ĐBQH ĐỖ THỊ VIỆT HÀ: CẦN SỚM SỬA ĐỔI ĐỒNG BỘ CÁC LUẬT CÓ LIÊN QUAN ĐẾN VIỆC KHỞI KIỆN, KHỞI TỐ ĐỐI VỚI CÁC HÀNH VI CHẬM ĐÓNG, TRỐN ĐÓNG BẢO HIỂM XÃ HỘI

Tiếp tục góp ý vào dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), liên quan đến việc hoàn thiện quy định nâng cao hiệu lực xử lý đối với các hành vi chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, đại biểu Đỗ Thị Việt Hà, đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang cho rằng, cần sớm nghiên cứu, sửa đổi đồng bộ các luật có liên quan đến việc khởi kiện, khởi tố đối với các hành vi chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội

Thời gian qua, tình trạng chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc vẫn còn diễn ra ở nhiều doanh nghiệp, địa phương, ảnh hưởng tới việc giải quyết chế độ bảo hiểm xã hội của người lao động. Trao đổi với đại biểu Đỗ Thị Việt Hà, Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Bắc Giang, đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang để làm rõ thêm biện pháp khắc phục chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc với các biện pháp xử lý, chế tài xử lý đối với các hành vi vi phạm.

Đại biểu Đỗ Thị Việt Hà, Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Bằc giang, Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang

Phóng viên: Thưa đại biểu, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, trong đó có việc chưa quản lý chặt chẽ đối tượng thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc. Về vấn đề này, đại biểu có đóng góp như thế nào để có biện pháp hữu hiệu xử lý tình trạng chậm, trốn đóng bảo hiểm xã hội?

ĐBQH Đỗ Thị Việt Hà: Để bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật, tôi đề nghị Ban soạn thảo cần tiếp tục rà soát, nghiên cứu bổ sung một số biện pháp, chế tài như khấu trừ tiền nợ bảo hiểm xã hội tại các tài khoản ngân hàng sau khi đã có thông báo đôn đốc của cơ quan bảo hiểm xã hội trong thời gian nhất định, có thể là 3 tháng, công khai danh tính các đơn vị nợ bảo hiểm xã hội trên các phương tiện thông tin đại chúng. Đồng thời cần có các quy định đồng bộ, khả thi nhằm khắc phục những khó khăn, vướng mắc đang đặt ra hiện nay có thể nói là đang khá bế tắc trong việc khởi kiện dân sự và khởi tố hình sự đối với người sử dụng lao động có hành vi chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội. Theo quy định của dự thảo luật có 2 chủ thể có quyền và trách nhiệm khởi kiện đối với người sử dụng lao động có hành vi chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội, đó là công đoàn thể hiện ở điểm c khoản 1 Điều 13 và cơ quan bảo hiểm xã hội thể hiện ở khoản 4 Điều 37. Ngoài việc khởi kiện về dân sự, dự thảo luật cũng quy định cơ quan bảo hiểm xã hội kiến nghị khởi tố theo quy định của pháp luật khi người sử dụng lao động có dấu hiệu phạm tội trốn đóng bảo hiểm xã hội theo quy định của Bộ luật Hình sự, nội dung này được thể hiện ở khoản 5 Điều 37.

Tôi cho rằng quy định trên là chưa đầy đủ, đề nghị chỉnh sửa, bổ sung khoản 4 và khoản 5 Điều 37 theo hướng sau: Khi người sử dụng lao động có hành vi chậm, trốn đóng bảo hiểm xã hội và cơ quan có thẩm quyền đã áp dụng các biện pháp xử lý vi phạm hành chính mà người sử dụng lao động vẫn không đóng hoặc đóng không đủ số tiền bảo hiểm xã hội bắt buộc phải đóng, không chỉ cơ quan bảo hiểm xã hội mà tổ chức công đoàn và người lao động cũng có quyền khởi kiện người sử dụng lao động theo quy định của pháp luật. Đồng thời, khi người sử dụng lao động có dấu hiệu phạm tội trốn đóng bảo hiểm xã hội theo quy định của Bộ luật Hình sự, không chỉ cơ quan bảo hiểm xã hội mà tổ chức công đoàn, các cơ quan thanh tra, kiểm tra về lao động bảo hiểm xã hội và người lao động đều có quyền kiến nghị, khởi tố theo quy định của pháp luật. Song song với đó, cần hoàn thiện các quy định của pháp luật có liên quan, bảo đảm tính khả thi, hiệu lực, hiệu quả của việc khởi kiện, khởi tố đối với các hành vi chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội. Nếu không, việc khởi tố, khởi kiện theo quy định trên sẽ tiếp tục bế tắc như hiện nay.

Phóng viên: Thưa đại biểu, từ ý kiến của nhiều tổ chức Công đoàn các địa phương thì biện pháp thực hiện cơ chế tổ chức công đoàn khởi kiện doanh nghiệp ra tòa án đối với hành vi nợ bảo hiểm xã hội nhằm vẫn chưa thực sự hiệu quả. Vậy theo đại biểu, đâu là nguyên nhân và nên sửa đổi theo hướng nào?

ĐBQH Đỗ Thị Việt Hà: Từ thực tế tại Liên đoàn lao động tỉnh Bắc Giang, tôi cho rằng có 4 nguyên nhân gây nên tình trạng trên. Một là, khó khăn do quy định về thẩm quyền khởi kiện ra tòa án là của công đoàn cơ sở tại doanh nghiệp. Trong khi đó, cán bộ công đoàn cơ sở là người được người sử dụng lao động tuyển dụng, trả lương nên rất khó thuyết phục họ đứng tên đại diện cho công đoàn cơ sở khởi kiện người sử dụng lao động.

Hai là, khó khăn do quy định một trong những thủ tục để công đoàn cơ sở khởi kiện doanh nghiệp là phải được sự ủy quyền của từng người lao động. Trong khi doanh nghiệp dừng sản xuất, người lao động đã đi làm ở nhiều doanh nghiệp khác. Vì vậy, công đoàn cơ sở gặp rất nhiều khó khăn để lấy được hàng trăm giấy ủy quyền của người lao động.

Ba là, khó khăn do quy định người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp đã xuất cảnh nên không có người đại diện để hòa giải với công đoàn cơ sở, do đó không có căn cứ để tòa án ra quyết định công nhận kết quả hòa giải thành ngoài tòa án và tiến hành thi hành án.

Bốn là, khó khăn do điều kiện về tài sản của doanh nghiệp. Để đảm bảo thi hành thi hành án gần như không có bởi tài khoản gần như không có tiền. Nhà xưởng của các doanh nghiệp chủ yếu là thuê máy móc, tài sản đã thế chấp tại ngân hàng.

Vì vậy, cùng với việc sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội, đề nghị Quốc hội cũng cần sớm nghiên cứu, sửa đổi đồng bộ các luật có liên quan đến việc khởi kiện, khởi tố đối với các hành vi chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội như Bộ luật Hình sự, Bộ luật Dân sự, Bộ luật Tố tụng hình sự, Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Lao động, Luật Công đoàn và các bộ luật khác có liên quan, để nâng cao tính khả thi, hiệu lực, hiệu quả của quy định trên và quan trọng nhất là để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của công nhân và người lao động.

Phóng viên: Xin cảm ơn đại biểu.

Hải Yến

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn/hoatdongdbqh/pages/tin-hoat-dong-dai-bieu.aspx?itemid=83087