Để chiến sĩ mới thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở

Nhận thức đúng về quy chế dân chủ ở cơ sở giúp ý thức dân chủ và trình độ làm chủ của quân nhân được nâng cao; góp phần tăng cường đồng thuận, đoàn kết, kỷ luật nội bộ và niềm tin của cán bộ, chiến sĩ vào cấp ủy, chỉ huy các cấp; tạo không khí phấn khởi thi đua thực hiện thắng lợi nhiệm vụ được giao...

Bởi vậy, việc phổ biến, giáo dục để chiến sĩ mới (CSM) hiểu rõ, thực hiện hiệu quả quy chế dân chủ ở cơ sở là việc làm rất cần thiết, cần được các đơn vị quan tâm chú trọng.

Những năm qua, các đơn vị trong Quân đội luôn chú trọng mở rộng và phát huy dân chủ bằng nhiều biện pháp đồng bộ, hiệu quả. Trực tiếp và thường xuyên nhất là quân nhân được tham gia góp ý thông qua các buổi sinh hoạt hằng ngày ở cấp tổ, tiểu đội; hằng tuần ở cấp trung đội, đại đội và hằng tháng ở cấp tiểu đoàn. Ngoài ra, quân nhân sinh hoạt trong các tổ chức đảng, tổ chức quần chúng được đóng góp ý kiến theo chức trách, nhiệm vụ phân công. Trường hợp cấp bách hoặc đột xuất, quân nhân có thể gặp trực tiếp chỉ huy để đề nghị, trình bày tâm tư, nguyện vọng...

Việc thực hiện, phát huy dân chủ ở đơn vị đang được tiến hành cơ bản thông qua hoạt động của hội đồng quân nhân. Theo đó, các quân nhân được tham gia theo dõi, giám sát mọi hoạt động chung của đơn vị, từ đó đóng góp ý kiến toàn diện trên các mặt công tác, gồm: Chính trị, quân sự-chuyên môn, kinh tế-đời sống. Ngoài ra, hằng tháng, các đơn vị tổ chức sinh hoạt “Ngày Đảng”, “Ngày chính trị và văn hóa tinh thần”; sinh hoạt đối thoại dân chủ giữa cán bộ chủ trì đơn vị với chiến sĩ thuộc quyền; thực hiện công khai những nội dung quân nhân được biết, được bàn, được kiểm tra và giám sát, từ đó đưa ra ý kiến phản biện thẳng thắn, dân chủ.

Chỉ huy Đại đội 10, Tiểu đoàn 9, Trung đoàn 43 (Sư đoàn 395, Quân khu 3) chia sẻ, động viên các chiến sĩ mới.

Chỉ huy Đại đội 10, Tiểu đoàn 9, Trung đoàn 43 (Sư đoàn 395, Quân khu 3) chia sẻ, động viên các chiến sĩ mới.

Ngoài sinh hoạt đối thoại trực tiếp, chiến sĩ còn được thể hiện quyền dân chủ thông qua một số hình thức khác như bỏ phiếu, biểu quyết, bình bầu... Đối với những vấn đề nhạy cảm, liên quan đến chế độ, tiêu chuẩn hoặc vấn đề khó trình bày trực tiếp trước tập thể, quân nhân có thể ý kiến thông qua “hòm thư góp ý” được bố trí ở tất cả đại đội. Việc góp ý của quân nhân không đơn thuần chỉ là những vấn đề về quyền lợi, chế độ tiêu chuẩn của bản thân mà còn phải hiến kế để nâng cao chất lượng công tác huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, xây dựng chính quy, rèn luyện kỷ luật.

Dân chủ mở rộng, toàn diện nhưng việc góp ý của quân nhân cũng phải tuân thủ pháp luật Nhà nước, điều lệnh, điều lệ, quy định của Quân đội và với tinh thần xây dựng đơn vị. Quân nhân tuyệt đối không được ý kiến tùy tiện, cảm hứng, ý kiến không đúng sự thật, xuyên tạc hay nhằm mục đích vụ lợi cá nhân, chia rẽ đoàn kết. Quân đội có tổ chức chặt chẽ từ cấp tổ đến tiểu đội, trung đội, đại đội và cao hơn nên việc đề đạt nguyện vọng, tham gia ý kiến phải báo cáo theo phân cấp chỉ huy, không được vượt cấp. Các ý kiến đóng góp bằng văn bản hay thông qua “hòm thư góp ý” phải ghi rõ họ tên, địa chỉ người gửi, không được gửi đơn thư nặc danh, mạo danh. Các cấp có thẩm quyền có trách nhiệm giải đáp thấu tình đạt lý những thắc mắc, băn khoăn của quân nhân theo quy định.

