Để TP.HCM không bị ùn tắc nhất Đông Nam Á

Khoảng 10 năm trở lại đây, tất cả các cửa ngõ TP.HCM thường xuyên ùn tắc trầm trọng, không chỉ giờ cao điểm mà còn vào cả giờ bình thường.

Tại Hội nghị Phát triển kinh tế - xã hội vùng Đông Nam bộ và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam vừa diễn ra, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể phát biểu cảnh báo: “Là đô thị lớn nhất nước nhưng tất cả cửa ngõ TP.HCM đều tắc nghẽn, nếu không cải thiện thành phố sẽ là nơi ùn tắc nhất Đông Nam Á”.

Vậy phải làm gì để TP.HCM không rơi vào thực trạng đáng buồn đó, Báo Giao thông trao đổi với chuyên gia đô thị PGS. TS. Nguyễn Minh Hòa xung quanh vấn đề này.

PGS. TS. Nguyễn Minh Hòa

PGS. TS. Nguyễn Minh Hòa

Giao thông ùn tắc làm nản lòng nhà đầu tư

Một trong những vấn nạn trên đường phát triển tại TP.HCM là ùn tắc ở các cửa ngõ. Ông đánh giá thực trạng này như thế nào?

TP.HCM có 4 cửa ngõ chính là ngã tư Hàng Xanh (hướng Đông Bắc), Cộng Hòa (hướng Tây Bắc), Vòng xoay An Lạc (hướng Tây) và vòng xoay Trung Lương (Tây Nam). Ở bán kính rộng hơn, còn có các cửa ngõ QL13 - Bình Triệu (TP Thủ Đức), An Sương - Cộng Hòa (Tân Bình), Phạm Văn Đồng - QL1K…

Theo kế hoạch phát triển hạ tầng giao thông TP.HCM giai đoạn 2021 - 2025 (tầm nhìn đến 2030), TP.HCM cần hơn 900.000 tỷ đồng (giai đoạn 2021 - 2025 là 534.000 tỷ đồng; 2026 - 2030 là 427.000 tỷ đồng).
Tuy nhiên, theo Nghị quyết số 29/2021/QH15 của Quốc hội, kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 của TP.HCM đã được Quốc hội thông qua là 142.557 tỷ đồng, chỉ đủ để bố trí cho các dự án chuyển tiếp từ giai đoạn 2016 - 2020 qua, không đủ cân đối để thực hiện các dự án đầu tư mới trọng điểm, cấp bách trong giai đoạn 2021 - 2025.
Hiện tại TP đã được trung ương điều chỉnh tăng tỉ lệ điều tiết ngân sách từ 18% lên 21% để đầu tư cho phát triển.

Khoảng 10 năm trở lại đây, tất cả các cửa ngõ này thường xuyên ùn tắc trầm trọng, không chỉ giờ cao điểm mà còn vào cả giờ bình thường. Chẳng hạn như trục Xa lộ Hà Nội và QL1 qua An Lạc, lúc nào cũng kẹt cứng.

Điều này liên quan đến mật độ phương tiện dày đặc và các yếu tố kỹ thuật như trục Xa lộ Hà Nội nối với cảng Cát Lái là cảng lớn nhất cả nước; các xe tải, siêu trường siêu trọng vẫn phải đi qua đường xuyên tâm của thành phố để về miền Tây, ra miền Bắc, lên Tây Nguyên, sang Campuchia…

Mặc dù thời gian gần đây, TP đã có những cố gắng nhất định nhưng không cải thiện được bao nhiêu. Nếu không có những đột phá quyết liệt, bức tranh giao thông còn ảm đạm hơn rất nhiều và sẽ đưa đến hệ quả là TP.HCM sẽ “giậm chân tại chỗ”.

Thực trạng trên đã được người đứng đầu ngành GTVT đưa ra cảnh báo. Theo ông, nếu không cải thiện được vấn đề hạ tầng giao thông, giải quyết ùn tắc sẽ ảnh hưởng thế nào đến phát triển kinh tế - xã hội của TP.HCM và cả khu vực?

Vừa qua, có nhận định cho rằng, ùn tắc giao thông làm thiệt hại của TP.HCM ước tính mỗi năm 6 tỷ USD. Nếu tính tổng thiệt hại thì rất lớn bởi có thiệt hại vô hình và hữu hình.

Ùn tắc giao thông sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu năng vận tải, xe chờ hàng giờ trên đường sẽ chậm giao hàng hóa, có nhiều trường hợp sản phẩm bị hỏng như bê tông tươi, hải sản, rau củ quả...

