Địa vị pháp lý nào cho Liên đoàn Hợp tác xã lúa gạo?

Liên minh Hợp tác xã Việt Nam đang xây dựng Đề án thí điểm thành lập và hoạt động của Liên đoàn Hợp tác xã lúa gạo vùng đồng bằng sông Cửu Long. Ủng hộ thành lập liên đoàn, song các chuyên gia và đại diện cơ quan quản lý cho rằng, cần xác định rõ địa vị pháp lý của tổ chức này so với Liên minh Hợp tác xã, hiệp hội ngành hàng.

Lập Liên đoàn Hợp tác xã là phù hợp với xu hướng thế giới

Theo Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, ước tính sản lượng lúa trung bình một năm của cả nước đạt 43 - 45 triệu tấn, tương đương 26 - 28 triệu tấn gạo, trong đó khoảng 20 triệu tấn được tiêu thụ trong nước.

Đồng bằng sông Cửu Long được xác định là vùng trọng điểm sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là sản xuất lúa gạo, với sản lượng lúa luôn ổn định ở mức 24 - 25 triệu tấn/năm, chiếm trên 50% sản lượng lúa và 90% lượng gạo xuất khẩu của cả nước. Đáng chú ý, giống lúa trong vùng không ngừng cải thiện về chất lượng và thích ứng với biến đổi khí hậu. Tính chung 20 năm (2000 - 2022), năng suất lúa bình quân toàn vùng tăng thêm 17,8 tạ/ha, làm tăng thêm hơn 7 triệu tấn lúa, chiếm gần 70% tổng sản lượng lúa tăng thêm của cả nước. Hiện, toàn vùng có diện tích sản xuất lúa theo cánh đồng lớn là 427,8 nghìn héc ta, chiếm 73,9% tổng diện tích sản xuất cánh đồng lớn của cả nước…

Tuy vậy, tính liên kết trong các chuỗi giá trị sản xuất lúa gạo còn yếu. Diện tích sản xuất áp dụng các biện pháp canh tác bền vững như 1P5G, 3G3T, canh tác bền vững (SRP) vẫn còn ở mức thấp. Hiện cũng chưa có cơ quan nào chịu trách nhiệm giám sát việc thực hiện các biện pháp canh tác của nông dân nếu diện tích không nằm trong vùng dự án. Ước tính thất thoát lúa trong khâu thu hoạch và sau thu hoạch của vùng đồng bằng sông Cửu Long vào khoảng 3 triệu tấn lúa một năm, tương đương với 760 triệu USD…

Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam Cao Xuân Thu Vân phát biểu tại hội thảo tham vấn chiều 18.12

Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam Cao Xuân Thu Vân phát biểu tại hội thảo tham vấn chiều 18.12

Trong bối cảnh đó, việc thành lập Liên đoàn Hợp tác xã lúa gạo vùng đồng bằng sông Cửu Long là “rất cần thiết và cấp thiết”, Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam Cao Xuân Thu Vân phát biểu tại hội thảo tham vấn Đề án, diễn ra chiều 18.12.

Về cơ sở pháp lý, bà Cao Xuân Thu Vân phân tích, hiện có 5 văn bản chính thức đề cập và giao nhiệm vụ nghiên cứu, đề xuất về thí điểm thành lập, bộ máy tổ chức hoạt động và phương thức hỗ trợ đối với mô hình Liên đoàn Hợp tác xã lúa gạo vùng đồng bằng sông Cửu Long. Trong đó, Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 16.6.2022 nêu: nghiên cứu, thí điểm một số liên đoàn hợp tác xã hoạt động chuyên môn hóa cao trong một số ngành, lĩnh vực. Tại Nghị quyết số 09/NQ-CP ngày 2.2.2023 về ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW có giao nhiệm vụ cho Liên minh Hợp tác xã Việt Nam xây dựng và phê duyệt Đề án “Thí điểm về thành lập và hoạt động của Liên đoàn Hợp tác xã lúa gạo vùng đồng bằng sông Cửu Long”…

