ĐOÀN GIÁM SÁT CỦA ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI LÀM VIỆC VỚI UBND TỈNH THANH HÓA

Chiều ngày 05/4, Đoàn giám sát chuyên đề số 2 về 'Việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông từ năm 2009 đến hết năm 2023' của Ủy ban Thường vụ Quốc hội do Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới làm Trưởng đoàn đã có buổi làm việc với UBND tỉnh Thanh Hóa về tình hình trật tự an toàn giao thông trên địa bàn.

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới, Trưởng Đoàn giám sát phát biểu

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới, Trưởng Đoàn giám sát phát biểu

Cùng dự có đại diện Thường trực Hội đồng Dân tộc, Ủy ban Tài chính – Ngân sách; đại diện lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa và Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa.

Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới cho biết: Cuộc giám sát lần này nhằm xem xét, đánh giá những khó khăn, tồn tại vướng mắc trong quá trình thực hiện chính sách, pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trong 10 năm qua. Từ đó, rút ra bài học kinh nghiệm để nâng cao hiệu quả việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo đảm TTATGT. Đồng thời đề xuất các giải pháp hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật nhằm tăng cường hiệu lực, hiệu quả tổ chức thực hiện, nâng cao chất lượng, hiệu quả của công tác bảo đảm TTATGT giai đoạn tiếp theo.

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới đề nghị các đại biểu cho ý kiến tập trung vào các vấn đề như:

+ Việc tổ chức thực hiện chủ trương của Đảng, Hiến pháp, pháp luật của Nhà nước về bảo đảm TTATGT và các hoạt động liên quan đến bảo đảm TTATGT; trong đó trọng điểm là bảo đảm TTATGT đường bộ.

+ Việc ban hành và triển khai thực hiện văn bản quy phạm pháp luật về bảo đảm TTATGT; những kết quả đạt được, những hạn chế, vướng mắc và đề xuất, kiến nghị sửa đổi, bổ sung chính sách, pháp luật về bảo đảm TTATGT.

+ Thực trạng công tác quản lý, chỉ đạo điều hành, phối hợp và tổ chức thực hiện của địa phương; công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục chính sách, pháp luật về bảo đảm TTATGT; tình hình vi phạm, công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm về bảo đảm TTATGT; công tác phối hợp giữa các Bộ, ngành, địa phương trong bảo đảm TTATGT.

+ Xem xét, đánh giá kết quả việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo đảm TTATGT; tập trung làm rõ những hạn chế, bất cập, khó khăn, vướng mắc; xác định nguyên nhân của hạn chế, bất cập, khó khăn, vướng mắc; làm rõ trách nhiệm của các tập thể và cá nhân có liên quan; rút ra bài học kinh nghiệm và đề xuất những giải pháp, kiến nghị nhằm nâng cao hiệu quả công tác bảo đảm TTATGT trong thời gian tới.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Mai Xuân Liêm phát biểu tại buổi làm việc

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Mai Xuân Liêm phát biểu tại buổi làm việc

+ Theo báo cáo của UBND tỉnh Thanh Hóa, thực hiện Luật Giao thông đường bộ, Luật Đường thủy nội địa, Luật Đường sắt, Luật Hàng hải, Luật Hàng không dân dụng..chính quyền trong tỉnh Thanh Hóa đã lãnh đạo, chỉ đạo công tác đảm trật tự, an toàn giao thông và khắc phục ùn tắc giao thông trên địa bàn tỉnh triển khai hiện nghiêm túc, có hiệu quả. Số vụ tai nạn giao thông đường bộ, đường sắt, hàng hải được kiềm chế, từng bước giảm thiểu tai nạn giao thông trên cả 03 tiêu chí về số vụ tai nạn, số người chết và số người bị thương. Đặc biệt không xảy ra tai nạn giao thông đường thủy nội địa; tình hình an ninh, an toàn hàng không dân dụng tại Cảng hàng không Thọ Xuân được đảm bảo, không xảy ra các hành vi khủng bố, các hành vi can thiệp bất hợp pháp vào hoạt động hàng không dân dụng; kết cấu hạ tầng giao thông được quan tâm đầu tư và khai thác có hiệu quả. Công tác tuần tra, kiểm soát, thanh tra, kiểm tra được thực hiện thường xuyên, liên tục, qua đó đã xử lý nghiêm các hành vi vi phạm…nhờ đó từng bước giảm thiểu tai nạn giao thông trên cả 03 tiêu chí về số vụ tai nạn, số người chết và số người bị thương.

Từ ngày 01/7/2009 đến hết ngày 31/12/2023, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa xảy ra 8.817 vụ tai nạn giao thông, làm chết 2.609 người, bị thương 7.181 người. Nếu như năm 2010: Xảy ra 1.279 vụ, chết 240 người, bị thương 936 người thì năm 2023 giảm xuống còn 619 vụ, chết 238 người, bị thương 629 người.

Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Cao Thị Xuân phát biểu tại buổi làm việc

Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Cao Thị Xuân phát biểu tại buổi làm việc

Nguyên nhân của những tồn tại này chủ yếu là do hầu hết trên các tuyến giao thông đường bộ của tỉnh chưa được lắp đặt Hệ thống camera giám sát, xử lý vi phạm nên chưa có tác dụng răn đe, giáo dục và hạn chế trong công tác xử lý vi phạm và phòng ngừa, kiềm chế, làm giảm tai nạn giao thông. Hạ tầng giao thông phát triển chưa theo kịp yêu cầu số lượng phương tiện tham gia giao thông ngày càng gia tăng. Lực lượng thực thi nhiệm vụ còn hạn chế. Nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật giao thông của một bộ phận người tham gia giao thông còn kém. Hệ thống văn bản pháp luật về đảm bảo trật tự an toàn giao thông không ổn định, thường xuyên thay đổi, gây nhiều khó khăn cho người dân tìm hiểu và chấp hành, cho lượng chức năng áp dụng trong thực thi nhiệm vụ…

Do đó, tỉnh Thanh Hóa kiến nghị đối với Quốc hội cần tiếp tục quan tâm chỉ đạo toàn diện bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trên cả 5 lĩnh vực đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa, hàng không dân dụng, hàng hải. Xem xét, thông qua Luật đường bộ (sửa đổi) do Bộ Giao thông vận tải chủ trì xây dựng và Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ do Bộ Công an chủ trì xây dựng để triển khai thực hiện thống nhất nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông.

Thiếu tướng Trần Đức Thuận phát biểu tại buổi làm việc

Thiếu tướng Trần Đức Thuận phát biểu tại buổi làm việc

Đối với Chính phủ và các Bộ ngành: Xem xét sửa đổi, bổ sung các Nghị định xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa để phù hợp với thực tiễn và thuận lợi cho các lực lượng chức năng khi làm nhiệm vụ, trong đó cần nâng cao trách nhiệm của chủ phương tiện, chủ doanh nghiệp kinh doanh vận tải.. Xem xét tăng kinh phí cũng như biên chế công chức làm công tác về đảm bảo trật tự, an toàn giao thông cho tỉnh Thanh Hóa. Đẩy nhanh việc xây dựng, triển khai ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ công tác quản lý, kiểm tra, xử lý vi phạm trong hoạt động vận tải, đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe, đăng kiểm phương tiện. Tiếp tục quan tâm đầu tư, sửa chữa, nâng cấp hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, nhất là ở khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế đặc biệt khó khăn; trong đó ưu tiên xử lý các điểm đen, điểm tiềm ẩn tai nạn giao thông trên các quốc lộ; xây dựng các đường ngang, rào chắn dọc theo đường sắt…

Tại buổi làm việc phân tích về nhận định về số liệu tai nạn giao thông giảm về 3 tiêu chí, một số đại biểu cho rằng năm 2023 toàn quốc có 11 tỉnh giảm về tai nạn giao thông, 26 tỉnh tăng và 6 tỉnh có số người chết tăng cao, trong đó Thanh Hóa là 1 trong 6 tỉnh có số vụ tai nạn tăng và số người chết tăng. Do vậy, theo đại biểu không thể nói tai nạn giao thông của tỉnh giảm cả về 3 tiêu chí được. Đại biểu đề nghị Thanh Hóa cần tìm ra nguyên nhân cụ thể bởi chỉ có tìm ra nguyên nhân thì mới có giải pháp để khắc phục, hạn chế vấn đề này.

Một số đại biểu cũng đề nghị tỉnh Thanh Hóa cần quan tâm hơn nữa đến hành lang bảo vệ an toàn giao thông cùng với đó có những giải pháp để khắc phục xử lý những điểm đen gây mất an toàn giao thông. Quan tâm hơn nữa đến an toàn giao thông tại các khu công nghiệp. Ngoài ra cần thắt chặt quản lý xe tự chế đang hoạt động ngay trong thành phố.

Cho rằng, hiện nay lưu lượng phương tiện tham gia giao thông ngày càng gia tăng tạo nguy cơ tiềm ẩn gây mất trật tự an toàn giao thông, một số ý kiến đề nghị, địa phương làm rõ nguyên nhân chính dẫn đến các vụ tai nạn? từ đó, đưa ra những giải pháp, phương án để khắc phục, hạn chế tối đa những vụ tai nạn xảy ra.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Trường Giang phát biểu tại buổi làm việc

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Trường Giang phát biểu tại buổi làm việc

Phát biểu kết luận cuộc làm việc, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới đánh giá cao kết quả thực hiện chính sách pháp luật về bảo đảm trật tự an toàn giao thông của tỉnh Thanh Hóa; cho rằng, địa phương đã chỉ rõ thực trạng công tác quản lý, chỉ đạo điều hành, phối hợp và tổ chức thực hiện của địa phương, cũng như công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục chính sách, pháp luật về bảo đảm trật tự an toàn giao thông…

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh đề nghị, Thanh Hóa tiếp tục cập nhật, bổ sung thông tin, số liệu, tài liệu để Đoàn giám sát hoàn thiện Báo cáo, phục vụ các cuộc họp của Đoàn giám sát, của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và báo cáo Quốc hội. Trong đó, làm rõ hơn các tồn tại, hạn chế, nguyên nhân chủ quan, khách quan, nhất là nguyên nhân chủ quan; xác định rõ trách nhiệm của ai? Cấp nào? nhất là người đứng đầu; giải pháp khắc phục…

Diệu Huyền

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn//tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=85990