Dấu ấn từ thực hiện chương trình đột phá

Đổi mới mạnh mẽ tư duy phát triển, năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành và tổ chức thực hiện, huyện Trùng Khánh chủ động, kịp thời vận dụng sáng tạo chủ trương, nghị quyết của Đảng, có quyết sách và hành động phù hợp trong tình hình mới; lựa chọn đúng trọng tâm, khâu đột phá, tổ chức thực hiện đạt hiệu quả.

Đầu tư cho phát triển du lịch - dịch vụ

Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện Trùng Khánh lần thứ XX, nhiệm kỳ 2020 - 2025 xác định mục tiêu đến năm 2025 đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, thương mại - dịch vụ chiếm 41% trong cơ cấu nền kinh tế, Huyện ủy Trùng Khánh đã ban hành Nghị quyết số 03-NQ/HU về phát triển du lịch - dịch vụ bền vững giai đoạn 2021 - 2025; cụ thể nghị quyết bằng các kế hoạch thực hiện hằng năm, trong đó, xây dựng và triển khai phát triển các cơ sở lưu trú, du lịch cộng đồng. Đến nay, huyện có 54 cơ sở lưu trú du lịch với trên 600 phòng nghỉ đáp ứng nhu cầu phục vụ khách du lịch; xây dựng, phát triển các sản phẩm du lịch đặc trưng, trở thành sản phẩm OCOP; xây dựng và triển khai chỉnh trang đô thị, các điểm có tiềm năng phát triển du lịch một cách đồng bộ; xây dựng và triển khai chỉnh trang các điểm di tích lịch sử - văn hóa; bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa bản địa của các dân tộc; quảng bá xúc tiến du lịch...

Danh thắng Thác Bản Giốc (Trùng Khánh) mỗi năm thu hút hàng trăm nghìn lượt du khách đến tham quan, trải nghiệm. Ảnh Thế Vĩnh

Danh thắng Thác Bản Giốc (Trùng Khánh) mỗi năm thu hút hàng trăm nghìn lượt du khách đến tham quan, trải nghiệm. Ảnh Thế Vĩnh

Nhằm tạo điểm nhấn để phát triển du lịch đặc thù, huyện tập trung xây dựng mô hình thí điểm phát triển dịch vụ du lịch bền vững tại xóm Bản Gun, Khuổi Ky (xã Đàm Thủy); xây dựng phố Thông Huề (xã Đoài Dương) phát triển điểm dịch vụ du lịch cộng đồng. Đầu tư, chỉnh trang đô thị thị trấn Trùng Khánh, thị trấn Trà Lĩnh, các điểm dừng nghỉ trên Quốc lộ 4A, các điểm ngắm cảnh Công viên địa chất Toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng và một số địa điểm có tiềm năng phát triển du lịch. Hỗ trợ, chỉnh trang, tạo điểm nhấn tại các điểm di tích lịch sử, văn hóa như: đền Hoàng Lục (Đình Phong), hang Ngườm Hoài (Ngọc Khê), hang Ngườm Chiêng (Công trường K50) thị trấn Trùng Khánh, Mắt Thần núi (Cao Chương); đầu tư đường vào miếu Nà An (Cao Chương). Phối hợp với Ban Quản lý Công viên địa chất Non nước Cao Bằng kiểm kê, sưu tầm hiện vật, đồ vật liên quan đến dân tộc Nùng để bổ sung cho điểm di sản “Homestay Ngựa của dân tộc Nùng”, xóm Háng Thoang (xã Đàm Thủy); điểm di sản hạt dẻ xóm Bản Khấy, xã Chí Viễn và điểm di sản Thủy điện Thoong Gót, xã Chí Viễn.

