ĐOÀN ĐBQH TỈNH THÁI NGUYÊN GIÁM SÁT VIỆC THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 43/2022/QH15 CỦA QUỐC HỘI VỀ CHÍNH SÁCH TÀI KHÓA

Chiều 11/01, Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Nguyên tổ chức Hội nghị giám sát trực tiếp việc thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/01/2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội và các nghị quyết của Quốc hội về một số dự án quan trọng quốc gia đến hết năm 2023 trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên.

Toàn cảnh buổi làm việc

Tham gia Đoàn giám sát có các đồng chí: Nguyễn Thanh Hải, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; Đoàn Thị Hảo, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh; Nguyễn Lâm Thành, Phó Chủ tịch Hội đồng dân tộc của Quốc hội; Hoàng Anh Công, Phó Trưởng Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội; Mai Thị Thúy Nga, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; các ĐBQH tỉnh Thái Nguyên đang công tác tại địa phương; Trưởng các Ban HĐND tỉnh; đại diện lãnh đạo Ủy ban MTTQ tỉnh và một số sở, ngành, đơn vị liên quan.

Sau gần 02 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội, tình hình kinh tế - xã hội tỉnh Thái Nguyên đã từng bước phục hồi, thích ứng linh hoạt với dịch bệnh; hầu hết các ngành, lĩnh vực đã quay trở lại đà tăng trưởng; hoạt động sản xuất, kinh doanh, đời sống người dân, người lao động ổn định và phát triển trở lại trạng thái bình thường mới. Tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2022 cao hơn mức bình quân cả nước, đạt 8,59%; trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 4,23%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 9,75%; khu vực dịch vụ tăng 7,39%.

Triển khai thực hiện Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 09/4/2020 và Nghị quyết số 154/NQ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ, tỉnh Thái Nguyên đã thực hiện hỗ trợ: 177.506 người, kinh phí là 180.440 triệu đồng. Tỉnh cũng đã hỗ trợ 3.269 người sử dụng lao động, 202.517 người lao động và các đối tượng khác với số tiền gần 109 tỷ đồng; tiếp nhận và phê duyệt hồ sơ đề nghị của 127 doanh nghiệp hỗ trợ tiền thuê nhà cho 27.479 người lao động theo Quyết định số 08/2022/QĐ-TTg ngày 28/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ với tổng số tiền là 36.838,5 triệu đồng; hỗ trợ 269 cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên làm việc tại cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập với tổng số tiền 995,3 triệu đồng.

Đại biểu Nguyễn Lâm Thành phát biểu ý kiến

Ngoài ra, tỉnh Thái Nguyên cũng thực hiện một số chính sách đặc thù của tỉnh như: Hỗ trợ kinh phí cách ly, ăn, ở, xét nghiệm cho 2.202 người lao động và công dân của tỉnh Thái Nguyên đang sinh sống, làm việc tại tỉnh Bắc Giang trở về quê hương; Hỗ trợ người Thái Nguyên đang sinh sống tại thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố phía Nam đang thực hiện giãn cách xã hội; Hỗ trợ 3.107 giáo viên mầm non, phổ thông và nhân viên làm nhiệm vụ nấu ăn thuộc diện thuê khoán; Hỗ trợ, bồi dưỡng cho người làm nhiệm vụ tại các chốt kiểm soát dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh.

Tỉnh Thái Nguyên đã triển khai thực hiện kịp thời, có hiệu quả các Nghị định của Chính phủ về chính sách miễn giảm, gia hạn thời hạn nộp thuế, tạo điều kiện thuận lợi cho người nộp thuế được miễn giảm thuế theo quy định. Doanh số cho vay các chương trình tín dụng theo Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ trên địa bàn tỉnh đến thời điểm báo cáo là 489,738 tỷ đồng, đạt 100% kế hoạch Trung ương giao.

Trong năm 2023, thực hiện chủ trương của Quốc hội, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về giảm lãi suất cho vay nhằm tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế, doanh nghiệp và người dân, Ngân hàng Nhà nước đã liên tục điều chỉnh giảm 04 lần các mức lãi suất điều hành với tổng mức giảm từ 0,5 - 2,0%/năm trong bối cảnh lãi suất thế giới tiếp tục tăng và neo ở mức cao. Đến nay, mặt bằng lãi suất thị trường đã có xu hướng giảm. Thực hiện Chương trình “Sóng và máy tính cho em” được Thủ tướng Chính phủ phát động vào ngày 12/9/2021, tỉnh Thái Nguyên huy động từ các tổ chức, cá nhân ủng hộ 10,4 tỷ đồng mua 4.315 thiết bị máy tính bảng (ipad) để hỗ trợ những học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, đặc biệt là các em học sinh ở vùng có dịch COVID-19, giúp các em có điều kiện học tập trực tuyến hiệu quả.

