Điện mặt trời 0 đồng và câu chuyện 'thầy bói xem voi'

Câu chuyện điện mặt trời 0 đồng vẫn chưa hết 'nóng' và đang có cách hiểu, góc nhìn khác nhau. Vì sao?

Mới đây, Bộ Công Thương đã lấy ý kiến về dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định về cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu (tự dùng). Quy định khá chi tiết song tập trung vào nội dung cơ bản như sau: Nhà nước khuyến khích người dân, tổ chức là cơ quan công sở được đầu tư, lắp đặt hệ thống điện mặt trời tự dùng (không bán), không cần có giấy phép hoạt động điện lực nhằm tiết kiệm chi phí mua điện từ Tập đoàn Điện lực Việt Nam.

Nghị định cũng cho phép hệ thống điện mặt trời tự dùng được nối với lưới điện phân phối của nhà nước, được ghi nhận sản lượng nhưng không được trả tiền cho phần điện dư thừa xuất vào lưới điện.

Cụ thể, theo dự thảo: “điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu khi phát lên lưới chỉ mua với giá 0 đồng” và “Điện năng lượng mặt trời (NLMT) mái nhà công sở và doanh nghiệp có thể được phép phát triển ngoài ngưỡng của Quy hoạch điện VIII. (Quy hoạch điện VIII công suất phát triển NLMT từ nay đến 2030 là 2.600 MW).

Trong một cơ chế khác, nếu tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp muốn kinh doanh (bán) điện năng lượng tái tạo (mặt trời và điện gió..) thì sẽ áp dụng cơ chế thí điểm về mua bán điện trực tiếp với điều kiện quy mô công suất từ 10mW trở lên qua 2 hình thức đường dây riêng hoặc lưới điện quốc gia.

Quy định như vậy là khá rõ ràng, tuy nhiên cộng đồng vẫn đang tranh luận về “giá 0 đồng”.

Nhiều chuyên gia, doanh nghiệp cho rằng việc quy định “giá 0 đồng” là đi ngược nguyên tắc thị trường, lãng phí và không khuyến khích người dân; rằng EVN lấy điện để kinh doanh nhưng không trả tiền cho nhà đầu tư là chưa hợp lý vì chi phí đầu vào không phát sinh… Một số ý kiến đều có chung cách nhìn là đầu tư điện mặt trời ngoài mục đích tiết kiệm còn có mục đích kinh doanh phần dư thừa.

Trong khi đó, đứng từ quan điểm của cơ quan quản lý nhà nước và đơn vị quản lý vận hành hệ thống điện việc khuyến khích đầu tư điện mặt trời mái nhà tự dùng sẽ góp phần giảm chi phí mua điện từ EVN, giảm áp lực đầu tư vào điện cho Nhà nước trong bối cảnh nguồn lực còn khó khăn; đảm bảo an toàn hệ thống điện quốc gia; đồng thời chung tay bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu chứ không phải kinh doanh là mục đích chính.

Bên cạnh đó, việc cho đấu nối vào hệ thống là một cơ chế khuyến khích nhằm tạo điều kiện cho chủ đầu tư (tổ chức, cá nhân)…lắp thiết bị 2 chiều để sử dụng điện liên tục, duy trì chất lượng điện trong khi điện mặt trời bị phụ thuộc vào thời tiết (độ ổn định, chất lượng không cao); giảm bớt sự quá tải của thiết bị điện, thiết bị lưu trữ, hệ thống dây dẫn trong gia đình, phòng chống cháy nổ.

Đây cũng chính là các lý do, các cơ quan quản lý nhà nước, đơn vị tư vấn, chuyên gia đề xuất cho phép điện mặt trời tự dùng có thể nối lưới, ghi nhận để làm cơ sở tính toán, dự báo nhưng không phát sinh hoạt động mua bán.

Dự thảo Nghị định về điện mặt trời mái nhà vẫn đang được lấy ý kiến rộng rãi

Trên thực tế, công tác quản lý, vận hành, điều tiết hệ thống điện rất phức tạp, nhất là trong bối cảnh điện mặt trời phát triển và cần đầu tư rất lớn cho lưới điện thông minh. Tại các nước phát triển, nhu cầu điện tăng trưởng không cao và tương đối ổn định; họ có hệ thống lưới điện hiện đại, thông minh, đặc biệt giá điện áp dụng cơ chế thị trường nên dễ thực hiện.

Còn tại Việt Nam, dù lưới điện đã phủ khắp nhưng do nguồn lực còn hạn chế nên lưới điện phân phối ở nhiều nơi vẫn còn chắp vá. Dù điện mặt trời mái nhà tự dùng có quy mô không lớn song nếu không căn cứ, bám sát nhu cầu, quy hoạch thì hệ thống điện sẽ gặp khó khăn. Ví dụ đơn giản như lưới điện giống như ống nước chính, nhiều ống nước nhỏ đổ vào cùng 1 lúc sẽ gây vỡ ống nếu đầu ra không tương ứng. Ở góc độ lớn hơn, nhiều nhà máy điện lớn đang phải chạy các tổ máy phát điện lên lưới mà không thu tiền để thực hiện điều áp, điều tần, đảm bảo chất lượng nguồn điện khi điện năng lượng tái tạo trồi sụt. Đây là vấn đề kỹ thuật mà bất cứ chuyên gia nào cũng thừa nhận nhưng người dân lại ít được biết.

Một vấn đề khác, các chuyên gia cho rằng lưới điện hiện nay vẫn đủ năng lực hấp thụ điện năng lượng tái tạo (và chưa xảy ra sự cố gì). Điều này cũng đúng nhưng thực tế, nguồn điện phía Nam, miền Trung đang dư thừa, khả năng truyền tải ra Bắc lại giới hạn và quá tải gây khó khăn trong công tác vận hành. Nếu suy luận theo mạch suy nghĩ này thì hiện nay Việt Nam không phải đầu tư thêm nguồn điện nữa vì công suất đặt hệ thống đã đạt trên dưới 80.000 MW, trong khi phụ tải đỉnh chỉ đạt trên 40.000 MW. Công suất đặt và công suất thực tế là khác nhau, điều này cũng tương tự như lưới điện truyền tải.

Trong một phát biểu mới đây, lãnh đạo Bộ Công Thương đã lý giải về việc tại sao cho điện mặt trời mái nhà kết nối lưới điện nhưng không trả tiền cho phần sản lượng dư thừa để tránh trục lợi chính sách. Bởi lẽ kinh nghiệm thực tế phát triển điện mặt trời, điện gió thời gian qua đã không lường trước được tình trạng “trục lợi chính sách” (đã xảy ra) và cơ quan chức năng đang đau đầu để xử lý tồn tại.

Trên thực tế, đối với điện mặt trời mái nhà, nhiều doanh nghiệp người dân đã “lợi dụng” khe hở chính sách để làm dự án điện mặt trời dưới 1 MW, lắp điện trên sân, vườn, ruộng; lập dự án nông nghiệp công nghệ cao với mục đích chỉ để bán điện hưởng giá FIT trong vòng 20 năm; hay còn chưa thực hiện đầy đủ theo các quy định… Thậm chí, điện năng lượng tái tạo dư thừa, không giải tỏa hết công suất vì đường dây truyền tải làm không kịp và nhiều vướng mắc khác thì doanh nghiệp và cộng đồng xã hội quy trách nhiệm cho cơ quan quản lý???

Vũ Sơn

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/dien-mat-troi-0-dong-va-cau-chuyen-thay-boi-xem-voi-317310.html