Từ năm 2021 đến nay, huyện tổ chức thành công Lễ đón nhận Bằng xếp hạng di tích quốc gia đối với di tích lịch sử Địa điểm Đài tiếng nói Việt Nam tại hang Ngườm Chiêng (1966 - 1978), thị trấn Trùng Khánh và danh lam thắng cảnh Mắt Thần núi, xã Cao Chương; phối hợp tổ chức Lễ hội du lịch thác Bản Giốc; Giải chạy Siêu đường mòn “Non nước Cao Bằng”; khảo sát, triển khai kết nối tour, tuyến du lịch Hà Quảng - Trùng Khánh; phối hợp tổ chức Lễ vận hành thí điểm đón khách du lịch qua lại khu cảnh quan thác Bản Giốc (Việt Nam) - Đức Thiên (Trung Quốc)… Các khu, điểm du lịch trên địa bàn huyện đón gần 1,9 triệu lượt khách đến tham quan, du lịch, đạt 63,1% kế hoạch.

Phát triển cây ăn quả theo hướng hàng hóa gắn với chế biến

Thực hiện Nghị quyết số 04-NQ/HU, ngày 1/3/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện về phát triển cây ăn quả theo hướng hàng hóa gắn với chế biến, giai đoạn 2021 - 2025, huyện tập trung khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh địa phương, phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững. Đến nay, toàn huyện trồng mới 156,6 ha dẻ, tổng diện tích cây dẻ toàn huyện đạt gần 700 ha, sản lượng bình quân đạt khoảng 160 tấn hạt/năm; 81,49 ha cây cam, quýt, đạt 81,49% kế hoạch, sản lượng bình quân đạt khoảng 600 tấn/năm; các xã, thị trấn đăng ký thực hiện trồng 265,08 ha cây lê, triển khai trồng mới được 36,6 ha lê, đạt 81,4% kế hoạch, trong đó, 25 ha cho thu hoạch, sản lượng lê bình quân đạt 100 tấn/năm.

Từ năm 2021 đến nay, huyện Trùng Khánh trồng mới 81,49 ha cây cam, quýt, đạt 81,49% kế hoạch, sản lượng bình quân đạt khoảng 600 tấn/năm.

Từ năm 2021 đến nay, huyện Trùng Khánh trồng mới 81,49 ha cây cam, quýt, đạt 81,49% kế hoạch, sản lượng bình quân đạt khoảng 600 tấn/năm.

Từ nay đến năm 2025, huyện tiếp tục chỉ đạo các địa phương mở rộng diện tích cây ăn quả theo hướng hàng hóa gắn với chế biến; áp dụng quy trình sản xuất VietGAP; trồng mới 63 ha cam, quýt, sử dụng phương pháp ghép từ giống cam, quýt địa phương như quýt Trà Lĩnh, cam V2, cam C36, cam Xã Đoài; trồng mới 161,62 ha dẻ tại các vùng trong quy hoạch, việc sản xuất cây giống dựa trên cơ sở các nghiên cứu khoa học, được thực hiện bằng phương pháp ghép và ươm hạt, đảm bảo cây dẻ cho năng suất cao, ổn định, cho thu hoạch sớm, giữ được chất lượng và đặc tính của hạt dẻ Trùng Khánh. Tiếp tục trồng mới 177,54 ha cây lê vàng địa phương hoặc các giống lê Đài Loan cho năng suất cao, chất lượng tốt, phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng và có khả năng chống chịu sâu bệnh tốt, góp phần nâng cao đời sống nhân dân, phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Tập trung phát triển kinh tế cửa khẩu

Thế mạnh của huyện là kinh tế Cửa khẩu, trên địa bàn hiện có Cửa khẩu Trà Lĩnh và Cửa khẩu Pò Peo. Để phát triển kinh tế cửa khẩu, huyện chỉ đạo cơ quan chuyên môn xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế cửa khẩu hằng năm, phù hợp với từng giai đoạn. Chú trọng việc phát triển nguồn nhân lực quản lý, hoàn thành kết cấu hạ tầng cửa khẩu, cơ chế thông thoáng trong thu hút đầu tư, tạo điều kiện để phát triển sản xuất, kinh doanh, cụ thể hóa các chế độ, chính sách của Trung ương, của tỉnh, huyện để phát huy hiệu quả kinh tế cửa khẩu. Thường xuyên cải cách thủ tục hành chính, đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến đầu tư, mở rộng quan hệ đối ngoại với Trung Quốc trên các lĩnh vực thương mại, đầu tư, du lịch, vận tải, xuất nhập khẩu để thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào cửa khẩu và mở rộng hoạt động sản xuất, kinh doanh tại cửa khẩu.

