Điều ít biết về ngôi chùa Đồng tọa lạc trên đỉnh Yên Tử 12 năm

Có lẽ không nhiều người biết rằng, trước ngôi chùa Đồng hiện nay, có một ngôi chùa bằng đồng khác đã tọa lạc trên đỉnh núi Yên Tử suốt 12 năm, từ năm 1994 đến 2006.

Ngôi chùa Đồng tọa lạc trên đỉnh Yên Tử 12 năm

Hướng tới Đại lễ Phật đản Phật lịch 2568 (năm 2024 dương lịch), Giáo hội Phật giáo Việt Nam TP Hải Phòng đã tổ chức Tọa đàm khoa học kỷ niệm 30 năm đưa chùa Đồng về Yên Tử (1994 - 2024).

Chùa Đồng còn có tên khác là Thiên Trúc tự (chùa cõi Tây phương Thiên Trúc) nằm ở vị trí cao nhất của núi Yên Tử (Quảng Ninh). Trên độ cao 1.068m, đây là ngôi chùa nằm ở vị trí cao nhất Việt Nam.

Ông Nguyễn Đình Chỉnh - Phó Chủ tịch thường trực Hội Văn nghệ dân gian Hải Phòng - cho biết: Đầu tiên, chùa Đồng do một bà phi của chúa Trịnh dựng vào thời hậu Lê (thế kỷ 17). Ngôi chùa được đúc bằng đồng khác hẳn với chất liệu gỗ lim như những ngôi chùa khác của Việt Nam lúc bấy giờ. Ở giai đoạn nguyên khởi này, ngôi chùa chỉ là một cái khám nhỏ, một người chui không lọt. Năm Canh Thân 1740, đời vua Lê Cảnh Hưng, tương truyền có một cơn bão làm bật mái chùa, kẻ gian dỡ phần còn lại, chỉ để lại dấu tích các hố cột như chôn trên mỏm đá.

"Năm 1930, chùa được xây dựng lại nhưng bằng bê tông, cốt đồng. Chùa Đồng lúc đó kích thước nhỏ đặt trên một tảng đá bằng phẳng, hình vuông, chùa cao hơn đầu người một chút. Như vậy là cả một quãng thời gian dài khoảng 300 năm, chùa Đồng vẫn là am thờ Phật với chất liệu không phải bằng đồng như khi khởi dựng", ông Nguyễn Đình Chỉnh nói.

Ngôi chùa Đồng lắp dựng năm 1994 (bên trái) và ngôi chùa năm 1930 trên đỉnh Yên Tử (ảnh chụp năm 2006)

Năm 1994, cư sĩ - nhà nghiên cứu Phật học Nguyễn Sơn Nam (Pháp danh Thích Đức Viên, là một Việt kiều Mỹ) cùng các Phật tử phát tâm đúc lại ngôi chùa mới bằng đồng theo kiến trúc hình chữ Đinh theo dáng một bông sen nở, ngự trên sập đồng chân quỳ dạ cá chạm trổ hình hoa sen cách điệu. Mặt trước cửa chùa gồm 4 cột bằng đồng như thể chia chùa thành 3 gian. Hai cột phía trong hình tròn tạc rồng quấn. Hai cột phía ngoài đúc hình vuông, chạm nổi câu đối: Lịch đại vĩnh truyền đăng Phật Tổ/Đa niên hiển tích tuệ Như Lai. Trong chùa tôn trí 4 pho tượng đồng: Đức Phật Thích-ca Mâu-ni và Tam Tổ Trúc Lâm ngự đài sen. Ngôi chùa này được lắp dựng bên cạnh ngôi chùa năm 1930.

Ông Nguyễn Trần Trương - Trưởng ban đầu tiên của Ban Quản lý Di tích lịch sử và Danh thắng Yên Tử (nay là Ban Quản lý Di tích và Rừng Quốc gia Yên Tử) - cho biết, ông là chứng nhân trong suốt quá trình tái thiết ngôi chùa này, từ việc tham dự các cuộc họp tại Văn phòng Ban Tôn giáo Chính phủ đến việc khảo sát thực địa đặt móng chùa, tổ chức Lễ khánh thành ngôi chùa vào ngày 28/4/1994 trên đỉnh núi Yên Tử.

Đến tháng 4/2006, ngôi chùa được hạ giải, nền chùa được nâng cấp để Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Quảng Ninh dựng ngôi chùa Đồng lần thứ tư, diện tích hơn 16 mét vuông, hiện đang tọa lạc trên đỉnh núi Yên Tử.