Đối với CSM, do chưa quen môi trường quân ngũ nên thời gian đầu thường thấy gò bó, bí bách, thậm chí có những đồng chí nảy sinh tâm lý căng thẳng, lo âu thái quá, xa lánh chỉ huy. Để phát huy dân chủ, trước tiên, cán bộ các cấp cần tăng cường giáo dục để CSM nắm được chế độ, nền nếp sinh hoạt, quy định của đơn vị, đồng thời phổ biến các chế độ, tiêu chuẩn, nhất là tiền ăn, phụ cấp, quân trang... Trên cơ sở đó, CSM theo dõi, giám sát và đóng góp ý kiến trong quá trình học tập, công tác. Các đơn vị cũng cần tăng cường tổ chức sinh hoạt đối thoại dân chủ trực tiếp để lắng nghe CSM chia sẻ tâm tư, nguyện vọng, từ đó có biện pháp giáo dục, quản lý phù hợp.

Nhiều năm quản lý, huấn luyện CSM, Trung tá Vũ Thành Long, Chính trị viên Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 2 (Sư đoàn 395, Quân khu 3) cho biết: “Vì chưa hiểu nên có những đồng chí CSM đề đạt nguyện vọng rất "vô tư" như: Đề nghị được sử dụng điện thoại di động, xin được về thăm gia đình vào ngày nghỉ cuối tuần, điều chỉnh thời gian biểu công tác... Mặc dù nội dung các ý kiến này không đúng quy định nhưng chúng tôi vẫn lắng nghe, sau đó giải thích, động viên để các chiến sĩ hiểu. Thời gian đầu, chúng tôi không đặt nặng vấn đề mệnh lệnh hành chính, kỷ luật mà tập trung làm tốt công tác giáo dục, động viên, giúp đỡ để CSM dần thích nghi với cuộc sống quân ngũ”.

Đại tá Bùi Xuân Bình, Chủ nhiệm Chính trị Sư đoàn 395 cho rằng, đối với các đơn vị huấn luyện CSM thì cấp ủy, chỉ huy các cấp cần phát huy vai trò của đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ cấp trung đội, đại đội sâu sát, gần gũi, thực sự là chỗ dựa cho tân binh trong thời gian đầu quân ngũ. Điều này sẽ tạo được niềm tin để CSM tìm đến chia sẻ, qua đó cán bộ nắm được tâm tư, tình cảm của chiến sĩ, có biện pháp giáo dục, quản lý tư tưởng phù hợp, giúp CSM sớm hòa nhập môi trường quân ngũ, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Bài và ảnh: TRƯỜNG SƠN

--------------------------------------------------------------------------------

* Tâm tình-Kiến nghị: Nhận thức đúng, thực hiện tốt

Nhận thức đúng và thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở có ý nghĩa, vai trò quan trọng, góp phần giữ vững niềm tin, ổn định tư tưởng cán bộ, chiến sĩ, góp phần để cơ quan, đơn vị hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Tuy nhiên, trên thực tế vẫn còn tình trạng một số cán bộ, chiến sĩ chưa hiểu rõ, hiểu đúng quy chế, nguyên tắc thực hiện; việc tổ chức đối thoại dân chủ chưa tạo được bầu không khí thoải mái, nặng về mệnh lệnh nên bộ đội chưa dám bày tỏ chính kiến. Bên cạnh đó, còn hiện trạng cán bộ lãnh đạo, chỉ huy vi phạm quy chế dân chủ, thực hiện dân chủ hình thức, không chịu lắng nghe ý kiến của cấp dưới, hứa nhưng không thực hiện hoặc nói một đằng làm một nẻo dẫn đến mất niềm tin của bộ đội.

Một số ít cán bộ, chiến sĩ cũng chưa gắn thực hiện dân chủ với nghĩa vụ, trách nhiệm bản thân mà chủ yếu đòi hỏi về các chế độ, quyền lợi đơn thuần mang tính cá nhân... Nguyên nhân chủ yếu của tình trạng này là do công tác quán triệt, giáo dục, tuyên truyền chưa thường xuyên, cụ thể, chưa phù hợp với từng đối tượng; nhận thức của cán bộ, chiến sĩ về ý nghĩa, tầm quan trọng của việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở chưa đầy đủ...

