Đề nghị nghiêm cấm hành vi lập chốt thu phí sử dụng đường bộ trái pháp luật

Đóng góp vào dự thảo Luật Đường bộ, nhiều đại biểu đề nghị nghiêm cấm hành vi lập chốt thu phí sử dụng đường bộ trái pháp luật.

Dự thảo Luật Đường bộ:

Sáng 21/5, Quốc hội thảo luận về dự thảo Luật Đường bộ. Ảnh: Quochoi

Sáng 21/5, Quốc hội thảo luận về dự thảo Luật Đường bộ. Ảnh: Quochoi

Sáng 21/5, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 7, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội thảo luận phiên toàn thể tại hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Đường bộ. Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương điều hành phiên họp.

Theo đó, tại phiên họp, Quốc hội nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Đường bộ.

Theo đó, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới cho biết, tại Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XV, các vị đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đã thảo luận, cho ý kiến về dự án Luật Đường bộ. Trên cơ sở ý kiến của các vị ĐBQH, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh (UBQPAN) phối hợp với Cơ quan soạn thảo, các cơ quan của Quốc hội và các cơ quan hữu quan nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật và xây dựng dự thảo Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý.

Dự thảo Luật Đường bộ trình Quốc hội thảo luận tại Kỳ họp thứ 7 có 86 Điều, giảm 06 Điều so với dự thảo Luật Chính phủ trình; đã chỉnh sửa nội dung 82 Điều, bỏ 07 Điều, đồng thời gom nội dung một số điều để xây dựng thành điều mới, sắp xếp lại vị trí 03 Điều.

Tạo điều kiện cho dịch vụ chia sẻ chuyến xe dưới 10 chỗ được hoạt động

Đóng góp ý kiến về dự thảo, đa phần các đại biểu đều nhất trí với các nội dun dự thảo Luật đã được chỉnh sửa, tiếp thu, trình tại Kỳ họp lần này.

Tuy nhiên, theo một số đại biểu, dự thảo luật nên tạo điều kiện cho dịch vụ chia sẻ chuyến xe dưới 10 chỗ được hoạt động.

Đại biểu Tạ Thị Yên. Ảnh: Quochoi

Đại biểu Tạ Thị Yên. Ảnh: Quochoi

Cụ thể, đại biểu Tạ Thị Yên - Đoàn ĐBQH tỉnh Điện Biên cho rằng, qua nghiên cứu Báo cáo giám sát về chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông từ năm 2009 đến hết năm 2023” của UBTVQH cho thấy, hoạt động vận tải đường bộ trong những năm qua đã phát triển mạnh mẽ, đáp ứng trên 90% tổng khối lượng vận chuyển hành khách và trên 70% tổng khối lượng vận chuyển hàng hóa với gần 86.000 đơn vị kinh doanh vận tải đã được cấp Giấy phép kinh doanh vận tải bằng xe ô tô...

Đại biểu Tạ Thị Yên cho rằng, đó là một nguồn lực rất lớn của xã hội mà chúng ta cần chú ý tới khi xây dựng dự án Luật này.

Quan tâm đến khoản 10 Điều 56, dự thảo Luật quy định đối với loại hình kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng, đơn vị kinh doanh vận tải chỉ được ký hợp đồng vận tải hành khách với người thuê vận tải có nhu cầu thuê cả chuyến xe, nghĩa là mỗi chuyến xe hợp đồng chỉ được chở một hành khách hoặc một nhóm khách duy nhất.

Đại biểu Tạ Thị Yên cho rằng, việc Ban soạn thảo đưa ra quy định này nhằm ngăn chặn tình trạng núp dưới bóng xe hợp đồng để kinh doanh vận tải hành khách liên tỉnh theo tuyến cố định. Tuy nhiên, điều này lại đang vô tình làm hạn chế một loại hình vận tải hành khách phổ biến ở nhiều quốc gia khác, đó là mô hình chia sẻ chuyến xe hợp đồng dưới 10 chỗ thông qua các nền tảng gọi xe trực tuyến.

Đại biểu Tạ Thị Yên nhận thấy, mô hình này mang lại nhiều lợi ích cho xã hội, vì có thể tối đa hóa số lượng người di chuyển trong một chuyến đi, do đó, sẽ giúp giảm đáng kể lưu lượng xe lưu thông trên đường và giải quyết phần nào tình trạng tắc nghẽn giao thông.

Vì vậy, đại biểu đề nghị Cơ quan soạn thảo và Cơ quan chủ trì thẩm tra rà soát và điều chỉnh khoản 10 Điều 56 theo hướng vừa kiểm soát tình trạng “xe dù, bến cóc”, nhưng vẫn tạo điều kiện cho dịch vụ chia sẻ chuyến xe dưới 10 chỗ được hoạt động. Đại biểu Tạ Thị Yên cho rằng, đây cũng là cách thiết thực để thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước trong việc dần tiến tới hạn chế phương tiện cá nhân, phát triển vận tải hành khách công cộng, giảm thiểu khí thải nhà kính, sử dụng hợp lý, có hiệu quả các nguồn lực của xã hội để phát triển đất nước nhanh và bền vững.

