Dấu ấn cải cách hành chính ngành công thương

Theo kết quả mới công bố, năm 2023, Sở Công Thương đã xuất sắc khi vươn lên đứng đầu bảng xếp hạng Chỉ số cải cách hành chính (CCHC) khối ban, sở, ngành cấp tỉnh với 92,83 điểm. Đây là sự ghi nhận xứng đáng cho những nỗ lực cố gắng của sở trong thực hiện nhiệm vụ CCHC, đồng thời là động lực to lớn để đơn vị phấn đấu giữ vững vị trí số 1 trên bảng xếp hạng trong những năm tiếp theo.

Công chức Sở Công Thương tiếp nhận hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính của công dân tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh.

Năm 2022, Sở Công Thương xếp thứ 2 trên bảng xếp hạng Chỉ số CCHC, đứng sau Sở Giao thông - Vận tải và nằm trong nhóm vị trí xuất sắc. Năm 2023, với quyết tâm mạnh mẽ, sở đã vươn lên vị trí đầu bảng. Để đạt được kết quả này, Sở Công Thương đã thực hiện đồng bộ, toàn diện cả 6 nhiệm vụ CCHC, trong đó đặc biệt coi trọng vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu và ý thức chấp hành kỷ luật, kỷ cương hành chính, thái độ phục vụ Nhân dân của đội ngũ cán bộ, công chức các phòng chuyên môn. Công tác kiểm tra CCHC cũng được sở duy trì thường xuyên gắn với kiểm tra, đánh giá các nhiệm vụ thuộc phạm vi quản lý Nhà nước của ngành công thương đã phân cấp cho UBND cấp huyện. Qua đó, xác định rõ trách nhiệm của lãnh đạo các phòng chuyên môn, cán bộ, công chức trong giải quyết thủ tục hành chính (TTHC). Công tác tuyên truyền cũng được sở chú trọng nhằm nâng cao sự hiểu biết của tổ chức, cá nhân về những thông tin liên quan đến CCHC, nhất là các thông tin về TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của sở; khuyến khích tổ chức, công dân tích cực góp ý, tham gia giám sát đội ngũ công chức, viên chức trong quá trình thực thi công vụ.

Để thúc đẩy sử dụng dịch vụ công trực tuyến theo chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh, Sở Công Thương đã ban hành Kế hoạch số 147/KH-SCT ngày 8/2/2023 về nâng cao tỷ lệ hồ sơ nộp, xử lý hồ sơ trực tuyến toàn trình. Sở Công Thương có 81 TTHC thực hiện dịch vụ công trực tuyến toàn trình, 63 TTHC thực hiện dịch vụ công trực tuyến một phần và 2 TTHC thực hiện mức độ 2. Anh Trần Việt Cường, chuyên viên Sở Công Thương làm việc tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh cho biết: 98,63% TTHC của sở đã được đưa lên thực hiện dịch vụ công trực tuyến. Chỉ có 2 thủ tục là thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng/điều chỉnh báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng; thẩm định thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở/điều chỉnh thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở là tiếp nhận trực tiếp tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh. Tuy nhiên, 2 thủ tục này rất ít tổ chức, công dân thực hiện. Vì thế, trong tổng số 28.549 hồ sơ đã tiếp nhận năm 2023, số hồ sơ tiếp nhận, giải quyết trực tuyến toàn trình và trực tuyến một phần của Sở Công Thương là 28.421 hồ sơ, chiếm 99,72%. Đặc biệt, với nhiều giải pháp được triển khai đồng bộ, năm 2023, tỷ lệ hồ sơ giải quyết đúng hạn và trước hạn của Sở Công Thương đạt 100%, không có hồ sơ giải quyết quá hạn.

Thực hiện Kế hoạch kiểm soát TTHC của UBND tỉnh, Sở Công Thương thường xuyên rà soát, đánh giá các TTHC. Qua rà soát, kiến nghị của sở, nhiều TTHC đã được UBND tỉnh thông qua phương án đơn giản hóa như: TTHC lĩnh vực điện, TTHC lĩnh vực thương mại quốc tế, TTHC nội bộ trong lĩnh vực thương mại thuộc phạm vi quản lý của tỉnh Thanh Hóa... Trong năm 2023, Sở Công Thương cũng đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành 4 quyết định, công bố 3 TTHC mới ban hành trong lĩnh vực hóa chất; 26 TTHC sửa đổi, bổ sung lĩnh vực hóa chất, quản lý cạnh tranh, an toàn đập, hồ chứa thủy điện và lĩnh vực điện; 2 TTHC bị bãi bỏ trong lĩnh vực điện thuộc thẩm quyền giải quyết của sở. Sau khi UBND tỉnh công bố danh mục TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết, Sở Công Thương đã niêm yết công khai bằng bảng giấy tại bộ phận tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết TTHC, trên Trang thông tin điện tử của sở và phần mềm hành chính công của tỉnh trên cơ sở tích hợp với Cơ sở dữ liệu quốc gia về TTHC.

Ứng dụng công nghệ thông tin được Sở Công Thương đẩy mạnh đã hỗ trợ tích cực trong việc giám sát chặt chẽ quá trình giải quyết công việc của các phòng chuyên môn và theo dõi việc chấp hành kỷ cương, kỷ luật hành chính của cán bộ, công chức. Sở đã nâng cấp lại toàn bộ hạ tầng công nghệ thông tin, bảo đảm việc ứng dụng và khai thác được thuận tiện. Việc sử dụng thành thạo phần mềm TDOffice đã giúp cho công tác quản lý hồ sơ, quản lý công việc hằng ngày của chuyên viên được chuyên nghiệp và khoa học hơn, thuận tiện cho việc tìm kiếm hồ sơ và tài liệu khi cần. 100% cán bộ, công chức của sở được cấp tài khoản công vụ và email điện tử. Vì vậy việc chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo và thực hiện nhiệm vụ của các phòng chuyên môn, các đơn vị trực thuộc sở đều được thực hiện trên môi trường mạng, tiết kiệm và giảm tải được một lượng lớn văn bản bằng giấy. 100% cán bộ, công chức cơ quan sở và lãnh đạo các đơn vị trực thuộc sở đã được cấp chứng thư số của Ban Cơ yếu Chính phủ để thực hiện ký số văn bản điện tử. Vì vậy, tỷ lệ văn bản trao đổi hoàn toàn dưới dạng điện tử giữa các phòng chuyên môn, đơn vị trực thuộc sở đạt 100%.

Không chỉ đứng ở vị trí xuất sắc trên bảng xếp hạng Chỉ số CCHC, 2 năm liên tiếp (2021 và 2022), Sở Công Thương còn giữ vững vị trí số một trên bảng xếp hạng Chỉ số DDCI khối ban, sở, ngành cấp tỉnh. Năm 2023 chưa công bố Chỉ số DDCI, nhưng với sự quyết liệt trong công tác chỉ đạo, điều hành cùng những nỗ lực trong tổ chức thực hiện, tin tưởng rằng Sở Công Thương vẫn giữ vững vị trí tốp đầu trên bảng xếp hạng.

Bài và ảnh: Thu Vui

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/dau-an-cai-cach-hanh-chinh-nganh-cong-thuong-214046.htm