'Dị nhân' Việt trên đường trail mê hoặc

Nhiều vận động viên chạy bộ địa hình (trail) từng chinh chiến ở các đường chạy nổi tiếng bậc nhất thế giới đều cho rằng với lợi thế về khí hậu, cảnh quan và địa hình, Lâm Đồng là nơi có đường trail lý tưởng nhất Việt Nam.

Kỳ vọng đường trail quốc tế ở Lâm Đồng

Với khung cảnh hoang sơ, kỳ vĩ, tháng 3 vừa qua, mặc dù là đường trail mới mẻ nhưng Tà Năng Trail Challenge 2024 đã thu hút cả ngàn vận động viên (VĐV) tham gia với 4 cự ly chính 10km, 25km, 55km và 85km. Anh Đỗ Trọng Nhơn (29 tuổi, quê Bình Định, VĐV chạy phong trào) đã lên ngôi quán quân cự ly 55km của giải này.

VĐV Đỗ Trọng Nhơn thi đấu ở Tà Năng Trail Challenge 2024

Trước đó, anh là cái tên hot trong lĩnh vực chạy bộ địa hình. Ngày 23/6/2019, Trọng Nhơn đã đưa tên tuổi Việt Nam lên bản đồ làng trail châu Á khi xuất sắc đánh bại hàng loạt tên tuổi mạnh đến từ nhiều quốc gia để đăng quang ở hạng mục 50km nam tại giải trail Penang Eco 100 ở Malaysia. Đây là giải thuộc hệ thống Asia Trail Master, được đánh giá là “khó nhằn” bởi diễn ra vào thời điểm nóng nhất mùa hè, cộng với độ ẩm rất cao tại núi Sungai Lembu ở Bukit Mertajam. Từ đó đến nay, anh còn nhiều lần được vinh danh ở các giải trail trong và ngoài nước.

Tháng tư này, anh lại đến Tà Năng tập luyện, ủ mưu cho giải trail khác. Trả lời câu hỏi “Sao lại là Tà Năng?” anh bảo: Đây là nơi có điều kiện tập luyện tốt nhất vì đường trail rất khó với đồi núi điệp trùng, nhiều lúc nhiệt độ lên tới 37-380C, nóng “bỏng da”. Núi là nơi rèn sức bền để VĐV quen với địa hình thi đấu khắc nghiệt như ở các giải chạy trail khó của thế giới; giúp trắc nghiệm một số kỹ năng nếu chẳng may bị lạc giữa rừng nhiệt đới.

Trọng Nhơn kể về kỷ niệm ám ảnh ở giải Penang Eco 100: Sau khi leo lên ngọn núi cao nhất, tôi mất dấu các chỉ dẫn. Nguyên nhân, Ban tổ chức làm bảng chỉ dẫn bằng giấy, khi gặp mưa, chúng bị lẫn vào đám lá cây, rất khó nhận ra. Tôi mất phương hướng và dần đi sâu vào rừng rậm nhiệt đới; không nhận ra mình lạc đường cho đến khi trước mặt không còn lối đi. Tôi lao vào giữa những bụi cây cố tìm đường ra nhưng vô vọng và bị xước rất nhiều. Tôi thổi còi và cất tiếng kêu lớn giữa rừng nhưng không có hồi âm.

Lạc lối giữa rừng, đồng hồ hết pin, điện thoại không chuyển vùng nên không thể gọi cho ai; chẳng có gì ngoài 300ml nước. Càng hãi hùng hơn khi nhớ lại câu chuyện đã được nghe cách đây 3 tháng, rằng đã có 1 VĐV bị lạc và mất tích tại khu vực này. Sau 45 phút trôi qua trong vô vọng, tôi may mắn gặp một người dân địa phương đang lội rừng. Theo chỉ dẫn của anh, tôi băng qua 2 quả núi với nhiều bụi rậm để về đích. Điều bất ngờ là, mặc dù bị lạc khá lâu trong rừng, tôi vẫn là người cán đích đầu tiên với thời gian 8h7’.

