Điều gì giúp Việt Nam vững bước trở thành một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất thế giới?

Trong ba thập kỷ qua, Việt Nam đã chứng kiến một quá trình chuyển đổi kinh tế đáng kinh ngạc nhờ công cuộc Đổi Mới khởi xướng vào năm 1986.

Trong bản nghiên cứu về kinh tế Việt Nam (sách trắng 2024), lãnh đạo Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) cho biết, trong ba thập kỷ qua, Việt Nam đã chứng kiến một quá trình chuyển đổi kinh tế đáng kinh ngạc nhờ công cuộc Đổi Mới khởi xướng vào năm 1986. Cải cách Đổi Mới đã đưa ra một loạt biện pháp mạnh mẽ để tự do hóa nền kinh tế, khuyến khích đầu tư nước ngoài và thúc đẩy doanh nghiệp tư nhân.

Các biện pháp này bao gồm phi tập trung hóa việc ra quyết định kinh tế và dỡ bỏ các rào cản thương mại và đầu tư. Những cải cách này có tác động rất nhanh chóng và sâu sắc, giúp Việt Nam vững bước trở thành một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất thế giới.

Theo EuroCham, điểm mấu chốt trong quá trình chuyển đổi của Việt Nam là sự tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ. Kể từ thời kỳ Đổi Mới, Việt Nam đã liên tục đạt được tốc độ tăng trưởng vượt trội, vượt 9% mỗi năm trước cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997 và trên 8% trước cuộc Đại suy thoái cuối thập niên 2000.

 Toàn cảnh Hội nghị. (Ảnh: HA)

Toàn cảnh Hội nghị. (Ảnh: HA)

Cũng theo EuroCham, Việt Nam gần đây đã bật lên với tư cách là quốc gia có tốc độ tăng trưởng kinh tế hàng đầu châu Á vào năm 2022 sau nhiều năm liên tiếp giữ vững đà tăng trưởng bất chấp đại dịch COVID-19.

“Cùng với đó, GDP bình quân đầu người của Việt Nam đã tăng vọt từ con số khiêm tốn 363 USD Mỹ vào năm 1999 lên 4.163 Đô-la Mỹ vào năm 2022”, lãnh đạo của EuroCham nêu.

Theo báo cáo của Eurocham, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế - động lực xóa đói giảm nghèo mạnh mẽ nhất - đã cải thiện đáng kể cuộc sống của người dân Việt Nam. Tỷ lệ dân số Việt Nam sống dưới chuẩn nghèo giảm mạnh từ 45,1% năm 1993 xuống chỉ còn 0,7% vào năm 2020.4

Khi tỷ lệ người sống ở mức nghèo cùng cực đạt mức gần bằng 0, khoảng 18% người Việt Nam đã chuyển sang tầng lớp trung lưu.

Tiến bộ đáng kể của Việt Nam về cơ sở hạ tầng và phúc lợi xã hội đi đôi với những nỗ lực giảm nghèo. Từ mức chỉ có 14% hộ gia đình được tiếp cận với điện vào năm 1993, Việt Nam giờ đây tự hào khi gần như toàn bộ dân số đang được sử dụng điện.

Những tiến bộ này đã nâng cao đáng kể sức khỏe cộng đồng, điều này được chứng minh qua việc tỷ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh giảm một nửa từ 32,6 xuống 16,7 trên 1.000 ca sinh sống trong khoảng thời gian từ 1993 đến 2020 và tuổi thọ trung bình tăng thêm 5 năm kể từ năm 1990.

Sức khỏe và mức sống đã tăng lên cùng với các thành tựu về giáo dục. Tạp chí Economist đã khen ngợi hệ thống giáo dục xuất sắc và công bằng của Việt Nam, học sinh Việt Nam đã đạt thành tích vượt trội trong các kỳ đánh giá quốc tế, phản ánh việc sử dụng hiệu quả các chính sách phúc lợi xã hội để trau dồi nguồn nhân lực thuộc mọi tầng lớp xã hội.

Trong lĩnh vực kinh tế, Việt Nam đã có chiến lược chuyển đổi từ nền kinh tế dựa vào nông nghiệp sang nền kinh tế đa dạng, tập trung vào sản xuất, dịch vụ, công nghệ và viễn thông.

Quá trình chuyển đổi này, với đóng góp của nông nghiệp vào GDP giảm mạnh từ 39% năm 1990 xuống còn 15% vào năm 2020,10 đã tăng cường khả năng phục hồi của nền kinh tế trước những cú sốc từ bên ngoài, tạo việc làm, tăng thu nhập và đưa Việt Nam trở thành nền kinh tế có thu nhập trung bình.

Do đó, sự phát triển ấn tượng của Việt Nam như một nền kinh tế khu vực đã thay đổi mạnh mẽ nhận thức toàn cầu về tiềm năng tăng trưởng của đất nước.

Trong khi tôn vinh những thành tựu của mình một cách đúng đắn, Việt Nam vẫn đối mặt với những khó khăn trong việc cân bằng giữa tốc độ công nghiệp hóa nhanh và tính bền vững về môi trường - một thách thức lâu dài để duy trì tăng trưởng cân bằng trong tương lai.

Ông Erik Contreras, Chủ tịch Tiểu ban Phát triển Xanh EuroCham nhấn mạnh, thông qua Sách trắng, EuroCham mong muốn hợp tác với Việt Nam để đạt được các giải pháp bền vững thế hệ tiếp theo trong các ngành công nghiệp chủ chốt. Hai bên sẽ chia sẻ kiến thức chuyên môn toàn cầu về mọi lĩnh vực, từ các sáng kiến quản lý chất thải đến các thiết kế tòa nhà tiết kiệm năng lượng.

“Để hỗ trợ tương lai năng lượng tái tạo của Việt Nam, chúng tôi khuyến nghị hợp tác nhằm mục đích đơn giản hóa các hợp đồng mua bán và đầu tư năng lượng sạch. Nhanh chóng đưa ra các quy định hiệu quả nhằm tạo điều kiện và duy trì tăng trưởng năng lượng xanh nhằm tối đa hóa tiềm năng của Việt Nam trong lĩnh vực này”, ông Erik Contreras cho biết.

Định Trần

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/dieu-gi-giup-viet-nam-vung-buoc-tro-thanh-mot-trong-nhung-nen-kinh-te-phat-trien-nhanh-nhat-the-gioi-post281162.html