Ách tắc lâu trên đường làm tăng chi phí xăng dầu vô ích, gây ô nhiễm khói bụi, làm nóng không khí, xả rác bừa bãi, gia tăng TNGT, làm ảnh hưởng đến các trường hợp nguy cấp như chữa cháy, cấp cứu bệnh nhân. Và tất nhiên còn ảnh hưởng đến tâm lý người điều khiển phương tiện giao thông và người dân hai bên đường…

Điều này gây ra tâm lý chán nản cho các nhà đầu tư, họ ái ngại khi đầu tư vào nơi mà kẹt xe xảy ra như cơm bữa. Trong vài năm gần đây, các nhà đầu tư có xu hướng giãn ra các tỉnh, thành bên ngoài TP.HCM như khu vực Bình Dương, Đồng Nai và điều dễ thấy là thu hút FDI của TP.HCM thấp hơn một số tỉnh, thành lân cận khác ở nhiều thời điểm.

Không có tiền, lực bất tòng tâm!

Kẹt xe thường xuyên trên QL50, cửa ngõ TP.HCM đi Long An

Kẹt xe thường xuyên trên QL50, cửa ngõ TP.HCM đi Long An

Vậy TP. HCM cần làm gì để kéo giảm ùn tắc, giải pháp theo ông là gì?

TP.HCM và một số bộ, ngành đã đưa ra một số giải pháp nhưng nói cho cùng đó chỉ là các giải pháp kỹ thuật mang tính tình thế, cứ loay hoay làm cầu vượt ngắn, xén vỉa hè, phân luồng bằng các loại dải phân cách, gia tăng lực lượng CSGT…

Theo tôi, hãy ra hiện trường, quan sát lặp lại và nghiền ngẫm. Tất cả các cửa ngõ TP.HCM đều là đường đồng mức, lưu lượng lớn và cùng lúc các xe dồn về từ 5 - 6 hướng thì kẹt là đương nhiên. Chỉ cần một sự cố giao thông là ách tắc nhiều giờ liền. Do vậy, cần kiên quyết làm giao thông khác cốt, tạo dựng hệ thống giao thông kiểu hoa thị 2-3 tầng thì mới thoát được bế tắc hiện nay.

Tuy nhiên, muốn làm được thì phải có các điều kiện: Vốn cực lớn; giải bài toán đường giao thông kết hợp với tổ chức lại không gian cư trú và cảnh quan.

Ông có thể nói cụ thể hơn về đề xuất giải pháp trên?

Tức là tại các cửa ngõ, ví dụ Ngã tư Hàng Xanh, nên nén dân cư vào chung cư cao tầng, lấy đất dành cho giao thông hoa thị đa tầng và xây dựng các đường gom, mở rộng các trục đường ra thành 12-16 làn xe như Xa lộ Hà Nội.

Những công trình làm tắc nghẽn giao thông phải kiên quyết chuyển đi, như khu công nghiệp Tân Bình. Đây là “thủ phạm” làm nghẽn giao thông, làm mất cơ hội phát triển về hướng Tây Bắc của TP.

Mặt khác, TP cần tập trung cao độ, dồn sức cho đường Vành đai 3, vì Vành đai 3 đi qua 4 tỉnh, thành là: TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An. Một khi Vành đai 3 hoàn thành, các loại xe tải không phải qua cửa ngõ TP.HCM nữa mà đi đường vành đai qua lại các tỉnh, thành và xuống Tây Nam bộ, Tây Nguyên, sang Campuchia, ra vùng duyên hải miền Trung một cách dễ dàng...

Làm thế có khó không? Tôi cho là khó. Nhưng nếu làm được thì giá trị mang lại cực lớn và lợi ích mang lại cho hàng trăm năm sau. Bangkok, Thượng Hải, Tokyo đã đi trước và thực tế họ đã làm và làm thành công rồi!

Như ông nói thì để thực hiện, phải có nguồn vốn cực lớn. Theo ông, lời giải cho bài toán này là gì, trong bối cảnh ngân sách còn rất khó khăn?

Đương nhiên, vốn là yếu tố tiên quyết và quan trọng nhất. Bởi có ý tưởng hay, quyết tâm lớn, khát vọng tràn trề nhưng không có tiền thì tất cả bằng không.

Khi thực thi các chính sách phát triển cho TP.HCM nói chung và hạ tầng giao thông nói riêng, nhất là khi đòi hỏi TP.HCM phải là đầu tàu kinh tế của cả nước, thì TP phải có được điều kiện cần và đủ cho phát triển.

