Dịch tả đang hoành hành ở miền nam châu Phi, khiến hơn 1000 người thiệt mạng

Zambia, Zimbabwe và Malawi là tâm điểm của đợt bùng phát dịch tả nguy hiểm nhất ở miền nam châu Phi trong ít nhất một thập kỷ. Kho dự trữ vắc xin nhằm hạn chế sự lây lan của dịch bệnh đã cạn kiệt.

Đợt bùng phát dịch tả tồi tệ nhất

Hơn 1.000 người đã chết vì bệnh tả, trong khi hàng chục nghìn người trên khắp châu Phi đã bị nhiễm bệnh trong một loạt đợt bùng phát dịch tả chết người kể từ đầu năm 2024.

 Các y bác sĩ đang chăm sóc bệnh nhân dịch tả tại châu Phi. Ảnh: DW

Các y bác sĩ đang chăm sóc bệnh nhân dịch tả tại châu Phi. Ảnh: DW

Các quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất là Cộng hòa Dân chủ Congo, Mozambique, Zimbabwe, Zambia ở miền nam châu Phi và Ethiopia ở phía bắc.

Zambia đang bị tàn phá bởi đợt bùng phát tồi tệ nhất từ trước đến nay, với hơn 740 trường hợp tử vong do bệnh tả được ghi nhận kể từ khi bắt đầu đợt dịch mùa mưa hồi tháng 10 năm 2023.

Bệnh tả do vi khuẩn gây ra, rất dễ lây lan có thể gây tiêu chảy nặng và mất nước trong vòng vài giờ sau khi bị nhiễm khuẩn. Nếu được điều trị nhanh chóng, tỷ lệ tử vong chỉ dưới 1%. Nhưng tỷ lệ tử vong ở Zambia, một trong những quốc gia nghèo nhất thế giới, lại lên tới hơn 3%.

Dịch tả thường xảy ra ở những khu vực bị thiên tai hoặc các cộng đồng nghèo thiếu nước uống an toàn và vệ sinh phù hợp. Những người phụ thuộc vào nguồn nước chưa qua xử lý từ sông, ao hoặc sống trong các khu ổ chuột và trại tị nạn có nguy cơ đặc biệt cao.

Nguyên nhân là do vi khuẩn Vibrio cholerae gây bệnh tả được thải ra theo phân của vật chủ bị nhiễm bệnh, vi khuẩn này sẽ lây lan nhanh chóng nếu xâm nhập vào nguồn cung cấp thức ăn hoặc nước uống.

Nhà dịch tễ học Yap Boum, người đứng đầu Viện Pasteur Bangui, một tổ chức nghiên cứu phi lợi nhuận ở Cộng hòa Trung Phi, giải thích: “Hãy tưởng tượng một hộ gia đình có nhà vệ sinh khá gần nơi mọi người lấy nước, do đó có sự lây truyền ô nhiễm giữa nhà vệ sinh và nước mà mọi người uống. Và ở những nơi như trại tị nạn, nơi tập trung đông người, nguồn nước đang được sử dụng bị ô nhiễm nặng”.

Điều gì thúc đẩy dịch lan rộng?

Nhà dịch tễ học Yap Boum cho biết có rất nhiều lý do dẫn đến sự bùng phát dịch tả đồng thời ở rất nhiều quốc gia phía nam châu Phi.

 Điều kiện vệ sinh kém là một trong những nguyên nhân lớn nhất thúc đẩy dịch tả bùng phát ở châu Phi. Ảnh: WHO

Điều kiện vệ sinh kém là một trong những nguyên nhân lớn nhất thúc đẩy dịch tả bùng phát ở châu Phi. Ảnh: WHO

Ông nói: “Dịch tả là dấu hiệu của sự bất bình đẳng, chủ yếu ảnh hưởng đến các quốc gia có xung đột, mất an ninh và nghèo đói”. Những yếu tố đó đều hiện diện ở mỗi quốc gia châu Phi hiện đang phải chiến đấu với dịch tả bùng phát.Một yếu tố khác là biến đổi khí hậu.

Chuyên gia quản lý nước Anja du Plessis, phó giáo sư tại Đại học Nam Phi, cho biết: “Lũ lụt ngày càng thường xuyên và nghiêm trọng hơn liên quan đến biến đổi khí hậu cũng có tác động đến sự bùng phát dịch tả. Dịch tả xảy ra nhiều hơn vào mùa mưa, và hiện khu vực phía nam châu Phi đang trong mùa mưa.

Lũ lụt dẫn đến nhiều dòng chảy chứa nhiều mầm bệnh hơn, làm tăng nguy cơ ô nhiễm”. Tệ hơn nữa, kho dự trữ vắc xin dịch tả duy nhất hiện có đang trống rỗng khi nhu cầu tăng cao.

Hiện chỉ có một nhà sản xuất có trụ sở tại Hàn Quốc sản xuất vắc xin phòng bệnh tả bằng đường uống. Theo Tổ chức Bác sĩ Không Biên giới (MSF), họ đang sản xuất 700.000 liều thuốc mỗi tuần, nhưng nhu cầu lớn gấp 4 lần so với khả năng cung cấp.

Nguyễn Khánh (theo DW)

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/dich-ta-dang-hoanh-hanh-o-mien-nam-chau-phi-khien-hon-1000-nguoi-thiet-mang-post292338.html