Đẩy mạnh giáo dục STEAM ngay từ bậc học Mầm non

Giúp trẻ mầm non trải nghiệm, tìm hiểu về giáo dục STEAM đang là mục tiêu được ngành Giáo dục TP Mỹ Tho (tỉnh Tiền Giang) hướng đến.

Cán bộ, giáo viên mầm non tỉnh Tiền Giang tìm hiểu dụng cụ dạy nhạc từ vật liệu tái chế.

Hơn 500 cán bộ, giáo viên cốt cán bậc học Mầm non trong toàn tỉnh Tiền Giang được tham quan, tìm hiểu dạy học STEAM cho học sinh bậc học Mầm non tại TP Mỹ Tho (Tiền Giang). Tại các điểm trường, giáo viên được tham quan cách thiết kế đồ dùng dạy học, cách làm đồ chơi, tổ chức bày trí dụng cụ học tập trong lớp, hành lang, sân trường… để giúp trẻ trải nghiệm tìm hiểu về giáo dục STEAM.

Đồ chơi cho trẻ cần thoát khỏi mô hình truyền thống

Đến tham quan các trường mầm non, nhiều giáo viên ngạc nhiên trước những sáng tạo của đồng nghiệp. Đồ dùng, đồ chơi đủ màu sắc, kiểu dáng được “chế tác” từ nguyên liệu sẵn có của địa phương hay từ nguồn phế liệu của các gia đình. Cẩn thận xem từng món đồ chơi và chụp hình lại, cô giáo trẻ Võ Thị Ngọc Vân, Trường Mầm non Tân Hương, huyện Châu Thành cho biết: Nhờ tham quan các mô hình ở TP Mỹ Tho, giúp cô học hỏi nhiều điều về giáo dục STEAM ở bậc học này. Nhiều đồ chơi đơn giản mà mình không nghĩ ra.

Để thực hiện đổi mới phương pháp giáo dục với yêu cầu lấy trẻ làm trung tâm, giáo viên cần hướng các hoạt động vào trẻ và cũng xuất phát từ trẻ. Việc dạy trẻ cần dựa trên nhu cầu, hứng thú, hiểu biết, kinh nghiệm riêng của từng trẻ nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục. Giáo dục lấy trẻ làm trung tâm còn tập trung kết hợp việc học với hoạt động giải trí để giúp trẻ có được tinh thần thoải mái nhất để bé có thể vui chơi phát triển về thể chất và cả trí tuệ, tinh thần.

Cô Phạm Ngọc Tài, Hiệu trưởng Trường Mầm non Bông Sen (TP Mỹ Tho) cho biết: Hiện nay, trên thị trường có rất nhiều đồ dùng, đồ chơi cho trẻ em, tuy nhiên xét về phương diện giáo dục thì không thể đáp ứng đầy đủ các nhu cầu và mục đích của chương trình dạy học ở trường mầm non. Khi có món đồ chơi do cô và trẻ hoặc trẻ tự tay làm ra, các cháu cảm thấy say mê và hứng thú hơn rất nhiều so với các đồ chơi mua sẵn. Đây cũng là một hình thức dạy cho trẻ biết yêu quý sức lao động ngay khi còn nhỏ. Vì vậy, phong trào tự làm đồ dùng, đồ chơi cho trẻ được nhà trường khuyến khích và tạo điều kiện tốt nhất.

Hướng dẫn giáo viên tham quan tại Trường Mầm non Bông Sen, cô Nguyễn Vĩnh Hảo, chuyên viên Sở GD&ĐT tỉnh Tiền Giang phân tích: Đồ chơi cho trẻ em hiện nay cần thoát khỏi những mô hình truyền thống. Theo đó, đồ chơi phát huy tinh thần sáng tạo cho trẻ, giúp trẻ trải nghiệm một số hoạt động thực tế.

Do đó, giáo viên cần phải biết cách tạo đồ chơi theo hướng thông minh, đồ chơi được ứng dụng trong nhiều chủ đề khác nhau. Tùy điều kiện của từng nơi, giáo viên nên tạo ra những đồ chơi có thể sử dụng nhiều lần từ ống nước, xốp, gỗ… Trẻ có thể sử dụng các nguyên vật liệu theo hướng dẫn của cô để tự làm sản phẩm.