Nếu có cơ chế tốt, việc hoàn thành các đường Vành đai 2, 3, 4, hoàn thành các trục đường xương sống như: TP.HCM - Mộc Bài, TP.HCM - Xa Mát, TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, TP.HCM - Bến Lức Long An, TP.HCM - Vũng Tàu, TP.HCM - Tây Nam bộ; khai thông các cửa ngõ của TP.HCM cũng như các cửa ngõ trọng điểm của các tỉnh, thành trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam thì bức tranh kinh tế và đời sống sẽ thay đổi hẳn.

Khi ấy, vùng đất này sẽ là đón nhiều “đại bàng lớn”, sẽ cung cấp cho cả nước tài chính, sản phẩm, nhân lực, công nghệ kỹ thuật nhiều gấp bội lần hiện nay.

TP.HCM là nơi đóng góp nguồn thu lớn của cả nước, hãy để lại cho TP nhiều hơn, chỉ có như vậy mới có điều kiện để đầu tư cho phát triển.

Khi đó, bức tranh GTVT, diện mạo thành phố, chất lượng sống của người dân sẽ chuyển biến ở mức tốt nhất, cao nhất cả nước. Khi đó, TP.HCM cũng sẽ có điều kiện hỗ trợ cho cả nước nhiều hơn. Tất nhiên kèm theo đó là trao quyền đủ lớn cho TP chứ không phải phân quyền trách nhiệm, phân cấp hành động như hiện nay.

Cảm ơn ông!

Ưu tiên kết nối các dự án cửa ngõ phía Tây

Ông Phan Công Bằng, Phó giám đốc Sở GTVT TP.HCM cho biết, giai đoạn 2021 - 2025, TP ưu tiên đầu tư các tuyến kết nối liên vùng như các tuyến cao tốc, vành đai (như Vành đai 3, cao tốc TP.HCM - Mộc Bài).

“Đặc biệt, việc đầu tư hoàn thiện đường vành đai 3 là vấn đề cấp bách. Khi tuyến Vành đai 3 hoàn thành, sẽ giải quyết cơ bản tình trạng phương tiện vận tải đi qua các tuyến nội đô TP.HCM”, ông Bằng nói.

Theo ông Bằng, đối với các tuyến giao thông cửa ngõ, trong năm 2022 có 3 dự án quan trọng sẽ được khởi công gồm: Dự án mở rộng, nâng cấp tuyến QL50 kết nối với tỉnh Long An; nút giao thông An Phú để kết nối vào tuyến cao tốc TP.HCM - Long Thành – Dầu Giây; dự án đường nối Cộng Hòa - Trần Quốc Hoàn kết nối vào nhà ga T3 sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất. Khi các dự án này hoàn thành đưa vào khai thác sẽ giải quyết tốt tình trạng ùn tắc giao thông tại các khu vực này.

Với dự án mở rộng QL50 cũng đã được bố trí vốn và đang tập trung đẩy nhanh các thủ tục để có thể khởi công cuối năm 2022. Dự án có tổng vốn gần 1.500 tỷ đồng, thực hiện bằng vốn ngân sách Trung ương và ngân sách TP. Thời gian thực hiện từ năm 2022 – 2024, sẽ hình thành hệ thống mạng lưới giao thông liên vùng xuyên suốt, góp phần giảm ùn tắc, TNGT.

Thông tin về tiến độ GPMB dự án mở rộng QL50, đại diện Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông đô thị TP.HCM cho biết, việc triển khai dự án này khá thuận lợi do công tác GPMB đang được UBND huyện Bình Chánh thực hiện bằng dự án riêng. Đến nay mặt bằng đã giải phóng đạt trên 80% khối lượng.

Đối với dự án nút giao An Phú (TP.Thủ Đức), đang được lập báo cáo nghiên cứu khả thi, dự kiến dự án sẽ được khởi công vào cuối năm 2022. Dự án với tổng mức đầu tư 3.926 tỷ đồng, trong đó vốn Trung ương 1.800 tỷ đồng, còn lại là của TP. Khi dự án hoàn thiện sẽ góp phần giải tỏa ách tắc giao thông tại đầu tuyến đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây; góp phần tăng kết nối với cao tốc, nâng cao hiệu quả khai thác sân bay Long Thành.

Còn ở cửa ngõ sân bay Tân Sơn Nhất, dự án đường nối Cộng Hòa - Trần Quốc Hoàn với vốn đầu tư hơn 4.848 tỷ đồng từ vốn ngân sách TP. Hiện dự án đang thực hiện công tác bồi thường GPMB, dự kiến sẽ khởi công tháng 11/2022.

Đỗ Loan

Đặng Đại (Thực hiện)

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/de-tphcm-khong-bi-un-tac-nhat-dong-nam-a-d559402.html