Doanh nghiệp tàu dầu công bố lãi lớn

Nhiều doanh nghiệp tàu dầu thông báo lợi nhuận tích cực trong quý I/2024. Thị trường cũng được dự báo tích cực trong thời gian tới.

Tăng trưởng tích cực

Kết thúc quý I/2023, báo cáo tài chính hợp nhất của Tổng công ty Cổ phần Vận tải Dầu khí (PVTrans) ghi nhận mức tăng trưởng tích cực về kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh.

Doanh thu thuần đạt hơn 2.536 tỷ đồng và biết lợi nhuận hợp nhất trước thuế hơn 385 tỷ đồng, cao hơn 32% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp ghi nhận tăng hơn 27% so với cùng kỳ năm 2023, ở mức hơn 306 tỷ đồng.

Thời gian qua, thị trường tàu dầu có nhiều khởi sắc với giá cước cao, giúp các doanh nghiệp tăng doanh thu (Ảnh minh họa).

Có được kết quả này chủ yếu là từ việc PVTrans gia tăng lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh vận tải do tăng số lượng tàu và gia tăng hiệu quả khai thác đội tàu của tổng công ty và các công ty con.

Trong khi đó, kinh doanh trong thế "kiềng 3 chân" với tàu container, tàu hàng rời và tàu dầu, Công ty CP Vận tải biển VN (Vosco) cũng nhận được những "trái ngọt" nhờ khai thác hiệu quả đội tàu dầu. 3 tháng đầu năm 2024, doanh thu của Vosco đạt hơn 1.112 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế của Vosco đạt 74,5 tỷ đồng, tăng nhẹ so với cùng kỳ năm trước.

Theo đại diện Vosco, dù thị trường tàu hàng khô và tàu container còn nhiều khó khăn nhưng công ty đã bám sát diễn biến, tận dụng tốt các cơ hội của thị trường. Nhất là với khối tàu dầu, doanh nghiệp áp dụng các giải pháp trong hoạt động kinh doanh để tăng doanh thu, nâng cao hiệu quả quản lý và khai thác.

Cụ thể, đánh giá, cân nhắc và tận dụng sự tăng trưởng của thị trường vận tải dầu sản phẩm. Trong quý 1/2024, công ty đã tiếp tục ký được hợp đồng với mức cước tương đối cao cho các tàu dầu. Ngoài ra, công ty cũng có thêm doanh thu từ hai tàu hóa chất là Đại Hưng và Đại Thành - là 2 tàu được thuê theo hình thức tàu trần trong 3 năm.

Với đặc thù quay vòng nhanh nên doanh thu của tàu dầu thưởng khá lớn. 5 tàu dầu hoạt động hiệu quả, đã góp phần cải thiện kết quả kinh doanh chung của Vosco.

Thế nhưng, không phải doanh nghiệp kinh doanh tàu dầu nào cũng "thắng đậm". Công ty CP Vận tải xăng dầu VIPCO lại có đà giảm sút lợi nhuận trong quý I/2024 với doanh thu thuần của công ty mẹ đạt hơn 116 tỷ đồng, giảm hơn 20% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp giảm hơn 28%, đạt 19,3 tỷ đồng.

Theo lý giải của Vipco, doanh thu vận tải trong quý phát sinh thêm khoản doanh thu khai thác tàu ngoài. Ngoài ra, có 2 tàu dừng sửa chữa lớn nên số ngày tàu tốt giảm so với quý I/2023 làm doanh thu quý I/2024 giảm. Cùng đó, công ty khai thác 1 chuyến tàu ngoài đội tàu của công ty nên cũng phát sinh tăng giá vốn 28,8 tỷ.

Đồng thời, 2 tàu sửa chữa lớn còn làm phát sinh chi phí sửa chữa thường xuyên cao hơn so với quý I/2023. Doanh thu tài chính cũng giảm do lãi suất ngân hàng giảm so với cùng kỳ, trong khi chi phí quản lý doanh nghiệp tăng không đáng kể.

