Doanh nghiệp xăng dầu nói bị phân biệt đối xử

Các doanh nghiệp phân phối, bán lẻ xăng dầu cho rằng dự thảo Nghị định đang quy định theo hướng bất lợi và triệt tiêu khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp nhỏ.

 Các doanh nghiệp phân phối, bán lẻ xăng dầu cho rằng không có điều kiện bình đẳng để cạnh tranh công bằng trên thị trường. Ảnh: Quỳnh Danh.

Các doanh nghiệp phân phối, bán lẻ xăng dầu cho rằng không có điều kiện bình đẳng để cạnh tranh công bằng trên thị trường. Ảnh: Quỳnh Danh.

Ngày 14/5, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp Bộ Công Thương tổ chức hội thảo góp ý dự thảo sửa đổi Nghị định về kinh doanh xăng dầu.

Doanh nghiệp phân phối, bán lẻ xăng dầu "chịu thiệt"

Ông Hoàng Trung Dũng, Tổng giám đốc CTCP Phát triển phụ gia và sản phẩm dầu mỏ (APP) - một doanh nghiệp phân phối xăng dầu cho rằng đề xuất thương nhân phân phối không được mua hàng của nhau, chỉ được nhập hàng từ đầu mối đang hạn chế quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp.

"Dự thảo trích Luật Thương mại, Luật Giá, Luật Cạnh tranh, theo đó doanh nghiệp được quyền kinh doanh mọi thứ luật không cấm. Nhưng dự thảo lại hạn chế về quyền của doanh nghiệp, phân biệt đối xử khi doanh nghiệp đầu mối được quyền nhập khẩu, mua bán lẫn nhau nhưng thương nhân phân phối lại chỉ được mua từ đầu mối", ông Dũng nói.

Theo ông, điều này gây khó cho thương nhân phân phối, ví dụ ở thời điểm năm 2022, nguồn cung xăng dầu gặp vấn đề, doanh nghiệp đặt mua hàng từ đầu mối cũng không được.

"Dự thảo dường như đang đưa ra nhiều quy định có lợi thế cho các doanh nghiệp đầu mối so với các doanh nghiệp còn lại, đặc biệt là 2 'ông lớn' Petrolimex và PV Oil", ông nhìn nhận.

Tương tự, ông Nguyễn Hữu Thập - Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Tuyên Quang cũng cho rằng dự thảo Nghị định quy định thương nhân phân phối chỉ được mua xăng dầu từ các thương nhân đầu mối là phân biệt đối xử giữa các doanh nghiệp, vi phạm Luật Cạnh tranh và Luật Thương mại.

 Các doanh nghiệp phân phối xăng dầu cho biết việc quy định chỉ được mua hàng từ doanh nghiệp đầu mối sẽ dẫn đến tình trạng đứt gãy nguồn cung như năm 2022. Ảnh: Đức Anh.

Các doanh nghiệp phân phối xăng dầu cho biết việc quy định chỉ được mua hàng từ doanh nghiệp đầu mối sẽ dẫn đến tình trạng đứt gãy nguồn cung như năm 2022. Ảnh: Đức Anh.

"Các doanh nghiệp đầu mối (cả nhập khẩu và sản xuất) là đơn vị tạo nguồn tồn dự trữ quốc gia để cung ứng cho bán thương mại, bán tiêu dùng trong hệ thống của mình. Đầu mối không bán cho đại lý, nhượng quyền thương mại vì đã thông qua thương nhân phân phối, nếu đầu mối vẫn bán cho đối tượng này thì sẽ giẫm chân lên nhau", ông nhìn nhận.

Đại diện cho cộng đồng 150 doanh nghiệp là thương nhân phân phối, bán lẻ xăng dầu, ông Văn Tấn Phụng, Chủ tịch CTCP Thương mại Dầu khí Đồng Nai cũng cho rằng dự thảo Nghị định vẫn giữ cách tiếp cận và phương pháp cũ đã không còn phù hợp với bối cảnh thực tế.

