Doanh nghiệp vẫn khó khăn trong việc tìm kiếm lao động

Mặc dù đã có những tiến triển về khả năng tiếp cận giáo dục, nhưng các trường đại học và cơ sở đào tạo chưa thực chất chuẩn bị để người lao động tương lai tham gia các vị trí việc làm ở những lĩnh vực công nghệ cao. Doanh nghiệp trong nhiều lĩnh vực, bao gồm cả doanh nghiệp khởi nghiệp cho biết họ gặp khó khăn trong việc tìm kiếm lao động có những kỹ năng nền phù hợp cho đổi mới sáng tạo.

Qua bằng chứng phân tích gần đây của Ngân hàng Thế giới (WB), 80% các tổ chức đào tạo tham gia khảo sát cho rằng sinh viên tốt nghiệp của họ đã được chuẩn bị đầy đủ cho các vị trí công việc ban đầu, nhưng chưa đến 40% đơn vị sử dụng lao động tham gia khảo sát cho rằng sinh viên mới tốt nghiệp đã sẵn sàng, nhất là cho các vị trí việc là đòi hỏi kỹ năng cao.

Chỉ số năng lực cạnh tranh toàn cầu năm 2021 xếp Việt Nam đứng thứ 127 trên 140 quốc gia về kỹ năng phù hợp với ngành nghề của người tốt nghiệp đại học. Các doanh nghiệp tham gia phỏng vấn của Ngân hàng Thế giới cho rằng các trường đại học đã làm tốt việc tạo ra những tài năng về lập trình và kỹ thuật, nhưng nhiều sinh viên mới tốt nghiệp các trường đại học và cao đẳng chưa có đủ kinh nghiệm để đảm nhiệm các vị trí việc làm trong các lĩnh vực công nghệ mới nổi như công nghệ sinh học, công nghệ nano, và trí tuệ nhân tạo.

Doanh nghiệp trong nhiều lĩnh vực, bao gồm cả doanh nghiệp khởi nghiệp, cho biết họ gặp khó khăn trong việc tìm kiếm lao động có những kỹ năng nền phù hợp cho đổi mới sáng tạo. Qua khảo sát doanh nghiệp phục vụ đánh giá Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2021, 27% người trả lời cho biết họ gặp khó khăn trong việc tuyển dụng cán bộ quản lý và kỹ thuật, nhất là trong lĩnh vực Công nghệ thông tin và truyền thông.

Nguồn cung lao động kỹ thuật có kỹ năng có thể vẫn sẽ là thách thức đối với các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. (Ảnh minh họa: BT)

Trong số 200 doanh nghiệp khởi nghiệp tham gia khảo sát doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của WB năm 2023, có 44% cho rằng rất vất vả mới có thể tuyển dụng nhân sự có kỹ năng và trình độ phù hợp. Các doanh nghiệp được nhóm của WB phỏng vấn cho biết sinh viên kỹ thuật và khoa học máy tính thường được tuyển dụng trước khi nhận bằng do cạnh tranh ngày càng cao để có được kỹ năng của họ.

Nghiên cứu gần đây của WB đã chỉ ra nhu cầu đầu tư vào giáo dục và đạo tạo, tập trung vào các ngành nghề tăng trưởng cao và những kỹ năng có nhu cầu, bao gồm cải thiện về dịch vụ định hướng nghề nghiệp nhằm giảm sự lệch pha giữa mong muốn của người lao động và yêu cầu của các ngành nghề tăng trưởng cao, nhất là đối với người lao động có kỹ năng trung bình.

Ngoài ra một nhu cầu nữa là tăng cường khả năng tiếp cận thông tin cập nhật và thân thiện với người dùng về thị trường lao động bên cạnh những can thiệp nhằm định hướng người lao động sang những lĩnh vực ngành nghề đang tăng trưởng.

Qua một khảo sát doanh nghiệp năm 2015 của WB, 37% các doanh nghiệp cho biết họ gặp khó khăn trong việc tìm kiếm người lao động có đủ kỹ năng quản lý và lãnh đạo. Người trả lời cũng cho biết về tình trạng khan hiếm lao động có các kỹ năng quản lý sản phẩm, phát triển kinh doanh và marketing, đặc biệt là lao động ở các vị trí lãnh đạo doanh nghiệp, như tổng giám đốc điều hành, tổng giám đốc hoạt động, tổng giám đốc tài chính và tổng giám đốc công nghệ.

Mặc dù các vị trí lãnh đạo như vậy khá phổ biến trong các ngành công nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) và đang tăng trưởng, nhưng chủ yếu do người nước ngoài chiếm lĩnh. Điều này làm hạn chế nguồn cung và khả năng di chuyển của nhân tài quản lý trong nước đối với khu vực doanh nghiệp trong nước.

Ngoài ra, vì đội ngũ doanh nhân khởi nghiệp đã từng phát triển doanh nghiệp nhiều lần tại Việt Nam còn ít, số lượng nhân sự lãnh đạo có kỹ năng và kinh nghiệm mở rộng doanh nghiệp còn hạn chế. Các doanh nghiệp cần phải cạnh tranh về lương và phúc lợi (chẳng hạn quyền mua cổ phiếu) để thu hút và giữ chân nhân sự lãnh đạo.

WB cũng cho rằng, năng lực của hệ thống giáo dục sau phổ thông của Việt Nam còn hạn chế trong việc gây dựng lực lượng lao động có kỹ năng cao. Trong thập kỷ qua, số lượng nhập học sau phổ thông đã ổn định ở mức khoảng 2 triệu sinh viên, và tỷ lệ theo học các lĩnh vực khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán (STEM) được duy trì ở mức khoảng 35% tổng số lượng nhập học.

Do những hạn chế về nguồn lực, nhiều trường đại học hàng đầu về khoa học và kỹ thuật đang tập trung nâng cao chất lượng (bao gồm cải thiện chương trình học, tuyển dụng thêm bằng cấp tiến sỹ, cải thiện về kiểm soát và chứng nhận chất lượng), thay vì tăng số lượng sinh viên.

Nếu không đẩy mạnh đầu tư cho hệ thống giáo dục sau phổ thông nhằm tiếp tục cải thiện cả về số lượng và chất lượng sinh viên tốt nghiệp, bao gồm tiếp tục tăng tỷ lệ nhập học đại học, nguồn cung lao động kỹ thuật có kỹ năng có thể vẫn sẽ là thách thức đối với các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.

Bảo Thoa

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/doanh-nghiep-van-kho-khan-trong-viec-tim-kiem-lao-dong-169904.html