Đề nghị bổ sung 'đường tốc độ cao'

Đại biểu Quốc hội đề nghị bổ sung thêm 'đường tốc độ cao' để bao quát hết các loại đường và tổ chức giao thông cho phù hợp đối với đường cao tốc, đường tốc độ cao và đường quốc lộ.

Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 7, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, sáng 21/5, Quốc hội thảo luận tại hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Đường bộ.

Cần quy định quy chuẩn kỹ thuật đường cao tốc

Đại biểu Nguyễn Hữu Thông, Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận đề nghị tại khoản 1 Điều 45 quy định: “Đường cao tốc được thiết kế theo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật riêng”. Theo đại biểu, việc thiết kế, xây dựng đường cao tốc được áp dụng theo một số tiêu chuẩn kỹ thuật và có vận dụng một số tiêu chí, phát sinh một số vấn đề không đáp ứng yêu cầu phương tiện lưu thông an toàn trên đường cao tốc, để khắc phục tình trạng này, đại biểu đề nghị xem xét sửa khoản 1 Điều 45 thành: “Đường cao tốc được thiết kế theo quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật đường cao tốc”.

Đại biểu Nguyễn Hữu Thông, Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận.

Đại biểu Nguyễn Hữu Thông, Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận.

Cũng về đường cao tốc, đại biểu Nguyễn Văn Cảnh - Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định đề nghị bổ sung thêm “đường tốc độ cao” để bao quát hết các loại đường và tổ chức giao thông cho phù hợp đối với đường cao tốc, đường tốc độ cao và đường quốc lộ. Đại biểu cho rằng, đường tốc độ cao "khác với đường cao tốc vì có thể không có dải phân cách, không có đường lánh nạn, tổ chức giao thông giống như đường quốc lộ". Đường tốc độ cao cũng khác với đường quốc lộ là không có dân cư hai bên.

Theo đại biểu Nguyễn Hoàng Bảo Trân, Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương, dự thảo Luật đã giải quyết được một trong những nút thắt cơ bản khi triển khai các dự án đầu tư mở rộng, cải tạo, nâng cấp kết cấu hạ tầng nói chung, trong đó có kết cấu hạ tầng đường bộ theo phương thức đối tác công tư.

Đại biểu Nguyễn Văn Cảnh - Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định

Đại biểu Nguyễn Văn Cảnh - Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định

Đại biểu đề nghị dự thảo Luật cần huy động tối đa nguồn lực xã hội, đẩy mạnh cải tạo, nâng cấp, mở rộng các dự án đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông theo phương thức đối tác công tư. Bên cạnh đó, để đảm bảo hiệu quả đầu tư một số tuyến đường chưa đầu tư ngay theo quy mô quy hoạch, việc phân kỳ đầu tư theo hình thức đầu tư công trong giai đoạn tiếp theo là phù hợp, cần thiết.

Hoàn thiện cơ sở pháp lý thu hút nguồn lực đầu tư cao tốc.

Trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Đường bộ, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới cho biết, Dự thảo Luật trình Quốc hội thảo luận tại Kỳ họp thứ 7 có 86 điều, giảm 06 điều so với dự thảo Luật Chính phủ trình; đã chỉnh sửa nội dung 82 Điều, bỏ 07 Điều, đồng thời gom nội dung một số điều để xây dựng thành điều mới.

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới

Căn cứ ý kiến ĐBQH, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo tiếp thu, chỉnh lý các quy định của dự thảo Luật. Về hệ thống giao thông thông minh, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thấy rằng đây là nội dung mới và có sự thay đổi, phát triển nhanh chóng, nếu quy định cụ thể trong dự thảo Luật sẽ không sát thực tiễn. Vì vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị chỉ quy định những nguyên tắc chung và giao Chính phủ quy định chi tiết.

Đối với các quy định về đầu tư, xây dựng, quản lý, vận hành, khai thác, bảo trì kết cấu hạ tầng đường bộ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo bổ sung, chỉnh lý Điều 8 để xác định trách nhiệm của các chủ thể trong quản lý đường bộ, trên cơ sở đó chỉnh lý Điều 28, Điều 37 dự thảo Luật để xác định trách nhiệm đầu tư, xây dựng, quản lý, vận hành, khai thác, bảo trì kết cấu hạ tầng đường bộ theo hướng viện dẫn quy định tại Điều 8.

Về nguồn tài chính để đầu tư, xây dựng, quản lý, vận hành, khai thác, bảo trì kết cấu hạ tầng đường bộ và nguồn thu từ kết cấu hạ tầng đường bộ, tiếp thu ý kiến ĐBQH, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo chỉnh sửa khoản 2 Điều 42 để thống nhất với quy định của Luật Ngân sách nhà nước.

Về đường bộ cao tốc, tuy đường cao tốc là cấp kỹ thuật của đường bộ, nhưng có những yêu cầu riêng về đầu tư, xây dựng, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và hoạt động quản lý, vận hành, khai thác, bảo trì. Do đó, việc xây dựng một chương riêng nhằm cụ thể hóa những nội dung này để bảo đảm cơ sở pháp lý, tính khả thi cho hoạt động đầu tư, xây dựng, quản lý, vận hành, khai thác, bảo trì đường cao tốc.

Về ý kiến đề nghị bổ sung một số quy định cụ thể về yêu cầu kỹ thuật đối với đường cao tốc, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị giao Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định trong quy chuẩn kỹ thuật về đường cao tốc để bảo đảm phù hợp với thực tiễn và phù hợp thẩm quyền.

Toàn cảnh phiên họp.

Toàn cảnh phiên họp.

Đối với quy định về mở rộng, nâng cấp đường cao tốc, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo chỉnh lý để thống nhất với quy định của pháp luật về xây dựng, pháp luật về đầu tư công, pháp luật về đầu tư theo phương thức đối tác công tư… và phù hợp với thực tiễn nhằm tạo cơ sở pháp lý thu hút nguồn lực tài chính cho hoạt động đầu tư mở rộng, nâng cấp các tuyến đường bộ hiện hành thành đường cao tốc hoặc các tuyến đường cao tốc được đầu tư theo quy mô phân kỳ.

Duy Tuấn

Nguồn Công Lý: https://congly.vn/de-nghi-bo-sung-duong-toc-do-cao-431483.html