Độc đáo lễ hội Đức Thánh Nguyễn

Theo dấu chân người xưa tìm về đền thờ Đức Thánh Nguyễn, du khách không chỉ được tìm về với cội nguồn lịch sử, cảm nhận được những nét văn hóa của quê hương, mà còn được thưởng thức ẩm thực làng quê mộc mạc, đậm đà, ai đã một lần nếm thử sẽ nhớ mãi không quên.

Sản phẩm trang trí, gia dụng được sản xuất từ nguyên liệu mo cau truyền thống sẽ được bày bán phục vụ du khách tại lễ hội Đức Thánh Nguyễn.

Sản phẩm trang trí, gia dụng được sản xuất từ nguyên liệu mo cau truyền thống sẽ được bày bán phục vụ du khách tại lễ hội Đức Thánh Nguyễn.

Nơi lưu giữ nghệ thuật kiến trúc cấp quốc gia

Đền đức Thánh Nguyễn Minh Không là một ngôi đền cổ thuộc địa phận xã Gia Thắng và xã Gia Tiến, huyện Gia Viễn, thờ Thiền sư Nguyễn Minh Không, Quốc sư thời Lý. Thánh Nguyễn Minh Không tên thật là Nguyễn Chí Thành (1073 - 1141) người làng Điềm Xá, thuộc phủ Tràng An xưa (nay thuộc xã Gia Thắng và Gia Tiến, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình). Theo truyền thuyết để lại ông là vị cao tăng đứng đầu của triều đại nhà Lý trong lịch sử Việt Nam, cũng là người đầu tiên áp dụng phương pháp chữa bệnh bằng thuốc Nam và châm cứu.

Là người gắn bó hàng chục năm với ngôi đền linh thiêng cụ Phạm Văn Lưu (Ban kiến thiết nhà Đền) đã không ngần ngại trở thành thuyết minh viên cho đoàn chúng tôi khi muốn tìm hiểu về nghệ thuật kiến trúc của ngôi Đền. Theo lời kể của cụ, ngược dòng lịch sử khoảng năm 1121, Nguyễn Minh Không đã về quê Đàm Xá xây dựng một ngôi chùa nhỏ thờ Phật, tên là Viên Quang (Viên Quang tự) để tu tập và hành đạo cứu người. Khi Nguyễn Minh Không mất, nhân dân Đàm Xá biến ngôi chùa đó thành đền thờ Ngài.

Cụ Lưu dẫn chúng tôi đi thăm tổng thể ngôi đền và chỉ từng nét kiến trúc độc đáo. Đền nằm trên mảnh đất dài 100m, rộng hơn 40m, xây dựng theo kiểu "nội công ngoại quốc". Đền quay hướng Nam, nằm song song với đường Tiến Yết, hướng về Cố đô Hoa Lư nên được xem như một di tích thuộc "Hoa Lư tứ trấn". Công trình là điển hình kiến trúc của thời Hậu Lê, vừa hài hòa, vừa trang nghiêm.

Đền thờ Đức Thánh Nguyễn được công nhận là kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia năm 1989.

Đầu tiên là Vọng Lâu được xây dựng trên nền chùa Viên Quang tự mà Nguyễn Minh Không đã lập vào năm 1121. Mặt trước Vọng Lâu đắp "Lưỡng long chầu nguyệt", mặt sau đắp "Phượng hàm thư" là hai chim phượng ngậm cuốn thư. Vọng Lâu kiến trúc mở nên không có các cánh cửa. Mặt trước và mặt sau đều có những bức Hoành phi và câu đối cổ.

Bên hồi trái Vọng Lâu là cây sách, bên phải là cây đèn đá đều là hình lục giác cao hơn 1m đặt trên bệ đá, là biểu tượng của trí tuệ. Đền Thánh Nguyễn có bốn tòa kiến trúc theo kiểu "tiền nhất hậu công". Tiền Bái 5 gian có bốn hàng cột, vì kèo theo kiểu "Thượng rường hạ kẻ". Mái lợp bằng ngói ta không có mấu, mũi lượn tròn, phía dưới là ngói chiếu. Trong Tiền Bái có 5 bức cửa võng, đều được sơn son thếp vàng, chạm lưỡng long chầu nguyệt và tứ linh rất sinh động. Gian giữa trên cao ở phía ngoài có cuốn thư chạm khắc 4 chữ Hán "Thiên Khải Thánh sinh" (có nghĩa là Trời sinh ra Thánh). Phía trong treo bức đại tự "Tối Linh Từ" (Đền tối linh thiêng). Các cột trong Tiền bái đều được treo nhiều câu đối ca ngợi công đức của Nguyễn Minh Không.

Tiếp theo là Tòa đệ nhị với kiến trúc mang đậm kiến trúc dân gian độc đáo, hai mái giao nhau rất khớp về độ cao, ăn ý, hài hòa với nhau. Hai tòa đệ nhất và đệ nhị liền nhau tạo cho Tiền Bái có một không gian rộng và sâu.