Nhận xét về trail ở nước ta, tháng 3/2023, ông Nguyễn Quốc Dũng, Phó Giám đốc Bến Thành Media & Event cho rằng: Trail ở Việt Nam hiện chưa đáp ứng đầy đủ về độ khó theo tiêu chuẩn của thế giới, chỉ khó hơn chạy road (chạy bộ đường bằng) một chút. Do đó cần định hướng khai thác những đường chạy mới có tiềm năng như Tà Năng. Thời gian tới nên khai thác có lộ trình để tăng chiều dài đường chạy, tăng dần độ khó, có những đoạn đầy thử thách để giải chạy địa hình thách thức và khắc nghiệt nhất ở Việt Nam đáp ứng tiêu chuẩn của thế giới.

Mê hoặc Tà Năng

Ông Nguyễn Tử Anh (Giám đốc Cty CP Truyền thông Nexus), người sáng lập giải chạy Tà Năng Trail Challenge cho hay, giải có tiềm năng để mở rộng cự ly thi đấu từng năm, từ 45km, 55km đến 85km, 100km và thậm chí 160km. Tà Năng sẽ là đường trail dài, siêu dài và siêu đẹp; thực hiện được các môn hỗn hợp chứ không chỉ chạy. Các điểm check point không chỉ là điểm tiếp tế mà sẽ là những điểm check in của các VĐV, tạo nên những trải nghiệm khác sau đường chạy của các runner.

Giải chạy địa hình này có cung đường leo núi hiểm trở và đẹp bậc nhất Việt Nam, băng qua hai vùng địa hình tương phản: Nơi này đường mòn xuyên qua những cánh rừng già xanh ngắt với những gốc cây cổ thụ hàng trăm năm tuổi; uốn lượn theo núi non hùng vĩ ở độ cao từ 500m - 1.100m. Chỗ kia là những đồng cỏ mênh mông xanh mướt vào mùa mưa và đỏ quạch vào mùa khô (còn gọi là mùa cỏ cháy) cùng những ghềnh thác, dòng suối hoang sơ có sức hút khó cưỡng. Tham gia giải Tà Năng Trail Challenge 2024, VĐV Nguyễn Hoàng Điệp (huyện Di Linh, Lâm Đồng), “dị nhân” thường chạy với đôi chân trần chia sẻ: “Chạy đường dài xuyên qua 2 vùng địa hình bình nguyên và đồi núi khá tốn sức nhưng lại có rất nhiều trải nghiệm với thiên nhiên tuyệt đẹp, hiếm nơi nào có được”.

Nói đến chuyện chạy trail phong trào, không thể không nhắc đến VĐV Chi Nguyễn (Nguyễn Linh Chi), từng được Forbes Việt Nam vinh danh trong danh sách 20 người phụ nữ truyền cảm hứng năm 2021. Chị sinh ra và lớn lên tại Đà Lạt, được ví như VĐV “hổ báo” trên đường đua vì mong muốn chinh phục 100 đường chạy quốc tế, từng chạy qua hơn 50 thành phố. Chị là nữ VĐV Việt Nam đầu tiên tham gia và hoàn thành Boston Marathon 2019 tại Mỹ khi đạt tiêu chuẩn khắt khe của giải này, 1 trong 6 giải danh giá mà VĐV marathon nào cũng khao khát được tham dự. Chị cũng là VĐV Việt Nam đầu tiên hoàn thành cự ly 100km của giải chạy bộ địa hình nổi tiếng Ultra Trail du Mont-Blanc (Thụy Sĩ), giải chạy trail khắc nghiệt nhất châu Âu với cung đường đi xuyên qua 3 quốc gia Pháp, Ý, Thụy Sĩ, đặc biệt là vượt đèo Col Ferret thuộc dãy núi Alpes cao 2.537m. Chị từng chạy bộ vượt chặng đường hơn 300km từ TP HCM về Đà Lạt, chuyến độc hành khiến nhiều người kinh ngạc.

Một cuộc khảo sát các runner của Nexus và Bến Thành Media & Event vào năm 2023 cho thấy, 79% người chạy thích giải được tổ chức ở TP.Đà Lạt. Một số địa phương khác của Lâm Đồng như TP Bảo Lộc và các huyện Đức Trọng, Cát Tiên cũng được nhiều runner lựa chọn.

Kim Anh

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/di-nhan-viet-tren-duong-trail-me-hoac-post1631797.tpo