sát với tình hình thực tế của từng địa phương. Huyện ủy Mộ Đức đề ra chỉ tiêu hằng năm kết nạp từ 500 - 600 hội viên nông dân, thành lập mới từ 1 - 2 tổ hội nông dân nghề nghiệp, vận động từ 100 hội viên nông dân trở lên tham gia tổ hợp tác, hợp tác xã... Thành ủy Quảng Ngãi đề ra chỉ tiêu hằng năm kết nạp mới từ 700 hội viên nông dân; đào tạo, bồi dưỡng nghề cho từ 50 hội viên nông dân, lao động nông thôn; thành lập mới ít nhất 3 chi, tổ hội nông dân nghề nghiệp...

Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh cũng đang tập trung xây dựng Kế hoạch thực hiện phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, hoạt động của các cấp hội nông dân trong tỉnh, tạo sự đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động hội và phong trào nông dân.

Theo Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nông dân tỉnh Trần Ngọc Vinh, Nghị quyết 46 của Bộ Chính trị và Kế hoạch 263 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy đề ra nhiều nhiệm vụ, giải pháp mang tính chiến lược về củng cố nguồn nhân lực của hội nông dân ở các cấp; hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất, kinh doanh trong tình hình mới. Để thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ này, các cấp hội nông dân trên địa bàn tỉnh cần được ưu tiên bố trí nguồn lực hợp lý. Cùng với đó, việc củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy, xây dựng đội ngũ cán bộ hội đủ phẩm chất, năng lực đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ cần được các địa phương quan tâm đúng mức. Bởi lâu nay, đội ngũ cán bộ hội ở cơ sở trình độ chưa đồng đều, thường xuyên thay đổi, chưa đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ.

Hình thành các chuỗi liên kết sản xuất

“Để giúp nông dân phát triển kinh tế nông nghiệp bền vững trong giai đoạn hội nhập, chuyển đổi số phát triển như hiện nay, việc hỗ trợ nông dân, hội viên nông dân liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản qua sàn thương mại điện tử cần được quan tâm kịp thời, đầy đủ, để nông dân tỉnh nhà có thể bắt nhịp kịp cùng với nông dân cả nước. Trên thực tế, bình quân mỗi năm, dù toàn tỉnh có hơn 80 nghìn nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi, nhưng mới chỉ có khoảng hơn 200 sản phẩm nông nghiệp nông thôn được bày bán ổn định trên sàn thương mại điện tử. Con số khiêm tốn này, đòi hỏi các cấp hội nông dân phải đổi mới hơn nữa, nỗ lực hơn nữa trong đồng hành, hướng dẫn, hỗ trợ người dân”, ông Vinh nhấn mạnh.

Tại buổi làm việc với Hội Nông dân tỉnh vào cuối tháng 4 vừa qua, Ủy viên Ban Thường vụ Trung ương Hội Nông dân Việt Nam Nguyễn Khắc Toàn cũng yêu cầu hội nông dân các cấp trên địa bàn tỉnh tăng tốc hỗ trợ người nông dân tận dụng sự phát triển của mạng xã hội, sàn thương mại điện tử để tìm đầu ra cho nông sản, sản phẩm làm ra. Bởi so với các tỉnh, thành phố ở phía bắc, nông dân Quảng Ngãi vẫn còn yếu ở khâu này. Việc chưa bắt nhịp được với xu hướng phát triển của thị trường, phương thức mua hàng của người tiêu dùng, khiến thị trường tiêu thụ của nông dân Quảng Ngãi bị giới hạn, chưa thể phát triển rộng khắp. Cùng với đó, tỉnh cần quan tâm đổi mới để phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” đi vào chiều sâu. Tránh trường hợp số lượng nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi thì nhiều, nhưng sự liên kết thành chuỗi sản xuất lại hạn chế, khiến quy mô sản xuất trở nên manh mún, thiếu sự bứt phá.

Ý THU

TIN, BÀI LIÊN QUAN:

Nguồn Quảng Ngãi: http://baoquangngai.vn/chinh-tri/202405/doi-moi-nang-cao-chat-luong-hoat-dong-cua-hoi-nong-dan-9170b4d/