Đề xuất đóng BHYT cho thân nhân người lao động: Đừng làm khó doanh nghiệp

Mới đây, Bộ Y tế đề xuất 3 phương án mở rộng người tham gia BHYT, trong đó có phương án đưa thân nhân người lao động vào diện đóng bắt buộc và doanh nghiệp (DN) sẽ phải cùng với Nhà nước và NLĐ đóng tiền BHYT cho thân nhân NLĐ.

Đề xuất này đang nhận được khá nhiều ý kiến trái chiều và băn khoăn về tính khả thi.

Nhà nước, doanh nghiệp và NLĐ đóng BHYT cho thân nhân NLĐ

Báo cáo Đánh giá tác động dự thảo luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT sắp trình Chính phủ, Bộ Y tế đề xuất mở rộng diện bao phủ trong bối cảnh mới đạt 93% dân số tham gia BHYT, trong khi Việt Nam đặt mục tiêu tới năm 2025 tăng lên ít nhất 95%.

Nhằm tăng tỷ lệ bao phủ và hướng tới BHYT toàn dân, Bộ Y tế đề xuất 3 phương án mở rộng diện đóng. Trong đó, đáng chú ý ở phương án 2, Bộ Y tế đề xuất đưa thân nhân NLĐ vào diện đóng bắt buộc.

Nhóm này sẽ được Nhà nước hỗ trợ 30% mức đóng, 70% còn lại do NLĐ đóng 1/3 và chủ doanh nghiệp chịu 2/3.

Bộ Y tế đề xuất 3 phương án mở rộng người tham gia BHYT.

Ví dụ, theo quy định hiện hành, tiền đóng BHYT bằng 4,5% lương cơ sở thì người tham gia đóng tổng cộng 972.000 đồng. Với mỗi thân nhân, Nhà nước hỗ trợ 30% tiền đóng, tức 291.600 đồng, còn lại 680.400 do NLĐ và chủ doanh nghiệp đóng.

Giả sử, NLĐ có 4 người phụ thuộc gồm bố mẹ và 2 con trên 6 tuổi, luật hiện hành quy định NLĐ đóng 1/3 thì mỗi năm họ sẽ chi thêm 907.200 đồng; doanh nghiệp đóng 2/3 còn lại, tức 1.814.400 đồng.

Nhà nước đồng thời có cơ chế khuyến khích người dân đóng BHYT một lần cho 3 năm để duy trì việc tham gia lâu dài vào quỹ.

Bộ Y tế đánh giá phương án này mở rộng diện bao phủ, cải thiện sức khỏe người dân, góp phần tăng nguồn cung nhân lực cho thị trường lao động.

Quỹ BHYT cũng có thêm nguồn thu, tính riêng quy định đưa thân nhân lao động vào diện đóng bắt buộc giúp tăng 1.159-3.819 tỷ đồng. Nhà nước giảm gánh nặng chi phí để giải quyết các vấn đề xã hội sau này.

Song phương án trên tác động lớn đến chi phí xã hội. Theo tính toán sơ bộ, mỗi năm ngân sách nhà nước chi thêm 348-1.146 tỷ đồng nếu hỗ trợ 30% mức đóng cho thân nhân NLĐ.

Doanh nghiệp mỗi năm tăng chi 541-1.782 tỷ đồng, bù lại bớt gánh nặng giải quyết phát sinh của lao động như nghỉ phép chăm người nhà ốm. Khi người thân được BHYT chăm lo, lao động sẽ an tâm sản xuất và cống hiến cho DN. Thực tế, nhiều công ty khi tuyển dụng cũng nêu tiêu chí là đóng BHYT để thu hút ứng viên.

Nếu tạo cơ chế để người dân đóng BHYT một lần cho 3 năm cũng tác động đến DN trong trường hợp giới chủ phải trích đóng theo quy định. Trường hợp đó, DN sẽ phải đóng trước phần chi phí theo định kỳ mà lẽ ra để dành đầu tư sản xuất.

Song Bộ Y tế cho rằng, luật sửa đổi có thể thêm quy định hỗ trợ miễn thuế một phần cho khoản chi phí này.

Mỗi năm, NLĐ cũng trích thêm một khoản đóng BHYT cho người thân, song cơ quan soạn thảo đánh giá đây là khoản cần thiết. Bộ tính toán tổng chi phí sơ bộ số tiền chi thêm mỗi năm khoảng 270-891 tỷ đồng. Được Quỹ BHYT chi trả, người dân giảm gánh nặng tài chính khi khám chữa bệnh, từ 43% xuống 23% vào năm 2025.

Bộ Y tế cũng nêu rõ, phương án này cần tính toán đến khả năng thu nhập của NLĐ, phân loại thân nhân theo nhóm thu nhập để hỗ trợ mức đóng phù hợp và hiệu quả chứ không cào bằng.

