Để trái phiếu không thành 'trái đắng' trong tương lai

Bức tranh trái phiếu doanh nghiệp những tháng đầu năm 2024 vẫn chưa khởi sắc, dù nhiều chính sách tháo gỡ đã được triển khai. Bối cảnh này đòi hỏi cơ quan quản lý tiếp tục có những giải pháp tháo gỡ về pháp lý, tránh để doanh nghiệp rơi vào tình trạng cạn kiệt dòng tiền, không thể trả nợ.

Áp lực đáo hạn TPDN vẫn hiện hữu với doanh nghiệp bất đông jsanr. Ảnh minh họa.

Thị trường vẫn đẩy rủi ro về tương lai

Thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) riêng lẻ có nhiều diễn biến tích cực trong tháng 3-2024 nhờ triển vọng tín nhiệm cải thiện, giá trị chậm trả gốc và lãi phát sinh mới giảm, tình hình tái cơ cấu nợ và giá trị phát hành mới tăng so với tháng 2-2024.

Cụ thể, có thêm một số trái phiếu chậm trả trước đó đã thực hiện thanh toán cho trái chủ, như Công ty cổ phần Hưng Thịnh Investment thanh toán toàn bộ dư nợ gốc trị giá 2.000 tỉ đồng cho trái chủ, góp phần đưa tỷ lệ thu hồi nợ chậm trả tăng lên mức 13% vào cuối tháng 3-2024. Phát hành mới trong tháng 3-2024 cũng cao hơn khoảng ba lần so với tháng 2-2024, tương ứng mức 8.800 tỉ đồng.

Bên cạnh những nét tích cực, thị trường vẫn còn nhiều khó khăn. Báo cáo mới đây của VIS Ratings cho biết có khoảng 10% lượng trái phiếu đáo hạn trong tháng 4-2024 có rủi ro cao – tương ứng khoảng 3.000 đồng, thấp hơn so với tháng 3-2024. Những trái phiếu này được phát hành bởi các tổ chức phát hành (TCPH) có biên lợi nhuận EBITDA (chỉ số tài chính phản ánh lợi nhuận của một doanh nghiệp trước khi trừ đi các loại chi phí lãi vay, khấu hao và thuế thu nhập doanh nghiệp) ở mức thấp trong 3 năm gần đây – tức dưới 10% và có nguồn tiền mặt để trả nợ đến hạn thấp – tức dưới 0,5 lần.

Với trái phiếu đáo hạn, trái phiếu do Công ty cổ phần dịch vụ giải trí Hưng Thịnh Quy Nhơn phát hành với tổng mệnh giá 500 tỉ đồng đã chậm thanh toán lãi trong năm 2023. Trái phiếu này được đảm bảo bằng tài sản của Hải Giang Merry Land là dự án bất động sản nghỉ dưỡng tại Quy Nhơn được mua lại từ Vinpearl vào năm 2018.

Với các TCPH, Công ty cổ phần đầu tư xây dựng Trung Nam đã nhiều lần chậm trả lãi trái phiếu trong năm 2023.

Bên cạnh lượng trái phiếu sắp đáo hạn với rủi ro cao, nhiều TCPH tiếp tục có hông báo trả chậm gốc và lãi trái phiếu. Chẳng hạn, Công ty cổ phần đầu tư Việt Tâm thông báo chậm thanh toán một năm với lô trái phiếu VTICH2125.

Trước đó, một số doanh nghiệp thông báo chậm thanh toán nghĩa vụ trái phiếu trong tháng 3-2024, gồm: Công ty TNHH một thành viên Mirae Asset (Việt Nam), Tập đoàn Novaland, Công ty cổ phần Neo Floor, Công ty cổ phần đầu tư và phát triển du lịch Phú Quốc; Công ty cổ phần Thương mại đầu tư Dầu khí Nam Sông Hậu; Công ty cổ phần Phong Điện Chơ Long; Công ty TNHH Đầu tư Bất động sản Unity, Công ty cổ phần Dịch vụ thương mại TPHCM…

Trước đó, có 7 doanh nghiệp công bố chậm trả gốc, lãi trái phiếu với tổng trị giá gần 8.500 tỉ đồng trong tháng 1-2024. Với tháng 2-2024, có 7 doanh nghiệp công bố chậm trả gốc, lãi trong tháng với tổng giá trị khoảng 6.213 tỉ đồng, chưa bao gồm các mã trái phiếu được gia hạn thời gian trả lãi, gốc hoặc thời gian mua lại trái phiếu trước hạn.