Bên cạnh đó, việc thí điểm mô hình này còn phù hợp với xu hướng chung của thế giới. Tổng giám đốc Liên minh Hợp tác xã Quốc tế khu vực châu Á - Thái Bình Dương (ICA-AP) Balu Iyer cho biết, mô hình Liên đoàn hợp tác xã khá phổ biến trên thế giới. Riêng tại châu Á - Thái Bình Dương, gần 50% thành viên của ICA là các liên đoàn hợp tác xã. Chẳng hạn, tại Nhật Bản, có mô hình Liên đoàn Hợp tác xã nông nghiệp (Zen-Noh) với gần 500 hợp tác xã thành viên, doanh thu 4,59 nghìn tỷ yen. Đó không chỉ là nơi phát triển sản xuất nông nghiệp, hướng dẫn người nông dân, mà còn làm marketing, giới thiệu sản phẩm, phát triển thị trường cho các hợp tác xã.

Hay tại Ấn Độ, có GCMMF - liên đoàn tập trung cho sản xuất sữa, kết nối nông dân với các cơ sở chế biến sữa, đưa sản phẩm đến tay người tiêu dùng. Liên đoàn được thành lập từ năm 1973, hiện có 3,64 triệu thành viên, mỗi ngày có thể thu mua 25,9 triệu lít sữa, doanh thu năm 2021 - 2022 là hơn 7 tỷ USD…

Liên đoàn có gì khác Liên minh?

Theo Trưởng phòng Kinh tế hợp tác, Cục Kinh tế hợp tác và phát triển nông thôn, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Tiến Định, việc lập Liên đoàn Hợp tác xã lúa gạo vùng đồng bằng sông Cửu Long là để cụ thể hóa các nghị quyết của Trung ương, Chính phủ và đó là việc “cần phải làm”. Song, phải làm rõ Liên đoàn khác biệt gì với Liên minh Hợp tác xã, Hiệp hội ngành hàng lúa gạo vừa mới thành lập? Cùng với đó, cần làm rõ ở các nước có Liên đoàn Hợp tác xã thì có duy trì Liên minh (liên hiệp) hợp tác xã không, để thấy được sự nổi trội của mô hình này.

Cũng theo ông Định, Luật Hợp tác xã 2023 không có đối tượng Liên đoàn hợp tác xã, vậy cơ quan nào sẽ cấp đăng ký kinh doanh, tạo tính pháp lý cho liên đoàn? Nếu không làm rõ, Liên đoàn sẽ không thể trở thành tổ chức kinh tế, có địa vị pháp lý. Đề án cũng cần chỉ rõ hoạt động kinh tế của liên đoàn là gì, nếu chỉ thiên về tổ chức đại diện của Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, như tư vấn, tuyên truyền… là chưa đủ.

Ý kiến này được nhiều đại biểu dự hội thảo đồng tình. Nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thành lập Liên đoàn Hợp tác xã lúa gạo vùng đồng bằng sông Cửu Long đối với sự phát triển bền vững của Việt Nam, Giám đốc Dự án DGRV Nguyễn Thị Tuyết Minh đề xuất, hoạt động của Liên đoàn cần phải phân biệt rõ ràng giữa mảng kinh doanh và các hoạt động mang tính phi lợi nhuận, hướng đến phục vụ thành viên.

Tổng Giám đốc Liên minh Hợp tác xã Quốc tế khu vực châu Á - Thái Bình Dương (ICA-AP) Balu Iyer khuyến nghị, muốn thành lập Liên đoàn phải có sự thống nhất từ cấp Trung ương; có các khuôn khổ pháp lý thúc đẩy cho các hợp tác xã trong liên đoàn hoạt động cùng các hỗ trợ về tài chính, tiếp cận thị trường, hạ tầng kho bãi, chế biến… Quan trọng nhất là phải có nguồn nhân lực, phải có những người giỏi, tâm huyết để vận hành Liên đoàn.

Ngoài ra, các đại biểu cũng đề nghị làm rõ việc huy động nguồn lực cho Liên đoàn để tạo sức thuyết phục. Theo Đề án, tổng kinh phí dự kiến để hỗ trợ thí điểm mô hình là 400 tỷ đồng, bao gồm 200 tỷ đồng từ ngân sách Trung ương và 200 tỷ đồng từ ngân sách địa phương…

Minh Châu

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/kinh-te-xa-hoi/dia-vi-phap-ly-nao-cho-lien-doan-hop-tac-xa-lua-gao--i354604/