Đề xuất áp dụng biện pháp cảnh vệ với Thường trực Ban Bí thư và 2 chức danh khác

Chính phủ đề xuất bổ sung đối tượng cảnh vệ là Thường trực Ban Bí thư, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao và Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao.

Bộ trưởng Công an quyết định áp dụng biện pháp cảnh vệ khi cấp thiết

Chiều nay (20/5), trước Quốc hội, thay mặt Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm trình bày Tờ trình tóm tắt dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ.

Ông Lâm cho biết, Luật Cảnh vệ được Quốc hội khóa XIV thông qua ngày 20/6/2017, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2018. Qua 5 năm triển khai thực hiện, bên cạnh những kết quả tích cực đạt được, quá trình triển khai thi hành Luật Cảnh vệ đã xuất hiện một số vướng mắc, bất cập cần phải được sửa đổi, bổ sung, tập trung ở các nhóm vấn đề: Đối tượng cảnh vệ; Biện pháp, chế độ cảnh vệ; Nhiệm vụ, quyền hạn của lực lượng cảnh vệ.

Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm trình bày Tờ trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ.

Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm trình bày Tờ trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ.

Vì vậy, dự thảo luật bổ sung đối tượng cảnh vệ là Thường trực Ban Bí thư; Chánh án Tòa án nhân dân tối cao; Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao - những người đã được xác định là lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước theo Kết luận số 35-KL/TW ngày 5/5/2022 của Bộ Chính trị.

Về đối tượng cảnh vệ là các sự kiện đặc biệt quan trọng, Chính phủ đề nghị quy định rõ tiêu chí xác định đối tượng cảnh vệ là các sự kiện đặc biệt quan trọng. Theo đó, dự thảo luật lần này được sửa đổi theo hướng thu hẹp phạm vi đối tượng cảnh vệ là sự kiện đặc biệt quan trọng.

Cụ thể: Sửa đổi, bổ sung Luật Cảnh vệ theo hướng quy định: "Hội nghị, lễ hội do Trung ương Đảng, Chủ tịch nước, Quốc hội, Chính phủ tổ chức có đối tượng cảnh vệ tham dự; Đại hội đại biểu toàn quốc do tổ chức chính trị - xã hội ở Trung ương tổ chức; Hội nghị quốc tế tổ chức tại Việt Nam có đối tượng cảnh vệ tham dự".

Bộ trưởng Tô Lâm cho biết, công tác cảnh vệ luôn tiềm ẩn nhiều yếu tố bất trắc, khó lường; ngoài việc bảo đảm an ninh, an toàn đối tượng cảnh vệ còn phục vụ tích cực cho công tác đối ngoại, hình ảnh của Việt Nam với bạn bè quốc tế.

Do đó tùy tình hình an ninh, trật tự trong từng thời điểm, trường hợp cụ thể giao Bộ trưởng Bộ Công an quyết định áp dụng biện pháp cảnh vệ trong trường hợp cấp thiết để bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, bảo đảm công tác đối ngoại.

"Trong trường hợp cấp thiết để bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, bảo đảm công tác đối ngoại, Bộ trưởng Bộ Công an quyết định áp dụng biện pháp cảnh vệ phù hợp đối với đối tượng không thuộc trường hợp quy định tại Điều 10 Luật Cảnh vệ", tờ trình Chính phủ cho hay.

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh Lê Tấn Tới trình bày báo cáo thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ.

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh Lê Tấn Tới trình bày báo cáo thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ.

Nhất trí với việc thu hẹp đối tượng cảnh vệ

Trình bày báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh (QPAN) Lê Tấn Tới cho biết, Ủy ban QPAN nhất trí với việc bổ sung đối tượng cảnh vệ là Thường trực Ban Bí thư, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao nhằm thể chế kịp thời quy định của Đảng, nhất là Kết luận 35-KL/TW và bảo đảm tính thống nhất, công bằng, minh bạch về chức danh, chức vụ và chế độ, chính sách đối với các đồng chí lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

"Việc bổ sung ba chức danh, chức vụ nêu trên là phù hợp với tính chất, tầm quan trọng của các vị trí này trong hệ thống chính trị", ông Lê Tấn Tới cho biết.

Về sửa đổi quy định hội nghị, lễ hội thuộc đối tượng cảnh vệ, Ủy ban QPAN thấy rằng, dự thảo Luật đã thu hẹp diện đối tượng cảnh vệ là hội nghị, lễ hội theo hướng áp dụng đối với hội nghị, lễ hội do Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Chủ tịch nước, Quốc hội, Chính phủ tổ chức và hội nghị quốc tế tổ chức tại Việt Nam có lãnh đạo chủ chốt của Đảng, Nhà nước tham dự.

Về nội dung này, Ủy ban QPAN nhất trí với việc thu hẹp đối tượng cảnh vệ như dự thảo Luật, vì cho rằng theo quy định hiện hành các hội nghị, lễ hội do Trung ương Đảng, Nhà nước tổ chức có đối tượng bảo vệ rộng và nhiều hội nghị, lễ hội chưa thực sự là "sự kiện đặc biệt quan trọng" như quy định tại khoản 4 Điều 3 Luật Cảnh vệ.

Các hội nghị quốc tế tổ chức tại Việt Nam cũng rộng. Việc thu hẹp diện hội nghị, lễ hội như dự thảo Luật là điều kiện để tập trung thực hiện tốt hơn công tác cảnh vệ có trọng tâm, trọng điểm, bảo đảm hiệu quả, thống nhất với quy định của Hiến pháp, phù hợp điều kiện an ninh, trật tự ở nước ta.

Bên cạnh đó, một số ý kiến đề nghị đối với đối tượng cảnh vệ là "đại hội đại biểu toàn quốc do tổ chức chính trị - xã hội ở Trung ương tổ chức" cũng cần thu hẹp theo hướng chỉ khi có lãnh đạo chủ chốt của Đảng, Nhà nước tham dự.

Phùng Đô

Trang Trần

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/de-xuat-ap-dung-bien-phap-canh-ve-voi-thuong-truc-ban-bi-thu-va-2-chuc-danh-khac-192240520171618107.htm