Độc đáo chén, đĩa làm bằng mo cau, xuất khẩu khắp 5 châu

Từ những chiếc mo cau tưởng chừng như phế phẩm bỏ đi, một người đàn ông ở xứ Quảng đã 'hô biến' thành chén, đĩa và xuất khẩu khắp 5 châu.

Người đã dày công mang lại "thân phận" mới cho mo cau ấy chính là anh Nguyễn Văn Tuyến (39 tuổi, quê gốc Quảng Nam) - chủ xưởng thu mua, sản xuất mo cau có tiếng ở huyện Nghĩa Hành, tỉnh Quảng Ngãi.

Tốt nghiệp Đại học Giao thông Vận tải, anh Tuyến không chọn đi theo nghề nghiệp đã được học tập, trau dồi suốt 4 năm ở giảng đường mà quyết định cùng nhóm bạn rẽ hướng sang nghề thu mua, chế biến và xuất khẩu những phế phẩm nông nghiệp. Cụ thể, công ty của cả nhóm thu gom cùi bắp, bã mía, lá xoài khô... và biến tất cả thành hàng xuất khẩu sang các thị trường nước ngoài để làm giá thể trong sản xuất nông nghiệp. Sau một thời gian, anh tách nhóm ra làm riêng.

Năm 2019, tình cờ có dịp đặt chân đến Quảng Ngãi, anh choáng ngợp trước số lượng cau ở vùng đất này. Thời điểm ấy, người dân chủ yếu trồng cau lấy quả để xuất sang thị trường Trung Quốc, Ấn Độ. "Mo cau rơi rụng nằm la liệt chẳng khác nào phế phẩm bỏ đi. Đúng lúc này, qua tìm hiểu trên mạng, tôi tiếp cận thông tin về các sản phẩm làm từ mo cau ở Ấn Độ. Ngay lập tức, trong đầu tôi liên tưởng sẽ biến mo cau ở đây thành những đồ dùng hữu ích" - anh Tuyến nhớ lại.

Sau nhiều tháng ròng rã cất công đi khảo sát các vùng trồng cau trên địa bàn Quảng Ngãi, cuối năm 2019, anh Tuyến quyết định nhập máy móc từ Ấn Độ về lắp ráp, mở xưởng thu mua mo cau để làm chén, đĩa, khay đựng thức ăn ở huyện Nghĩa Hành - "thủ phủ" trồng cau lớn nhất Quảng Ngãi.

Theo anh Tuyến, mo cau sau khi được thu mua và tập kết về xưởng (giá 1.000 đồng/chiếc), sẽ được chà rửa sạch sẽ, ngâm nước cho mềm, để ráo và đưa vào khuôn ép nhiệt để tạo hình. Sản phẩm được ép ra sẽ có hình dáng đa dạng, có thể in được hình ảnh lên sản phẩm theo yêu cầu của khách hàng.

"Chén, đĩa, khay có nguồn gốc từ mo cau sẽ được khử khuẩn, đóng gói trong bao nilon ép nhiệt. Vì không bị thấm nước nên chúng có thể đựng thức ăn, trái cây, mắm, muối,... Giá sản phẩm cũng rất rẻ, chỉ từ 2.000 – 3.000 đồng/cái và có thể tái sử dụng" - anh Tuyến chia sẻ.

Sau 2 năm đầu chinh phục thị trường trong nước, đến năm 2021, anh Tuyến tiếp tục đầu tư mở rộng sản xuất để xuất khẩu. Hiện tại, trung bình một tháng, cơ sở cung cấp cho thị trường khoảng 600.000 sản phẩm chén, đĩa, khay bằng mo cau, tạo công ăn việc làm liên tục cho 15 lao động, với thu nhập từ 200.000 đến 250.000 đồng/ngày.

Thời gian qua, chén, đĩa, khay bằng mo cau của xưởng anh Tuyến đã có mặt ở thị trường các nước như Hàn Quốc, Mỹ, Canada, Hà Lan...

Từ tháng 3 đến tháng 10 là khoảng thời gian mo cau rụng. Ước tính, 1 ha cau sẽ có khoảng 12.500 chiếc mo/năm. Nếu anh Tuyến thu mua mo cau với giá 1.000 đồng/chiếc, người dân sẽ "bỏ túi" 12,5 triệu đồng/ha. Điều này giúp bà con có thêm nguồn thu nhập kha khá ngoài việc bán quả cau.

Nguồn VTC: https://vtcnews.vn/doc-dao-chen-dia-lam-bang-mo-cau-xuat-khau-khap-5-chau-ar870595.html