Thậm chí, một số doanh nghiệp đã thông báo thay đổi điều kiện, điều khoản trái phiếu với nhiều điều khoản bất lợi cho trái chủ. Chẳng hạn, Công ty TNHH một thành viên Mirae Asset (Việt Nam) thay đổi điều kiện, điều khoản theo hướng: tổ chức phát hành có thể ngưng trả lãi hoặc miễn trả lãi (quy định trước đó là chuyển lãi lũy kế sang năm tài chính tiếp theo) nếu kết quả kinh doanh thua lỗ. Ngoài ra, Công ty có quyền gia hạn trái phiếu mà không cần xin ý kiến trái chủ (thay vì phải nhận được sự chấp thuận của trái chủ).

Một số doanh nghiệp khác cũng công bố thay đổi điều kiện, điều khoản trái phiếu theo hướng bất lợi cho trái chủ, như Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển năng lượng Ninh Thuận, Công ty cổ phần Đầu tư Golden Hill, Công ty cổ phần Điện mặt trời Trung Nam, Công ty cổ phần Tân hoàn cầu Bến Tre, Công ty cổ phần Bất động sản Đại Hùng; Công ty cổ phần Signo Land; Công ty cổ phần Đầu tư dầu khí Nam Sông Hậu; Công ty cổ phần Nova Final Solution, Công ty cổ phần BVB… Đa phần các công ty thay đổi theo hướng giảm tiến độ mua lại cam kết, gia hạn trái phiếu thêm 12-24 tháng, giảm lãi suất, miễn phạt lãi chậm trả…

Thông tin thêm tại hội nghị về thị trường vốn nợ Việt Nam 2024, ông Lê Hồng Khang, Giám đốc khối phân tích của FiinRatings, cho biết tỷ lệ TPDN riêng lẻ có vấn đề tiếp tục gia tăng. Đồng thời, có sự phân hóa tương đối rõ nét về chất lượng tín dụng của các tổ chức phát hành gặp khó khăn thanh khoản.

Cụ thể, tâm điểm của thị trường vẫn là trái phiếu Bất động sản với tỷ lệ các trái phiếu có vấn đề được dự báo vẫn sẽ tiếp tục gia tăng trong năm 2024, dù có tín hiệu tích cực từ các thay đổi pháp lý quan trọng liên quan đến luật Đất đai sửa đổi. Ngoài ra, mức độ liên quan của các TCPH gặp khó khăn thanh khoản tương đối lớn, gần 47% là các doanh nghiệp có quan hệ đối tác, cùng tập đoàn hoặc cổ đông.

Để giải quyết khó khăn, phương án được các TCPH sử dụng nhiều nhất trong hoạt động tái cấu trúc là gia hạn/hoãn thời hạn thanh toán. Nhưng tỷ lệ thu hồi với các trái phiếu có vấn đề ở mức thấp, dao động quanh khoảng 5-15%.

Giải tỏa áp lực đáo hạn thế nào?

Trong 3 tháng đầu năm nay, phát hành TPDN riêng lẻ giảm khoảng 50% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi áp lực huy động vốn để trả nợ trái phiếu đến hạn tăng lên. Trừ đi số lượng trái phiếu mua lại trước hạn quí 1-2024 thì lượng trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn lên tới hơn 211.000 tỉ đồng trong ba quí còn lại – theo số liệu của Hiệp hội Thị trường trái phiếu (VMBA). Áp lực đáo hạn trái phiếu đang đè nặng buộc nhiều doanh nghiệp phát hành phải giãn, hoãn nợ, thay đổi điều khoản trả nợ trái phiếu.

Trong bối cảnh trên, ông Nguyễn Nhật Hoàng, Trưởng bộ phận xếp hạng doanh nghiệp của Fiingroups cho biết, việc đưa dòng vốn tiếp cận gần hơn với doanh nghiệp vẫn gặp một số khó khăn.

Thứ nhất, cơ sở nhà đầu tư chưa được đa dạng với đối tượng tham gia chủ yếu là ngân hàng và các công ty chứng khoán.

Thứ hai, niềm tin của nhà đầu tư về chất lượng tín dụng của TCPH phải đối mặt với thách thức do thị trường TPDN riêng lẻ mới phát triển và các sự kiện tín dụng liên quan tới trái phiếu còn tương đối mới với đại đa số nhà đầu tư.

Thứ ba, các thông tin về rủi ro liên quan tới các tổ chức phát hành trái phiếu chưa đầy đủ và rõ ràng, dẫn tới hạn chế trong đưa ra quyết định đầu tư.

Tại một số hội thảo, các chuyên gia cho rằng giải pháp gỡ khó dòng tiền của các doanh nghiệp hiện nay chính là việc nhanh chóng tháo gỡ pháp lý để có thể đưa sản phẩm ra bán, xử lý hàng tồn kho và thu tiền về.