Phòng học STEM tại Trường MN Bông Sen (TP Mỹ Tho, Tiền Giang).

Khơi dậy tiềm năng sáng tạo cho trẻ

Giáo dục STEAM có vai trò quan trọng giúp tạo ra các định hướng tư duy tích cực và tạo nên thói quen học tập tích cực. Trẻ mầm non thường có sự hiếu kỳ và có rất nhiều câu hỏi để khám phá thế giới xung quanh. Trẻ được tiếp cận STEM từ sớm mang tới những lợi ích tuyệt vời, hỗ trợ và giúp trẻ khám phá thế giới xung quanh, xây dựng cho trẻ có những kỹ năng cần thiết có thể vận dụng và phát triển trong thế giới công nghệ hiện đại ngày nay.

Khi triển khai chương trình STEAM tại Trường MN Hoa Hồng (TP Mỹ Tho), cô Võ Thị Gia Hòa, giáo viên nhà trường cho biết: Các bài học STEAM không đi theo mô hình mầm non truyền thống mà thường được thiết kế riêng theo nhiều chủ đề phong phú, đa dạng, để kích thích khả năng tư duy, sáng tạo của trẻ.

Ví dụ như khi học làm bánh, sáng tạo nghệ thuật, vẽ tranh, học Tiếng Anh… Trong mỗi giờ học này, các em không phải ngồi yên và làm theo những gì được dạy mà các em sẽ được tự do, thỏa sức tìm tòi, nghiên cứu. Giáo viên chỉ là người đưa ra gợi ý và hỗ trợ các em khi cần thiết.

Cô Nguyễn Vĩnh Hảo, chuyên viên Sở GD&ĐT Tiền Giang hướng dẫn giáo viên cách sử dụng vật dụng tái chế.

Thông qua các hoạt động STEAM trẻ sẽ trở thành người lớn dưới dạng trò chơi nhập vai vào các nhân vật: nấu ăn, chăm sóc sức khỏe, sắc đẹp…Giáo viên chỉ giao nhiệm vụ cho trẻ, tạo cảm hứng để trẻ được thỏa sức tìm tòi, khám phá sẽ khiến trẻ tiếp nhận kiến thức một cách dễ dàng hơn. Sau mỗi tiết học, giáo viên sẽ quan sát, phân tích và biết được thế mạnh và điểm yếu của từng em để từ đó tiếp tục hướng dẫn từng trẻ theo tiến độ học tập và phù hợp với khả năng tự nhiên của trẻ.

“Đến với các điểm trường tham quan, giáo viên không chỉ quan sát, ghi nhận mà cần tìm hiểu cách làm đồ chơi cho trẻ, các sản phẩm của trẻ tự làm, trải nghiệm cách tổ chức mô hình. Mỗi điểm trường có điều kiện về diện tích, kinh tế... khác nhau. Để việc học hỏi đạt kết quả, giáo viên cần tìm hiểu kỹ cách tổ chức, bố trí, vật dụng làm đồ chơi cho trẻ" - cô Nguyễn Vĩnh Hảo, chuyên viên Sở GD&ĐT tỉnh Tiền Giang cho biết thêm.

Theo chia sẻ của cán bộ, giáo viên, giáo dục STEAM cũng có thể mắc phải những khó khăn nhất định nếu cán bộ quản lý, giáo viên không thực sự hiểu rõ về bản chất của phương pháp này; cũng như không nắm được cách tiếp thu của những trẻ mầm non để có biện pháp hỗ trợ tốt nhất. Có nhiều đơn vị trường mầm non đã tận dụng được lợi ích của STEAM mang lại và từng bước khai phá tiềm năng của nó một cách triệt để, hứa hẹn một bước phát triển mới trong cách giáo dục trẻ.

STEAM là viết tắt của các từ Science (Khoa học), Technology (Công nghệ), Engineering (Kỹ thuật), Art (Nghệ thuật) và Math (Toán học). Giáo dục STEAM là một khái niệm dạy học liên ngành kết hợp giữa nghệ thuật với các môn học STEM truyền thống là: Khoa học, Công nghệ, Kỹ thuật và Toán học.

Xuân Uyên - Quốc Ngữ

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/day-manh-giao-duc-steam-ngay-tu-bac-hoc-mam-non-post682440.html