ĐBQH PHẠM TRỌNG NGHĨA: NHÀ LƯU TRÚ LÀ GIẢI PHÁP CÓ NHIỀU ƯU THẾ KHI NGUỒN CUNG NHÀ Ở XÃ HỘI CHƯA ĐÁP ỨNG YÊU CẦU

Đóng góp ý kiến về dự án Luật Nhà ở (sửa đổi), đại biểu Phạm Trọng Nghĩa, Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn cho rằng, nhà lưu trú không chỉ là nhu cầu của riêng người lao động trong khu công nghiệp mà còn là mong muốn tha thiết của nhiều người lao động làm việc ngoài khu công nghiệp. Trong lúc nguồn cung nhà ở xã hội chưa đáp ứng thì nhà lưu trú là giải pháp có nhiều ưu thế.

Nhà lưu trú là giải pháp có nhiều ưu thế khi nguồn cung nhà ở xã hội chưa đáp ứng yêu cầu

Đóng góp ý kiến về dự án Luật Nhà ở (sửa đổi), đại biểu Phạm Trọng Nghĩa, Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn đánh giá cao nỗ lực của cơ quan chủ trì thẩm tra và cơ quan soạn thảo trong việc tiếp thu cũng như giải trình ý kiến ĐBQH tại Kỳ họp thứ 5, Hội nghị ĐBQH chuyên trách.

Góp ý về quy định liên quan đến hình thức phát triển nhà ở xã hội tại Điều 80, đại biểu cho rằng, hiện cả nước có khoảng 7 triệu lao động đang làm việc tại gần 400 khu công nghiệp. Tỷ lệ nhà ở phục vụ công nhân làm việc tại các khu công nghiệp, khu chế xuất hiện nay mới chỉ đáp ứng được khoảng hơn 30% nhu cầu. Theo khảo sát đầu năm 2023 của Viện Công nhân - Công đoàn, có tới khoảng 90% công nhân di cư phải thuê trọ tại khu dân sinh với điều kiện chật hẹp, ẩm thấp, không đảm bảo tái tạo sức lao động, không bảo đảm sinh hoạt lâu dài.

Đại biểu Phạm Trọng Nghĩa, Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn tại Kỳ họp thứ 6

Đại biểu Phạm Trọng Nghĩa, Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn tại Kỳ họp thứ 6

Nghị quyết số 02-NQ/TW, ngày 12/6/2021 của Bộ Chính trị về đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới yêu cầu: Nhà nước, chính quyền các cấp có cơ chế huy động, bố trí nguồn lực tài chính thỏa đáng để nâng cao phúc lợi xã hội, chăm lo, giải quyết những vấn đề khó khăn, bức xúc của người lao động, nhất là nhà ở, trường học, bệnh viện, nơi vui chơi, giải trí. Như vậy, Nhà nước và xã hội cần chung tay, Công đoàn phải có trách nhiệm tạo điều kiện ngày càng tốt hơn cho công nhân, người lao động - chủ thể chính tạo ra của cải, vật chất cho xã hội. Trong bối cảnh nguồn lực công còn hạn chế thì việc huy động nguồn lực ngoài ngân sách nhà nước để đầu tư xây dựng nhà ở cho người lao động là hết sức cần thiết. Thực tế Tổng liên đoàn Liên đoàn Lao động Việt Nam đã triển khai việc xây dựng thiết chế công đoàn, trong đó có nhà ở cho công nhân, người lao động thuê.

Đại biểu cho biết, ở nước ta, công đoàn là chủ thể đặc biệt vừa là tổ chức đại diện người lao động - vừa là tổ chức chính trị - xã hội. Công đoàn đang đứng trước thách thức và cạnh tranh lớn. Nhất là trong bối cảnh phải thực hiện các cam kết về lao động trong các FTA thế hệ mới cũng như chuẩn bị cho việc tham gia các mô hình hội nhập, hợp tác mới. Ngoài CPTPP, EVFTA, chúng ta đang trong quá trình đàm phán để hình thành Khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương (IPEF). Khuôn khổ này do Hoa Kỳ khởi xướng. - chiếm 40% GDP, 28% thương mại hàng hóa và dịch vụ toàn cầu với 4 trụ cột cơ bản, trong đó, dự kiến sẽ có nhiều điều kiện chặt chẽ về lao động, điều này sẽ tạo sức ép lớn lên sứ mệnh và vai trò của Công đoàn Việt Nam.

Do đó, đại biểu đề nghị quy định Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam là một trong các chủ thể chủ quản dự án đầu tư xây dựng nhà xã hội để cho người lao động thuê theo Phương án 1 tại khoản 4 Điều 80 Dự thảo. Đồng thời, bổ sung Công đoàn là chủ đầu tư xây dựng Nhà lưu trú cho công nhân, coi đây là trách nhiệm, là nhiệm vụ chính trị của Công đoàn đối với đoàn viên của mình, đối với công nhân, người lao động.