Đại biểu Đoàn Thị Hảo phát biểu ý kiến

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, trong việc điều hành phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhằm phục hồi kinh tế sau đại dịch COVID-19 còn một số khó khăn, tồn tại như: Năng lực nội tại của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh chưa phục hồi hoàn toàn sau đại dịch COVID-19; Hoạt động sản xuất công nghiệp và xuất, nhập khẩu nhất là từ khu vực có vốn đầu tư nước ngoài gặp nhiều khó khăn; Các dự án thuộc Chương trình phục hồi phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 lĩnh vực y tế triển khai còn chậm so với yêu cầu đặt ra; Kết quả cho vay chương trình hỗ trợ lãi suất còn chưa được như kỳ vọng;

Đoàn giám sát đã đề nghị các đơn vị làm rõ một số vấn đề: Đánh giá tính phù hợp, tính đầy đủ và kịp thời của việc ban hành chính sách theo Nghị quyết số 43; đánh giá cụ thể các chỉ tiêu của chính sách hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh cũng như những khó khăn, vướng mắc và nguyên nhân trong khả năng tiếp cận nguồn vốn; làm rõ hiệu quả thực hiện và khả năng đáp ứng nhu cầu của chương trình “Sóng và máy tính cho em”.

Ngoài ra, các đại biểu cũng đề nghị đánh giá về hiệu quả việc triển khai tổ chức, thực hiện Nghị quyết số 43; xác định rõ trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân đối với những tồn tại, hạn chế trong chỉ đạo, tổ chức và những bài học kinh nghiệm rút ra và đề xuất giải pháp, kiến nghị cụ thể để hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật có liên quan, nâng cao hiệu quả tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật trong thời gian tới.

Đại diện Ủy ban nhân dân tỉnh làm rõ một số nội dung Đoàn giám sát quan tâm

Tại hội nghị, các cơ quan chuyên môn đã giải trình, làm rõ một số nội dung như: nguyên nhân một số chính sách tín dụng có kết quả triển khai thấp; những khó khăn, vướng mắc trong việc sử dụng Quỹ viễn thông công ích và Quỹ phát triển khoa học công nghệ; khả năng thu hồi đối với khoản thuế được gia hạn theo Nghị quyết 43. Đồng thời, UBND tỉnh và các cơ quan chuyên môn cũng đề xuất với đoàn giám sát một số nội dung: Tiếp tục có những giải pháp tháo gỡ các vướng mắc, rào cản về pháp lý nhằm khơi thông nguồn lực cho đầu tư sản xuất, kinh doanh; tiếp tục có các cơ chế, chính sách nhằm hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Phát biểu kết luận hội nghị giám sát, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH đánh giá cao tính chủ động, nghiêm túc của UBND tỉnh, vai trò đầu mối của Sở Kế hoạch và Đầu tư, cũng như các sở, ngành, đơn vị liên quan trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo triển khai, tổ chức thực hiện Nghị quyết số 43 trên địa bàn tỉnh.

Đồng chí Nguyễn Thanh Hải, Ủy viên Ban Chấp hànhTrung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh phát biểu kết luận

Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Nguyên cũng đề nghị UBND tỉnh và sở, ngành, đơn vị có liên quan trong thời gian tới bám sát sự chỉ đạo của Trung ương để tham mưu cho tỉnh thực hiện hiệu quả các mục tiêu của chính sách theo yêu cầu của Nghị quyết; thực hiện tốt công tác tuyên truyền, phổ biến nội dung của các chính sách, quyết sách đúng đắn, kịp thời của Đảng và Nhà nước và hiệu quả mang lại đến các tầng lớp Nhân dân, doanh nghiệp. Nâng cao tính chủ động, phối hợp chặt chẽ, đồng bộ, thống nhất giữa các cơ quan quản lý nhà nước trong tham mưu, xây dựng, tổ chức thực hiện và thông tin, truyền thông về chính sách; đồng thời, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, các hệ thống cơ sở dữ liệu, đặc biệt là cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư nhằm triển khai các chính sách hỗ trợ nhanh, hiệu quả, tránh nhầm lẫn, sai sót, trục lợi chính sách; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc tổ chức, thực hiện các chính sách hỗ trợ…

Thu Hoài

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-doan-dai-bieu-quoc-hoi.aspx?itemid=83963