"Dự thảo tiếp tục phân chia thị trường, phân loại các doanh nghiệp bao gồm thương nhân đầu mối, phân phối và bán lẻ. Đáng lưu ý, thương nhân đầu mối (thuộc thiểu số trong số lượng hàng nghìn doanh nghiệp) được xếp hạng cao nhất, có vị trí riêng với nhiều đặc quyền, tiếp đến là thương nhân phân phối và cuối cùng là doanh nghiệp bán lẻ", ông nói.

Theo ông Phụng, quan điểm và cách tiếp cận về chính sách và quản lý như trên rõ ràng là sự áp đặt duy ý chí và mang tính phân biệt đối xử, hạn chế các quyền tự do, chủ động kinh doanh của doanh nghiệp. Điều đó hoàn toàn trái với tinh thần cơ bản của Luật Doanh nghiệp.

"Trong bối cảnh thực tế hiện nay, các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đang không có điều kiện bình đẳng để cạnh tranh công bằng trên thị trường. Dự thảo Nghị định lại quy định theo hướng bất lợi và triệt tiêu khả năng cạnh tranh công bằng và bình đẳng của các doanh nghiệp nhỏ hơn là thương nhân phân phối và thương nhân bán lẻ", ông Phụng nhìn nhận.

Muốn được đối xử công bằng

Để tạo cơ chế cạnh tranh công bằng, ông Nguyễn Hữu Thập đề xuất giữ nguyên quy định thương nhân phân phối xăng dầu được mua xăng dầu từ nhiều thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu và thương nhân phân phối xăng dầu khác.

"Cần có chính sách ưu đãi của Nhà nước về chính sách tín dụng cho doanh nghiệp đầu mối và thương nhân phân phối để dự trữ hàng hóa theo quy định đáp ứng thị trường, chống đứt gãy nguồn cung", ông đề xuất.

Theo ông Thập, dự trữ xăng dầu bắt buộc chỉ áp dụng cho đầu mối vì thương nhân phân phối không trực tiếp sản xuất hay nhập khẩu. Nếu đầu mối không có nguồn bán thì thương nhân phân phối cũng phải tạm dừng do thiếu hụt nhiên liệu, không mua được nhiên liệu.

Cần tự do hóa kinh doanh theo hướng cạnh tranh, giảm dần hay từ bỏ vai trò trụ cột và thống lĩnh của một hoặc một vài doanh nghiệp Nhà nước nói chung và hay doanh nghiệp lớn nói riêng.

Luật sư Nguyễn Tiến Lập, văn phòng Luật sư NHQuang và cộng sự

Theo Luật sư Nguyễn Tiến Lập, văn phòng Luật sư NHQuang và cộng sự, việc ban hành quy định pháp luật về xăng dầu cần vì lợi ích quốc gia, tức bảo đảm an ninh năng lượng và nhiên liệu; vì lợi ích doanh nghiệp, tức bảo đảm tự do kinh doanh và cạnh tranh công bằng, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ; và vì lợi ích người tiêu dùng, tức có giá cả hợp lý và chất lượng tốt.

"Cần tự do hóa kinh doanh theo hướng cạnh tranh, giảm dần hay từ bỏ vai trò trụ cột và thống lĩnh của một hoặc một vài doanh nghiệp Nhà nước nói chung và hay doanh nghiệp lớn nói riêng", vị này đề xuất.

Ông Văn Tấn Phụng cho rằng cần xem xét, nghiên cứu để soạn lại dự thảo Nghị định theo hướng bám sát vào tình hình thực tiễn, bảo đảm nền tảng thể chế, pháp luật để xây dựng môi trường kinh doanh minh bạch, thuận lợi và sự cạnh tranh công bằng và bình đẳng.

"Nếu Nghị định mới được ban hành giữ nguyên tinh thần và nội dung như hiện nay thì e rằng sẽ gây nên các rủi ro tiềm tàng và hậu quả rất tiêu cực cho đất nước và nền kinh tế như: Rủi ro khủng hoảng nguồn cung xăng dầu, nhiều doanh nghiệp phân phối, bán lẻ vừa và nhỏ khó cạnh tranh dẫn đến phá sản, Nhà nước không kiểm soát được các hiện tượng tiêu cực, trục lợi và buôn lậu về xăng dầu...", ông nói.

Thanh Thương

Nguồn Znews: https://znews.vn/doanh-nghiep-xang-dau-noi-bi-phan-biet-doi-xu-post1475342.html