Về địa điểm xây dựng nhà lưu trú, dự thảo Luật đang thiết kế theo hướng chỉ cho phép xây dựng nhà lưu trú công nhân trong diện tích đất thương mại, dịch vụ của khu công nghiệp và không tán thành xây dựng nhà lưu trú công nhân ngoài khu công nghiệp. Như đã phân tích ở trên, trước nhu cầu rất cao về chỗ ở của công nhân, người lao động, nhất là ở các khu công nghiệp tập trung. Việc huy động nguồn lực xã hội, mở rộng chủ thể được phép đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, nhà lưu trú cho công nhân, người lao động là hết sức cần thiết.

Đại biểu đề nghị nghiên cứu, bổ sung quy định cho phép đầu tư xây dựng nhà lưu trú cho công nhân cả ở ngoài phạm vi khu công nghiệp. Bởi lẽ, trong thực tế, đối với những khu công nghiệp đã hình thành từ lâu, đã sản xuất ổn định, tập trung nhiều người lao động thì đến nay không còn quỹ đất bên trong khu công nghiệp để xây dựng nhà lưu trú. Trong khi đó, chủ đầu tư khu công nghiệp hoặc doanh nghiệp hoạt động tại khu công nghiệp có nguyện vọng xây dựng nhà lưu trú cho người lao động của mình ở ngoài phạm vi khu công nghiệp thì chưa có cơ chế để thực hiện.

Mặt khác, nhà lưu trú không chỉ là nhu cầu của riêng người lao động trong khu công nghiệp mà còn là mong muốn tha thiết của nhiều người lao động làm việc ngoài khu công nghiệp. Trong lúc nguồn cung nhà ở xã hội chưa đáp ứng thì nhà lưu trú là giải pháp có nhiều ưu thế.

Đại biểu nhấn mạnh, nhà lưu trú cần được xem xét tổng thể cả trong và ngoài khu công nghiệp, quy định dự thảo Luật cần được xây dựng trên cơ sở bằng chứng thực tiễn, không vì sợ khó quản lý, sợ dễ dẫn đến lạm dụng, sợ trục lợi mà bỏ qua chính sách tốt đẹp này. Vì vậy, cần bổ sung và sửa các Điều tương ứng trong Dự thảo Luật nhất là tại mục 3 Chương VI.

Cần quy định hợp lý hơn về phát triển nhà ở nhiều tầng nhiều căn hộ của cá nhân

Về Phát triển nhà ở nhiều tầng nhiều căn hộ của cá nhân, đại biểu Phạm Trọng Nghĩa cho biết, khoản 1 Điều 57 Dự thảo Luật quy định: Đối với Nhà ở có từ 02 tầng trở lên mà tại mỗi tầng có thiết kế, xây dựng căn hộ để bán, cho thuê mua đối với từng căn hộ hoặc nếu là nhà cho thuê có số lượng từ 20 căn hộ trở lên thì phải đáp ứng điều kiện làm chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở.

Theo quy định tại khoản 1 Điều 35 thì để trở thành Chủ đầu tư phải là doanh nghiệp hoặc hợp tác xã. Như vậy, theo quy định của Dự thảo Luật thì cá nhân không được xây dựng nhà ở nhiều tầng nhiều căn hộ để bán hoặc cho thuê mua kể cả khi trong tòa nhà chỉ có 2 căn hộ để bán hoặc cho thuê mua mà chỉ được xây nhà cho thuê. Trong khi đó, Khoản 2 Điều 57 quy định Đối với căn hộ cho thuê dưới 20 căn thì không phải đáp ứng yêu cầu là chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng. Như vậy, cùng 01 tòa nhà có dưới 20 căn hộ nếu cho thuê thì không cần đăng ký thành lập DN hoặc HTX nhưng nếu để bán hoặc cho thuê mua thì lại phải thành lập DN hoặc HTX. Ý nghĩa của điều kiện này là gì cần được lý giải thuyết phục và có căn cứ.

Theo đại biểu, quy định tại Điều 57 của Dự thảo Luật như trên thiên về kiểm soát đầu vào, tập trung vào mối quan hệ pháp lý giữa bên đầu tư xây dựng và bên sử dụng mà chưa tập trung vào việc kiểm soát đầu ra nhằm bảo đảm an toàn và bảo vệ quyền lợi người sử dụng tức là người mua, người thuê mua hay người thuê.

Ngoài ra, việc đưa ra quy định chỉ cho phép doanh nghiệp và hợp tác xã được đầu tư xây dựng nhà ở nhiều tầng nhiều căn hộ để bán, cho thuê mua mà không cho cá nhân thực hiện sẽ có tác động tiêu cực đến nguồn cung căn hộ này, làm giảm khả năng tiếp cận chỗ ở của phần lớn công nhân, viên chức, người lao động thu nhập thấp ở các đô thị lớn. Đại biểu đề nghị rà soát lại, để quy định phù hợp, khả thi hơn.

Minh Hùng

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn/hoatdongdbqh/pages/tin-hoat-dong-dai-bieu.aspx?itemid=81437