Phát triển kinh tế cửa khẩu là một trong những nhiệm vụ đột phá, chương trình trọng tâm để phát triển kinh tế - xã hội của huyện Trùng Khánh.

Phát triển kinh tế cửa khẩu là một trong những nhiệm vụ đột phá, chương trình trọng tâm để phát triển kinh tế - xã hội của huyện Trùng Khánh.

Đến nay, tại Cửa khẩu Trà Lĩnh và Cửa khẩu Pò Peo có 21 dự án của 18 nhà đầu tư được cấp có thẩm quyền cấp quyết định chủ trương đầu tư/giấy chứng nhận đăng ký đầu tư trên địa bàn khu kinh tế với tổng số vốn đăng ký đầu tư trên 8.400 tỷ đồng, trong đó, một số dự án được đầu tư xây dựng hoàn chỉnh và đưa vào khai thác sử dụng, một số dự án đang tiến hành các thủ tục liên quan đến đầu tư xây dựng và công tác đền bù giải phóng mặt bằng. Một số dự án đầu tư của các nhà đầu tư trên địa bàn Cửa khẩu Trà Lĩnh và Pò Peo đã hoàn thành đưa vào khai thác sử dụng, phục vụ các hoạt động kinh doanh xuất nhập khẩu hàng hóa có hiệu quả, góp phần hoàn thiện hạ tầng phục vụ hoạt động thương mại biên giới, trao đổi, xuất nhập khẩu hàng hóa qua địa bàn khu kinh tế cửa khẩu tỉnh, tạo động lực phát triển sản xuất, kinh doanh, giao lưu thương mại, phát triển kinh tế cho tỉnh. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu từ đầu nhiệm kỳ đến nay đạt 597,6 triệu USD, thu thuế qua cửa khẩu đạt 284,56 tỷ đồng.

Đặc biệt, Lễ công bố nâng cấp cặp Cửa khẩu Trà Lĩnh (Việt Nam) - Long Bang (Trung Quốc) lên cửa khẩu quốc tế do UBND tỉnh phối hợp với chính quyền nhân dân Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây tổ chức tại khu vực Cửa khẩu Quốc tế Trà Lĩnh (Việt Nam) - Long Bang (Trung Quốc) là sự kiện rất ý nghĩa đối với huyện Trùng Khánh nói riêng và tỉnh Cao Bằng nói chung, mở ra nhiều cơ hội phát triển mới từ kinh tế biên mậu, đặc biệt là các loại hàng quá cảnh qua nước thứ 3.

Bí thư Huyện ủy Trùng Khánh Nguyễn Anh Quế cho biết: Để xây dựng huyện Trùng Khánh phát triển toàn diện, Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XX, nhiệm kỳ 2020 - 2025 xác định tập trung thực hiện 2 chương trình trọng tâm: Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; phát triển đô thị thị trấn Trùng Khánh, thị trấn Trà Lĩnh và 3 nội dung đột phá: phát triển du lịch - dịch vụ bền vững; phát triển cây ăn quả theo hướng hàng hóa gắn với chế biến; phát triển kinh tế cửa khẩu. Sau nửa nhiệm kỳ thực hiện nghị quyết, tỷ trọng nông nghiệp chiếm 35%, thương mại - dịch vụ chiếm 40%, công nghiệp - xây dựng chiếm 25%. Giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp tăng bình quân 2%/năm, đạt 50,44 triệu đồng/ha. Các chương trình mục tiêu quốc gia được triển khai đồng bộ, có hiệu quả. Đến nay, bình quân toàn huyện đạt 11,53 tiêu chí nông thôn mới/xã; hộ nghèo bình quân giảm trên 4%/năm. Phấn đấu đến hết năm 2025, Trùng Khánh thoát huyện nghèo.

Diệu Hoa

Nguồn Cao Bằng: https://baocaobang.vn/dau-an-tu-thuc-hien-chuong-trinh-dot-pha-3166611.html