Chỉ huy Đại đội 10, Tiểu đoàn 301, Trung đoàn 994 (Bộ CHQS tỉnh Đắk Nông) tổ chức sinh hoạt, quán triệt các chế độ, tiêu chuẩn trong thời gian tại ngũ cho chiến sĩ mới nhập ngũ năm 2024. Ảnh: THUẬN AN

Chỉ huy Đại đội 10, Tiểu đoàn 301, Trung đoàn 994 (Bộ CHQS tỉnh Đắk Nông) tổ chức sinh hoạt, quán triệt các chế độ, tiêu chuẩn trong thời gian tại ngũ cho chiến sĩ mới nhập ngũ năm 2024. Ảnh: THUẬN AN

Để cán bộ, chiến sĩ nói chung và chiến sĩ mới nói riêng nhận thức đúng, thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, góp phần tăng cường đồng thuận, đoàn kết, kỷ luật trong nội bộ đơn vị, chúng tôi kiên quyết đấu tranh, khắc phục mọi nguyên nhân, biểu hiện nêu trên.

Đơn vị yêu cầu cán bộ các cấp thường xuyên chủ động gặp gỡ, động viên, kịp thời nắm hoàn cảnh, tâm tư, nguyện vọng và sở trường của từng chiến sĩ để có định hướng giáo dục, rèn luyện, giải quyết kịp thời các vướng mắc. Tổ chức các hoạt động phù hợp, tạo bầu không khí dân chủ, gắn bó và đoàn kết trong đơn vị để bộ đội mạnh dạn bày tỏ mọi tâm tư, nguyện vọng, vướng mắc để từ đó thật sự an tâm công tác, luôn coi đơn vị là nhà, đồng chí, đồng đội là anh em, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Thượng tá Y THÀNH BKRÔNG (Chính ủy Trung đoàn 994, Bộ CHQS tỉnh Đắk Nông)

------------------------------------------------------------------------------------------------------

* Tâm tình-Kiến nghị: Phổ biến ngắn gọn, dễ hiểu

Chiến sĩ nắm chắc quy chế dân chủ ở cơ sở sẽ tạo nền tảng để phát huy tốt trí tuệ tập thể, thêm tin tưởng cấp ủy, chỉ huy và tăng cường tình đoàn kết, gắn bó trong đơn vị.

Tuy nhiên, vì quy chế, nguyên tắc thực hiện có nhiều nội dung, phạm vi rộng, lại vừa nhập ngũ nên việc một số chiến sĩ mới chưa hiểu hết và thực hiện đúng cũng là điều dễ hiểu... Qua nhiều năm huấn luyện chiến sĩ mới, chúng tôi rút ra kinh nghiệm là phải nắm chắc lý lịch, tổ chức sinh hoạt theo phân cấp để nắm tình hình, phổ biến những quy định chung ngắn gọn giúp bộ đội dễ nhớ, dễ thực hiện. Phát huy tốt vai trò nắm, định hướng, hướng dẫn hành động của tiểu đội trưởng, trung đội trưởng trong sinh hoạt, công tác với chiến sĩ mới.

Cán bộ Đại đội 12, Tiểu đoàn 9, Trung đoàn 66 (Sư đoàn 10, Quân đoàn 3) trao đổi, nắm tình hình chiến sĩ mới. Ảnh: ANH THƯƠNG

Cán bộ Đại đội 12, Tiểu đoàn 9, Trung đoàn 66 (Sư đoàn 10, Quân đoàn 3) trao đổi, nắm tình hình chiến sĩ mới. Ảnh: ANH THƯƠNG

Cùng với đó, hằng ngày, trong các nội dung huấn luyện, giáo dục, cán bộ cũng lồng ghép những vấn đề cơ bản về quy chế dân chủ ở cơ sở để chiến sĩ nắm, vận dụng, như khơi gợi các vấn đề trong đó có nội dung dân chủ ở cơ sở liên quan trực tiếp đến nhiệm vụ, chức trách của chiến sĩ để bộ đội tìm hiểu, học tập, trao đổi, qua đó định hướng, hướng dẫn một cách thống nhất. Đội ngũ cán bộ cấp phân đội cũng chủ động tiếp xúc, nắm bắt những vướng mắc, kịp thời tháo gỡ để phát huy cao độ tính tự giác của chiến sĩ.

Ngoài các buổi sinh hoạt tập trung, chúng tôi sử dụng hòm thư góp ý, phiếu điều tra, tổ chức cho cán bộ gặp gỡ, trao đổi để chiến sĩ thoải mái đóng góp ý kiến. Đối với chiến sĩ là người dân tộc thiểu số, chúng tôi phân công chiến sĩ có trình độ nhận thức tốt kèm cặp, giúp đỡ...

Đại úy CAO XUÂN HÓA (Chính trị viên Đại đội 12, Tiểu đoàn 9, Trung đoàn 66, Sư đoàn 10, Quân đoàn 3)

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/xay-dung-quan-doi/de-chien-si-moi-thuc-hien-tot-quy-che-dan-chu-o-co-so-767310