Doanh nghiệp bất động sản tiếp tục 'ngấm đòn', bán dự án vì khó khăn

Tín dụng từ ngân hàng chưa thông, dòng tiền từ khách hàng vẫn khó vì gánh nặng tâm lý chờ đợi buộc nhiều doanh nghiệp bất động sản tiếp tục phải chấp nhận bán bớt tài sản, dự án với giá rẻ để có vốn xoay xở trong bối cảnh khó khăn bủa vây.

Trong thông báo vừa phát đi, Hải Phát Invest (HPX) quyết định bán hoặc chuyển nhượng toàn bộ phần vốn góp đang nắm tại Công ty TNHH HP Hospitality Nha Trang, giá trị hơn 176 tỷ đồng, tương ứng 78% vốn điều lệ. Chủ tịch HĐQT Hải Phát Đỗ Quý Hải được ủy quyền chủ động tìm, quyết định đối tác, cũng như phương thức, thời điểm, giá trị giao dịch.

Tiếp tục bán dự án

HP Hospitality Nha Trang là chủ đầu tư khu đất thương mại TM1, thuộc dự án khu dân cư Cồn Tân Lập. Đây là một trong những vị trí đất vàng tại TP Nha Trang khi nằm giáp cầu Trần Phú, cửa sông Cái chảy ra biển. Trước đó, năm 2017, Hải Phát đã mua lại phần vốn góp tại HP Hospitality Nha Trang.

Dự án TM1 có quy mô 8.111 m2, dự kiến gồm 2 khối tháp cao 40 tầng (thương mại, condotel, khách sạn) với tổng vốn đầu tư 3.945 tỷ đồng. Dù được triển khai nhiều năm, nhưng dự án đến nay vẫn chưa đền bù giải phóng mặt bằng xong, chưa hoàn thành xây dựng cơ sở hạ tầng.

Bất động sản được dự báo khó có thể khởi sắc trong ngắn hạn, dù những tín hiệu phục hồi đã le lói.

Bất động sản được dự báo khó có thể khởi sắc trong ngắn hạn, dù những tín hiệu phục hồi đã le lói.

Cần phải nhấn mạnh, Hải Phát công bố thông tin chuyển nhượng vốn góp tại HP Hospitality Nha Trang trong bối cảnh công ty này đang gặp nhiều khó khăn. Cho đến nay, HPX vẫn chưa thể công bố báo tài chính kiểm toán 2022 và 2 quý đầu năm 2033.

Hải Phát cũng từng giải trình với HoSE rằng công ty đang gặp nhiều khó khăn về dòng tiền, vì không tiếp cận được vốn tín dụng, phát hành trái phiếu tắc, thị trường suy thoái... Hồi giữa tháng 4, gia đình Chủ tịch HĐQT Đỗ Quý Hải cũng bị phạt gần 2 tỷ đồng vì "bán chui" cổ phiếu HPX.

Trước Hải Phát, những khó khăn về dòng tiền cũng khiến làn sóng đổi chủ dự án bất động sản lan rộng. Ngay cả các “ông lớn” như Novaland, Phát Đạt, Khang Điền... cũng buộc phải bán tài sản hoặc tái cơ cấu cổ đông để có vốn xoay xở, tránh khủng hoảng kéo dài. Điều này cho thấy các doanh nghiệp nhà đất vẫn đang “ngấm đòn” khủng hoảng.

Báo cáo thị trường bất động sản quý II/2023 của Bộ Xây dựng chỉ ra, lượng hàng tồn kho trong lĩnh vực bất động sản vẫn tiếp tục tăng cao so với cùng kỳ năm 2022, với ước tính lên tới 16.688 sản phẩm, trong đó chung cư dẫn đầu danh sách với 1.714 căn, nhà ở riêng lẻ 7.473 căn, 7.501 đất nền...

Đánh giá chung về “sức khỏe” thị trường bất động sản trong nửa đầu năm 2023, Bộ Xây dựng cho biết, doanh nghiệp trong ngành đang đối diện với nhiều thách thức trong 2 quý vừa qua. Số đơn vị giải thể tăng vọt 30,4%, trong khi thành lập mới giảm gần 2/3 với cùng kỳ năm 2022.

Bao giờ "gió đảo chiều"?

