Dấu ấn của Thái Nguyên trong chuyển đổi số

Nghị quyết số 01-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đặt ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, Thái Nguyên thuộc nhóm 15 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước về chuyển đổi số.

Lãnh đạo xã Quang Sơn (Đồng Hỷ) kiểm tra hệ thống thiết bị phục vụ người dân thực hiện dịch vụ công.

Với nhiều người dân Thái Nguyên, CĐS không còn là chuyện xa lạ mà đã hiện hữu trong cuộc sống hàng ngày. CĐS giúp người dân thuận tiện rất nhiều trong đời sống cũng như thực hiện các thủ tục hành chính tại cơ quan Nhà nước, bệnh viện, trường học...

Anh Nguyễn Văn Tuấn, ở tổ 7, phường Thịnh Đán (TP. Thái Nguyên), chia sẻ: Với việc áp dụng công nghệ số vào các hoạt động, bản thân tôi nhận thấy đã đáp ứng được nhu cầu giải quyết công việc của người dân bảo đảm nhanh gọn. Hiện nay, với một chiếc điện thoại thông minh, tôi có thể sử dụng nhiều dịch vụ công trực tuyến, mỗi ngày đi chợ không cần mang theo tiền mặt, sử dụng được Internet băng thông rộng di động ngay cả khi đi làm việc ở vùng sâu, vùng xa…

Qua tìm hiểu thực tế chúng tôi được biết, thực hiện công cuộc CĐS, Thái Nguyên đặc biệt quan tâm đầu tư phát triển hạ tầng số. Đồng thời, tỉnh xác định xây dựng chính quyền số giúp phát triển kinh tế số, xã hội số. Trong chính quyền số, tỉnh tập trung nâng cao chất lượng điều hành và thực hiện các dịch vụ công để phục vụ người dân, doanh nghiệp được nhanh nhất, thuận tiện, chính xác.

Theo đó, sau gần 3 năm thực hiện Nghị quyết số 01-NQ/TU, tỉnh Thái Nguyên đã đạt được nhiều kết quả quan trọng.

Đối với hạ tầng số, tỉnh quan tâm phát triển mạng lưới viễn thông di động, đặc biệt là ở vùng sâu, vùng xa, vùng “lõm” thông tin. Đến nay, 100% các xóm, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh đã được kết nối Internet băng thông rộng qua hạ tầng mạng lưới cáp quang, với tốc độ tải về trung bình đạt gần 80Mbps (tăng gần 30% so với năm 2021 và tương đương mức trung bình toàn quốc). Toàn tỉnh hiện có 86% người dân sử dụng các dịch vụ Internet, với 1 triệu thuê bao Internet băng thông rộng di động, 246 nghìn thuê bao Internet băng thông rộng cố định; 1,3 triệu người dân sử dụng điện thoại, đạt tỷ lệ 95% số dân.

Hạ tầng số được quan tâm đã giúp CĐS phát triển vững vàng trên cả 3 trụ cột (chính quyền số, kinh tế số và xã hội số). Đối với chính quyền số, tỉnh đã cung cấp tích hợp 100% thủ tục hành chính toàn trình (760 thủ tục) lên Cổng dịch vụ công Quốc gia. Đồng thời, giảm 50% mức thu đối với 6 hoạt động cung cấp dịch vụ công trực tuyến toàn trình trên địa bàn tỉnh, góp phần khuyến khích người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến.

Cùng với đó, các cơ quan, đơn vị Nhà nước tăng cường sử dụng có hiệu quả Hệ thống quản lý văn bản đi/đến và điều hành của tỉnh, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Từ năm 2021 đến nay, có hơn 4 triệu văn bản điện tử được trao đổi giữa các đơn vị trên hệ thống, ước tính tiết kiệm khoảng hơn 15 tỷ đồng…

Nhiều người dân Thái Nguyên đã thường xuyên sử dụng thanh toán không dùng tiền mặt trong đời sống.

Về lĩnh vực kinh tế số, các hoạt động thương mại điện tử diễn ra sôi động và phát triển nhanh trong nhiều lĩnh vực. Thái Nguyên đã đẩy mạnh việc thanh toán không dùng tiền mặt. Đến nay, toàn tỉnh có 107 chợ thực hiện mô hình thanh toán không dùng tiền mặt.

Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp, hộ kinh doanh đã đổi mới công nghệ, áp dụng hệ thống quản lý chất lượng, bán hàng, cung cấp sản phẩm, dịch vụ trên các nền tảng số. Toàn tỉnh hiện có 324 doanh nghiệp công nghệ số, tổng doanh thu kinh tế số trên địa bàn năm 2022 đạt trên 833 nghìn tỷ đồng (tương đương 35 tỷ USD).

Sàn giao dịch thương mại điện tử của tỉnh tại địa chỉ hiện đang quảng bá, giới thiệu 2.600 sản phẩm; trên 68.000 tài khoản kinh doanh trực tuyến được kích hoạt... Ngoài ra, 100% các cơ sở giáo dục, cơ sở khám, chữa bệnh, bệnh viện, trung tâm y tế cấp huyện thực hiện thanh toán học phí, viện phí không dùng tiền mặt.

Về xã hội số, Thái Nguyên đã triển khai nền tảng xã hội số Thái Nguyên ID, hỗ trợ công dân tiếp cận đầy đủ các dịch vụ số phục vụ cuộc sống, như dịch vụ công trực tuyến, dịch vụ việc làm, dịch vụ nhà ở… Tỉnh cũng thành lập 2.255 tổ công nghệ số cộng đồng hỗ trợ người dân tham gia CĐS; xây dựng Hệ thống du lịch thông minh; số hóa 16 điểm di tích tại Khu di tích lịch sử ATK Định Hóa…

Đến thời điểm này, từ cấp tỉnh đến các địa phương, người dân nơi đâu cũng nói về việc CĐS. Hiệu quả bước đầu từ công cuộc CĐS đã đáp ứng được nhiều nhu cầu tiện ích của người dân. Các doanh nghiệp sử dụng các nền tảng số để phục vụ sản xuất - kinh doanh đạt hiệu quả cao.

Đồng chí Đỗ Xuân Hòa, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông, cho biết: CĐS là hành trình có ngày khởi đầu nhưng không có ngày kết thúc. Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả các kế hoạch, nhiệm vụ CĐS; tiếp tục hoàn thiện hệ thống Cơ sở dữ liệu chuyên ngành của tỉnh kết nối với hệ thống của Trung ương, phục vụ tốt hơn nữa mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời, Ngành sẽ có những giải pháp bổ sung trang thiết bị, hệ thống phần mềm bảo đảm hoạt động an toàn, đáp ứng yêu cầu của Trung tâm Dữ liệu tỉnh Thái Nguyên; đẩy mạnh triển khai các nền tảng xã hội số bảo đảm tiện ích, an toàn và thông minh…

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/xa-hoi/202310/dau-an-cua-thai-nguyen-trong-chuyen-doi-so-bf02176/