Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Tiền Giang: Chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc

Ngày 18-3, tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 31, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiến hành Phiên chất vấn và trả lời chất vấn đối với 2 nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực tài chính và ngoại giao theo hình thức trực tiếp và kết nối trực tuyến tại 62 điểm cầu các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì phiên họp.

Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH đơn vị tỉnh Tiền Giang Nguyễn Văn Danh chủ trì tại điểm cầu Tiền Giang.

Tại điểm cầu tỉnh Tiền Giang, tham dự Phiên chất vấn có Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đơn vị tỉnh Tiền Giang Nguyễn Văn Danh; Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Trần Thanh Nguyên; Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng đoàn ĐBQH chuyên trách tỉnh Tiền Giang Tạ Minh Tâm; các ĐBQH đơn vị tỉnh Tiền Giang; lãnh đạo UBND tỉnh và các sở, ban, ngành tỉnh…

CHẤT VẤN VIỆC XẾP HẠNG TÍN NHIỆM DOANH NGHIỆP

Buổi sáng, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, các ĐBQH chất vấn đối với Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc về các nhóm vấn đề: Công tác quản lý, giám sát hoạt động kinh doanh bảo hiểm và các hoạt động dịch vụ thuộc lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm nhân thọ; việc thẩm định, cấp phép hoạt động của các công ty làm dịch vụ liên quan đến tài chính; việc thực hiện pháp luật đối với hoạt động kinh doanh xổ số, đặt cược, casino và trò chơi điện tử có thưởng; thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát hải quan; phòng, chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới; công tác quản lý giá và việc quyết định giá hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá...

Phó Trưởng đoàn ĐBQH chuyên trách tỉnh Tiền Giang Tạ Minh Tâm chất vấn tại điểm cầu tỉnh Tiền Giang.

Tham gia phiên chất vấn, Phó Trưởng đoàn ĐBQH chuyên trách tỉnh Tiền Giang Tạ Minh Tâm quan tâm đến việc xếp hạng tín nhiệm doanh nghiệp (DN) và có câu hỏi chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc.

Theo Phó Trưởng đoàn ĐBQH chuyên trách tỉnh Tiền Giang Tạ Minh Tâm, từ năm 2020 đến nay, liên quan đến xếp hạng tín nhiệm DN, Chính phủ có các Nghị định 153/2020/NĐ-CP, Nghị định 65/2022/NĐ-CP và Nghị định 08/2023/NĐ-CP. Trước diễn biến phức tạp của thị trường trái phiếu DN thời gian vừa qua, có quan điểm cho rằng, DN và các nhà đầu tư cá nhân Việt Nam chưa chú trọng, chưa có thói quen quan tâm đến xếp hạng tín nhiệm, dễ bị cuốn hút bởi hai yếu tố là mức trả lãi suất cao và danh tiếng của DN. Và hiện nay, cũng chưa có nhiều cơ sở mà nhà đầu tư có thể dựa vào để tham khảo - dựa vào để nhận biết uy tín cũng như đánh giá khả năng trả nợ của DN phát hành trái phiếu.

Do đó, đại biểu Tạ Minh Tâm đề nghị Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết về trách nhiệm và giải pháp trong thời gian tới nhằm tăng cường bảo vệ tài sản của nhà đầu tư, nâng cao hiệu quả quản lý, giám sát, phát triển bền vững thị trường vốn; triển khai thực hiện đạt kết quả Chiến lược Tài chính đến năm 2030 thể hiện tại Quyết định 368/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Trả lời vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết: “Hoạt động xếp hạng tín nhiệm, cấp phép cho hoạt động xếp hạng tín nhiệm là rất quan trọng đối với nền kinh tế, hội nhập kinh tế quốc tế. Khi có nhiều tổ chức xếp hạng tín nhiệm, nhiều DN được xếp hạng tín nhiệm, sẽ tạo nên sự tin tưởng từ các DN nước ngoài, thu hút được nguồn vốn FDI đối với thị trường tài chính Việt Nam”.

