Doanh nghiệp chưa thể lạc quan dù xuất khẩu tăng tốc

Xuất khẩu hàng hóa quý I ghi nhận nhiều tín hiệu tích cực khi tăng trưởng đến 17% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó nhiều nhóm ngành ghi nhận những kỷ lục mới.

Sầu riêng là mặt hàng có đóng góp chính vào kỷ lục xuất khẩu ngành rau quả.

Chờ tin vui mới

Quý I năm nay, xuất khẩu rau quả mang về gần 1,25 tỷ USD, tăng khoảng 30% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây cũng là lần đầu tiên xuất khẩu rau quả đạt và vượt 1 tỷ USD ngay trong quý đầu tiên của năm. Chia sẻ cùng ĐTTC, ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho biết, bước sang quý II kim ngạch xuất khẩu toàn ngành chắc chắn sẽ tốt hơn quý I, vì sầu riêng, mặt hàng có đóng góp chính vào kỷ lục xuất khẩu ngành rau quả, sẽ chính thức vào vụ.

Đáng chú ý, trong khi căng thẳng tại Biển Đỏ khiến một số ngành xuất khẩu gặp khó, với rau quả lại là cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu. Bởi khi giá cước tăng cao, thời gian vận chuyển kéo dài, các nhà nhập khẩu Trung Quốc sẽ đẩy mạnh tìm kiếm nguồn hàng từ các nước gần, trong đó có Việt Nam.

Chưa hết, sầu riêng cũng đang chờ thêm tin vui nếu nghị định thư về xuất khẩu sầu riêng đông lạnh sang Trung Quốc được ký sớm, nhóm ngành này như “hổ mọc thêm cánh” bởi hiện cung vẫn chưa đủ đáp ứng cầu.

Cũng nằm trong nhóm những mặt hàng nông nghiệp ghi nhận kết quả tốt ngay trong quý I là cà phê. Theo đó, trong 3 tháng qua, Việt Nam xuất khẩu gần 800.000 tấn cà phê (tăng 44%), với giá bình quân 2.373 USD/tấn (tăng 7%) và thu về 1,9 tỷ USD (tăng 54%).

Đây là giá trị xuất khẩu kỷ lục trong 3 tháng đầu năm của ngành cà phê. Dự báo trong quý II và những tháng tiếp theo, cà phê Việt sẽ còn ghi được nhiều dấu ấn mạnh mẽ và kỷ lục 5 tỷ USD xuất khẩu cà phê trong năm nay hoàn toàn có thể.

Cùng với nhóm ngành nông nghiệp, một số ngành khác cũng ghi nhận những kết quả rất tốt trong quý đầu năm. Tiêu biểu như da giày, xuất khẩu tháng 3 tăng mạnh đã giúp toàn ngành thu về 4,85 tỷ USD trong quý I, tăng 11,7% so với cùng kỳ năm trước. Một số DN lớn trong ngành da giày như CTCP Tập đoàn Gia Định (TPHCM), đang phải tăng tốc khi đơn hàng đã ký đến hết quý II.

Tương tự như ngành da giày, dệt may cũng ghi nhận tăng trưởng dương trong quý I năm nay và đang bước vào quý II với niềm tin tình hình sẽ sáng hơn nữa. Trao đổi cùng ĐTTC, ông Phạm Quang Anh, Giám đốc Công ty May mặc Dony cho biết, nhờ chuyển hướng sang các thị trường trong khu vực Đông Nam Á, nên công ty có đơn hàng đến hết quý II năm nay và công ty cũng sớm tuyển thêm lao động để kịp đơn hàng cho đối tác.

Thực tế tình hình đơn hàng khởi sắc trở lại đã được các chuyên gia và DN dự báo từ đầu năm, khi sức mua tại nhiều thị trường nhập khẩu lớn đang dần phục hồi. Chưa hết, nếu xét riêng trong một số ngành Việt Nam lại đang có lợi thế hơn đối thủ cạnh tranh ở một số mặt.

Cụ thể như với dệt may, hiện Bangladesh (đối thủ lớn của ngành may Việt Nam) tuy có giá bán hàng rẻ hơn, nhưng lại có những bất ổn dễ gây lo ngại cho đối tác đặt hàng, như khi công nhân đình công ảnh hưởng lên mỗi nhà máy là không nhỏ, vì lượng công nhân rất lớn. Hay như với thủy sản, có thể có những cơ hội mới cho thủy sản Việt Nam khi tôm của Ecuador và Ấn Độ đang bị cảnh báo về kháng sinh và vấn đề lao động.