Như vậy, tính từ ngày khánh thành 28/4/1994 đến ngày hạ giải, ngôi chùa Đồng mà ông Nguyễn Sơn Nam công đức tọa lạc trên đỉnh núi Yên Tử vừa tròn 12 năm. Ngôi chùa này hiện đang được niêm cất trong Phòng Quản lý di vật văn hóa của Ban Quản lý Di tích và Rừng Quốc gia Yên Tử.

Ông Nguyễn Trần Trương nhớ lại những khó khăn của việc để công trình chùa được trở thành hiện thực trên đỉnh Yên Tử 30 năm trước: "Từ ngoài vào Yên Tử chỉ có con đường đất, qua các lòng suối khe đá bày lởm chởm. Lối lên chùa từ chân núi lên đỉnh núi chưa được kè bậc đá, dốc mưa trơn trượt. Thời đó chưa có cáp treo và hệ thống tời để đưa nguyên vật liệu từ chân núi lên đỉnh núi như sau này. Việc vận chuyển chỉ bằng vai mang vác với đôi chân trèo núi, rất khó khăn, vất vả; mang được 1 cân cát, cân xi măng lên đỉnh núi không hề đơn giản, đúng với câu Của một đồng, công một nén".

Theo ông Nguyễn Trần Trương, chùa Đồng năm 1994 là công trình đầu tiên do một Phật tử ở nước ngoài cung tiến vào Yên Tử. "Từ khi ngôi chùa Đồng được khánh thành, lượng khách về Yên Tử tăng lên. Nếu năm 1993 chỉ có khoảng 35.000 lượt khách về Yên Tử thì năm 1994, số đó tăng lên đến gần 60.000 và các năm sau tăng trưởng mãi. Sự hiện diện ngôi chùa Đồng trên đỉnh thiêng Yên Tử góp phần khích lệ du khách thập phương về với chùa Đồng, thực hành tâm nguyện như câu truyền ngữ: Tu Tây tu Đông/Chưa về chùa Đồng chưa đắc quả tu".

Hòa thượng Thích Quảng Tùng và cư sĩ Nguyễn Sơn Nam (phải) chia sẻ tại Tọa đàm

Tại Tọa đàm khoa học 30 năm đưa chùa Đồng về Yên Tử, Hòa thượng Thích Quảng Tùng (Trưởng Ban trị sự Giáo hội Phật giáo TP Hải Phòng, trụ trì chùa Phúc Lâm Dư Hàng, người giúp cho việc chỉ đạo việc thiết kế, thi công, vận chuyển lên đỉnh núi và lắp dựng chùa Đồng năm 1994) chia sẻ hành trình cùng cư sĩ Nguyễn Sơn Nam xây dựng lại chùa Đồng: "30 năm một chặng đường, thời gian trôi nhanh, chúng tôi trải qua biết bao gian nan trở ngại mới đưa được chùa Đồng về Yên Tử. Giờ thay bằng ngôi chùa Đồng to đẹp hơn, chúng tôi vẫn tự hào là những người đi đầu xây dựng được "mái nhà tranh" để có "ngôi nhà ngói" như bây giờ".

Ở tuổi 75, cư sĩ Nguyễn Sơn Nam xúc động kể, năm 25 tuổi, ông được ở cạnh Đại sư Thích Trí Hải (1906-1979). Suốt thời gian này, dù thầy của mình không nói nhưng ông có cảm giác tâm nguyện của thầy được truyền sang mình, là phải xây dựng chùa Đồng, dù việc này gặp nhiều khó khăn. Sau 10 năm rời Việt Nam, năm 1994, ông mới về quê hương, hoàn thành tâm nguyện của Đại sư Thích Trí Hải cũng như của mình.

Tại tọa đàm, ông Bùi Hữu Dược - nguyên Vụ trưởng Vụ Phật giáo (Ban Tôn giáo Chính phủ) - cảm ơn Hòa thượng Thích Quảng Tùng vì thời điểm đó còn rất trẻ nhưng đã quyết tâm làm công trình lớn; ông Sơn Nam lúc bấy giờ là một Việt kiều nhưng sẵn sàng cống hiến vì hạnh nguyện đối với sự phát triển của Phật giáo, với tình yêu quê hương đất nước. "Tôi tin rằng Đại sư Thích Trí Hải sẽ tự hào về người học trò của mình, tự hào về sự đóng góp của Phật giáo vào xã hội hôm nay", ông Dược khẳng định.

Lam Nguyên

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/dieu-it-biet-ve-ngoi-chua-dong-toa-lac-tren-dinh-yen-tu-12-nam-20240501154211616.htm