Tuy nhiên, hiện nay ở nước ta mới có 3 tổ chức được xếp hạng tín nhiệm, trong đó có 2 tổ chức có cổ phần của 2 tổ chức xếp hạng tín nhiệm nổi tiếng của thế giới. Bộ Tài chính khuyến khích, tạo điều kiện để các DN đảm bảo đủ các điều kiện để được cấp giấy chứng nhận, giấy phép để thành công ty xếp hạng tín nhiệm. Đặc biệt, các công ty này đóng vai trò như trọng tâm, phải đánh giá một cách đúng đắn, kỹ lưỡng, khách quan, chính xác, tuân thủ pháp luật và các chuẩn mực để đánh giá đúng mức độ tín nhiệm của DN, đặc biệt khi phát hành trái phiếu DN ra thị trường. Trong thời gian tới, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục quan tâm đôn đốc, triển khai công việc trong vấn đề này.

CHẤT VẤN CÁC VẤN ĐỀ THUỘC LĨNH VỰC NGOẠI GIAO

Buổi chiều, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục thực hiện Phiên chất vấn và trả lời chất vấn nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực ngoại giao. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành nội dung phiên họp.

Các ĐBQH chất vấn tập trung chủ yếu về công tác bảo hộ công dân Việt Nam ở nước ngoài; tình trạng vi phạm pháp luật của công dân Việt Nam ở nước ngoài và của người nước ngoài tại Việt Nam; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của ngư dân Việt Nam; thực trạng việc triển khai các thỏa thuận song phương, đa phương và giải pháp thúc đẩy thực hiện các thỏa thuận hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư; công tác hỗ trợ mở rộng thị trường hàng hóa xuất khẩu, hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam tránh bị lừa đảo…

Theo đó, vấn đề về các giải pháp hỗ trợ DN chủ động tìm kiếm, tra cứu thông tin để đảm bảo quyền lợi của DN khi DN trong lĩnh vực nông nghiệp đang gặp nhiều rào cản trong việc đưa nông sản Việt Nam thâm nhập vào thị trường thế giới được nhiều đại biểu quan tâm chất vấn. ĐBQH cho biết, theo báo cáo của Bộ Ngoại giao, những nỗ lực của Bộ trong thời gian qua mới chỉ mang tính sự vụ, khi có vụ việc mới hỗ trợ thực hiện các biện pháp bảo hộ, trợ giúp pháp lý. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho biết, trong thời gian tới, Bộ Ngoại giao sẽ có giải pháp như thế nào để phối hợp cùng các bộ, ngành liên quan hỗ trợ DN chủ động tìm kiếm, tra cứu thông tin để đảm bảo quyền lợi của DN?

Trả lời các ĐBQH, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho biết, việc đưa nông lâm thủy sản ra thế giới thời gian qua được triển khai rất hiệu quả. Bộ Ngoại giao cùng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ký kết hợp tác quảng bá, xúc tiến sản phẩm nông nghiệp Việt Nam ra thế giới. Đồng thời, Bộ Ngoại giao cũng đang tham mưu giúp Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chính phủ biết các chính sách mới về an toàn thực phẩm, chính sách về các sản phẩm liên quan đến gỗ và rừng, vấn đề gỡ "Thẻ vàng"… Bộ Ngoại giao cũng giao nhiệm vụ cho các đại sứ trực tiếp tham gia vào quá trình xuất khẩu những mặt hàng nông sản mới vào các thị trường xuất khẩu…

Cũng tại phiên chất vấn, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cũng đã trả lời cụ thể, đưa ra nhiều giải pháp khả thi đối với từng vấn đề ĐBQH đặt ra tại phiên chất vấn.

Quang cảnh tại điểm cầu Tiền Giang.

Thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội, phát biểu kết thúc phiên chất vấn, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nêu rõ, sau một ngày làm việc khẩn trương, nghiêm túc, dân chủ và trách nhiệm cao, phiên chất vấn đối với lĩnh vực tài chính và lĩnh vực ngoại giao đã kết thúc tốt đẹp. Tại phiên chất vấn có 69 lượt ĐBQH đăng ký tham gia chất vấn tranh luận, trong đó có 5 lượt đại biểu tranh luận với tổng số 86 câu hỏi và các vấn đề mà ĐBQH quan tâm. Tất cả các vị đại biểu đăng ký tranh luận, đăng ký chất vấn đều đã được phát biểu.

Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn trả lời chất vấn.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Đinh nêu rõ, các nhóm vấn đề thuộc 2 lĩnh vực được lựa chọn chất vấn tại phiên họp này đều là lĩnh vực rất quan trọng, thu hút sự quan tâm, chú ý rộng rãi của cử tri, nhân dân cả nước. Các vị ĐBQH từ kinh nghiệm hoạt động của mình đã chuẩn bị kỹ các câu hỏi ngắn gọn, phản ánh sát thực tế và đời sống, nguyện vọng của cử tri, thực hiện đầy đủ các quy định và chất vấn bảo đảm đúng thời gian quy định.

Các Bộ trưởng với tinh thần trách nhiệm cao, hiểu biết, nắm chắc thực trạng, ngành lĩnh vực phụ trách đã trả lời rõ ràng, rành mạch, thẳng vào các vấn đề ĐBQH quan tâm chất vấn và đã làm rõ thực trạng, đề xuất nhiều giải pháp đối với các vấn đề chất vấn.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc trả lời tại phiên chất vấn.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nhấn mạnh trong lĩnh vực tài chính thời gian tới cần thực hiện đồng bộ, đồng thời nhiều giải pháp:

Một là, cần tiếp tục hoàn thiện thể chế pháp luật và tổ chức thực hiện đồng bộ tất cả các lĩnh vực.

Hai là, hoàn thiện biện pháp tổ chức quản lý Nhà nước, xác định rõ trách nhiệm của Chính phủ, của từng bộ, ngành, địa phương, cả Bộ quản lý chuyên ngành và Bộ quản lý tổng hợp, đồng thời, đề cao nguyên tắc phối hợp trong tổ chức thực hiện.

Ba là, phát huy vai trò của các hiệp hội ngành nghề dịch vụ tài chính, đề cao đạo đức nghề nghiệp của người hành nghề dịch vụ, của tổ chức và cá nhân cũng như là trách nhiệm của các thành viên hội viên trong việc chấp hành nghiêm pháp luật của Nhà nước.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định phát biểu kết thúc Phiên chất vấn và trả lời chất vấn.

Đối với lĩnh vực ngoại giao, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nêu rõ, đề nghị Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, các Bộ trưởng, trưởng ngành có liên quan tiếp thu tối đa ý kiến góp ý của các đại biểu, chỉ đạo quyết liệt thực hiện các giải pháp đề ra nhằm khắc phục các tồn tại, hạn chế, trong đó tập trung vào một số vấn đề về thực hiện các thỏa thuận, cam kết song phương, đa phương, hỗ trợ địa phương, doanh nghiệp; về liên kết, hội nhập quốc tế; ngoại giao văn hóa, phát triển du lịch, chính sách miễn thị thực; về công tác người Việt Nam ở nước ngoài và bảo hộ công dân; công tác tổ chức bộ máy ngành Ngoại giao.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nêu rõ, kết quả phiên chất vấn lần này cho thấy, nhiều vấn đề tồn tại và đang bức xúc trong xã hội đã được đưa ra diễn đàn Quốc hội bàn thảo, giúp phát hiện những bất cập, hạn chế trong quá trình thực thi pháp luật cũng như nâng cao trách nhiệm của các Bộ trưởng trong việc tìm ra các giải pháp để khắc phục những tồn tại, hạn chế, góp phần thúc đẩy việc thực hiện có hiệu quả đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định bày tỏ tin tưởng với các giải pháp mà các Bộ trưởng đã cam kết, với quyết tâm cao của tập thể Chính phủ, sự đồng hành của Quốc hội, các ĐBQH, các lĩnh vực được chất vấn hôm nay sẽ tiếp tục có nhiều chuyển biến mới, tốt đẹp hơn trong thời gian tới.

THU HOÀI - LÊ NGUYÊN

Nguồn Ấp Bắc: http://baoapbac.vn/chinh-tri/202403/doan-dai-bieu-quoc-hoi-tinh-tien-giang-chat-van-bo-truong-bo-tai-chinh-ho-duc-phoc-1005793/