Thận trọng với rào cản

Song hành cùng với những tín hiệu tích cực khi quý II đang bắt đầu thì cũng có những thách thức, rào cản các DN cũng như ngành hàng không thể chủ quan. Đơn cử như chuyện trái sầu riêng, bên cạnh những kỷ lục xuất khẩu liên tiếp được xác nhận, mới đây nhất phía Trung Quốc cũng đã cảnh báo về việc 30 lô hàng sầu riêng Việt Nam xuất khẩu sang thị trường này bị nhiễm kim loại nặng Cadimi, vượt mức giới hạn an toàn thực phẩm của Trung Quốc.

Ông Đặng Phúc Nguyên cho rằng, cảnh báo này tuy chưa ảnh hưởng đến xuất khẩu sầu riêng trong hiện tại, nhưng đang cho thấy phía Trung Quốc để ý nhiều hơn đến chất lượng của sầu riêng Việt Nam. Điều này sẽ là tiếng chuông cảnh báo để những người trồng sầu riêng phải đi theo tiêu chuẩn, nếu muốn đi đường dài.

Hay như với các ngành dệt may, da giày mặc dù tình hình xuất khẩu đang từng bước phục hồi, tuy nhiên các đơn hàng ngày càng phức tạp hơn, yêu cầu thời gian giao hàng nhanh hơn và giá cả phải cạnh tranh hơn. Những đòi hỏi mới này của không ít nhà nhập khẩu đang đặt các DN Việt Nam vào thế muốn có đơn hàng phải thích ứng luật chơi.

Chưa hết, các nhà nhập khẩu từ các thị trường khó tính như châu Âu đang ngày càng đưa ra nhiều yêu cầu về môi trường, nguồn gốc xuất xứ, phát triển bền vững… Rồi chuyện cước tàu tăng do căng thẳng tại Biển Đỏ vẫn tiếp tục là nỗi lo của các DN xuất khẩu nói chung. Do vậy DN cũng cần nhìn lại để sửa mình trước khi vào tầm ngắm của các nhà nhập khẩu.

Câu chuyện của thủy sản là thí dụ. Bà Lê Hằng (VASEP) cho biết mặc dù có cơ hội khi “đối thủ” bị cảnh báo về lao động và kháng sinh, nhưng đó cũng là bài học để các DN Việt Nam thận trọng và nghiêm túc tuân thủ các quy định của thị trường nhập khẩu cũng như các quy định trong nước, để tránh những rào cản và động thái bảo hộ của thị trường.

Trong phân tích mới đây của phía Bộ Công Thương về thách thức cho xuất khẩu nói chung cũng đề cập đến không ít vấn đề. Đó là kinh tế toàn cầu đang bước vào một thời kỳ mới với nhiều rủi ro và thách thức khó đoán định. Tăng trưởng kinh tế thế giới và các nước khu vực châu Âu - châu Mỹ trong năm 2024 được dự báo thấp hơn so với năm 2023.

Xung đột địa chính trị tiếp tục kéo dài và bất ổn tiếp tục có nguy cơ lan ra các khu vực khác. Xu hướng phi toàn cầu hóa đang tiếp tục trỗi dậy mạnh mẽ, nên chính sách bảo hộ của các nước ngày một tăng. Vì thế, dù kết quả quý I khả quan nhưng DN vẫn phải theo dõi sát tình hình để kịp thời điều chỉnh kế hoạch sản xuất kinh doanh, cũng như định hướng tìm kiếm đơn hàng.

Việc các nước đa dạng hóa nguồn cung ngoài Trung Quốc, tập trung vào một số đối tác gần thị trường và đối tác tương đương với Việt Nam như Thổ Nhĩ Kỳ, Mexico, Ấn Độ, Indonesia, Bangladesh… sẽ làm gia tăng sự cạnh tranh trên các thị trường xuất khẩu của Việt Nam.

THANH LÂM

Nguồn SGĐT: https://dttc.sggp.org.vn/doanh-nghiep-chua-the-lac-quan-du-xuat-khau-tang-toc-post113485.html