Ở góc nhìn chuyên gia, ông Nguyễn Thọ Tuyển, Chủ tịch BHS Group, ví von thị trường bất động sản hiện như một cơn bão, trong đó các doanh nghiệp quy mô càng lớn sẽ càng chịu nhiều áp lực, như cây to thì phải hứng gió lớn hơn những cây nhỏ.

Khó khăn lớn nhất của các doanh nghiệp địa ốc hiện tại, theo ông Tuyển, là dòng tiền mặt. Dù không bị siết, nhưng tín dụng ngân hàng vẫn chịu nhiều điều kiện "khó như leo cột mỡ”, áp lực lãi suất vẫn chưa thực sự được giải tỏa, buộc các chủ đầu tư phải xoay xở theo hướng khác.

Một trong số đó là khuyến mại kích cầu, thậm chí đưa ra chiết khấu chưa từng có giảm giá đến một nửa giá trị sản phẩm nếu khách hàng thanh toán bằng tiền mặt. Nhưng ngay cả việc này cũng đang chưa thực sự đem lại hiệu quả cao bởi tâm lý “phòng thủ” của nhà đầu tư, khách hàng vẫn ngự trị.

Nguồn tiền từ nhà băng chưa thông, huy động vốn từ khách hàng cũng khó, buộc các doanh nghiệp phải tính đến chuyện bán bớt tài sản, dự án để có thêm kinh phí duy trì kinh doanh. Hoạt động mua bán và sáp nhập (M&A) còn được dự báo tiếp tục tăng mạnh vào cuối năm 2023 khi áp lực trả nợ, đặc biệt là “bom nợ” trái phiếu đáo hạn, của doanh nghiệp địa ốc tăng.

Câu hỏi đặt ra là bao giờ gió mới đảo chiều, thị trường bất động sản vực dậy từ “đáy”? Nhìn chung, nhiều ý kiến cho rằng quý IV/2023 là thời điểm lĩnh vực địa ốc sẽ bắt đầu chu trình mới với sự phục hồi dần dần ở một số phân khúc và thị trường chủ lực là các đô thị lớn.

Ông Nguyễn Vũ, Giám đốc Trung tâm bất động sản Căn nhà mới, nhận định thị trường sẽ giao dịch tốt lên vào khoảng quý IV/2023 hoặc muộn hơn là quý II/2024 khi những chính sách được Chính phủ ban hành hỗ trợ thị trường nhà đất dần thẩm thấu và tác động rộng hơn.

Tuy nhiên, theo ông Vũ, thị trường địa ốc vẫn sẽ gặp nhiều khó khăn trong nửa cuối năm 2023, và chỉ thực sự đảo chiều rõ ràng hơn trong năm 2024. Nguyên nhân là những chính sách gỡ vướng hay các gói tín dụng cho vay nhà ở xã hội cũng cần có “độ trễ”.

Trong khi đó, TS Cấn Văn Lực, chuyên gia tài chính - ngân hàng, dự báo từ quý IV/2023, đà phục hồi của thị trường bất động sản mới rõ nét hơn. Đây cũng là thời điểm những chính sách gỡ vướng cho thị trường phát huy hiệu quả. Nhưng để làm được thì cần đẩy nhanh việc rà soát và có giải pháp tháo gỡ vướng mắc cho các dự án, đẩy nhanh giải ngân đầu tư công, chương trình phục hồi, phát triển nhà ở xã hội, nhà ở giá bình dân…

Rõ ràng, khó khăn vẫn đang bủa vây doanh nghiệp bất động sản, song không thể phủ nhận bức tranh của thị trường đã xuất hiện nhiều gam màu sáng hơn trong thời gian qua. Minh chứng là các doanh nghiệp lớn như Vinhomes, Địa ốc Sài Gòn, Đất Xanh, Nam Long… lần lượt báo lãi trong quý II. Ngay cả với Novaland, dù đơn vị này đã báo lỗ hơn 200 tỷ đồng trong quý II, nhưng nhờ được gỡ vướng nhiều dự án, công ty dự kiến có lãi trong 2 quý cuối năm. Những tín hiệu tích cực từ thị trường sẽ là nền tảng để các doanh nghiệp địa ốc vực dậy sau "bão".

Hưng Nguyên

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//toan-canh/doanh-nghiep-bat-dong-san-tiep-tuc-apos-ngam-don-apos-ban-du-an-vi-kho-khan-1094832.html