Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho người khuyết tật tại Hà Nội

Sáng 17/5, Hội bảo trợ người khuyết tật - trẻ mồ côi TP Hà Nội, Sở Tư pháp TP Hà Nội, Phòng LĐTB&XH quận Cầu Giấy tổ chức tập huấn tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật năm 2024 cho đội ngũ làm công tác trợ giúp người khuyết tật và đối tượng người khuyết tật trên địa bàn quận Cầu Giấy.

Toàn cảnh hội nghị. (Ảnh: Cao Kỳ)

Toàn cảnh hội nghị. (Ảnh: Cao Kỳ)

Thực hiện Kế hoạch số 325/KH-UBND, Hội bảo trợ người khuyết tật - trẻ mồ côi TP Hà Nội, Sở Tư pháp TP Hà Nội phối hợp với Phòng LĐTB&XH quận Cầu Giấy tổ chức Hội nghị tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật năm 2024 và một số quy định chính sách đối với người khuyết tật trên địa bàn quận.

Tại hội nghị, báo cáo viên đã truyền đạt nội dung cơ bản của Luật Người khuyết tật; Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017 và các văn bản liên quan; hướng dẫn về thủ tục, giấy tờ trong hoạt động trợ giúp pháp lý; một số hoạt động nghiệp vụ trợ giúp pháp lý; chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội; quyền của người khuyết tật…

Bên cạnh đó là quyền của người được trợ giúp pháp lý; nghĩa vụ của người được trợ giúp pháp lý; phạm vi, hình thức trợ giúp pháp lý; yêu cầu trợ giúp pháp lý; các giấy tờ chứng minh người thuộc diện được trợ giúp pháp lý…

Trao đổi với PV, ông Phan Tiến Bình - Chủ tịch Hội bảo trợ người khuyết tật - trẻ mồ côi TP Hà Nội cho biết, được sự quan tâm của UBND TP Hà Nội, Sở Tư pháp TP Hà Nội đã có những chương trình phối hợp với UBND các quận, huyện, đặc biệt là Phòng LĐTB&XH tổ chức hướng dẫn và tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật, những chính sách của Đảng, Nhà nước cũng như UBND thành phố đến cán bộ, hội viên và người khuyết tật trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Tại các chương trình công tác hàng năm của Hội bảo trợ người khuyết tật - trẻ mồ côi TP Hà Nội đã thường xuyên tuyên truyền các nghị định, nghị quyết của HĐNĐ, UBND thành phố đến với cán bộ, hội viên cũng như các đối tượng chính sách để làm cho họ hiểu và nắm rõ các chương trình, chính sách an sinh của Đảng, Nhà nước.

Chủ tịch Phan Tiến Bình cho biết Hội bảo trợ người khuyết tật - trẻ mồ côi TP Hà Nội đã nhận được những phản hồi hết sức tích cực từ các thành viên của hội. (Ảnh: Cao Kỳ)

Chủ tịch Phan Tiến Bình cho biết Hội bảo trợ người khuyết tật - trẻ mồ côi TP Hà Nội đã nhận được những phản hồi hết sức tích cực từ các thành viên của hội. (Ảnh: Cao Kỳ)

“Trong chương trình của năm nay, Sở Tư pháp TP Hà Nội phối hợp cùng Hội bảo trợ người khuyết tật - trẻ mồ côi thành phố tổ chức 4 lớp với số lượng là gần 800 người là hội viên, cán bộ chính sách. Đây là những lực lượng nòng cốt để từ đó tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật đến các đối tượng chính sách. Trong năm 2024, chúng tôi đã nhận được rất nhiều ý kiến phản hồi tích cực từ người khuyết tật trên địa bàn thành phố đối với Nghị quyết 13 của HĐND thành phố.

Đây thể hiện sự quan tâm rất lớn của Thành ủy, HĐND, UBND thành phố Hà Nội với các đối tượng an sinh trên địa bàn thành phố. Thông qua các chính sách này, những chế độ dành cho người khuyết tật đã dần được cải thiện, đây cũng là điều mà người khuyết tật trên địa bàn thành phố hết sức mong mỏi trong thời gian qua. Đặc biệt, Hội bảo trợ người khuyết tật - trẻ mồ côi TP Hà Nội đã nhận được những phản hồi hết sức tích cực từ các thành viên của hội”, Chủ tịch Hội bảo trợ người khuyết tật - trẻ mồ côi TP Hà Nội nhấn mạnh.

Người khuyết tật đã khiếm khuyết một hoặc nhiều bộ phận cơ thể họ đã rất thiệt thòi khi tiếp cận với điều kiện kinh tế xã hội, đặc biệt họ cần được trợ giúp về mặt pháp lý để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của mình được ngang bằng với những người khác khi có hành vi vi phạm pháp luật làm ảnh đến quyền và lợi ích hợp pháp của họ.

Chính vì thế, hội nghị tập huấn tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật năm 2024 là chuỗi hoạt động thiết thực của Hội bảo trợ người khuyết tật - trẻ mồ côi TP Hà Nội, Sở Tư pháp TP Hà Nội, Phòng LĐTB&XH một số địa phương trên địa bàn thành phố.

Đây là chương trình nhằm tăng cường công tác truyền thông về trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật; nâng cao năng lực thực hiện trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật; tuyên truyền các văn bản pháp luật về quyền của người khuyết tật, các chế độ, chính sách trong việc tạo điều kiện, hỗ trợ người khuyết tật, thông qua đó giúp người khuyết tật biết được quyền của mình.

Vận động mọi người có nhận thức, thái độ đúng đắn, đồng cảm, sẵn sàng hỗ trợ, giúp đỡ những người kém may mắn hòa nhập cộng đồng.

Cao Kỳ

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/day-manh-tuyen-truyen-pho-bien-giao-duc-phap-luat-cho-nguoi-khuyet-tat-tai-ha-noi-381126.html