Dự thảo luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT dự kiến trình Quốc hội tại kỳ họp tháng 5/2024 và có hiệu lực từ ngày 1/1/2025.

Bắt buộc hay khuyến khích?

Với đề xuất bổ sung thân nhân lao động vào diện đóng BHYT bắt buộc và DN phải có trách nhiệm cùng với Nhà nước và NLĐ đóng góp, ông Vũ Anh Đức, Giám đốc Công ty cổ phần tư vấn xây dựng 868 cho rằng, đề xuất của Bộ Y tế không phù hợp trong giai đoạn hiện nay, đặc biệt trong bối cảnh do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 khiến nhiều DN gặp khó khăn hơn.

“Tôi cho rằng đề xuất này không khả thi và làm khó DN, bởi thực tế trong giai đoạn kinh tế khó khăn, nhiều DN còn nợ đọng tiền đóng BHXH của NLĐ, giờ thêm tiền đóng BHYT cho thân nhân của lao động thực sự không làm được.

Nếu đề xuất này được thông qua, tôi cho rằng không ít DN sẽ phải tìm cách lách luật, hoặc họ sẽ giảm số lao động… thì mới có thể thực hiện được.

Theo tôi, nhìn ở góc độ những người làm luật thì đề xuất này rất nhân văn, đặc biệt nhằm đạt mục tiêu năm 2025 bao phủ BHYT trên 95% dân số, nhưng đối với các DN hiện nay, chỉ cần đóng thêm ít tiền để mua BHYT cho thân nhân của NLĐ cũng rất khó khăn, vì nó sẽ tính trực tiếp vào chi phí của DN và tình trạng tái diễn nợ đọng BHXH, BHYT cũng dễ hiểu”, ông Đức nêu quan điểm.

Đại diện cho giới chủ, ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, năm 2024, tình hình DN vẫn chưa thể có những “cửa sáng” bởi những khó khăn của năm vừa qua vẫn còn.

Rồi những biến động, xung đột chính trị cũng như sự điều tiết của thị trường thế giới đang diễn ra buộc DN vẫn phải nỗ lực tìm kiếm thị trường mới và bảo vệ, khôi phục những thị trường đã cũ.

Mặc dù sau năm nay, tình hình có thể khả dĩ hơn, chúng ta đã thấy những tín hiệu khả quan nhưng chưa bền vững.

“Trong bối cảnh DN đang khó khăn như hiện nay, đề xuất này khá khiên cưỡng. Chúng ta chỉ nên khuyến khích những DN có điều kiện để đóng BHYT cho những đối tượng khác ngoài NLĐ trong DN của họ.

Thực tế, DN vẫn làm, họ đã có rất nhiều hình thức hỗ trợ NLĐ và thân nhân NLĐ như tặng sổ tiết kiệm, sổ BHYT… nhưng nếu đưa vào luật như ý kiến của Bộ Y tế thì tôi cho rằng không ổn.

Cộng đồng DN đang rất vất vả, khó khăn, phải “cân đong đo đếm” từng chút một để trụ lại thị trường, tất cả những thứ đó đều sẽ được tính vào chi phí của DN và người ta cũng phải tính đúng, tính đủ vào sản phẩm.

Còn nếu tình hình sáng sủa hơn, làm ăn phát triển tốt thì tôi nghĩ DN cũng không ngại có những đóng góp nhiều hơn nữa để hỗ trợ NLĐ”, ông Phòng nói.

Đồng quan điểm, TS Bùi Sỹ Lợi, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội cho rằng, trong bối cảnh khó khăn như hiện nay, chỉ nên bắt buộc DN có trách nhiệm đóng BHYT cho NLĐ.

Còn đối với thân nhân NLĐ, ông Lợi cho rằng, Nhà nước nên có chính sách hỗ trợ NLĐ đóng BHYT cho thân nhân của họ. Chẳng hạn, Nhà nước hỗ trợ tiền hoặc giảm số tiền phải đóng.

“Với DN thì chỉ nên khuyến khích họ hỗ trợ đóng BHYT cho thân nhân NLĐ khi DN ăn nên làm ra, chứ không thể bắt người ta phải hỗ trợ được. Còn nếu coi đây là cơ chế đặc thù, khuyến khích DN hỗ trợ thì phải cho phép hạch toán chi phí đó vào giá thành sản phẩm”, TS Bùi Sỹ Lợi nêu quan điểm.

Thái An - Đăng Khoa

LĐXH

Nguồn Dân Sinh: https://dansinh.dantri.com.vn/bao-hiem-xa-hoi/de-xuat-dong-bhyt-cho-than-nhan-nguoi-lao-dong-dung-lam-kho-doanh-nghiep-20240311211813017.htm