Để người cao tuổi sống vui, khỏe, có ích

Người cao tuổi ngày càng chủ động trong việc nâng cao sức khỏe bản thân, tự tạo niềm vui cho chính mình để cuộc sống không nhàm chán và đóng góp tích cực cho xã hội. Điều này giúp con cháu yên tâm, không lo lắng về sức khỏe của cha mẹ, ông bà.

Nhà neo người, con cái đều đang sinh sống và làm việc ở nước ngoài, gia đình bà Quỳnh Anh đã quyết định đưa bà vào viện dưỡng lão để được chăm sóc tốt nhất về mọi mặt.

Gia đình tôi muốn đưa bà vào trung tâm, điều quan trọng nhất là điều kiện y tế được đảm bảo, bệnh tình của bà được chăm sóc tốt...

Chị Đinh Thị Hiền - xã Đa Tốn - huyện Gia Lâm.

Sức khỏe tinh thần và thể chất của người cao tuổi luôn cần được quan tâm.

Người cao tuổi khi ở nhà luôn luôn là sự bất an cho gia đình, bởi thông thường, họ thường có hai bệnh nền trở lên, khi ở nhà thường khó để chăm sóc và kiểm soát.

Bà Nguyễn Thị Hà - GĐ Trung tâm chăm sóc sức khỏe người cao tuổi Hoa Sen

Theo cơ sở dữ liệu dân cư do Bộ Công an cung cấp, hiện số người cao tuổi từ 60 tuổi trở lên chiếm khoảng 17% dân số. Ngoài những thay đổi về thể chất, người cao tuổi có những thay đổi đáng kể về tâm lý. Nhiều người cảm thấy mình bị bỏ rơi, buồn bã, chán nản, cô đơn, dễ tủi thân, hờn dỗi... Đời sống sinh hoạt tinh thần của người cao tuổi rất cần được chú trọng. Các cụ sẽ vui hơn khi có người bầu bạn, được trò chuyện chia sẻ tâm sự, có thể giải tỏa những vướng mắc tâm lý của mình.

Nên khuyến khích người cao tuổi tham gia hội người cao niên, các CLB văn hóa nghệ thuật. Đây là nơi lý tưởng để người cao tuổi có thể chia sẻ những tâm tư, kết giao bạn bè và tham gia các hoạt động xã hội.

Chăm sóc sức khỏe và tâm lý người cao tuổi là vấn đề tế nhị, khéo léo, phức tạp để giữ cho tâm hồn các cụ lúc nào cũng lạc quan, yêu đời và có cái nhìn về cuộc sống nhân văn hơn, vị tha hơn, giữ cho sức khỏe cả tâm lẫn thể đều tốt.

Nguồn Hà Nội TV: https://hanoionline.vn/video/de-nguoi-cao-tuoi-song-vui-khoe-co-ich-237379.htm