Đi vào vùng chưa từng khám phá

Những 'chuyến đi' vào vùng chưa từng khám phá phải được xuất phát từ môi trường giáo dục - đào tạo. Đó là cuộc chuyển động từ trong nhận thức để tạo ra dòng dịch chuyển bằng hành động, bởi thách thức đã ở thật gần, chỉ nguồn nhân lực có tư duy đột phá, sáng tạo, làm việc có tính đổi mới, khởi xướng... mới đủ lực phát triển.

Thách thức sáng tạo

Sản phẩm lao động sáng tạo có giá trị cao, song với nhiều sản phẩm “tuổi thọ” lại thật ngắn ngủi. Vì vậy, trong xã hội đã xuất hiện thêm nghề mới: bán ý tưởng sáng tạo. Thực tế những năm gần đây đã có nhiều ngành nghề ra đời vượt ngoài hình dung của nhiều người như: sự đột phá của Uber trong dịch vụ vận tải đường bộ, hay cách mà Amazon đã thay đổi lĩnh vực bán lẻ… Bài toán đặt ra là bộ máy cái - ngành giáo dục - đào tạo làm gì để tạo ra những con người có khả năng tồn tại trong xu thế này?

GS Hồ Phạm Minh Nhật, Đại học Texas - Austin (Mỹ) nhận định: Người lao động đang phải hiểu và sử dụng các công nghệ mới, bao gồm trí tuệ nhân tạo (AI), tự động hóa và blockchain. Khả năng làm việc với các hệ thống thông tin và công nghệ tưởng như “cao cấp” nay đã trở thành một yêu cầu cơ bản. Sự phát triển này đặt ra yêu cầu cao hơn về kỹ năng mềm (khả năng giao tiếp, làm việc nhóm hiệu quả, khả năng sáng tạo và đưa ra giải pháp mới mẻ, độc đáo mà không bị ràng buộc bởi các giới hạn). Chính những kỹ năng này sẽ giúp người lao động không bị “thay thế” bằng AI và tạo ra những giá trị riêng biệt cho công việc của mình.

Sinh viên Trường Đại học Quốc tế Sài Gòn học và nghiên cứu với robot SIUBOT tại Trung tâm Dữ liệu và trí tuệ nhân tạo SIU AI Lab

Đổi mới từ bên trong

Ngày càng có nhiều ý tưởng ngỡ như viển vông nhưng đã trở thành hiện thực. Điều này chính là cơ hội cho những con người đam mê sáng tạo nhưng lại là mối đe dọa với những người chỉ co cụm trong vùng an toàn. Chúng ta vẫn luôn nghĩ rằng các thế hệ robot ngày càng thông minh, tinh tế và đa năng đã là phát minh rất ưu việt. Nhưng không dừng lại ở đó, robot cần phải nhạy cảm và có cảm xúc. Gần đây các nhà sáng chế đã nghiên cứu tạo loại da điện tử bắt chước da của con người, giúp robot có “cảm giác chạm” và tương tác với môi trường xung quanh một cách phức tạp và tinh tế như con người.

Các nhà nghiên cứu thuộc Đại học Quốc gia Singapore (NUS) và Viện Công nghệ và Đổi mới Sức khỏe (iHealthtech) vừa chế tạo một loại bọt thông minh làm da cho robot, giúp robot có thể tự chữa lành vết thương và có được sự nhạy cảm xúc giác. Xa hơn là những người cụt tay/chân sẽ lấy lại các chức năng của xúc giác. Đó là sự kết hợp của những nghiên cứu liên ngành giữa AI và công nghệ vật liệu.

Trong lĩnh vực đào tạo, điều này hiển thị rõ rệt. Nhiều trường đại học trên thế giới đã mở ra nhiều ngành học mang tính liên ngành như: AI, Robot và công nghệ vật liệu; hay Toán, Sinh với Công nghệ thông tin… Đó là sự chuẩn bị để đáp ứng yêu cầu của những công việc mới đang và sẽ ra đời.

Theo GS Hồ Phạm Minh Nhật, trường học cần tăng cường giáo dục đối với các ngành Khoa học, Công nghệ, Kỹ thuật, Toán học (STEM) vì STEM là cơ sở quan trọng cho việc hiểu và sử dụng các công nghệ liên quan, giúp người học hiểu rõ hơn về các ứng dụng và tiềm năng của trí tuệ nhân tạo, áp dụng kiến thức vào thực tế, thúc đẩy sự sáng tạo và khả năng giải quyết vấn đề trong cuộc sống.

Tại Việt Nam, xu hướng tạo ra những lĩnh vực mới đang nhen nhóm thành hình. Năm 2024, Đại học Kinh tế TPHCM bắt đầu mở ngành học tích hợp công nghệ ứng dụng ArtTech (công nghệ nghệ thuật). TS Yi Dong Su, Phó trưởng Khoa thiết kế - truyền thông Đại học Kinh tế TPHCM, cho biết, đây là sự kết hợp giữa tri thức của nghệ sĩ và kỹ sư để tạo ra những tác phẩm sáng tạo. Art và Technology mở rộng các giới hạn của nghệ thuật, tạo ra các sáng tạo đột phá, đóng vai trò như điểm giao cắt quan trọng giữa sức sáng tạo nghệ thuật và tiến bộ công nghệ.

Theo PGS-TS Bùi Quang Hùng, Phó Giám đốc Đại học Kinh tế TPHCM, với cách tiếp cận đa ngành, liên ngành và xuyên ngành, kiến thức của những ngành này được thiết kế giao thoa trong mối tương tác lĩnh vực đó với nhiều lĩnh vực khác nhau. Người học có năng lực thích ứng nhanh chóng nghề nghiệp ở đa dạng lĩnh vực thay vì giới hạn trong một ngành nghề nhất định.

Đại học Quốc gia Hà Nội, Trường Đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia TPHCM), Trường Đại học Công nghệ TPHCM… đang dần tích hợp nhiều ngành học, mở ra những ngành học mới “chưa từng có” với triết lý giáo dục STEM và khai phóng nhằm tạo ra thế hệ nhân sự có thể đi vào những vùng chưa khám phá.

Nói xa, nói gần, khi thế giới thay đổi từng phút từng giây, chỉ bằng cách duy nhất là trở thành người sáng tạo, có tư duy phát triển, mới có thể tồn tại vào những thời điểm không chắc chắn, theo kịp tốc độ của thời đại.

Tiến sĩ Lê Văn Út, Trưởng nhóm nghiên cứu Đo lường khoa học và chính sách quản trị nghiên cứu, Trường Đại học Văn Lang, xác định: Thay vì lo sợ bị AI hay kỷ nguyên đột phá "đánh bại", chúng ta nên chủ động nắm bắt và làm chủ xu hướng. Cần đẩy mạnh nghiên cứu và đào tạo ra thế hệ nhân sự đủ kỹ năng thích ứng và làm chủ. Việc dạy tri thức công nghệ để làm chủ công nghệ là đúng nhưng chưa đủ. Ngược lại, muốn làm chủ công nghệ phải nắm vững những nguyên lý then chốt, nắm chắc lý luận và giáo dục kỹ năng giải quyết vấn đề trong xu thế tích hợp.

MINH NGUYỆT

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/di-vao-vung-chua-tung-kham-pha-post737383.html