Do đâu đấu thầu vàng miếng liên tục ế?

Trong bối cảnh, giá vàng trong nước có thể lên xuống tới 2-3 triệu/lượng/ngày thì mức chênh chưa tới 600 nghìn đồng/lượng khi đấu thầu là thiếu hấp dẫn với doanh nghiệp.

Sau 4 lần đấu giá 16.800 lượng vàng (ngày 22/4, 23/4, 25/4 và 3/5), chỉ một phiên đấu thầu ngày 23/4 thành công với khối lượng bán ra 3.400 lượng vàng. Đa số các ý kiến cho rằng, đấu thầu vàng ế do giá quá cao, chưa tương xứng với rủi ro.

Trưa 3/5, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) phát đi thông báo hủy thầu phiên đấu thầu vàng miếng do chỉ có 1 đơn vị nộp phiếu dự thầu.Trước đó, theo văn bản gửi tới các ngân hàng thương mại và doanh nghiệp, NHNN thông báo sẽ đấu thầu 16.800 lượng vàng miếng SJC vào 9 giờ sáng 3/5. Các đơn vị tham gia được yêu cầu đặt cọc 10% với giá tham chiếu để tính giá trị đặt cọc là 82,9 triệu đồng/lượng.

Như vậy, sau 4 lần đấu giá 16.800 lượng vàng (ngày 22/4, 23/4, 25/4 và 3/5), chỉ một phiên đấu thầu ngày 23/4 thành công với khối lượng bán ra 3.400 lượng vàng, giá trúng thầu cao nhất là 81,33 triệu đồng/lượng.

Giá vàng khởi điểm hiện cũng đã lên mức 82,9 triệu đồng/lượng - thấp hơn giá mua vào phổ biến trên thị trường cùng ngày là 600 nghìn đồng/lượng (Mua - bán trên thị trường sáng 3/5 ở mức 83,5 - 85,8 triệu đồng/lượng).

Giá vàng giao dịch trên thị trường trong thời gian qua tăng "chóng mặt" nhưng NHNN đấu thầu vàng miếng lại "ế", xét theo góc độ thị trường, nguyên nhân dễ hiểu là do cơ chế chưa đủ hấp dẫn, lợi nhuận chưa tương xứng với rủi ro.

Trong bối cảnh, giá vàng trong nước có thể lên xuống tới 2-3 triệu/lượng/ngày thì mức chênh chưa tới 600 nghìn đồng/lượng khi đấu thầu là thiếu hấp dẫn với doanh nghiệp.

Ông Nguyễn Hưng, Tổng giám đốc TPBank thẳng thắn chia sẻ, TPBank không tham gia đấu thầu vàng bởi biên lợi nhuận thấp.

TS. Nguyễn Trí Hiếu cho biết thêm rằng, thông thường, các đơn vị tham gia đấu thầu sẽ tính toán để mua khối lượng vàng hợp lý với mức giá hấp dẫn nhằm kỳ vọng bán ra có lợi nhuận. Tuy nhiên, nếu phải mua với số lượng lớn, theo quy định đấu thầu của NHNN tối thiểu là 1.400 lượng vàng sẽ đi kèm với rủi ro nắm giữ, chưa kể thời gian chờ nhận vàng, giao vàng và bán vàng, trong khi giá vàng thế giới luôn biến động khó lường.

Dù vậy, theo chuyên gia kinh tế này, với nhu cầu của thị trường hàng chục tấn vàng/năm thì việc đấu thầu 16.800 tấn vàng cũng chỉ mang tính tình thế. Đấu thầu vàng không phải là giải pháp căn cơ. Về lâu dài, Chính phủ, NHNN cần sớm ban hành Nghị định về quản lý hoạt động kinh doanh vàng cho phù hợp với bối cảnh hiện nay.

Ông Hiếu nhấn mạnh, muốn bình ổn được thị trường, phải cân đối được cung cầu. Theo đó, NHNN nên cấp hạn ngạch (quota), cho phép các nhà kinh doanh uy tín nhập vàng nguyên liệu, thành lập sàn giao dịch vàng quốc gia...

TS. Nguyễn Tường Vân, Học viện Ngân hàng khuyến nghị, NHNN chỉ nên bán vàng miếng ra thị trường trong nước trong các tình huống rất hãn hữu nhằm tránh xung đột vị thế với VND trên giác độ tiền tệ. Ngoài ra, cũng nên áp dụng điều này cho các NHTM nhập và nắm giữ vàng miếng nhưng không được bán ra thị trường trong nước ở dạng vật chất.

Theo Đình Vũ/Nhà đầu tư

Nguồn Vietnamdaily: http://vietnamdaily.trithuccuocsong.vn/tai-chinh-ngan-hang/do-dau-dau-thau-vang-mieng-lien-tuc-e-209786.html