Đào tạo công dân số từ học sinh tiểu học

TP HCM đang thực hiện thí điểm chương trình giáo dục kỹ năng công dân số cho học sinh tại 44 trường tiểu học, bắt đầu triển khai từ học kỳ II năm học 2023-2024

Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Nguyễn Bảo Quốc, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP HCM, cho biết chương trình nhằm giáo dục cho học sinh tư duy khoa học máy tính, giải quyết những vấn đề cuộc sống và hoạt động một cách an toàn, hiệu quả trong thế giới số.

. Phóng viên: Tại sao TP HCM thực hiện chương trình này, thưa ông?

Ông NGUYỄN BẢO QUỐC

- Ông NGUYỄN BẢO QUỐC: Thực hiện Quyết định 131/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ - phê duyệt Đề án "Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) và chuyển đổi số trong GD-ĐT giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030", TP HCM triển khai chương trình này nhằm đổi mới mạnh mẽ phương thức tổ chức giáo dục, đưa dạy và học trên môi trường số trở thành hoạt động giáo dục thiết yếu, hằng ngày đối với mỗi nhà giáo, mỗi người học. Đồng thời, đổi mới mạnh mẽ phương thức quản lý, điều hành dựa trên công nghệ và dữ liệu; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và chất lượng cung cấp dịch vụ hỗ trợ của nhà nước cũng như các cơ sở giáo dục.

Mục tiêu của chương trình là đến năm 2025, 50% học sinh và mỗi nhà giáo có đủ điều kiện (phương tiện, đường truyền, phần mềm) tham gia hiệu quả các hoạt động dạy và học trực tuyến. Đến năm 2030, đưa tất cả thành tố của hệ thống giáo dục quốc dân vào môi trường số.

. Nội dung giáo dục kỹ năng công dân số (CDS) sẽ được thực hiện ra sao? Học sinh sẽ được học những gì? Tại sao bắt đầu từ độ tuổi tiểu học?

- Trong Chương trình Giáo dục phổ thông (GDPT) 2018, tin học là môn chủ đạo nhưng không phải môn học duy nhất hình thành và phát triển năng lực tin học cũng như thực hiện giáo dục kỹ năng CDS cho học sinh. Hầu hết môn học thuộc Chương trình GDPT 2018 đều hàm chứa nội dung, cơ hội hình thành, phát triển năng lực tin học nói riêng và thực hiện giáo dục kỹ năng CDS nói chung cho học sinh.

Giáo dục kỹ năng CDS được tích hợp trong việc dạy các môn ở cấp tiểu học, chú trọng hình thức tích hợp nội môn, liên môn. Việc thiết kế, tổ chức dạy học bài học tích hợp nội dung giáo dục kỹ năng CDS có thể sử dụng hình thức STEM, bảo đảm theo một trong hai tiến trình thiết kế kỹ thuật hoặc nghiên cứu khoa học.

Học sinh sẽ được học các nội dung theo khung năng lực số phổ thông (đề tài nghiên cứu của Bộ GD-ĐT, Viện Khoa học giáo dục Việt Nam phối hợp với UNICEF năm 2022). Với cấp tiểu học, khung năng lực số mô tả chi tiết mức độ đạt được của 7 miền năng lực và 26 năng lực thành phần, gồm: Sử dụng thiết bị kỹ thuật số, kỹ năng về thông tin và dữ liệu, giao tiếp và hợp tác, sáng tạo sản phẩm số, an toàn kỹ thuật số, giải quyết vấn đề, năng lực định hướng nghề nghiệp liên quan...

Xu hướng giáo dục kỹ năng CDS cho học sinh tiểu học đang ngày càng phổ biến trên thế giới. Đây là xu hướng giáo dục tập trung giúp học sinh có thể tư duy khoa học máy tính, giải quyết vấn đề cuộc sống và hoạt động một cách an toàn, hiệu quả trong thế giới số.

Một tiết giáo dục kỹ năng công dân số cho học sinh tiểu học tại TP HCM. Ảnh: THIÊN PHÚC

. Ông đánh giá thế nào về tầm quan trọng của kỹ năng CDS?

- Việc giáo dục kỹ năng CDS cho học sinh tiểu học có tầm quan trọng đặc biệt. Bởi lẽ, các em đang ở độ tuổi bắt đầu khám phá, sử dụng CNTT và truyền thông.

Khi có được các kỹ năng cơ bản về sử dụng CNTT và truyền thông một cách an toàn, đúng cách, học sinh có thể tránh được những rủi ro, nguy hiểm trên môi trường trực tuyến; giúp các em phát triển tư duy đa chiều và phát triển kỹ năng số. Điều này sẽ giúp học sinh hình thành kỹ năng sáng tạo và tư duy đa chiều cần thiết trong thế giới số, bảo đảm an toàn, đúng cách khi sử dụng CNTT và truyền thông.

