Đề xuất giảm giờ làm việc: Cân nhắc đảm bảo tính khả thi

Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam vừa kiến nghị giảm giờ làm việc bình thường đối với người lao động thấp hơn 48 giờ/tuần. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là liệu có thể giảm giờ làm bình thường để khu vực tư nhân bằng với khu vực công?

Công ty cổ phần Dược phẩm An Thiên - KCN Hiệp Phước (huyện Nhà Bè, TPHCM) là một trong số các doanh nghiệp áp dụng thời gian làm việc 44giờ/tuần. Ảnh: THANH NGA.

Nghị quyết 101 của Quốc hội khóa XIV nêu rõ: Giao Chính phủ căn cứ tình hình phát triển kinh tế - xã hội, nghiên cứu đề xuất giảm thời giờ làm việc bình thường đối với người lao động thấp hơn 48 giờ/tuần, và báo cáo Quốc hội xem xét vào thời điểm thích hợp.

Tại Đại hội Công đoàn lần thứ XIII, các kiến nghị của người lao động cả nước được Công đoàn Việt Nam kiến nghị chuyển tới đại hội cũng đề xuất về việc giảm giờ làm. Qua đó đảm bảo công bằng với khu vực hành chính nhà nước xuống còn 40 giờ/tuần. Mục tiêu để lao động nghỉ ngơi, tái sản xuất sức lực, chăm lo cho gia đình.

Đề xuất giảm giờ làm cũng nhận được sự quan tâm của các ĐBQH. Ông Phạm Trọng Nghĩa - Ủy viên chuyên trách Ủy ban Xã hội của Quốc hội cũng đề nghị Quốc hội xem xét giảm giờ làm việc bình thường cho lao động khu vực tư từ 48 giờ xuống 44 giờ, tiến tới còn 40 giờ mỗi tuần. Đây là xu hướng của nhiều quốc gia.

Theo bà Hồ Thị Kim Ngân - Phó Trưởng ban Quan hệ lao động, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, đề xuất giảm giờ làm đã được công đoàn góp ý khi xây dựng Luật Lao động năm 2019 và được khuyến khích doanh nghiệp giảm giờ làm cho người lao động. Đến thời điểm hiện nay, các DN cũng xây dựng hoạt động kinh doanh phù hợp và điểu chỉnh thời gian giảm giờ làm việc theo từng đơn vị. Thực tế, việc giảm giờ làm cho cán bộ, công chức, viên chức và người lao động góp phần phục hồi sức khỏe, giành thời gian cho gia đình, con cái và tham gia các hoạt động văn hóa văn nghệ. Qua đó, các hoạt động này góp phần đảm bảo an toàn lao động.

Về việc giảm giờ làm việc bình thường xuống dưới 48 giờ/tuần và giờ làm việc của khu vực tư giảm xuống tiệm cận với khu vực công là 40 giờ/tuần, PGS.TS Vũ Quang Thọ - nguyên Viện trưởng Viện Công nhân - Công đoàn cho rằng, việc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam kiến nghị giảm giờ làm việc bình thường đối với người lao động thấp hơn 48 giờ/tuần ở thời điểm này là phù hợp. Đó cũng là nguyện vọng của người lao động nói chung để có thời gian nghỉ ngơi, tái tạo sức lao động. “Đây có lẽ là thời điểm chín muồi để thực hiện” - ông Thọ nói và cho biết thêm, nếu giảm giờ làm việc của khu vực tư xuống quá nhiều sẽ khiến sản lượng không tăng, ảnh hưởng đến GDP của toàn bộ nền kinh tế. Bởi khu vực tư nhân hiện đang có đóng góp rất lớn cho việc tăng trưởng, phát triển của đất nước. Do đó để giảm giờ làm việc bình thường của khu vực tư xuống còn 40 giờ/tuần như khu vực công ngay tức khắc thì khó. Cho nên trước mắt có thể giảm giờ làm việc bình thường của khu vực tư xuống còn 44 giờ/tuần và dần tiệm cận xuống 40 giờ/tuần như khu vực công.

PGS.TS Bùi Thị An - Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Hà Nội bày tỏ, phải lấy người lao động là trung tâm để ban hành chính sách và luôn luôn phải bảo vệ quyền lợi chính đáng của người lao động cũng như đảm bảo chất lượng cuộc sống được nâng lên. Muốn vậy, người lao động phải có thời gian nghỉ ngơi để chăm sóc gia đình, vui chơi giải trí, chứ không phải làm việc quá nhiều giờ trong một tuần.

“Nhưng cái chính là thu nhập phải đảm bảo cho người lao động đủ sống. Nếu không dù có giảm xuống 40 giờ/tuần thì họ cũng phải đi làm thêm thành 48 giờ để cải thiện thu nhập” - bà An nói và cho rằng không nên có sự quá chênh lệch giờ làm việc bình thường giữa khu vực công và khu vực tư. Hướng phấn đấu lâu dài là cần giảm xuống 40 giờ/tuần để đảm bảo công - tư như nhau. Và cần có lộ trình để giảm dần, cho nên trước mắt khoảng 42 - 44giờ/tuần.

Liên quan đến kiến nghị trên, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cho biết, giảm giờ làm việc bình thường xuống 48 giờ/tuần là một chính sách có tác động lớn đến kinh tế - xã hội. Vì vậy Bộ sẽ nghiên cứu đầy đủ các cơ sở khoa học và thực tiễn để bảo đảm tính khả thi khi đề xuất chính sách này trong quá trình sửa đổi, bổ sung Bộ luật Lao động.

H.Vũ

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/de-xuat-giam-gio-lam-viec-can-nhac-dam-bao-tinh-kha-thi-10278845.html