Đại biểu Nguyễn Anh Trí. Ảnh: Quochoi

Đại biểu Nguyễn Anh Trí. Ảnh: Quochoi

Cùng ý kiến với đại biểu Tạ Thị Yên, đại biểu Nguyễn Anh Trí, Đoàn ĐBQH TP Hà Nội cũng cho rằng, việc chia sẻ chuyến xe cho phép một chuyến xe hợp đồng có thể chở nhiều hành khách một cách độc lập, miễn là các hành khách này có cung đường di chuyển khớp nối nhau trong một hành trình, đơn vị vận chuyển và các hành khách đồng ý ghép chuyến để tối ưu hóa quãng đường di chuyển cũng như chi phí của chuyến đi.

Dịch vụ chia sẻ chuyến đi hiện đang thực hiện ở nhiều quốc gia trên thế giới và trong khu vực. Đối với Việt Nam thì dịch vụ này cũng đang được các đơn vị vận tải hành khách thực hiện bằng việc ghép chung các chuyến đi theo lộ trình cố định khi di chuyển liên tỉnh hoặc ghép chung chuyến trong một địa bàn nhất định và nhận được sự đón nhận của người tiêu dùng.

Ưu điểm của chia sẻ chuyến đi góp phần làm giảm bớt các phương tiện tham gia giao thông, giảm áp lực cho hệ thống giao thông và giảm lượng khí thải các bon ra môi trường, giảm ô nhiễm môi trường và là một trong những ví dụ điển hình của kinh tế chia sẻ và việc ứng dụng công nghệ số vào hoạt động đời sống, kinh doanh, đem lại lợi ích về kinh tế cho các bên tham gia.

“Do đó, tôi đề nghị chỉnh lý khoản 10 Điều 56 Dự thảo Luật Đường bộ theo hướng quy định chỉ có ô tô khách mới phải thực hiện hợp đồng vận tải có nhu cầu thuê cả chuyến xe, bao gồm cả người lái xe. Còn các loại xe ô tô chở người không phải là ô tô khách thì chỉ quy định là có hợp đồng vận tải bằng giấy hoặc điện tử mà không có giới hạn về việc thuê cả chuyến hay không để tạo sự linh hoạt trong việc triển khai Luật trên thực tế” – theo đại biểu Nguyễn Anh Trí.

Đề nghị nghiêm cấm hành vi lập chốt thu phí sử dụng đường bộ trái pháp luật

Bên cạnh những đóng góp như quản lý dịch vụ xe hợp đồng, xác định rõ phạm vi quy mô để có cơ sở phân loại đường bộ, các đại biểu cũng quan tâm, đề nghị hành vi bị nghiêm cấm.

Đại biểu Nguyễn Thị Huế. Ảnh: Quochoi

Đại biểu Nguyễn Thị Huế. Ảnh: Quochoi

Theo đại biểu Nguyễn Thị Huế - Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn, về các hành vi bị nghiêm cấm, đại biểu đề nghị bổ sung hành vi lập chốt thu phí sử dụng đường bộ trái pháp luật. Đại biểu lý giải cho đề xuất này là trước thực tiễn đã xảy ra nhiều trường hợp người dân tự ý lập chốt thu phí. Mặt khác theo Nghị định 100/2029/NĐ-CP có quy định xử phạt vi phạm hành chính về hành vi xây dựng hoặc thành lập trạm thu phí đường bộ khi chưa được cơ quan quản lý nhà nước đồng ý. Do đó việc bổ sung hành vi này vào điều cấm là phù hợp.

Còn đại biểu Huỳnh Thị Phúc, Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cho rằng, để tiếp tục hoàn thiện dự thảo Luật và tháo gỡ những tồn tại, vướng mắc do chưa có quy định xử lý liên quan đến thực trạng tại các trạm thu phí đã ngừng hoạt động mà không chịu tháo dỡ, đại biểu Huỳnh Thị Phúc cho biết, thực tế ánh sáng tại các khu vực có trạm thu phí đã dừng hoạt động rất mờ, tạo sự bất tiện trong lưu thông, làm cản trở giao thông cho những người qua lại tại khu vực này.

Đại biểu Huỳnh Thị Phúc cho biết, mặc dù cử tri đã kiến nghị, phản ánh rất nhiều lần nhưng thực trạng vẫn vậy. Đáng chú ý là đã có những vụ tai nạn giao thông xảy ra ở những khu vực này do chưa có quy định chế tài về trách nhiệm. Mọi thiệt hại nếu xảy ra đều thuộc về người dân và người tham gia giao thông. Vì vậy, đại biểu Phúc đề nghị trong dự thảo Luật Đường bộ lần này, cần bổ sung quy định về trách nhiệm tháo dỡ, trả lại mặt bằng đối với các trạm thu phí đã dừng hoạt động, góp phần đảm bảo an toàn giao thông trong thời gian tới.

Minh Dương

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/de-nghi-nghiem-cam-hanh-vi-lap-chot-thu-phi-su-dung-duong-bo-trai-phap-luat-381496.html