Với riêng nhóm doanh nghiệp bất động sản, việc thị trường chứng khoán khởi sắc sẽ tạo cơ hội tốt để nhóm doanh nghiệp niêm yết thuộc ngành này phát hành cổ phiếu tăng vốn.

Một yếu tố nữa được các chuyên gia kỳ vọng sẽ hỗ trợ thị trường trái phiếu là lãi suất. Lãi suất tiết kiệm đã giảm rất mạnh, điều này tạo dư địa cho lãi suất vay giảm thêm, doanh nghiệp có thể tiếp cận vốn tín dụng. Người mua nhà cũng sẽ quay trở lại thị trường, điều này sẽ giúp khả năng trả nợ của nhóm doanh nghiệp bất động sản có khả quan hơn.

Ngoài ra, với việc mặt bằng lãi suất tiết kiệm đã thấp hơn nhiều so với lãi suất trái phiếu, các chuyên gia kỳ vọng điều này sẽ giúp chuyển dịch dòng tiền đầu tư quay trở lại với kênh trái phiếu trong thời gian tới.

Còn ông Nguyễn Nhật Hoàng cho rằng cần tập trung thực hiện một số giải pháp, gồm: khai phá những nguồn vốn lớn tiềm năng như công ty bảo hiểm hay quỹ đầu tư trái phiếu; phát triển các dịch vụ bảo lãnh trái phiếu; phát triển hệ thống chuẩn hóa về thông tin cung cấp cho các nhà đầu tư.

Với giải pháp bảo lãnh trái phiếu, ông Hoàng Đình Gia, chuyên gia của Quỹ Đầu tư và bảo lãnh tín dụng (CGIF) – đơn vị từng thực hiện bảo lãnh phát hành trái phiếu cho một số doanh nghiệp lớn như Vingroup, Masan, Gelex, cho biết hoạt động bảo lãnh từ các quỹ bảo lãnh tín dụng sẽ giúp TCPH mở rộng và đa dạng hóa các nguồn vốn vay ngoài các khoản vay ngân hàng thông thường và dễ dàng tiếp cận thị trường vốn. Từ đó mở rộng cơ sở nhà đầu tư để tăng trưởng bền vững.

TCPH cũng được kéo dài kỳ hạn trái phiếu phù hợp với dòng thu nhập và mục tiêu đầu tư của bên vay, thanh toán bằng đồng nội tệ. Điều này nhằm tránh phụ thuộc vào các khoản vay ngắn hạn có thể dẫn đến rủi ro tái cấp vốn và giảm rủi ro liên quan đến biến động tỷ giá.

Bên cạnh đó, TCPH có cơ hội tiếp cận khoản vay với lãi suất ưu đãi và được cố định trong suốt vòng đời của trái phiếu, từ đó có kế hoạch quản lý dòng tiền ổn định và dự đoán được chi phí vay.

Với giải pháp xếp hạng tín nhiệm – vốn được nhiều chuyên gia đề xuất thời gian qua, ông Hồ Đức Phớc, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết, hiện Việt Nam mới có ba tổ chức được hoạt động xếp hạng tín nhiệm và 2/3 tổ chức có cổ phần của hai tổ chức xếp hạng tín nhiệm nổi tiếng của thế giới là Moody’s và S&P.

“Chúng tôi đang khuyến khích và tạo mọi điều kiện để các doanh nghiệp đảm bảo đủ các điều kiện được cấp giấy phép xếp hạng tín nhiệm. Tuy nhiên, công ty xếp hạng tín nhiệm này giống như người trọng tài nên phải đánh giá một cách kỹ lưỡng, khách quan, chính xác, đúng đắn, tuân thủ pháp luật và tuân thủ các chuẩn mực”, ông Phớc nói tại phiên họp thứ 31 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Cũng theo ông Phớc, trong quy định của Luật Chứng khoán và Nghị định số 65/2022 và sau này là Nghị định 08/2023 có quy định với vấn đề xếp hạng tín nhiệm khi phát hành trái phiếu doanh nghiệp, kể cả với phát hành trái phiếu doanh nghiệp ra công chúng do UBCKNN cấp phép.

“Việc xếp hạng tín nhiệm là hết sức quan trọng. Chúng tôi sẽ tập trung để thúc đẩy lĩnh vực này, kể cả sau này việc các doanh nghiệp phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, ngoài vấn đề được công khai theo quy định trên các sàn giao dịch riêng lẻ phải được công khai về vấn đề có xếp hạng tín nhiệm qua từng thời kỳ”, ông Phớc Khẳng định.

Vân Phong

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/de-trai-phieu-khong-thanh-trai-dang-trong-tuong-lai/