Điện mặt trời mái nhà: Khuyến khích tự sản, tự tiêu dùng tại chỗ, không kinh doanh và mua bán

Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân cho biết, việc phát triển nguồn điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu tập trung vào tận dụng điện mặt trời mái nhà trên các công trình xây dựng, đồng thời khuyến khích phải tự sản, tự tiêu dùng tại chỗ chứ không phục vụ cho mục đích kinh doanh, mua bán điện.

Chiều 4/5, Văn phòng Chính phủ đã tổ chức họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 4/2024 dưới sự chủ trì của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn, Người phát ngôn của Chính phủ.

Tại họp báo, ông Nguyễn Sinh Nhật Tân - Thứ trưởng Bộ Công Thương đã trả lời báo chí thông tin liên quan đến tiến độ ban hành chính sách phát triển điện mặt trời mái nhà và việc các nhà đầu tư bán ra ngoài không nếu như họ không sử dụng hết nguồn điện.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn, Người phát ngôn của Chính phủ chủ trì họp báo.

Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân cho biết, trong Quy hoạch điện VIII được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 500/QĐ-TTg ngày 15/5/52023 đã đề ra mục tiêu cụ thể liên quan đến điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu. Cụ thể là, phấn đấu đến năm 2030 có 50% các tòa nhà công sở và 50% nhà dân sử dụng điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu để phục vụ tiêu thụ tại chỗ, không bán điện vào hệ thống điện quốc gia.

Cũng theo ông Nguyễn Sinh Nhật Tân, về định hướng phát triển nguồn điện và phương án phát triển nguồn điện trong Quy hoạch điện VIII cũng nêu rất rõ việc ưu tiên, khuyến khích phát triển điện gió, điện mặt trời tự sản, tự tiêu; trong đó có điện mặt trời mái nhà của người dân và mái công trình xây dựng của các công sở và các cơ sở sản xuất kinh doanh để tiêu thụ tại chỗ, không đấu nối hoặc không bán điện vào lưới điện quốc gia.

"Việc phát triển nguồn điện này tập trung vào tận dụng điện mặt trời mái nhà trên các công trình xây dựng, đồng thời khuyến khích phải tự sản, tự tiêu dùng tại chỗ chứ không phục vụ cho mục đích kinh doanh, mua bán điện", ông Tân nêu rõ.

Ông Nguyễn Sinh Nhật Tân - Thứ trưởng Bộ Công Thương.

Thứ trưởng Bộ Công Thương cũng cho biết, để thực hiện được chủ trương nêu trên của Chính phủ, cần phải xây dựng văn bản pháp luật để cụ thể hóa và đưa cơ chế phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu đi vào hoạt động.

Theo đó, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương đang khẩn trương xây dựng dự thảo Nghị định quy định về cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu; trong đó có những nội dung cơ bản như: Khái niệm về điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu; Quy định các công trình có thể lắp đặt hệ thống điện mặt trời mái nhà; Cơ chế hỗ trợ, khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà; và Đơn giản hóa các thủ tục hành chính để tạo thuận lợi nhất cho người dân, cơ quan, doanh nghiệp trong triển khai thực hiện.

"Dự thảo Nghị định nêu trên đang được đăng tải công khai trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Công Thương để lấy ý kiến góp ý của các cơ quan, tổ chức, cá nhân theo quy định của Luật ban hành các văn bản quy phạm pháp luật", ông Tân thông tin thêm.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân, hiện nay, Bộ Công Thương đang tiếp tục tổ chức các hội nghị, hội thảo tham vấn ý kiến của các Bộ, ngành, địa phương và các nhà khoa học, chuyên gia có uy tín, các tổ chức quốc tế để tiếp thu, sớm hoàn thiện dự thảo Nghị định, gửi Bộ Tư pháp thẩm định và trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để xem xét, quyết định phê duyệt dự thảo Nghị định này.

Bộ Công Thương đang lấy ý kiến đối với dự thảo Nghị định quy định về cơ chế mua bán điện trực tiếp giữa đơn vị phát điện năng lượng tái tạo với khách hàng sử dụng điện lớn. Trong đó, Bộ Công Thương đề xuất đơn vị phát điện năng lượng tái tạo sở hữu nhà máy điện gió hoặc mặt trời (Đơn vị phát điện) sẽ được bán điện trực tiếp cho khách hàng sử dụng điện lớn (các doanh nghiệp sản xuất, cung ứng dịch vụ) thông qua đường dây riêng hoặc qua lưới điện quốc gia.

Dự thảo Nghị định cũng nêu rõ, nguyên tắc của hình thức mua bán điện trực tiếp qua lưới điện quốc gia:

Đơn vị phát điện: Sở hữu nhà máy điện có công suất thiết kế từ 10 MW trở lên trực tiếp tham gia thị trường bán buôn điện cạnh tranh.

Trong giai đoạn đầu, cho phép Đơn vị phát điện sở hữu nhà máy điện gió hoặc mặt trời đấu nối vào hệ thống điện quốc gia tham gia cơ chế mua bán điện trực tiếp.

Trong giai đoạn tiếp theo, tiếp tục mở rộng loại hình công nghệ phát điện khác (thủy điện, sinh khối, thủy triều, địa nhiệt,…) căn cứ theo nhu cầu của khách hàng, đơn vị phát điện và tình hình phát triển hệ thống điện và thị trường điện cạnh tranh tại Việt Nam.

Khách hàng sử dụng điện lớn: Tổ chức, cá nhân trên lãnh thổ Việt Nam mua điện đấu nối từ cấp điện áp từ 22 kV trở lên, có sản lượng tiêu thụ trung bình hàng tháng từ 500.000 kWh, bao gồm: Khách hàng lớn đang mua điện từ Tổng công ty Điện lực và Khách hàng lớn mua điện từ Đơn vị phân phối bán lẻ không phải Tổng công ty Điện lực.

Trong giai đoạn đầu, cho phép khách hàng sản xuất tham gia cơ chế mua bán điện trực tiếp.

Trong giai đoạn tiếp theo, tiếp tục mở rộng cho các khách hàng sử dụng điện khác tham gia cơ chế căn cứ theo nhu cầu của khách hàng, đơn vị phát điện, tình hình phát triển hệ thống điện và thị trường điện cạnh tranh tại Việt Nam.

Quốc Trần

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/dien-mat-troi-mai-nha-khuyen-khich-tu-san-tu-tieu-dung-tai-cho-khong-kinh-doanh-va-mua-ban-post294202.html