Cùng chung kết quả với VIPCO, Công ty CP Vận tải xăng dầu Thái Bình Dương (PVTrans Pacific) cũng ghi nhận mức lợi nhuận suy giảm trong 3 tháng đầu năm 2024. Tuy có doanh thu thuần đạt hơn 373 tỷ đồng, cao hơn so với cùng kỳ năm trước, song lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp chỉ đạt hơn 46 tỷ đồng, giảm nhẹ khoảng 1 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2023.

Đại diện công ty lý giải, doanh thu quý I/2024 tăng so do đội tàu của Pacific tiếp tục khai thác trên thị trường quốc tế với giá cước tốt. Dù vậy, lợi nhuận vẫn giảm do chi phi chênh lệch tỷ giá và doanh thu tài chính giảm, gây ảnh hưởng đến lợi nhuận của công ty.

Thị trường nhiều triển vọng

Theo các chuyên gia, năm 2024, thị trường vận tải hàng lỏng gồm dầu thô, dầu sản phẩm nhìn chung duy trì xu hướng tích cực nhờ sản lượng xuất khẩu khu vực Đại Tây Dương, nhu cầu tiêu thụ Trung Quốc ổn định cũng như làn sóng khởi động tại các nhà máy lọc dầu.

Ngoài ra, căng thẳng Trung Đông, xung đột Nga – Ukraine tiếp tục là yếu tố hỗ trợ khi quãng đường và thời gian vận chuyển bị kéo dài hơn trong bối cảnh nguồn cung tàu giới hạn, góp phần thúc đẩy giá cước tàu tăng.

Đối với thị trường vận chuyển LPG dự báo vẫn khả quan nhưng giá cước giảm so với mức đỉnh cuối năm 2023. Cán cân cung cầu thị trường dự kiến trở lại trạng thái cân bằng khi các yếu tố hỗ trợ trước đó như chênh lệch giá propane giữa Mỹ và châu Á, gián đoạn kênh đào Panama dần suy giảm tác động.

Đối với vận chuyển hàng rời, dự báo xu hướng phục hồi nhờ cân đối cung cầu tích cực trong năm 2024 nhờ mức sản lượng xuất khẩu khu vực Đại Tây Dương ổn định… nhưng khó tăng lại mức kỷ lục năm 2021-2022.

Với những triển vọng của thị trường, năm 2024, lãnh đạo PVTrans cho biết doanh nghiệp đặt kế hoạch doanh thu 8.800 tỷ đồng, tăng 29,4% so với kế hoạch năm 2023; lợi nhuận sau thuế 760 tỷ đồng, tăng 41,3% so với kế hoạch năm 2023 và nộp ngân sách Nhà nước 354 tỷ đồng. Trong đó, tổng vốn đầu tư dự kiến 3.364 tỷ đồng bao gồm 3.102 tỷ đồng để đầu tư tàu và 262 tỷ đồng để đầu tư góp vốn vào các đơn vị thành viên.

Đối với đội tàu, PVTrans cho biết sẽ đầu tư 58 triệu USD vào dự án chuyển tiền năm ngoái để đầu tư 1 tàu VLGC hoặc 1 tàu Aframax hoặc 2 tàu MR; đầu tư 22 triệu USD vào dự án chuyển tiếp từ năm ngoái để đầu tư 1 tàu dầu hóa chất hoặc 1 tàu hàng rời; và đầu tư 52 triệu USD, đây là dự án đầu tư mới trong năm 2024 vào 2 tàu MR hoặc 1 tàu Aframax.

Còn theo định hướng của Vosco, công ty sẽ tiếp tục theo dõi diễn biến của thị trường, tập trung nguồn lực tài chính để tìm kiếm, thuê thêm tàu về khai thác hoặc đầu tư bằng nhiều hình thức. Cùng đó, tiếp tục tăng cường công tác quản lý, đặc biệt là quản lý nhiên liệu, phụ tùng, vật tư để giảm tiêu thụ, chống thất thoát nhiên liệu, phụ tùng, giảm chi phí.

Hồ An

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/doanh-nghiep-tau-dau-cong-bo-lai-lon-192240430074000329.htm