Trong cùng là Chính tẩm năm gian theo phong cách nghệ thuật điêu khắc thế kỷ thứ XVII. Gian giữa có bài vị thờ Nguyễn Minh Không. Gian phía Đông của Chính tẩm có ban thờ bài vị Khải Thánh (thờ cha mẹ Nguyễn Minh Không). Gian phía Tây có ban thờ bài vị Tô Hiến Thành, người có tính cương trực, trọng nghĩa, khinh tài, một lòng trung thành vì dân, vì nước.

Ngoài các hiện vật cổ quý báu đền Thánh Nguyễn còn lưu giữ 50 bản sắc phong thời Lê và Nguyễn. Kiến trúc ngôi đền thể hiện bàn tay khéo léo, tài hoa của người nghệ nhân xưa, hòa nhập với núi sông, mây trời ở vùng Cố đô Hoa Lư tạo thành một tác phẩm nghệ thuật độc đáo. Đền được công nhận là kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia năm 1989.

Nơi văn hóa dân gian còn in đậm

Đến thăm đền Thánh Nguyễn du khách còn được trải nghiệm làng nghề Sinh Dược, tương truyền là nơi Thánh Nguyễn Minh Không trong quá trình tu hành đã tìm ra cây thuốc để chữa bệnh "hóa hổ" cho vua Lý Thần Tông và chữa bệnh cứu dân độ thế.

Chị Nguyễn Thị Quyên, đại diện HTX Sinh Dược cho biết: Hiện nay, người dân địa phương vẫn lưu giữ được những kiến thức về các loại thảo dược cổ truyền. Chúng tôi là thế hệ sau được sinh ra và lớn lên qua những câu chuyện kể của ông bà, được trải nghiệm chữa bệnh từ bé bằng những cây thuốc Nam vì vậy hơn ai hết chúng tôi mong muốn phục dựng các bài thuốc cổ để làng nghề Sinh Dược nói chung và các vị thuốc dân gian nói riêng được lưu truyền cho muôn đời sau.

Với mong muốn đó người dân địa phương đã hình thành nên Hợp tác xã với 11 thành viên, sản xuất đầy đủ các sản phẩm tiện dụng có nguồn gốc tự nhiên, phục vụ nhu cầu thiết yếu và chăm sóc sức khỏe con người bằng các phương thức cổ truyền đậm đà bản sắc Việt Nam như: Xà bông, muối tắm, muối ngâm, kem đánh răng, nước giặt… Qua đó, góp phần bảo tồn và phát huy những tri thức thảo dược cổ truyền, gìn giữ văn hóa, phát triển kinh tế bền vững gắn với các giá trị bản địa nơi đây.

Hoạt động vẽ tranh trên sản phẩm mây tre đan để trưng bày tại lễ hội.

Không chỉ nổi tiếng với những bài thuốc cứu người mà quê hương của Thánh Nguyễn Minh Không còn nổi tiếng với những làng nghề truyền thống như làng nghề bánh đa, nghề mây tre đan. Hiện nay, làng nghề làm bánh đa Điềm Giang cũng là điểm đến thu hút du khách trong hành trình độc đáo này. Đây là loại bánh được người dân làm thủ công từ khâu ngâm gạo, xay, giã, tráng, phơi, tạo ra những sản phẩm chất lượng, đảm bảo tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm và hướng tới các tiêu chí là sản phẩm OCOP của địa phương.

Bà Vũ Thị Dược, Phó Chủ tịch UBND huyện Gia Viễn cho biết: Lễ hội đền Đức Thánh Nguyễn hằng năm đã thu hút rất đông đảo du khách thập phương về chiêm ngưỡng nghệ thuật kiến trúc của ngôi đền được công nhận là kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia. Năm nay, lễ hội đền Đức Thánh Nguyễn diễn ra từ ngày 7 đến ngày 10 tháng 3 âm lịch, với các nghi lễ truyền thống, trò chơi dân gian, các hoạt động văn hóa, văn nghệ độc đáo, hấp dẫn du khách thập phương.

Trong không gian lễ hội sẽ tái hiện lại phiên chợ Điềm Giang bày bán các sản phẩm đặc trưng của người nông dân ở Gia Viễn.

Thực hiện định hướng về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, Gia Viễn đang từng bước xây dựng những sản phẩm du lịch độc đáo, hấp dẫn, riêng có của địa phương. Trong đó chú trọng sản phẩm du lịch "về cội nguồn". Chính vì thế, lễ hội đền Đức Thánh Nguyễn được huyện Gia Viễn tổ chức với quy mô cấp huyện.

Đặc biệt, năm nay, huyện Gia Viễn đã tiến hành tu sửa, chỉnh trang một số cơ sở bổ trợ tạo nên nép đẹp độc đáo cho lễ hội trên cơ sở tiềm năng của huyện như các nghề truyền thống đơm đó tre để làm đèn lồng, ghép tranh từ những sản phẩm mây tre đan hay trưng bày các món ăn dân dã bánh đa, bánh đúc, dưa Gia Viễn... Tất cả sẽ được trưng bày tại phiên chợ Điềm Giang tạo nên một hình ảnh điền giã thu hút du khách thập phương về với lễ hội.

Nguyễn Thơm - Anh Tuấn

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/doc-dao-le-hoi-duc-thanh-nguyen/d20230426001953138.htm