. Để giảng dạy kỹ năng CDS, giáo viên và trường học cần phải đáp ứng những tiêu chí gì?

- Đối với nhà trường, nội dung giáo dục kỹ năng CDS phải được lựa chọn sao cho phù hợp điều kiện thực tế của cơ sở giáo dục (đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất, thiết bị dạy học). Mỗi yêu cầu cần đạt đều được mô tả trong khung năng lực số cho các độ tuổi (lớp) với nhiều nội dung có thể đáp ứng. Do đó, khi lựa chọn nội dung dạy học, phải căn cứ vào điều kiện thực tiễn, cụ thể của cơ sở giáo dục.

Phương pháp, hình thức tổ chức giáo dục kỹ năng CDS phải bảo đảm khả thi, phù hợp với kế hoạch của nhà trường trong việc thực hiện Chương trình GDPT 2018. Hoạt động dạy học cũng cần phải được thiết kế phù hợp với độ tuổi của học sinh, giúp các em hiểu được những khái niệm phức tạp và đạt được mục tiêu giáo dục.

Đối với giáo viên, cần có khả năng thiết kế các hoạt động giáo dục kỹ năng CDS theo khung năng lực số dành cho cấp tiểu học. Giáo viên cần phải phối hợp, vận dụng các phương pháp và hình thức tổ chức dạy học một cách linh hoạt, sáng tạo, phù hợp với mục tiêu, nội dung giáo dục, đối tượng học sinh và điều kiện cụ thể nhằm đạt hiệu quả cao trong dạy học liên môn cũng như theo Chương trình GDPT 2018.

Tạo nền tảng cho công dân trẻ phát triển

Theo Hội đồng châu Âu, kỹ năng CDS "xác định cách thức hành động và tương tác trực tuyến, bao gồm các giá trị, thái độ, kỹ năng, kiến thức, sự hiểu biết cần thiết để điều hướng một cách có trách nhiệm trong thế giới kỹ thuật số và định hình công nghệ nhằm đáp ứng nhu cầu của cuộc sống, thay vì bị công nghệ định hình".

Chương trình Giáo dục công dân kỹ thuật số (DCE) của Hội đồng châu Âu được thiết kế với mục tiêu cung cấp cho công dân trẻ cơ hội sáng tạo, phát triển những giá trị, thái độ, kỹ năng và kiến thức cần thiết để có thể tham gia đầy đủ, có trách nhiệm trong môi trường số.

Cô LÊ HUỲNH DIỄM THÚY, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Trung Ngạn (quận 8, TP HCM):

Chương trình giáo dục hay và ý nghĩa

Giáo dục kỹ năng CDS được thực hiện theo hình thức tích hợp, ứng dụng công nghệ số, phần mềm vào việc giảng dạy ở các môn học, do chính thầy cô trong trường đảm nhận. Đây là một chương trình giáo dục hay và ý nghĩa.

Ở độ tuổi học sinh tiểu học, được giáo dục kỹ năng CDS một cách bài bản sẽ giúp các em tránh được những nguy hiểm trong thế giới trực tuyến.

Chị HOÀNG MAI HƯƠNG, phụ huynh học sinh Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm (quận 1, TP HCM):

Cần thực hiện bài bản, khoa học, thực chất

Một trong những nguyên nhân của tình trạng bạo lực học đường xuất phát từ việc học sinh chưa được giáo dục đến nơi đến chốn về cách giao tiếp, tương tác trên không gian số. Nhiều trẻ thiếu kỹ năng sử dụng CNTT, mạng xã hội, chưa biết thể hiện đúng cách nên ứng xử thiếu văn minh, vô tình cổ xúy hoặc bị lôi kéo vào những trào lưu lệch lạc, độc hại. Thế nhưng, cấm tuyệt đối trẻ tiếp xúc mạng xã hội là điều không thể và đi ngược với sự phát triển của giáo dục.

Do vậy, vấn đề đặt ra là việc giáo dục kỹ năng CDS cho học sinh cần phải được thực hiện một cách bài bản, khoa học và thực chất. Nếu thực hiện tốt việc này, trẻ có kỹ năng sử dụng CNTT, phương tiện truyền thông một cách an toàn thì sẽ giúp ích rất nhiều trong quá trình học tập, tìm kiếm tri thức, phát triển tư duy. Tôi kỳ vọng đến lúc nào đó, phụ huynh sẽ không còn phải luôn ở bên cạnh hoặc dùng camera giám sát trẻ đang làm gì với chiếc điện thoại, máy tính.

Đặng Trinh (thực hiện)

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/dao-tao-cong-dan-so-tu-hoc-sinh-tieu-hoc-19624051221052627.htm