Doanh nghiệp tăng nhập nguyên liệu, tạo đà cho xuất khẩu tăng trưởng

Nhờ xuất khẩu tiếp đà phục hồi từ cuối năm ngoái, đã kéo theo nhu cầu nhập nguyên liệu đầu vào của doanh nghiệp tăng mạnh trở lại, là chỉ dấu tích cực cho hoạt động thương mại.

Theo Tổng cục Hải quan, 2 tháng đầu năm 2024, tổng kim ngạch nhập khẩu cả nước đạt 54,21 tỷ USD, tăng 17,1% so với cùng kỳ năm trước, và chỉ thấp hơn mức tăng kỷ lục của cùng kỳ năm 2022.

Với kết quả này, quy mô hàng hóa nhập khẩu của Việt Nam trong 2 tháng/2024 đã tăng 7,92 tỷ USD so với 2 tháng/2023.

Có tới 41/52 nhóm hàng nhập khẩu chính tăng, đặc biệt có 19 nhóm hàng đạt tốc độ tăng trưởng trên 20%.

Nhờ xuất khẩu tiếp đà phục hồi từ cuối năm ngoái, đã kéo theo nhu cầu nhập nguyên liệu đầu vào của doanh nghiệp tăng mạnh trở lại. Đây là chỉ dấu tích cực cho hoạt động thương mại, tạo đà để hoàn thành mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu đạt 6% trong năm nay.

Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện là nhóm hàng nhập khẩu lớn nhất với kim ngạch 2 tháng đầu năm đạt 15,64 tỷ USD, tăng 25% (tương ứng tăng 3,13 tỷ USD) so với cùng kỳ năm trước.

Trị giá và mức tăng hoặc giảm trị giá nhập khẩu trong 2 tháng/2014 đến 2 tháng/2024

Trong đó, kim ngạch nhập khẩu nhóm hàng trên tăng mạnh từ thị trường Trung Quốc với 4,74 tỷ USD, tăng 55,4% (tương ứng tăng 1,69 tỷ USD); từ Hàn Quốc với 4,4 tỷ USD, tăng 11% (tương ứng tăng 435 triệu USD); từ Đài Loan (Trung Quốc) với 1,91 tỷ USD, tăng 14,9% (tương ứng tăng 248 triệu USD); từ Nhật Bản với 1,41 tỷ USD, tăng 6,4% (tương ứng tăng 84 triệu USD)…

Có kim ngạch lớn thứ hai là máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng với 6,56 tỷ USD, tăng 17,2% so với cùng kỳ năm 2023 (tương ứng tăng 964 triệu USD). 2 tháng đầu năm 2024, nhập khẩu nhóm hàng này chủ yếu từ Trung Quốc với 3,85 tỷ USD, tăng 43,2%; từ Hàn Quốc với 810 triệu USD, giảm 8,9%; từ Nhật Bản với 585 triệu USD, giảm 10%...

Nhóm hàng nhiên liệu (bao gồm than đá, dầu thô, xăng dầu các loại và khí đốt hóa lỏng) cũng tăng mạnh với 13,52 triệu tấn, tổng kim ngạch đạt 4,2 tỷ USD, tăng 51,3% về lượng và tăng 6% về kim ngạch so với cùng kỳ năm ngoái… Các thị trường nhập khẩu chủ yếu như Indonesia, Australia, Nga, Malaysia, Hàn Quốc, Singapore…

Trị giá nhập khẩu nhóm hàng dệt may, da giày 2 tháng đạt gần 3,74 tỷ USD, tăng 18,2% tương đương tăng 576 triệu USD so với cùng kỳ năm trước, xuất xứ nhập chủ yếu từ Trung Quốc, chiếm tỷ trọng tới 53%, với hơn 2 tỷ USD, tăng 28,9% so với cùng kỳ năm trước, tương ứng tăng 450 triệu USD.

Nhóm hàng chất dẻo nguyên liệu và sản phẩm đạt 2,77 tỷ USD, tăng 18,2%, tương ứng tăng 576 triệu USD so với cùng kỳ năm 2023, trong khi nhập sắt thép và sản phẩm từ sắt thép là 2,76 tỷ USD sắt thép các loại và sản phẩm, tăng 43,8% tương ứng tăng 842 triệu USD so với cùng kỳ năm trước.

Việt Nam chủ yếu nhập khẩu sắt thép các loại và sản phẩm từ thị trường Trung Quốc với trị giá đạt 1,72 tỷ USD, tăng 91,2% tương ứng tăng 818 triệu USD so cùng kỳ và chiếm 62% trị giá nhập khẩu sắt thép các loại và sản phẩm của cả nước.

Thế Hoàng

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/doanh-nghiep-tang-nhap-nguyen-lieu-tao-da-cho-xuat-khau-tang-truong-d211667.html